Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Việt Nam: Tự do cho báo chí !


Việt Nam: Tự do cho báo chí !

Đề dẫn Hội thảo “Việt Nam: Tự do cho báo chí” của nhà báo Phạm Chí Dũng - Hội Nhà báo độc lập VN




Nhân sự kiện kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Hội Nhà báo độc lập VN - IJAVN (4/7/2014 – 4/7/2015), IJAVN đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Việt Nam: Tự do cho báo chí” tại Chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn.


Tự do cho báo chí, không phân biệt báo chí nhà nước hay phi nhà nước, là yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Hội thảo gióng lên tiếng nói lương tâm và trách nhiệm cho các nhà báo, cùng tinh thần vận động quốc tế về dân chủ và nhân quyền cho báo chí trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông và xu thế xoay trục của Hoa Kỳ về châu Á - Thái Bình Dương.


* Thực trạng báo chí VN:


- Điều 25 Hiến pháp 2013 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên trong thực tế, quyền được thông tin của báo chí phụ thuộc vào Ban tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an và công an các tỉnh thành về định hướng tư tưởng và tuyên truyền; theo dõi báo chí và nhà báo; xử phạt báo chí vi phạm những nội dung “nhạy cảm”, cố ý che giấu, đặc biệt thực trạng xã hội, kinh tế, đảng viên, tham nhũng, nhân quyền, tù nhân chính trị…


Mọi cơ quan truyền thông đều chịu sự lãnh đạo của chi bộ đảng hoặc đảng uỷ của cơ quan đó. Tổng biên tập báo, giám đốc kênh truyền hình hoặc giám đốc đài phát thành phải nằm trong cấp uỷ.


Tự do sáng tác về báo chí và văn học nhưng không tự do xuất bản. Phần lớn bản thảo tâm huyết của phóng viên và cộng tác viên bị cắt xén hoặc không được đăng tải.


Trong khi đó, báo chí nhà nước vẫn giữ im lặng bởi thói quen trì trệ, tâm lý bảo thủ và sợ hãi.


- Hạn chế quyền được giữ kín nguồn tin của nhà báo: Bộ Công an từng đề nghị báo chí phải tiết lộ nguồn tin cho cơ quan điều tra.


- Hạn chế thông tin trên Internet: Thiết lập bức tường lửa, nghị định 72 về cản trở thông tin đối với các trang mạng tổng hợp.


- Hạn chế quyền được cung cấp thông tin của báo chí: từ sau Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) 1982 vẫn chưa có Luật tiếp cận thông tin.


- Bị cản trở quyền tự do khi tác nghiệp: một số nhà báo bị bạo hành khi tác nghiệp nhưng vụ việc không được xử lý nghiêm


- Hình sự hóa: Những nhà báo, blogger và người bất đồng chính kiến bị bắt bởi các điều luật Bộ luật hình sự: 87 (phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 79 (âm mưu lật đổ chính quyền), 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ). Khoảng 18 nhà báo bị tù giam (theo CPJ), 35 blogger bị tù giam (theo RSF).


Vụ khởi tố hình sự nhà báo Kim Quốc Hoa của báo Người Cao Tuổi vào đầu năm 2015 là một điển hình.


- Vai trò hoàn toàn mờ nhạt của Hội nhà báo VN: không những không bảo vệ nhà báo mà còn a dua với cơ quan chức năng để quy chụp nhà báo về thái độ và hành vi chính trị.


- Tuyên truyền và phản tuyên truyền của báo đảng: Đảng thường sử dụng báo đảng để tấn công các blogger bất đồng chính kiến và những người bảo vệ họ ở Việt Nam và hải ngoại. Cùng lúc, lực lượng an ninh tìm cách nhận diện, đe dọa những người ký tên và đăng bản kiến nghị trên mạng.


* Yêu cầu tự do báo chí:


Chính quyền VN:


- Ban Tuyên giáo trung ương hủy bỏ cơ chế định hướng, can thiệp về tư tưởng và nội dung đối với báo chí.


- Đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các blogger, nhà báo tự do và các nhà bất đồng chính kiến, những người đã bị giam giữ vì đã đăng tải những tin tức và chính kiến trên mạng; hủy bỏ các hành động sách nhiễu và côn đồ đối với giới nhà báo và blogger.


- Chấm dứt việc chặn các trang web độc lập và blog.


- Chấm dứt theo dõi Internet cũng như các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, và chấm dứt việc truy tìm tác giả ẩn danh của những thông tin trên mạng.


- Chấm dứt việc áp dụng những điều 79, 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự - là những điều hạn chế tranh luận công khai về đa nguyên, đa đảng cũng như hạn chế phản biện đối với chính phủ.


- Mở những phiên tòa công bằng đối với nhà báo, blogger và nhà bất đồng chính kiến bị kết tội vi phạm những điều trên. Điều này còn bao gồm việc cho phép họ phát biểu và tự bào chữa trong phiên tòa.


- Cho phép người bị tình nghi được gặp luật sư một cách hoàn toàn riêng tư trong quá trình điều tra của cảnh sát, qua đó họ có thể chuẩn bị việc bào chữa của mình, và cho phép tất cả chứng cứ được trình bày tại toà.


- Điều chỉnh pháp luật Việt Nam cho phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế bằng cách thay đổi hoặc xóa bỏ những điều luật về an ninh quốc gia và những quy định khác nếu chúng hạn chế tự do báo chí và tự do thông tin.


- Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin và nghị định hướng dẫn luật này.


- Ban hành Luật báo chí tư nhân.


- Tôn trọng những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Liên Hợp Quốc trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền năm 2009 và 2014.


- Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông tổ chức đối thoại, hội thảo với báo giới và giới trí thức xã hội dân sự, chấp nhận và tăng cường tính phản biện của báo chí.


- Chấp nhận cho nhà báo quốc doanh viết cho truyền thông xã hội và báo chí quốc tế.


- Nhà nước Việt Nam chấp nhận cho các một số báo đài quốc tế như BBC, RFI, VOA, RFA và các NGO về tự do báo chí như RSF, CPJ, PEN đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.


- Các nhà báo và blogger bất đồng chính kiến phải được tự do đi lại, được trả hộ chiếu (với những người bị thu hộ chiếu) và được tự do xuất nhập cảnh mà không bị ngăn cản.


Chính phủ các nước:


- Gắn viện trợ tài chính, viện trợ phát triển và các khoản tín dụng dành cho Việt Nam với sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là tự do thông tin.


- Đưa các vấn đề về tự do thông tin và việc đối xử với các blogger trong các cuộc đàm phán về chính trị và kinh tế với Chính phủ Việt Nam, và trong các cuộc viếng thăm của quan chức Việt Nam với quốc tế.


- Quốc tế cần hỗ trợ xã hội dân sự Việt Nam để xây dựng những tờ báo mạng chuyên nghiệp.


- Hội nhà báo độc lập Việt Nam cần được hỗ trợ về nghề nghiệp, nhân quyền và bảo vệ nhà báo.


Các tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền và dân chủ:


- Ủng hộ sự phát triển của tự do truyền thông ở Việt Nam, và đặc biệt đưa vào áp dụng các chuẩn mực báo chí quốc tế.


- Tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng vi phạm quyền tự do thông tin cũng như những biến chuyển trong hoạt động truyền thông.


- Ủng hộ những nhà báo tiến bộ nhất trong từng cơ quan báo chí, kể cả báo chí nhà nước.


- Khi được yêu cầu, hãy cung cấp cho các nhà báo và blogger những công cụ mà họ cần để họ có thể tiếp tục đưa tin cũng như bảo vệ dữ liệu và các phương tiên thông tin liên lạc của họ.


Báo chí Việt Nam:


- Áp dụng những quy tắc cơ bản về đạo đức nghề báo và cách ứng xử chuyên nghiệp, trong đó có việc đưa tin về “sự thật thực tế” và chống lại áp lực tự kiểm duyệt.


- Khách quan và có trách nhiệm khi đưa tin, không bị phụ thuộc vào áp lực của chính quyền.


Theo Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét