Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

10 điều kỳ lạ về kinh tế Trung Quốc


10 điều kỳ lạ về kinh tế Trung Quốc

Đăng bởi Trung Lập on Chủ Nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2015 | 28.6.15



Trung Quốc tịch thu hơn 100.000 tấn thịt trữ đông hơn 40 năm. (Ảnh: Yahoo)


Tại Trung Quốc xuất hiện một số lĩnh vực kinh doanh hay cách quản lý, đầu tư được cho là rất kỳ lạ so với các nền kinh tế thông thường khác trên toàn thế giới. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:


Chống lạm phát bằng dự trữ thịt lợn:


Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm phát, giá cả các mặt hàng cơ bản tăng nhanh, Trung Quốc đã cho thành lập quỹ dự trữ thịt lợn quốc gia, theo đó chính quyền sẽ tung thịt lợn ra thị trường mỗi khi giá thịt lợn tăng cao.






Kinh doanh quả óc chó


Ngoài các kênh đầu tư truyền thống như vàng hay chứng khoán, người giàu Trung Quốc có kênh đầu tư kỳ lạ như đầu tư vào quả óc chó. Lượng tiền đổ vào việc mua bán quả óc chó này lớn đến nỗi Trung Quốc gọi thị trường này là “bong bóng óc chó” do giá cả giao dịch ngày càng tăng. Thậm chí, các nhà cung cấp quả óc chó còn sản xuất ra quả óc chó giả để tăng lợi nhuận, óc chó giả có vỏ ngoài của quả óc chó nhưng bên trong là xi măng và giấy vụn.






Kinh doanh bánh trung thu bằng vàng:


Do các quan chức chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chi hàng nghìn USD để mua bánh trung thu bằng vàng để biếu đối tác, do đó ngành sản xuất bánh trung thu bằng vàng rất phát đạt. Theo tờ Tân Hoa xã, hiện tượng này làm dấy lên những mối quan ngại về vấn đề tham nhũng ở quốc gia này.






Sản xuất kinh doanh hàng giả


Sản xuất kinh doanh hàng giả là một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế nước này. Trung Quốc được coi là nơi sản xuất của 70% lượng hàng giả bị tịch thu trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010 với tổng giá trị hàng giả trên thế giới là ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, tương đương với 2% tổng mậu dịch thế giới. Theo số liệu do nước Mỹ thống kê thì thì 87% hàng giả bị nhà chức trách nước Mỹ bắt được đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.


Trung Quốc cũng có ban hành chính sách cấm hàng giả nhưng trên thực tế, hàng giả được bày bán công khai. Có những nơi như tỉnh Yimu, người dân ở đây sống bằng nghề sản xuất hàng giả, chính quyền ngần ngại không dám dẹp bỏ vì đây là mối sinh nhai, cung cấp công ăn việc làm cho hàng triệu người của khu vực này.


Dưới đây là một ví dụ về việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, đó chính là các sản phẩm và mẫu cửa hàng bán các sản phẩm của Apple, giống hệt hàng thật, cửa hàng nhái này nằm ở thành phố Côn Minh, phía nam của Trung Quốc. Họ sao chép cả mẫu hàng lẫn mẫu cửa hàng của hãng Apple.




Ảnh: IBTimes


Kinh doanh gián đất:


Người ta đua nhau lập trang trại nuôi gián đất để bán do thông tin được lan truyền rằng những con gián này được dùng trong các phương thuốc cổ truyền Trung Quốc. Giá trên thị trường của loại gián này đã tăng lên một cách nhanh chóng, gấp 10 lần trong một khoảng thời gian ngắn. Mỗi pound (0,454 kg) gián khô trước đây có giá 2 USD, hiện nay có giá 20 USD.






Tái chế chất thải ô nhiễm:


Trung Quốc có hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ ở các thị trấn nông thôn chuyên phân loại và tái chế chất thải và phế liệu kim loại. Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu chất thải lớn nhất thế giới, chủ yếu nhập từ Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Hàn Quốc… Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 54,85 triệu tấn chất thải trong năm 2013, cao hơn gấp 5 lần so với con số ba năm trước đó. Lượng giao dịch nhập khẩu chất thải từ Mỹ tăng gấp 14 lần kể từ năm 2000, đạt mức 11,54 tỷ trong năm 2011.


Dưới đây là hình ảnh các chất phế thải nhập khẩu được chất cao như núi ở Thiên Tân, Trung Quốc.




Ảnh: Wang Jiuliang


Còn đây là hình ảnh một cơ sở nhỏ chuyên phân loại phế liệu:




Ảnh: Wang Jiuliang


Quản lý người lao động bằng cách giăng lưới bảo vệ


Với những sức ép trong điều kiện kinh tế hiện tại, việc quản lý người lao động được thực hiện theo một số biện pháp khác lạ. Đó là trường hợp ở một số nhà máy như nhà máy điện tử Foxconn, họ đã cho giăng hàng trăm tấm lưới bên ngoài khu nhà ở của công nhân và thuê các tư vấn viên tâm lý để ngăn chặn nhân viên tự sát.






Xây dựng đường cao tốc:


Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiêu hàng chục tỷ USD vào hệ thống đường sắt cao tốc trên không với tham vọng vươn lên dẫn đầu thế giới về ngành này. Tuy nhiên tốc độ xây dựng không phải lúc nào cũng đi kèm với chất lượng xây dưng. Ví dụ như vụ tàu cao tốc đâm nhau xảy ra ở gần thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang năm 2011 khiến 40 người đã tử vong và 200 người bị thương.






Xây dựng cầu quy mô lớn nhưng hiệu quả thấp:


Cây cầu 8 làn đường Qingdao là cầu dài nhất thế giới với chi phi lên tới 14,8 tỉ nhân dân tệ để xây dựng, nhưng chẳng có mấy người đi.






Quản lý bằng cách phong tỏa thông tin mạng internet:


Cụ thể quy định “Không một đơn vị hoặc cá nhân nào được phép tự tạo ra những kết nối quốc tế trực tiếp. Tất cả những kết nối trực tiếp với Internet phải thông qua 4 nhà cung cấp mạng chính của Trung Quốc là: ChinaNet, GBNet, CERNET và CTSNET”. Người dân Trung Quốc không được phép truy cập những trang web lớn nổi tiếng thế giới như Google, Bloomberg.




(Ảnh: Business Insider)


Trung Quốc đã cấm Bloomberg.com tại nước này sau khi tuần báo đăng một bài báo hé lộ tài sản khủng của Chủ tịch Tập Cận Bình.


Nhật Hạ tổng hợp


(Đại Kỷ Nguyên VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét