Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Viết thêm để khỏi nhầm về Nguyễn Văn Linh


Nguyễn Đình Cống - Viết thêm để khỏi nhầm về Nguyễn Văn Linh

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Sáu, ngày 03 tháng 7 năm 2015 | 3.7.15





Mấy hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, báo chí lề phải hết lời ca ngợi ông, còn báo chí lề trái có ý muốn nhắc nhở: “Ông Linh có công với Đảng nhưng đối với dân tộc thì còn chờ phán xét của lịch sử”. Tôi xin góp một tiếng nói vào sự phán xét ấy.


Công lao thực sự của đổi mới kinh tế, đặc biệt là về nông nghiệp thuộc về ai?


Nhớ lại, hồi những năm 1984-86, vì kiên trì đường lối XHCN mà nền kinh tế VN rơi xuống tận đáy cảnh bần cùng. Nhờ sự đổi mới từ ĐH VI của Đảng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà toàn dân thoát khỏi cảnh “đói triền miên” và có gạo xuất cảng. Người ta quy công ấy cho ông Linh, nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) mà đạt được.


Tôi mong ước những nhà sử học trung thực nghiên cứu kỹ giai đoạn này để xem công lao thực sự của đổi mới kinh tế, đặc biệt là về nông nghiệp thuộc về ai. Theo tôi trước hết phải kể đến ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, ông Đoàn Duy Thành ở Hải phòng, và người có tác dụng quyết định là tổng bí thư Trường Chinh (sau khi TBT Lê Duẩn mất). Ông Trường Chinh, ban đầu vì ý thức hệ mà phản đối Kim Ngọc nhưng rồi ông đã thấy được sự thật, đã dũng cảm chấp nhận sự thật để phủ định mình trước đó, để chỉ đạo ĐH VI tiến hành đổi mới về kinh tế. Đáng ra tại ĐH VI, người xứng đáng được bầu làm Tổng bí thư phải là ông Trường Chinh, nhưng vì một lý do nào đó trong quan hệ mà các ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh không tiếp tục làm lãnh đạo mà chỉ làm cố vấn. Trong hoàn cảnh như thế ông Linh được lựa chọn để thực thi quan điểm đổi mới của ĐH. Người ta giải thích đổi mới là một sự vận dụng sáng tạo CNML. Tôi cho đó là sự ngụy biện nguy hiểm vì thực chất của đổi mới kinh tế là làm ngược lại, là phủ định CNML chứ chẳng sáng tạo ở chỗ nào cả.


Xoá sổ Đảng xã hội và Đảng Dân chủ


Báo chí lề trái nhận xét ông Linh là người bảo thủ hạng nặng, đặc biệt trong việc kiên trì đường lối chính trị của CNML, kiên trì sự chuyên chính của ĐCS, trong việc triệt để chống đa nguyên đa đảng. Về vấn đề kiên trì bảo vệ CNML thì bài phát biểu của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có những lời lẽ hùng hồn nhất, mạnh mẽ nhất. Có lẽ ông Trọng rất tâm đắc với ông Linh trong chuyện này, đến mức “ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Có ý kiến cho rằng bảo vệ CNML là có công với Đảng, có tội đối với dân tộc. Tôi tán thành vế thứ hai, còn có công với Đảng thì cũng chưa chắc, việc này còn chờ lịch sử phán xét.


Để tăng thêm uy tín cho ông Linh, người ta nhận xét ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không biết lúc còn sống ông Linh có tự nhận vai “ học trò” ấy không, nhưng trong việc làm thì ông đã đi ngược với “ thầy”. Trong một thời gian dài ở VN có thêm 2 đảng chính trị. Đảng Xã hội đại diện cho trí thức, đảng Dân chủ đại diện cho công thương gia. Hai đảng đó do Hồ Chí Minh khai sinh và do Nguyễn Văn Linh xóa sổ. Dân Việt nam có tục lệ gieo hai đồng tiền (xin keo) để hỏi ý kiến thần linh hoặc người đã khuất. Chắc rằng ông Linh đã không gieo 2 đồng tiền để hỏi “Thầy Hồ Chí Minh” việc trên mà tự ý quyết định để tỏ rõ ý chí sắt đá của mình.


Ký kết gì ở Thành Đô 1990?


Việc ông Linh cầm đầu phái đoàn gồm có ông Phạm Văn Đồng và ông Đỗ Mười sang ký kết với lãnh đạo Đảng CS Trung quốc tại Thành đô năm 1990 cần được bạch hóa cho toàn Đảng toàn dân biết, việc này chưa thấy có báo lề phải nào đề cập đến. Riêng việc ông xử lý vụ Trung tướng Trần Độ về đường lối đổi mới văn hóa, văn nghệ và UV BCT Trần Xuân Bách về đổi mới thể chế chính trị thì đã tương đối rõ ràng. Được biết thời gian đầu ông Độ và ông Bách đều được tổng bí thư khuyến khích nhưng sau đó cả 2 ông đều bị quy kết là những tên phản động nguy hiểm, bị trừng trị đích đáng.


Con người ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Khi làm tang lễ hoặc khi kỷ niệm (100 năm ngày sinh chẳng hạn) người ta chỉ hay nhắc tới ưu điểm và công lao. Đó là lẽ thường tình. Nhưng để đánh giá một con người, hơn nữa con người ấy gắn với vận mệnh dân tộc trong một giai đoạn nào đó thì phải đánh giá toàn diện, tránh chỉ kể một chiều, gây ra nhầm lẫn cho số đông.


Nguyễn Đình Cống
Tác giả gửi BVN


(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét