Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Sao không nói thẳng?


Sao không nói thẳng?

>> Ai chưa dám làm như Nguyễn Sự...
>> Xin lỗi dân
>> Đồng tiền nước mắt
>> Liệu chúng ta có thiếu cán bộ trẻ?
>> Người Việt có học nhiều cũng khó đoạt giải Nobel


Hoàng Xuân



Khám Phá - Tại sao cứ phải ao ước có nhiều tấm gương như ông Nguyễn Sự. Vì ở xứ ta vẫn chưa dám nói thẳng: quan chức không làm đúng trách nhiệm thì hạ cánh đi. Gấp!


Tôi buồn cười vì chuyện của bí thư thành ủy thành phố Hội An- ông Nguyễn Sự, ngoài những tìm hiểu về quyết định của một "ông vua" địa phương, lại là đầu mối để dư luận cạnh khóe những ông quan khác. Ồ, chỉ buồn cười thôi ư? Không, tôi phá ra cười ha hả. Vì cái tư duy rón rén mỉa mai đó, nó thiểu não quá. Đó, theo tôi không phải là thái độ thẳng thắn và tự tin của những người dân có hiểu biết nhằm góp ý hay xây dựng chính quyền. Sao ta không dám nói thẳng, rành mạch như thế này: các ông quan chức được giao cho cái ghế lãnh đạo, không làm được việc gì tốt cho dân thì hạ cánh đi. Gấp!


Vì có luật để cho các quan từ chức, giáng chức, hạ chức cơ mà.


Tuy nhiên, thực tế ít có việc quan chức Việt Nam từ chức, trong khi ngó ra khỏi biên giới nhà mình thì hà rầm: năm 2013, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Liên bang Nga, ông Denis Sverdlov đã từ chức vì bị phát hiện có nhà ở nước ngoài. Mới đây thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo từ chức vì bị ông trùm địa ốc Sung Wan-jong thuộc tập đoàn Keangnam (đã tự vẫn) khai là đã biếu 30 triệu won (gần 28.000 USD). Và trước ông là người tiền nhiệm Chung Hong-won đệ đơn từ chức 11 ngày sau vụ phà Sewol chìm hồi năm ngoái. Toàn cỡ to hơn rất nhiều lần so với một bí thư thành ủy thành phố nhỏ của Việt Nam, sao họ từ chức nhẹ tênh vậy?


Chẳng nói thì ai cũng biết nên chẳng cần uốn éo ngôn từ làm gì, đó là tại các nước văn minh, trách nhiệm của các vị lãnh đạo cao hơn bổng lộc. Làm "quan" với họ là sự cống hiến dài lâu chứ không phải được ban thưởng. Ở đầu đời, họ không cần xì ra vài trăm triệu mua cái ghế công chức đầu tiên rồi phấn đấu leo dần dần và trên đường leo cố gắng tận thu bù lại những gì đã mất. Ở đầu chặng đường công danh, họ phải giữ mình trong sạch để tránh tai mắt của phe đối lập luôn nhăm nhăm khui ra một sai sót rồi hất ghế. Họ phải cố gắng phát huy tối đa thế mạnh của mình, cạnh tranh với đối thủ và lấy lòng người dân qua từng lá phiếu bầu, luôn luôn, luôn luôn.


Con đường làm lãnh đạo là con đường chông gai gian khổ, đòi hỏi nghị lực phi thường mà chỉ những cá nhân xuất sắc, có hoài bão, có ý chí và kỷ luật hơn người mới có thể tiến bước. Đổi lại, họ có sự thỏa mãn nội tại sâu xa mà người khác không thể hiểu hết-thỏa mãn vì được đốt hết năng lượng, trí lực của mình. Niềm hạnh phúc đặc biệt đó gần như hoàn toàn thuộc phạm trù tinh thần, cũng giống như một diễn viên đổ hết tài năng trong một vai diễn, một nhà văn viết nên tác phẩm để đời, một họa sĩ vẽ nên bức tranh trút hết sinh lực, hay dễ hình dung hơn, nó có thể giống như niềm hạnh phúc của người làm cha mẹ khi thấy con mình lớn khôn thành đạt.


Ở ta khác quá. Quan chức là cái ghế vững bền suốt đời nếu người làm quan không phạm những sai sót quá lớn. Mà thậm chí nếu cấp dưới phạm sai sót có thể đi tù, anh cũng vẫn có thể bình chân như vại. Cụm từ khái quát về sự yếu kém trong tuyển dụng, bổ nhiệm: "nhất hậu duệ, hai quan hệ, ba tiền tệ" đã nhiều lần được đặt thẳng ở diễn đàn Quốc hội. "Một người làm quan cả họ được nhờ", nhờ đến vài đời sau, sung sướng thế cớ gì phải từ chức? "Vì quyền chức gắn với lợi lộc nên người ta cố bám, quyết bám, không muốn rời khỏi cái ghế của mình" (nguyên Phó ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương trả lời phỏng vấn báo Dân Trí, đầu tháng 11 năm ngoái).


Vẫn ông Hương, với thâm niên công tác của mình, nói quy định từ chức đã có trong Luật Cán bộ công chức, thế nhưng từ 2008 đến nay không thấy ai từ chức cả, "mặc dù những vụ án lớn xảy ra mấy năm qua như Vinashin, Vinalines, vụ bầu Kiên… đều gây thất thoát tài sản của nhà nước rất lớn (...) hàng nghìn tỷ đồng “đi bay” nmà không ai chịu trách nhiệm cả".


Thế nên việc từ chức của ông Nguyễn Sự gây chấn động xã hội, ầm vang trên truyền thông và diễn đàn quốc hội, như chính ông cũng phải ngạc nhiên: "việc nhỏ như con kiến nhưng sao người tập trung hung rứa?".


Thì đấy! Ngoài những quan tâm yêu mến thực lòng dành cho một người làm quan lâu năm có cá tính thú vị nhiều hấp dẫn và chưa hề mang tai tiếng nhũng lạm, câu chuyện Nguyễn Sự từ chức hôm nay cũng giống như câu chuyện Nguyễn Bá Thanh một dạo, nó được dư luận đổ dồn để làm tấm gương đối chiếu chốn quan trường hiện tại.


Và trong xã hội rất đông những ao ước có thêm nhiều Nguyễn Sự.


Nhưng một nền hành chính mà phải trông mong vào đạo đức, vào nhận thức cá nhân của người lãnh đạo để làm tốt trách nhiệm của họ thì đó là nền hành chính quỵ lụy xin cho. Một xã hội ngóng chờ hết tấm gương này đến tấm gương kia là một xã hội yếu đuối, vô cùng thiếu nội lực và nền móng.


Với công cụ Luật Cán bộ, công chức quy định rất tỉ mỉ về từ chức, miễn chức, giáng chức, cách chức, với hàng chục điều khoản về phân loại đánh giá công chức, lẽ ra việc từ chức, cách chức, giáng chức... phải rất gắn liền với các vụ án nổi đình nổi đám trên báo chí, gắn liền với những xầm xì to nhỏ nơi hậu trường và trở thành điều bình thường trong đời sống quan trường. Sao không nói thẳng: Không làm được điều đó thì phải xem lại cơ chế thực hiện luật, xem lại bộ máy thực hiện luật đi. Không thể cứ vẽ ra đủ điều hay ho rồi để đấy như cái bóng to dọa người trên tường.

Xem thêm:
- Không có báo chí tư nhân
- Quyền bãi nhiệm quan chức của người dân
- Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu USD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét