Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Khi Khổng giáo là công cụ đắc lực cho sự cai trị chế độ


VNTB - Khi Khổng giáo là công cụ đắc lực cho sự cai trị chế độ


Đào Đức Thông (VNTB) Khi làm Cách mạng vô sản, những người Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam coi Khổng tử và triết lý của ông là những thứ rác thải của chủ nghĩa phong kiến ngu dân, là thứ triết học phản Cách mạng. Những người Cộng sản giảng giải rằng sự thấm nhuần những tư tưởng của Khổng giáo và Phật giáo khiến giai cấp vô sản tại hai nước đã không dám đứng đấu tranh giai cấp thống trị phong kiến, và cam chịu làm nô lệ. Nói cách khác, Khổng giáo lúc đó được coi là trở ngại chính trong con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, là kẻ thù của cách mạng vô sản.


Khi Khổng giáo gặp gỡ chủ nghĩa Cộng sản


Trong khi Khổng giáo kêu gọi mọi người tôn trọng trật tự xã hội, thì chủ nghĩa Cộng sản kêu gọi người dân lật đổ, đảo lộn mọi thứ để xây dựng nên một xã hội hoàn toàn mới của loài người.


Nhưng nếu nhìn sâu về mặt bản chất thì Khổng giáo và chủ nghĩa Cộng sản có rất nhiều điểm chung.


Đầu tiên, Khổng giáo không có chỗ dành cho tôn giáo và Khổng giáo chưa bao giờ là một tôn giáo mà là một thứ triết học. Triết học không có một đối tượng cố định, một phương pháp bất biến, một thế sinh bất dịch, và một mục đích vĩnh cửu. Bởi lẽ, nếu sự khôn ngoan không thể bị xác định, thì lẽ tất nhiên, mục đích của triết học cũng không thể bị xác định.


Theo Khổng Tử, con người, trên hết là một thực thể của xã hội. Vì thế con người không nên hướng tinh thần của mình vào thế giới siêu nhiên. Triết thuyết của Khổng giáo đã có điểm chung đầu tiên với chủ nghĩa Cộng sản: Con người không nên tin vào tôn giáo mà nên tập trung suy nghĩ của mình vào xã hội loài người đang sống.


Như vậy Khổng giáo và chủ nghĩa Cộng sản đều đề cao trách nhiệm tập thể và bổn phận xã hội. Chủ nghĩa cá nhân tư sản hoàn toàn xa lạ với cả Khổng giáo và chủ nghĩa Cộng sản.


Thứ hai, là khuynh hướng công nhận tính chính thống. Theo đó vị trí, thứ bậc trong xã hội là không thể thay đổi. Vua sinh ra để làm vua và dân sinh ra để làm dân. Do đó truyền thống cha truyền con nối của chế độ phong kiến được lập lại dưới chế độ cộng sản qua hình thức thế hệ lãnh đạo già nua giao quyền lực lại cho thế hệ kế thừa. Vị trí độc tôn của vua chúa và đảng Cộng sản là bất khả xâm phạm và thách thức.


Thứ ba, bản chất của Khổng giáo là bảo thủ, coi hành vi cá nhân chống lại người khác ở vị trí xã hội cao hơn hay chống lại nhà cầm quyền là hành động nổi loạn làm rối loạn trật tự xã hội. Do đó, để đảm bảo mọi người đều hài lòng trong vị trí xã hội của mình, Khổng Tử đề cao vai trò "đạo đức mẫu mực" của người cai trị như vua chúa và quan lại. Theo đó, vị trí của vua chúa, quan lại là những vị trí đã định sẳn cho những người này. Trong những vị trí trọng vọng đó, họ phải có bổn phận làm gương, rồi dạy dỗ những điều hay lẽ phải cho dân, tức là những người có vị trí xã hội thấp kém hơn. Người Việt hay nói, "quan cho ra quan, dân cho ra dân", cũng là để nói đến cách xử thế của từng người tùy theo thứ bậc xã hội.


Người Cộng sản, sau khi lật đổ chế độ phong kiến đã đưa ra khẩu hiệu rằng cán bộ phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Thay vì nói, "quan là phụ mẫu của dân", người Cộng sản nói "cán bộ là đầy tớ của nhân dân", hay cán bộ là những người "gian khổ đi đầu, sung sướng hưởng sau". Đó là cách đề cao tính "mẫu mực" của những người cai trị dân ở cả tư tưởng Khổng giáo và tư tưởng Cộng sản. Sự khác nhau chẳng qua chỉ là từ ngữ. Do đó, ngay cả cụm từ "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" cũng là cách nói của quan điểm cai trị dân qua sự "tu thân" để lấy đạo đức mà "bình thiên hạ" của Khổng Tử mà thôi.


Khổng giáo trở thành giáo cụ cho sự cai trị


Trong bối cảnh, Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều bất công, tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ cán bộ Cộng sản, uy tín của đảng Cộng sản ngày càng trên đà suy giảm. Các cuộc biểu tình phản kháng trong dân xảy ra với mức độ thường xuyên hơn ở Trung Quốc và Việt Nam đã đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Đảng Cộng sản tại Trung quốc và Việt Nam đang muốn thiết lập lại một xã hội mà nơi đó, người dân nhận biết rõ vị trí của mình và tôn trọng vị trí "chí tôn" của đảng cầm quyền.


Việc quay trở lại với Khổng giáo có thể là một giải pháp cần thiết nhằm thiết lập lại kỷ cương xã hội và dập tắt những mầm mống chống đối. Và cách làm này đã tạo ra sự khác biệt trong chủ nghĩa Cộng sản ở Á Châu.


Không phải tự nhiên mà đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho dựng lại tượng của Khổng tử trên quảng trường Thiên An Môn, Việt Nam cũng chi gần 300 tỷ để xây văn miếu thờ Khổng Tử ở Vĩnh Phúc.


Nó cho thấy rằng, đó là một trong những dấu hiệu để nhận biết sự tiếp nối tính chất "phong kiến" trong lòng chủ nghĩa Cộng sản tại hai quốc gia. Và bản thân sự kết hợp giữa truyền thống Khổng giáo và tư tưởng Cộng sản đã làm tê liệt khả năng đề kháng của người dân với việc, Khổng giáo chống lại bất kể loại hình Cách mạng nào, còn Cộng sản chỉ tiến hành một cuộc cách mạng hình thức.


Do đó, xét cho cùng, đến thời điểm hiện nay, cả 2 dân tộc (Trung Quốc - Việt Nam) đều sống trong một xã hội phong kiến, dưới vỏ bọc của chủ nghĩa cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét