Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015
“Đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân”
VNTB - “Đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân”
Việt Nam hiện nay có bệnh tật không? Có? Chẳng những thế mà ngày một trầm trọng hơn qua câu nói đầy mỉa mai mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thuật lại trong hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc được tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng: "Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển!"
Đinh Liên (VNTB) Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 là gì? Mới đây, GS.NGND Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong bài phỏng vấn Dân Trí đã cho biết, đó là "đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân và vì dân", và theo đó, bài học lớn nhất của là "sự thay đổi bản chất nhà nước", không phải là đè đầu cưỡi cổ người dân như thời kỳ phong kiến, mà phục vụ người dân như một đầy tớ thực sự.
Đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài thời kỳ cách mạng tháng 8, thể hiện qua việc "đảng viên chưa có nhiều, những người ngoài đảng rất đông [...] sẵn sàng làm mọi việc giúp ích cho đất nước."
GS Lê Mậu Hãn cho rằng, việc xây dựng chế độ mới là "không dễ dàng", vì thế "dũng cảm, luôn luôn suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ, không thể vội vàng." Ông nhấn mạnh, "Cụ Hồ học kinh nghiệm của Mỹ, nên mới nói rằng nhà nước là đầy tớ của dân, nếu đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân."
Rõ ràng, điều mà GS.NGND Lê Mậu Hãn nói ra không phải là mới, nhưng cần thiết cho chính chế độ, bởi từ năm 1975 đến nay, chính quyền "của dân, do dân, vì dân" chưa phục vụ người dân tốt như một "đầy tớ" - ngôn từ trong tuyên truyền. Nghĩa là "bản chất nhà nước" vẫn chưa có sự thay đổi, mà ngược lại, nó là phiên bản nâng cấp của chế độ phong kiến, với sự độc quyền cai trị và thắt chặt cai trị người dân, sử dụng nguồn lực con người, tài nguyên để phục vụ nhóm người mang tên "nhóm lợi ích, chủ nghĩa tư bản thân hữu" nằm cùng một tổ chức Đảng - đang - độc tôn - chính trị. Thế mới có chuyện, mọi văn bản - tổ chức đều luôn tìm cách gắn liền chữ "Dân" nhưng bản chất và sự phục vụ lại gắn liền chữ "Đảng" - một sự trục lợi vĩ đại.
Cũng bởi, chính quyền đã không thực sự biết "lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ", chỉ biết giá trị của một cuộc cách mạng là "tự bảo vệ" qua việc xây dựng lực lượng vũ trang (thanh gương và lá chắn), gồm công an và quân đội, chứ không đến từ xây dựng nền dân chủ cho người dân qua giá tri "dân làm chủ". Nên lực lượng đảng viên dù lên đến 4 triệu người nhưng thành phần mong giúp nước thì ít, thành phần cơ hội - "thoái hóa biến chất" thì nhiều, người ngoài đảng góp ý thì bị gắn mác "phản động, lợi dụng tự do dân chủ". Dân thì phiêu tán vì nạn thuế phí, quan quân rung đùi vị lợi - vị thân thể chế nên xã hội thì bất an bên ngoài với "trộm cướp, thảm sát", bên trong với quốc nạn tham nhũng. Việt Nam vì thế vốn đã nhỏ, nay thế nước càng yếu.
Bởi đầy tớ đã trở thành "ông chủ của nhân dân" trong thực tế cuộc sống, trên - trong mọi lĩnh vực, khiến thế nước dựa trên "ý quan". Nên độc giả Lê Tuấn Anh khi phản hồi về bài báo, thẳng thắn mỉa mai: "Theo mình nên bỏ hai chữ "Đầy tớ" đi, vì nghe nó không đúng thực tế. Hãy thay bằng chữ "Quan hoặc Lãnh đạo hoặc Cán bộ" gì đó cho nó đúng thực tế với cái nội hàm của nó chứ cứ mãi dùng từ này nghe không hợp thời nay rồi."
Nguyễn Tường Tộ, nhà canh tân vào thế kỷ XIX đã đưa ra nguyên lý cơ bản của một nhà nước là: Quốc dân nhất thể, Thượng hạ tình thông và Quân chủ thần quyền. Trong đó, “Quốc dân nhất thể” là tương sinh giữa dân và chính quyền, muốn "dựa vào nhau hay không đều do mình quyết định", và nếu "ủng trệ, không lưu thông" thì sẽ sinh ra bệnh tật.
Việt Nam hiện nay có bệnh tật không? Có? Chẳng những thế mà ngày một trầm trọng hơn qua câu nói đầy mỉa mai mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thuật lại trong hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc được tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng: "Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển!"
Thắng lợi cách mạng tháng 8 với câu nói khai sinh "học kinh nghiệm" từ Mỹ quốc - "của dân, do dân, vì dân" đã không được kế thừa và phát triển. Do đó, thay vì nói đi nói lại về giá trị thắng lợi của cách mạng tháng 8 để "tự hào", thì hãy dành thời gian nghĩ về phương pháp thực hiện các "giá trị" của cuộc cách mạng, trong đó có việc thực hiện "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" trên thực tế qua việc học cách "biết lăng nghe ý kiến góp ý của dân" mà không chụp mũ Điều 258, 79, 88 để đất nước... chịu phát triển - đó hẳn là một sự "tự hào" ý nghĩa hơn rất nhiều.
Tin liên quan: “Xây dựng xã hội mới không dễ dàng nên đã bộc lộ nhiều cái sai lầm. Vậy thì phải dũng cảm, luôn luôn suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ. Người lãnh đạo phải quan sát thật kỹ lưỡng, khoa học trong việc làm, nghệ thuật trong tập hợp được đội ngũ trí thức, tập hợp mọi người có quyền lợi chính trị, dân chủ vào xây dựng đất nước”.
Trao đổi với PV Dân trí, GS.NGND Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Nói tới thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 là nói tới bước ngoặt lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do của thời đại Hồ Chí Minh. Một dân tộc đầu tiên trên thế giới lúc bấy giờ thành lập được Nhà nước độc lập tự do theo thể chế dân chủ cộng hòa”.
Theo GS. Lê Mậu Hãn, 70 năm đã qua nhưng nhiều bài học lịch sử của Cách mạng Tháng 8/1945 cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. “Để có cuộc khởi nghĩa ấy, chúng ta đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó rất lâu. Khi tình hình khẩn cấp thì lập tức triệu tập hội nghị của Đảng họp từ ngày 15/8/1945 và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc để làm chủ đón quân đồng minh vào... “- ông Hãn nói.
Hàng loạt công việc đã được triển khai gấp rút. “Đại biểu các giới họp hôm 16/8/1945 nhất trí chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, quyết định chủ trương cụ thể, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Như vậy Quốc dân đại hội có giá trị lịch sử như một tiền Quốc hội và Ủy ban Dân tộc giải phóng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam và kết thúc khởi nghĩa, hoàn thành thắng lợi để đưa đến sự kiện ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng 8/1945 là cuộc khởi nghĩa diễn ra trong toàn dân, một cuộc khởi nghĩa dân tộc với mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc giành tự do. Cuộc khởi nghĩa dân tộc ấy thành công là nhờ chủ trương của Đảng dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh hay là tư tưởng độc lập tự do của Hồ Chí Minh”- GS. Lê Mậu Hãn khẳng định.
GS. Lê Mậu Hãn cho rằng nghệ thuật quân sự nắm bắt thời cơ để vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 đến hôm nay vẫn còn nguyên tính giá trị thời sự. “Nghệ thuật đó là quá trình tổ chức dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh. Dân mình có truyền thống đã được nhiều nhà sử học đúc rút, mà như Cụ Hồ đã nói đại ý rằng dân tộc ta phải đương đầu với biết bao nhiêu cuộc kháng chiến, từ thời Hai Bà Trưng, nhưng đều giành được thắng lợi cuối cùng, nhân dân giữ được độc lập tự do, không phải bằng quân đông, tướng nhiều mà đó là ý chí của khát vọng độc lập, tự do. Tư tưởng của Hồ Chí Minh trên nền tảng tư tưởng dân tộc phát triển đất nước là một giá trị lớn, mang tầm vóc học thuyết dân tộc độc lập tự do, phát triển xã hội công bằng dân chủ văn minh”- GS. sử học Lê Mậu Hãn phân tích.
GS. Lê Mậu Hãn đặc biệt tâm đắc tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc bấy giờ đảng viên chưa có nhiều, những người ngoài đảng rất đông, nhưng hầu hết trí thức đã đứng dưới lá cờ của Hồ Chí Minh, sẵn sàng làm mọi việc giúp ích cho đất nước. Những trí thức phong kiến như như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn… đến những trí thức “Tây học” như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài cũng đã trở về góp sức xây dựng đất nước.
Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân và vì dân. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1/1946 và sau đó là thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, chính là bước đi có tính chiến lược, tài ba của Bác. Bài học lớn trong xây dựng nhà nước của cuộc Cách mạng tháng Tám là sự thay đổi bản chất nhà nước, nói như Bác là Nhà nước ấy không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như chế độ thực dân phong kiến, mà bộ máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân.
“Xây dựng xã hội mới không dễ dàng nên đã bộc lộ nhiều cái sai lầm. Vậy thì phải dũng cảm, luôn luôn suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ, không thể vội vàng. Người lãnh đạo phải quan sát thật kỹ lưỡng, khoa học trong việc làm, nghệ thuật trong tập hợp được đội ngũ trí thức, tập hợp mọi người tham gia và có quyền lợi chính trị, dân chủ vào xây dựng đất nước. Làm thế nào cũng phải vì lợi ích cao cả của dân. Cụ Hồ học kinh nghiệm của Mỹ, nên mới nói rằng nhà nước là đầy tớ của dân, nếu đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân” - GS. Lê Mậu Hãn chia sẻ.
Theo Dân Trí
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét