Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015
TPP và dân chủ hóa Việt Nam
Cù Huy Hà Vũ - TPP và dân chủ hóa Việt Nam
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 07 tháng 7 năm 2015 | 7.7.15
Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ: "Chiến lược xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ chỉ có tiền đồ rõ ràng khi Tổng thống Obama cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo nên một bước ngoặt cho dân chủ hóa Việt Nam"
Vào ngày 7 tháng 7 này, nếu không có bất ngờ vào phút chót, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt chân vào Nhà Trắng theo lời mời của chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama.
Chắc chắn đây sẽ là sự kiện lịch sử không chỉ vì lần đầu tiên một tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thăm Mỹ mà còn vì lần đầu tiên tổng thống Mỹ tiếp người đứng đầu một đảng cộng sản không kiêm bất cứ chức vụ Nhà nước nào. Sự “phá lệ” này của chính quyền quán quân thế giới về chống cộng cho thấy Việt Nam quan trọng đến nhường nào trên bàn cờ chiến lược của Mỹ ở thế kỷ 21 mệnh danh “Xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương”.
Chặn đứng Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 21 ở Châu Á – Thái Bình Dương về quân sự và chính trị. Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương để gấp rút ngăn chặn bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc ở biển Đông được Tổng thống Mỹ Obama phát động vào đầu năm 2011 là hoàn toàn đúng đắn, tuy có chậm.
Thế nhưng sự thành công của chiến lược quân sự thế kỷ 21 nói trên của Mỹ lại phụ thuộc vào Việt Nam.
Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị xâm lược phần còn lại của quần đảo Trường Sa và chắc chắn sẽ thành công trong kế hoạch xâm lược này vì Việt Nam yếu hơn hẳn Trung Quốc, nhất là về phương tiện chiến tranh trên biển. Nói cách khác, học thuyết “chiến tranh nhân dân” của Việt Nam dựa trên phát huy sức người và địa hình trên đất liền mặc nhiên mất hiệu lực trong cuộc chiến trên biển.
Việc Trung Quốc mở rộng xây lấn đảo ở Biển Đông được nhiều nước coi là hành vi bành trướng lãnh thổ
Có ý kiến cho rằng bằng cách bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Mỹ có thể giúp nước này bảo vệ được lãnh thổ của mình ở biển Đông trước xâm lược Trung Quốc. Thế nhưng điều này không thực tế không chỉ vì Việt Nam không chạy đua vũ trang nổi với Trung Quốc hiện là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới trong khi Việt Nam lại đang cạn tiền, mà nhất là vì Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát chắc chắn không dám đánh trả Trung Quốc được coi là chỗ chống lưng duy nhất của chế độ độc tài của Đảng.
Chính vì vậy người viết bài này luôn khẳng định Mỹ cho, chứ đừng nói là bán, Việt Nam vũ khí thì Việt Nam cũng chẳng bao giờ dám dùng vũ khí ấy để đánh lại Trung Quốc. Để nói, việc chính quyền Việt Nam kêu gào Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là không thực chất, chẳng qua lấy Mỹ để hù dọa Trung Quốc, hòng làm nước này chùn bước trong kế hoạch đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa để chính quyền Hà Nội yên ổn được ngày nào hay ngày ấy.
Về phía Trung Quốc, nước bành trướng này đủ thông minh và thực tế để hiểu rằng kế hoạch của họ đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa nhằm hoàn tất độc chiếm biển Đông sẽ chỉ bị chặn lại nếu Mỹ tham chiến.
Không có Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự thì dù Mỹ có đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào biển Đông bao nhiêu đi chăng nữa thì Mỹ cũng sẽ chỉ là người ngoài cuộc, là khán giả bất đắc dĩ chứng kiến Trung Quốc hoàn tất xâm lăng quần đảo Trường Sa, đồng nhất với thất bại của chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Do đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ không bắn một phát đạn nào vào các lực lượng quân sự của Mỹ đang được rầm rộ triển khai tại vùng biển chiến lược này và thay vào đó sẽ đánh Mỹ bằng mồm rất hăng.
Như vậy, cách duy nhất để Mỹ có thể trực tiếp chặn đứng xâm lược của Trung Quốc là Mỹ phải được Việt Nam chính thức yêu cầu giúp tự vệ. Nói cách khác, chỉ khi nào Việt Nam ký kết liên minh quân sự với Mỹ thì Mỹ mới có cơ sở pháp lý để tham chiến.
Kịch bản Việt Nam trở thành đồng minh quân sự của Mỹ nếu diễn ra thì rất tuyệt bởi Việt Nam lúc đó không những bảo vệ được phần còn lại của quần đảo Trường Sa mà còn có thể giành lại các đảo thuộc quần đảo này cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc.
Trong tình huống sau, một cuộc chiến kéo dài với liên quân Việt – Mỹ hoàn toàn có thể dẫn đến một sự rối loạn chính trị ở đại lục Trung Quốc, điều này đến lượt nó sẽ đe dọa trực tiếp sự sống còn của chế độ cộng sản tại đây.
Thế nhưng, chính quyền Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào vì hiểu rõ rằng cái giá để Việt Nam trở thành đồng minh quân sự của Mỹ chỉ có thể là từ bỏ chế độ cộng sản.
Để nói, không có Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự thì dù Mỹ có đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào biển Đông bao nhiêu đi chăng nữa thì Mỹ cũng sẽ chỉ là người ngoài cuộc, là khán giả bất đắc dĩ chứng kiến Trung Quốc hoàn tất xâm lăng quần đảo Trường Sa, đồng nhất với thất bại của chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
TPP: Mục tiêu chính trị cho Mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa ký đạo luật Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), cho phép tổng thống quyền sớm hoàn tất tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Do đó, dân chủ hóa Việt Nam hay giải thể một cách hòa bình chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam để Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ rõ ràng là yêu cầu cấp bách của cả hai nước.
Theo hướng này Mỹ bằng mọi cách phải gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền để tạo điều kiện thiết yếu cho phong trào dân chủ phát triển kể cả trong nội bộ Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ sẽ đóng vai trò chủ chốt và Việt Nam đang đàm phán tham gia vì vậy nổi lên như một cơ hội gây sức ép hiếm có mà Mỹ tuyệt đối không thể bỏ qua.
Điều cần lưu ý là một khi chế độ cộng sản bị giải thể ở Việt Nam, thì điều này không những cùng lúc chấm dứt chế độ cộng sản ở Lào (Đảng nhân dân cách mạng cầm quyền ở Lào thoát thai từ Đảng lao động Việt Nam, nay là Đảng cộng sản Việt Nam) mà còn tác động quan trọng đến sự sụp đổ của Trung Quốc cộng sản, điều này kéo theo sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên.
Tóm lại, dân chủ hóa Việt Nam một khi thành công sẽ tạo ra “hiệu ứng domino”, dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền của các nước cộng sản cuối cùng trên thế giới và đây chắc chắn là mục tiêu quan trọng nhất mà Mỹ ngắm tới với xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng có thể nói Mỹ giúp dân chủ hóa Việt Nam là một công được nhiều việc vậy!
TPP: Cửa thoát hiểm cho chính quyền Việt Nam
Như vậy, trong trường hợp Việt Nam, TPP giúp Mỹ đạt mục tiêu chính trị và tiếp đó quân sự là chính chứ không phải lợi ích kinh tế. Vấn đề là liệu TPP có thành công với tư cách là công cụ gây sức ép của Mỹ?
Không nghi ngờ gì nữa, kinh tế Việt Nam đang bên bờ sụp đổ vì được thiết kế trên nền tảng các doanh nghiệp Nhà nước mà các doanh nghiệp này hoạt động vô cùng yếu kém, luôn trong tình trạng phá sản.
Ngân sách quốc gia cạn kiệt đến mức từ tháng 8/2014 chính phủ Việt Nam đã tính chuyện vay nước ngoài 1 tỷ USD để đảo nợ nước ngoài và mới đây chính phủ còn buộc Ngân hàng Nhà nước cho chính phủ vay tiền từ dự trữ ngoại hối để chi thường xuyên. Trong khi đó dầu lửa đóng góp tới 1/3 ngân sách Nhà nước lại rớt giá thảm hại, đó là chưa kể nguồn thu từ dầu lửa chắc chắn bị đe dọa nghiêm trọng một khi Trung Quốc gây chiến với Việt Nam ở biển Đông.
Kinh tế quốc gia một khi sụp đổ tất kích hoạt sự nổi dậy của người dân, vốn đã có nhiều bất bình trong xã hội.
Để đối phó với những cuộc nổi dậy tiềm phát của người dân, chính quyền cộng sản hiện phải duy trì một đội quân đông tới 800 nghìn người gồm cả công an lẫn quân đội, không kể dân quân các loại. Thực vậy, lực lượng vũ trang được Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quy định “tuyệt đối trung thành với Đảng”, đặt bảo vệ chế độ cộng sản trên cả bảo vệ Tổ Quốc. Vậy nên, nếu không có TPP được dự kiến mang về cho Việt Nam số tiền đạt tới 36 tỷ USD vào năm 2025, chính quyền Việt Nam sẽ khó mà duy trì bộ máy đàn áp đông đảo nói trên.
Tóm lại, với TPP chính quyền cộng sản Việt Nam hy vọng tránh khỏi sụp đổ đã cận kề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Hoa Kỳ trong thời gian 7-10/7/2015
TPP là công cụ dân chủ hóa
Mỹ cho Việt Nam hưởng Quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) cũng như đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "những quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) về tôn giáo để Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) nhằm khích lệ Việt Nam cải thiện nhân quyền. Thế nhưng, đã 8 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhân quyền ở Việt Nam không những không được cải thiện mà còn bị vi phạm trầm trọng hơn rất nhiều.
Để không lặp lại sai lầm của PNTR và WTO, chính phủ Mỹ phải kiên quyết yêu cầu chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền bằng việc loại bỏ các điều 79, 88 và 258 Bộ Luật hình sự, trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm, cải cách Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm chấm dứt tra tấn… cũng như thực hiện đầy đủ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người cơ bản khác được quy định tại Điều 25 Hiến pháp Việt Nam) để chính phủ Mỹ có thể ký TPP với chính phủ Việt Nam. Một khi chính phủ Việt Nam cam kết chấm dứt đàn áp nhân quyền thì cam kết này phải được ghi ngay trong Hiệp định.
Mặc dầu vậy cũng có thể tính tới kịch bản phía Việt Nam không chịu điều kiện về nhân quyền mà Mỹ đưa ra, đồng nhất với Việt Nam không tham gia TPP nữa. Tất nhiên trong trường hợp đó chính quyền Việt Nam sẽ phải quay sang Trung Quốc để tìm sự cứu rỗi về tài chính với cái giá mặc cho Trung Quốc đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa cũng như mặc cho nước này muốn làm gì thì làm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một khi Trung Quốc chiếm nốt quần đảo Trường Sa với sự đồng lõa của chính quyền cộng sản Việt Nam, thì đó sẽ là lúc các lực lượng yêu nước nhất tề nổi dậy nhằm thiết lập một chính quyền dân chủ nhằm liên minh quân sự với Mỹ, bảo vệ thành công lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Kết luận lại, chiến lược xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ chỉ có tiền đồ rõ ràng khi Tổng thống Obama cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo nên một bước ngoặt cho dân chủ hóa Việt Nam.
Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ
Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét