Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Sử dụng bệnh viện tâm thần là phương pháp bức hại thuận tiện của ĐCSTQ


Sử dụng bệnh viện tâm thần là phương pháp bức hại thuận tiện của ĐCSTQ

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2015 | 17.7.15



Một bệnh nhân tâm thần nằm trên giường, chân tay bị trói tại bệnh viện tâm thần An Huyện tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc. Ảnh chụp vào ngày 24/08/2008. Bắt đầu từ năm 2000, chính quyền Trung Quốc bắt đầu sử dụng rộng rãi các bệnh viện tâm thần để làm nơi giam giữ và trừng phạt người bất đồng chính kiến (Ảnh China Photos/Getty Images)


Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang coi bất đồng chính kiến là một loại bệnh và áp dụng phương pháp điều trị chết người


Bí ẩn về vụ mất tích của một nhà hoạt động dân chủ tại Trung Quốc gần dây đã được làm sáng tỏ: Mặc dù là người khỏe mạnh, ông Cầu Trọng Lãnh đã bị giam giữ ở bệnh viện tâm thần suốt 5 năm qua. Từ một lãnh đạo trong phong trào kêu gọi tương lai dân chủ cho Trung quốc, ông trở thành một bệnh nhân, một ví dụ tiêu biểu cho một trong những phương pháp đàn áp đáng sợ mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để dập tắt những người bất đồng chính kiến.


Bác sĩ Mã Kim Xuân biết nhà hoạt động nhân quyền mất tích này khi ông được chuyển từ Khoa Nội sang Khoa Thần Kinh tại Trung tâm Thần Kinh tại Thượng Hải. Ông tình cờ nghe được có ai đó nói về một bệnh nhân mới bị cảnh sát đưa đến đây.


Do tò mò, bác sĩ Mã tìm kiếm thông tin về bệnh nhân tên là Cầu Trọng Lãnh. Sau khi kiểm tra và quan sát cẩn thận, bác sĩ Mã xác định rằng ông Cầu hoàn toàn là người bình thường không có bất cứ một vấn đề thần kinh nào. Cái ông Cầu có là một tư tưởng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chấp nhận. Trong vòng 5 năm qua, ông Cầu đã phải di chuyển qua 3 bệnh viện tâm thần khác nhau.


Sau mỗi lần chuyển viện, ông Cầu lại phải uống liều lượng thuốc tâm thần lớn hơn. Việc này đang phá hủy sức khỏe của ông. Bác sĩ Mã nói: “Ông Cầu không nên ở bệnh viện tâm thần. Ông ấy nên là một giáo sư.”


Dựa trên đánh giá nghề nghiệp và niềm tin Cơ-Đốc giáo của mình, bác sĩ Mã quyết tâm giúp đỡ ông Cầu.


Bác sĩ Mã bắt đầu bằng việc nói chuyện với các giám đốc và bác sĩ cấp cao của bệnh viện về kết quả chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân Cầu. Phó chủ tịch bệnh viện nói rằng không ai có thể thay đổi kết quả chẩn đoán vì nó không được thực hiện bởi bác sĩ mà bởi cảnh sát.


Một bác sĩ có tiếng nhất trong bệnh viện nói với ông Mã rằng, bây giờ chỉ có người có vấn đề thần kinh mới dám có ý kiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ cảnh báo bác sĩ Mã không được tiếp tục quan tâm đến trường hợp của Cầu.


Lo ngại cho mạng sống của ông Cầu, bác sĩ Mã đã đến Mỹ hy vọng có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Ông đã gặp được Tiến Trọng, Tổng biên tập của tạp chí Khai Phóng Hồng Kông và có lẽ là người bên ngoài Trung Quốc biết rõ ông Cầu nhất.


“Không ai có thể thay đổi kết quả chẩn đoán vì nó không được thực hiện bởi bác sĩ mà bởi cảnh sát”


Hầu hết những người sống ở Thượng Hải trong những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 20 có lẽ đều nghe nói về ông Cầu Trọng Lãnh. Sau Cách mạng Văn hóa, có một phòng trào ở Trung Quốc thực hiện thảo luận và yêu cầu dân chủ. Tại Bắc Kinh, phong trào này được biết đến với cái tên “Bức tường Dân chủ” còn ở Thượng Hải, nó được gọi là “Diễn đàn Dân chủ”.


Các nhà hoạt động đã diễn thuyết tại Quảng trường Nhân Dân Thượng Hải trước hàng ngàn người lắng nghe và thảo luận. Ông Cầu đã diễn thuyết tại đó gần như mỗi ngày. Nhưng việc này không kéo dài được lâu. Khi Đặng Tiểu Bình quyết định đàn áp phong trào này thì ông Cầu đã bị bắt.


Sau khi chịu án ba năm trong tù, ông Cầu ra tù và mất việc. Tất cả bạn bè, người thân tránh mặt ông. Ông còn liên tục bị giám sát bởi công an, bị quấy rối bởi cảnh sát. Cảnh sát còn cưỡng ép ông làm đặc vụ theo dõi các nhà hoạt động khác.


Năm 2001 ông Cầu tới thăm Hồng Kông. Ông Tiến Trọng đã phỏng vấn ông và đăng một bài viết về ông vào tháng 5/2001 trên tờ tạp chí Khai Phóng. Bài viết đó có lẽ là câu chuyên duy nhất từng được xuất bản về ông Cầu. Sau đó ông Cầu trở về Thượng Hải trong cùng tháng bài viết về ông được xuất bản.


Do không ai khác còn biết về ông Cầu Trọng Lãnh cho tới khi bác sĩ Mã tìm đến ông Tiến nhờ giúp đỡ. Tổng biên tập Tiến đã đăng một bài thứ hai về ông Cầu, để cả thế giới biết chuyện gì đã xảy ra với ông.


Phương pháp bức hại


Ngược đãi tâm thần bây giờ đã trở thành một phương pháp thông thường được sử dụng ở Trung Quốc.


Tuy nhiên trước đây thì không luôn luôn như vậy. Trong 30 năm đầu tiên của chế độ Cộng sản Trung Quốc, chính quyền không cần dùng tới bệnh viện tâm thần để đàn áp “những kẻ thù của Đảng”. Phương pháp thường được sử dụng thời đó là xử tử, tống vào ngục và giám sát. Ngoài ra, nếu “các thế lực phản cách mạng” bị dán nhãn bệnh nhân tâm thần thì bất cứ hình phạt nào dù nghiêm trọng đến đâu cũng không có tác dụng đe dọa người dân. Người khác sẽ cho rằng những nạn nhân này bị bệnh tâm thần chứ không phải là có thái độ chính trị không đúng đắn.


Khi thời kỳ của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông kết thúc, đấu tranh giai cấp không còn là cái cớ hợp lý để bức hại con người được nữa. Nhưng lúc đó cũng không cần phải thiết lập một công cụ trấn áp khác. Có một số ít báo cáo về việc người bình thường bị cưỡng bức đưa vào bệnh viện tâm thần do xung đột với chính quyền, nhưng ngược đãi tâm thần chưa bao giờ được sử dụng một cách có hệ thống.


Một ví dụ điển hình là trường hợp của ông Vương Mặc Tinh. Vào ngày 3/6/1992, một ngày trước ngày kỷ niệm ba năm sự kiện thảm sát quảng trường Thiên An Môn. Ông Vương đã giơ biểu ngữ kêu gọi khôi phục phong trào dân chủ sinh viên và những người tham gia phong trào không bị coi là có tội trong con mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa. Ông Vương đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần và giam giữ ở đó 13 năm.




(Ông Vương Mặc Tinh)


Nhưng vào năm 1999 hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi. Tháng 7 năm đó, khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân khởi động chiến dịch đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, ông ta đã đối diện với nhiều vấn đề. Hai vấn đề cụ thể là: Số lượng học viên Pháp Luân Công quá lớn và không có bất kỳ một căn cứ pháp lý nào để đàn áp họ. Ngay lập tức, cần tìm ra các biện pháp nằm ngoài pháp luật để thực hiện đàn áp hàng triệu học viên Pháp Luân Công. Do đó, các trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não, và bệnh viện tâm thần đã nhanh chóng trở thành công cụ của cuộc bức hại.


Ngay lập tức, cần tìm ra các biện pháp nằm ngoài pháp luật để thực hiện đàn áp hàng triệu học viên Pháp Luân Công


Thời điểm chính xác khi nào bệnh viện tâm thần được sử dụng rộng rãi làm công cụ bức hại cho chính quyền vẫn chưa rõ. Trường hợp đầu tiên được báo cáo là vào ngày 2/1/2000 trên trang web của Pháp Luân Công minghui.org. Báo cáo viết “Ngày 16/12/1999 đồn cảnh sát Thành Quan, quận Phòng Sơn, Bắc Kinh đã gửi hơn 50 học viên Pháp Luân Công tới bệnh viện tâm thần Chu Khẩu Điếm mà không thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý hay y tế nào.”


Tờ New York Times cũng có đưa tin về vụ việc này. Người phát ngôn của đồn cảnh sát đó nói với hãng thông tấn Agence France-Presse, “Họ không phải là bệnh nhân, họ phải tới đó để cải tạo.”Mặc dù trong trường hợp này, bệnh viện tâm thần được sử dụng làm nơi giam giữ, nó đã minh chứng rằng bệnh viện tâm thần đã được sử dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công.


Một tháng sau, trường hợp lạm dụng bức hại thần kinh đầu tiên đối với một học viên Pháp Luân Công được báo cáo. Ông Hoàng Cẩm Xuân, một thẩm phán tòa án dân sự ở thành phố Bắc Hải khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây phía nam Trung Quốc đã bị tra tấn trong hai tháng ở bệnh viện tâm thần Long Tượng Sơn.


Trong một báo cáo đăng vào tháng 2/2000 trên minghui.org, ông Hoàng viết: “Vì bị tiêm thuốc, tôi cảm thấy kiệt sức, buồn ngủ nhưng không ngủ được, và khó chịu cả ngày. Họ cười lớn hỏi tôi: “Ông chẳng phải nói rằng ông tập Pháp Luân Công? Cái nào mạnh hơn, Pháp Luân Công hay là thuốc?””


Trong các tháng sau đó, nhiều trường hợp lạm dụng tâm thần liên tục được báo cáo. Số lượng báo cáo đủ lớn để cộng đồng y khoa tâm thần quốc tế rấy lên quan ngại trong Hội nghị thường niên Trung-Mỹ lần thứ hai về Tâm thần học tổ chức tại Bắc Kinh tháng 4/2000. Và như thường lệ, các bác sĩ Trung Quốc phủ nhận các nghi ngờ này.


Tuy nhiên, lý do họ đưa ra thì cực kỳ kém thuyết phục. Một chuyên gia tâm thần Trung Quốc yêu cầu được giấu tên cho biết “Trước kia, bệnh tâm thần ở Trung Quốc không quan trọng và không được sử dụng làm công cụ trong các chiến dịch chính trị. Lúc đó, nếu họ muốn bức hại ai thì họ hoàn toàn không cần phải chơi trò ‘văn minh’ kiểu này”.


Bác sĩ giấu tên này cho rằng, chế độ Trung Quốc lúc đó đơn giản là không cảm thấy cần phải sử dụng bệnh tâm thần để đàn áp người dân, nhưng bây giờ thì thì có. Theo ông Vương Mặc Tinh, một lý do để ông được thả là chiến dịch chống lại Pháp Luân Công.


Từ năm 1999, có nhiều học viên Pháp Luân Công bị đưa đến bệnh viện tâm thần đến mức khuấy động sự chú ý của thế giới và khiến cộng đồng quốc tế gây áp lực. Áp lực này đã giúp ông Vương được thả. Trường hợp của ông Vương cũng chỉ ra rằng việc sử dụng có hệ thống các bệnh viện tâm thần làm công cụ đàn áp bắt đầu với cuộc bức hại Pháp Luân Công.


Tháng 4/2004, Tổ chức Thế giới điều tra cuộc đán áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã tiến hành khảo sát trên 100 bệnh viện tâm thần ở 15 tỉnh của Trung Quốc. 83% trong số đó thừa nhận rằng họ đã “nhận và điều trị” học viên Pháp Luân Công, và hơn 50% nói rằng các học viên này không có vấn đề về thần kinh, bị giam giữ ở đó chỉ để cưỡng bức họ từ bỏ niềm tin của mình.


Nhiều người trong số họ bị cảnh sát hoặc chính quyền địa phương đưa tới bệnh viện. Một bác sĩ tại bệnh viện tâm thần Liêu Dương nói với điều tra viên rằng, bệnh viện sử dụng hơn 10 biện pháp, bao gồm cả thuốc thần kinh để cưỡng bức học viên Pháp Luân Công từ bỏ niềm tin của họ.


Số trường hợp được báo cáo lạm dụng thần kinh đối với học viên Pháp Luân Công liên tục gia tăng. Theo minghui.org, tính tới tháng 12/2013 trong số 3.653 trường hợp học viên Pháp Luân Công tử vong đã xác nhận, 74 trường hợp bị tra tấn tại bệnh viện tâm thần. 66 trường hợp tử vong do nguyên nhân trực tiếp từ tra tấn trong bệnh viện tâm thần. Tính đến ngày 24/3/2014, minghui.org đã công bố tổng cộng 7.710 trường hợp bị ngược đãi thần kinh. Tất cả các con số thống kê trên minghui.org được xem là thấp hơn nhiều so với thực tế do khó khăn khi gửi thông tin ra bên ngoài Trung Quốc.


Một phương pháp bức hại ‘thuận tiện’


Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy rằng việc giam giữ các học viên Pháp Luân Công trong bệnh viện tâm thần rất thuận tiện vì không cần phải thông qua các thủ tục pháp lý. Cảnh sát, chính quyền địa phương hay thậm chí thành viên gia đình người bị bức hại dưới áp lực của cảnh sát cũng có thể gửi học viên Pháp Luân Công tới bệnh viện, và bệnh viện không được phép từ chối nhận người. Thậm chí cảnh sát còn có thể quyết định kết quả chẩn đoán.


Phương pháp sử dụng bệnh viện tâm thần theo cách này cũng làm giảm sự cảm thông và hỗ trợ của xã hội đối với các nạn nhân. Bác sĩ Abrham Halpern, chủ tịch của Học viện Hoa Kỳ về Thần kinh và Pháp luật, bình luận trên trang Psychiatric News năm 2000 rằng chính quyền Trung Quốc muốn hủy hoại uy tín của các học viên Pháp Luân Công bằng cách gán cho họ cái nhãn mắc bệnh tâm thần và có hành vi nguy hiểm.


Phương pháp sử dụng bệnh viện tâm thần theo cách này làm giảm sự thông cảm và hỗ trợ của xã hội đối với người bị hại.


Khi chính quyền này cảm thấy việc sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại là vô cùng thuận tiện, do đó đã nhanh chóng mở rộng mục tiêu ra các bộ phận người dân khác. Những người kiến nghị, các nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến đều trở thành nạn nhân của phương pháp này. Trong một cuộc họp năm 2010, Bộ Công an Trung Quốc ra quyết định rằng mỗi Sở Công an cấp tỉnh đều phải có ít nhất một bệnh viện An Khang (bệnh viện tâm thần do cảnh sát quản lý tại cấp tỉnh).


Từ năm 1998 đến thời điểm diễn ra cuộc họp Bộ Công an, hệ thống bệnh viện An Khang đã điều trị hơn 40.000 bệnh nhân.


Tại cuộc họp đó, Bộ Công an đã tuyên bố “Nếu không có sự thông qua của các cơ quan công an, bệnh nhân không mắc bệnh tâm thần không được chấp nhận (vào bệnh viện tâm thần)”. Nói cách khác, chỉ cảnh sát mới được phép lạm dụng giữ bệnh nhân không mắc bệnh thần kinh tại các bệnh viện tâm thần.


Hiệp hội Tâm thần học Quốc tế đã cố gắng điều tra các trường hợp được cho là lạm dụng thần kinh đối với học viên Pháp Luân Công và thậm chí đạt được một thỏa thuận với Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm 2004, Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc hủy bỏ thỏa thuận này vào phút chót.


Hiệp hội Tâm thần học Thế giới cần phải củng cố các nỗ lực của mình. Cộng đồng quốc tế cũng cần có trách nhiệm trong việc chấm dứt lạm dụng tâm thần đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công và những người vô tội khác ở Trung Quốc. Thực hiện điều tra tội ác chống lại loài người và đưa thủ phạm ra công lý không bao giờ là quá muộn.


Quan điểm bày tỏ trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.


Heng He, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh


Minh Trí biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét