Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Quả vải Việt Nam tìm cách không lệ thuộc vào Trung Quốc


Quả vải Việt Nam tìm cách không lệ thuộc vào Trung Quốc

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 16 tháng 7 năm 2015 | 16.7.15



Vải thiều. Ảnh : wikimédia/Luc Viatour


Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu quả vải sang Úc và Mỹ. Sản lượng vẫn còn khiêm tốn, kim ngạch xuất khẩu sang hai nước này mới chỉ đạt 35 tấn. Từ trước đến nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của vải Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước tác động không nhỏ đến doanh số bán hàng. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu.


Giáo sư Nguyễn Văn Tuất, Phó chủ tịch Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng : « Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để chủ động hơn và mang lại lợi ích kinh tế hơn ».


Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, còn cho biết thêm : « Các nhà nhập khẩu Úc và Mỹ trả giá cao hơn Trung Quốc khoảng hơn 20% ».


Bà Nguyễn Thị Nhi, nông dân 56 tuổi tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, miền Bắc, hy vọng bán vải cho các khách hàng Úc sẽ giúp cải thiện thu nhập của gia đình nhờ vào giá cả cao hơn Trung Quốc. Bà nói : « Hiện nay, thu nhập gia đình tôi khoảng 20 triệu đồng/năm. Với thị trường mới, chúng tôi hy vọng kiếm được khoảng 50 hoặc 60 triệu đồng/năm. »


Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam tăng từ 260 triệu đô la vào năm 2011 đến 610 triệu đô la năm 2014. Chính phủ dự kiến tăng gấp gôi kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020, chủ yếu dựa vào vải, và những loại trái cây khác như thanh long.


Hiện có khoảng 60% sản lượng vải Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo số liệu chính thức từ Bộ Nông nghiệp, năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng đạt 40.000 tấn.


Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu biến động đáng kể tùy thuộc tranh chấp giữa hai đối thủ cộng sản. Năm ngoái, mùa thu hoạch chính rơi vào "cuộc đối đầu trên biển" giữa Bắc Kinh và Hà Nội xung quanh các khu vực mà hai nước đang tranh chấp tại Biển Đông. Trần Văn Sang, nhà buôn trái cây 42 tuổi, tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi trồng vải thiều lớn nhất cả nước, giải thích : « Chúng tôi đã thu hoạch một sản lượng lớn, nhưng người mua đã không đến » và hàng núi vải đã hư thối.


Năm nay, xuất khẩu vải còn đang bị đe dọa, trong bối cảnh Bắc Kinh đã tiến hành san lấp, bồi đắp các rạn san hô trong quần đảo Trường Sa và xây dựng trên đó các cơ sở hạ tầng, như cảng, phi đạo, làm cho Hà Nội rất bất bình..


Về các thị trường mới, theo ông Mai Xuân Thìn Tổng Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, « Với điều kiện Việt Nam cải thiện chất lượng hoa quả và tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ và Úc, sau những vụ liên quan đến sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, Việt Nam có thể chiếm lĩnh các thị trường này trong những năm tới. »

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét