Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

“Tài xế” xe bánh xích cán dân: Giết người khi thi hành nhiệm vụ?


VNTB- “Tài xế” xe bánh xích cán dân: Giết người khi thi hành nhiệm vụ?
Nguyễn Tuấn - Thảo Vy



Sau khi bị xe ủi cán đè lên người, sức khoẻ bà Lê Thị Châm hiện đang nguy kịch. (Ảnh: Báo Thanh Niên)


(VNTB) - Nghi vấn có bàn tay của chủ đầu tư trong vụ việc này, xem ra không phải là không có lý.
Clip ghi nhận vụ việc cho thấy khu đất xảy ra vụ việc có diện tích khá rộng, chỉ có một xe bánh xích di chuyển trước sự cảnh báo không được đi tiếp của đám đông dân chúng. Tuy nhiên “tài xế” xe bánh xích bất chấp, vẫn cho xích trườn tiếp trên mặt ruộng…
Vụ việc xảy ra sáng 10-7 tại Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương). Một phụ nữ cản trở xe bánh xích chuyên dụng có gàu xúc của đơn vị thi công đi vào khu công nghiệp Cẩm Điền, đã bị chiếc xe này chèn qua người.
Liệu có thể cáo buộc về “Tội giết người” đối với người “tài xế” xe bánh xích?


Khi nào thì phạm tội giết người?
Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự, tội giết người quy định như sau: (1). Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.
(2). Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. (3). Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Như vậy, “giết người” được hiểu là hành vi làm chết người khác một cách cố ý và trái pháp luật. Điều đó còn có nghĩa, nếu có trường hợp nào tước đoạt tính mạng người khác không phải do cố ý thì không phải là giết người.


Người “tài xế” xe bánh xích có phạm tội giết người?
Điều luật 93 không miêu tả các dấu hiệu của tội giết người, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, có thể xác định các dấu hiệu của tội giết người.
Thứ nhất, trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống… Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ: Một y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ để người bệnh chết mặc dù người y tá này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc.
Thứ hai, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm. Xe bánh xích muốn di chuyển trên đường, bắt buộc phải xin giấy phép của sở giao thông vận tải địa phương nơi xe bánh xích sẽ vận hành. Tài xế loại xe chuyên dụng này cũng được cấp văn bằng tương ứng. Những nguy hiểm khi loại xe này vận hành, chắc chắn người tài xế điều khiển nắm rõ nhất. Như vậy trước đám đông người dân đang cản trở xe bánh xích vận hành, nếu tài xế vẫn bất chấp, thì chắc chắn đã hình dung được đầy đủ tai nạn xảy ra sẽ khốc hại đến mức độ nào.
Ở đây hành vi trái pháp luật dường chừng được thực hiện một cách cố tình, và là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người – nạn nhân nếu không chết là điều may mắn - tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ngay cả nếu nạn nhân cố tình lao vào bánh xích trong bối cảnh người dân đang phản ứng dữ dội để ngăn trở xe bánh xích tiếp tục chạy tới, và người “tài xế” bất chấp vẫn cho xe trườn tiếp, đưa đến việc nạn nhân bức xúc nằm xuống đất để cản trở, thì người “tài xế” ấy khả năng tăng nặng tình tiết “cố tình giết người”.


Vì sao người “tài xế” lại giết người?
Tựa bài viết này đã đặt hai từ tài xế trong dấu ngoặc kép. Bà Lê Thị Thụy (SN 1962) là chị gái nạn nhân Châm cho biết: “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chứng kiến, khi Châm đang ở đầu máy xúc, người lái máy xúc nhảy xuống, sau đó có một đối tượng lạ mặt nhảy lên xe và điều khiển máy xúc lao thẳng về phía trước. Một lúc sau, thấy Châm ở dưới bánh xe xích của máy xúc nhiều người hô hoán. Khi đó, tôi như chết lặng. May mắn, sau đó người ta phát hiện Châm còn sống”.
Như vậy ở đây có nghi vấn là phải chăng có hai tài xế điều khiển xe bánh xích? Người “tài xế” cố tình trườn xích cán qua người nạn nhân không phải là người đã vận hành xe vào khu vực đang diễn ra tranh chấp?
Xe bánh xích là loại xe chuyên dụng, không dễ điều khiển nếu không qua huấn luyện. Người tài xế khi rời xe đã tắc tránh vẫn để máy hoạt động để cho “người lạ mặt” điều khiển dẫn đến tai nạn như ghi nhận trong clip, là hành vi “gián tiếp giết người”. Còn “người lạ mặt” đã “trực tiếp giết người”. Tuy nhiên cả hai người này đều là làm công, không có một “động cơ giết người” nào trong hoàn cảnh đó.

Nghi vấn có bàn tay của chủ đầu tư trong vụ việc này, xem ra không phải là không có lý.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét