Nhà hát xây hàng trăm tỉ đồng đang để hoang phế?
Nhóm Phóng viên Báo Lao động
(LĐO) NHÓM PV - 4:6 PM, 08/07/2015
Công trình nhà hát Vĩnh Phúc có giá trị lên đến 755 tỉ đồng đang bị bỏ hoang phế.
Sau công trình Văn miếu Vĩnh Phúc có giá trị gần 300 tỉ đồng xây xong không biết thờ ai, bạn đọc Báo Lao Động vừa phát hiện thêm một công trình hàng trăm tỉ đồng đang bị bỏ hoang, biến thành bãi rác.
Từ thông tin của bạn đọc, PV Báo Lao Động đã đến tận nơi và chứng kiến công trình hàng trăm tỉ đồng này đang bị hoang phế theo thời gian.
Khởi công xây dựng ngày 19.5.2011, Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích sàn khoảng 23.500m2. Công trình có quy mô một tầng hầm, ba tầng nổi. Không gian chính gồm ba khán phòng có sức chứa 1.000, 500 và 250 chỗ ngồi, khu phục vụ liên hoàn, đa năng. Tổng mức đầu tư lên tới gần 755 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại công trình này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo Danh mục các dự án chuyển nguồn kinh phí năm 2014 sang năm 2015 đối với một số dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh làm chủ đầu tư kèm theo Quyết định số 194/QĐ-CT ngày 23.1.2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, vốn xây dựng nhà hát được bàn giao năm 2014 là 186 tỉ đồng, đã giải ngân trên 144 tỉ đồng; kinh phí chưa thanh toán chuyển nguồn sang năm 2015 là 71,6 tỉ đồng.
Trong khi công trình nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc chưa biết đến khi nào hoàn thiện thì theo ghi nhận của phóng viên, công trình hàng trăm tỉ đồng này đã biến thành một bãi rác.
___________
Đọc thêm:
Bài đã gỡ: Ngoài Văn Miếu 271 tỷ, Vĩnh Phúc còn có nhà hát, quảng trường 1.000 tỷ
Ngoài Văn Miếu 271 tỷ, Vĩnh Phúc còn có nhà hát, quảng trường 1.000 tỷ
Dân trí Không chỉ “mạnh dạn” đầu tư 271 tỷ đồng để xây dựng Văn Miếu hoành tráng thờ Khổng Tử, vài năm qua tỉnh Vĩnh Phúc còn chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà hát và quảng trường tỉnh.
>> Đầu tư 271 tỷ đồng xây Văn Miếu hoành tráng, thờ Khổng Tử
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngoài công trình Văn Miếu thờ Khổng Tử với tổng mức đầu tư gần 271 tỷ đồng đang gây tranh cãi trong dư luận thì việc đầu tư xây dựng Khu công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc và Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc tới tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cũng khiến dư luận địa phương đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả đầu tư so với số tiền đã bỏ ra.
Ký hợp đồng BT, thanh toán kiểu “cuốn chiếu”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 19/10/2012, ông Nguyễn Duy Đông - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ký Thông báo số 702 của Thường trực Tỉnh ủy về việc đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên Quảng trường Tỉnh tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó khẳng định: “Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, do vậy giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ quan liên quan và nhà đầu tư triển khai các thủ tục theo đúng quy định hiện hành. Trong trường hợp cần thiết có thể rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo năng lực của nhà đầu tư nhằm đưa công trình vào sử dụng kịp phục vụ Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào tháng 3/2013”.
Một góc khu công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng.
Ngay lập tức, cũng trong ngày 19/10/2012, bà Dương Thị Tuyến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ký văn bản số 2658/QĐ-CT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó xác định diện tích các loại đất dự kiến thu hồi là 26,29 ha (dự án thành phần 1 là 8,87 ha; dự án thành phần 2 là 17,42 ha). Dự án thành phần 1 không phải giải phóng mặt bằng, còn dự án thành phần 2 bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho 10 hộ thuộc phường Khai Quang theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tổng thể đã được UBND TP Vĩnh Yên phê duyệt.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới gần 280 tỷ đồng (dự án thành phần 1 là 105,8 tỷ đồng và dự án thành phần 2 là gần 174,2 tỷ đồng), được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư do vốn ngân sách tỉnh; giai đoạn thực hiện dự án thì nhà đầu tư tự huy động ứng vốn thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.
“Phương thức thanh toán: Thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh sau khi công trình hoàn thành. Phương thức chi tiết thể hiện trong hợp đồng BT, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối vốn của tỉnh”- văn bản nêu rõ.
4 ngày sau (ngày 23/10/2012), bà Dương Thị Tuyến tiếp tục ký Quyết định số 2695/QĐ-CT phê duyệt kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên quảng trường tỉnh. Theo đó, phương thức thanh toán cho nhà đầu tư được thanh toán bằng tiền từ ngân sách nhà nước tỉnh sau khi nhà đầu tư hoàn thành bàn giao công trình cho tỉnh quản lý.
Hơn nữa, tại Thông tư 166/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán giá trị công trình dự án thực hiện theo hình thức BT cũng chỉ rõ: Khi dự án hoàn thành, được nghiệm thu bàn giao thì Nhà nước mới được cấp phép thanh toán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc thanh toán cho Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô (nhà đầu tư BT, trụ sở tại TP Vĩnh Yên) tại dự án Khu công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc được chia nhỏ thành nhiều đợt theo kiểu “cuốn chiếu”. Cụ thể, trong ngày 1/2/2013 Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng lúc có tờ trình và công văn về việc bố trí vốn cho dự án BT này. Cũng trong ngày 1/2/2013, bà Dương Thị Tuyến ký ngay văn bản số 401/QĐ-UBND phân khai chi tiết 60 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 - Khu quảng trường phía bắc đường Hai Bà Trưng. Văn bản số 401 nêu rõ: Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 trên 105,8 tỷ đồng nhưng khối lượng hoàn thành (tính đến lúc đó) mới chỉ đạt trên 74,9 tỷ đồng…
Không những vậy, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc (chủ đầu tư), Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và ban ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc còn “tạo điều kiện” cho nhà đầu tư rút vốn đầu tư nhiều lần trong suốt quá trình triển khai dự án.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) - cho rằng Thanh tra Chính phủ cần đưa dự án này vào “tầm ngắm” thanh tra ngay. Theo ông Liêm, 280 tỷ đồng không phải số tiền nhỏ, nhưng việc đưa ra chủ trương đầu tư xây dựng gấp gáp như vậy cần phải được làm rõ xem có vấn đề gì đằng sau không.
Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc: 755 tỷ đồngTheo Danh mục các dự án chuyển nguồn kinh phí năm 2014 sang năm 2015 đối với một số dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư ban hành kèm Quyết định số 194 ngày 23/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tổng mức đầu tư/dự toán được duyệt của Công trình Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc lên tới gần 755 tỷ đồng; trong đó vốn được giao năm 2014 là 186 tỷ đồng, kinh phí chưa thanh toán chuyển nguồn sang năm 2015 là trên 71,6 tỷ đồng.
Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, theo Kế hoạch năm 2015 kèm theo Quyết định số 63 ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chi ngân sách năm 2015 cho xây dựng cơ bản ở tỉnh này trên 147 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng việc xây dựng và thiết bị cho Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc đã chiếm tới 130 tỷ đồng.
Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng Nhà hát tỉnh có số vốn lên tới gần 755 tỷ đồng.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Đảng viên, người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc cho biết không hiểu tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sử dụng nhà hát này như thế nào để đem lại hiệu quả so với số tiền rất lớn đã đầu tư.
Thế Kha
Theo: Webcache
_____________
Thông tin trên phù hợp với các nguồn khác:
"Công trình Nhà Hát tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng ngày 19/5/2011, có quy mô một tầng hầm, ba tầng nổi, khối thiên kiều cao 26,6m, diện tích sàn khoảng 23.500m2. Các không gian chính gồm ba phòng khán giả 1.000, 500, 250 chỗ ngồi, khu phục vụ liên hoàn, đa năng. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn một của Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 500 tỷ đồng."
(Vietnamplus)
"Ông Hiền cũng cho biết thêm: "Licogi18 gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý các công trình, hạng mục phát sinh. Tại Quyết định số 837, ngày 27/3/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư và giãn, hoãn tiến độ một số hạng mục công trình Nhà hát tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong năm 2014, với tổng nguồn vốn 610 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn tồn đọng nhiều trong khi vốn bố trí chỉ bằng 33% tổng mức đầu tư và bằng 40% so với nhu cầu. Do vậy, nếu không được bổ sung vốn sớm, Licogi 18 khó hoàn thành tiến độ theo đúng yêu cầu đề ra."
(Vinhphuc)
Ảnh Facebook
Thợ Cạo tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét