Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Ý kiến anh tài xế taxi


Ý kiến anh tài xế taxi

Đăng bởi Hai Hoang Van on Chủ Nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2015 | 28.6.15

"Anh ta nói ngày xưa đất ở đây chỉ là đồng ruộng thôi, rồi cái tay đại gia này vào, dùng uy thế hay quyền thế để xua đuổi người dân, rồi xây dựng lên một thành phố trong thành phố và giàu thêm, còn người dân và mồ mả bao đời ở đây thì bị dạt ra ngoài thành phố."


Hình minh họa

Tôi thích trò chuyện và nghe ý kiến của giới tài xế taxi. Những ý kiến, những trăn trở của họ có thể ví như là một nhiệt kế thời sự. Hôm qua, đón chiếc taxi hiệu TN ở trung tâm Hà Nội về khách sạn, và có dịp nghe những ý kiến của anh tài xế trẻ làm mình có nhiều … tâm tư.


Bước lên xe, nghe giọng Nam kì của tôi, anh ta hỏi một cách dè dặt: bác từ trong Nam ra? Tôi gật đầu, và vui vẻ thêm rằng đáng lí ra người trong ấy nói giọng Bắc, nhưng chắc do đột biến nên giọng nói cứ phai dần từ Hà Lội, chuyển hoá sang trọ trẹ ở Quảng Bình, Huế, nẫu ở Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, và dịu dần cho tuốt đến Cà Mau thì mất luôn âm hưởng Bắc kì. Anh ta cười lớn, thấy tôi có vẻ vui tính, nên nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, làm cho chuyến đi xa trở nên ngắn lại.


Anh ta hỏi tôi nghĩ gì về Hà Nội. Được hỏi bất ngờ làm tôi suy nghĩ một phút. Tôi nói cảm nhận cá nhân của tôi là (1) Hà Nội hơi chật hẹp, không gian có vẻ ngột ngạt; (2) bất tiện ban đêm vì sau 10 giờ tối thì hàng quán ăn uống đóng cửa; (3) khó tìm chỗ nghe nhạc sống, thậm chí khó tìm giải trí bình dân “hát cho nhau nghe” theo kiểu Sài thành; (4) người dân có vẻ thiếu tính thân thiện, nhìn khách một cách dò xét, và khi họ đội nón cối xanh nữa thì trông rất lạ, nhưng trong thực tế họ lại thân thiện; (5) mấy cô Hà thành hình như có xu hướng mang giầy cao gót với độ cao cao hơn và dốc hơn mấy cô Sài thành, và như thế là nguy hiểm vì khi té là dễ bị gãy xương …


Tôi nói chưa hết những cảm nhận của tôi thì anh ta chen vào nói một mạch như vừa giải thích, vừa giải toả những bức bối nội tâm. Anh nói không chỉ Hà Nội mà những nơi khác ngoài Bắc cũng rất chật hẹp và ngột ngạt, và đó chính là lí do nhiều người ngoài Bắc bỏ quê vào Nam lập nghiệp, rồi khi định cư trong Nam thì họ không về Bắc mà gọi Nam là quê hương luôn. Anh ta chỉ ra một sự thật: Bác có thấy dân Nam ra ngoài này và gọi nơi này quê hương không?


Bằng một giọng nói Bắc kì trầm bổng, bỏ dấu đâu ra đó, và cách lập luận chặt chẽ, tôi chợt nghĩ đến hay là anh chàng này là sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm nên làm nghề lái taxi. Nghĩ thế tôi nhìn anh tài xế cho kĩ hơn. Thấy anh ta còn trẻ, chưa đầy 30, người có vẻ ốm yếu nhưng làn da nâu có lẽ do ngồi taxi tối ngày, mắt sáng, ăn mặc đàng hoàng. Tôi đón xe một cách ngẫu nhiên, chứ không qua ai đó gọi đến, nên tôi nghĩ khả năng cao anh ta không phải là “DLV”. Tôi cảm thấy yên tâm.


Rồi anh ta nói tiếp điểm thứ hai. Anh nói rằng thật ra, Hà Nội cũng có những điểm ăn tối đấy, và họ cũng mở đến 3 giờ sáng, nhưng phải là dân địa phương mới biết. Anh ta thêm rằng nhưng những quán như thế thường không có “đèn sáng” như khu Nguyễn Trãi ở Sài Gòn. Còn nghe nhạc thì anh ấy nói cũng có chỗ luôn, nhưng phải nhờ người sành điệu mới biết. Anh ta cho biết dân Hà thành không có dịch vụ kiểu “hát cho nhau nghe” như trong Sài Gòn. Rồi anh ta khuyên tôi không nên đến mấy chỗ nghe nhạc ban đêm, vì … chẳng có gì hay.


Đến điểm thứ 4, anh ta phản đối tôi. Anh nói rằng người dân ngoài này có thói sống 2 mặt. Ngoài mặt họ thân thiện với bác, đằng sau họ không ưa bác đâu. Này, cháu là dân Hà Tây, Bắc kì 100% nhé, mà cháu cũng cảm thấy không thích cái thói đó. Bác lịch sự quá, cháu làm nghề này và nghe dân Nam ra đây chửi chúng cháu là quân ăn cướp, chặt chém các bác ấy, nhưng cháu cũng phải công nhận các bác ấy nói có phần đúng đấy. Tôi phải vận dụng kĩ năng ngoại giao và nói với anh ấy rằng ở Hà Nội, cũng như ở Sài Gòn, có người thế này thế kia, tôi thì không nghĩ đồng hương ngoài này là “quân ăn cướp”, vì nếu nói ăn cướp thì trong Sài Gòn mới đúng là ăn cướp và còn nguy hiểm nữa. Anh ta không chịu và phản biện: không, ăn cướp trong ấy là manh động và qui mô nhỏ, còn ăn cướp ngoài này là qui mô lớn và êm ái, bác à. Lần đầu tiên tôi nghe khái niệm “ăn cướp êm ái”!


Như để minh hoạ, anh ta đưa tay chỉ về hướng thành phố do một đại gia tỉ phú USD xây, anh ta nói: đấy, đó là ăn cướp đấy bác. À, thì ra, anh chàng này nói ăn cướp theo cái nghĩa rộng hơn. Anh ta nói ngày xưa đất ở đây chỉ là đồng ruộng thôi, rồi cái tay đại gia này vào, dùng uy thế hay quyền thế để xua đuổi người dân, rồi xây dựng lên một thành phố trong thành phố và giàu thêm, còn người dân và mồ mả bao đời ở đây thì bị dạt ra ngoài thành phố. Anh ta nói một mạch, rồi hỏi tôi: bác có biết vụ cướp đất ở Hưng Yên không? Tôi chạy một cái scan trong não và chưa nghĩ ra vụ nào, nên lắc đầu. Anh ta nói rằng ở Hưng Yên có một đại gia là anh của đại gia anh ta vừa nói đến đó mua đất giá rẻ mạt, sau đó một đại gia khác đến mua đất giá đắt hơn chút, và thế là người dân biết mình bị lừa, nhưng biết thì đất đã mất rồi và họ trở thành “dân oan”. Anh ta nói say sưa, như anh ta chính là nạn nhân hay là một dân oan vậy.


Tôi thấy anh ta có vẻ biết nhiều chuyện, nên hỏi anh ta nghĩ gì về chuyện Biển Đông. Anh ta có những phát biểu chứng tỏ rõ ràng anh ta đọc báo lề dân hơi nhiều. Anh ta nói rằng VN chúng ta sẽ có nguy cơ cao bị Bắc thuộc lần nữa. Rồi anh ta tỏ vẻ tiếc nuối thời xa xưa. Anh nói tư tưởng của cụ Hồ là đúng đấy, nhưng các bác sau này chẳng ai làm theo cụ Hồ nên đất nước ra nông nổi này. Đột nhiên, anh ta nói như so sánh rằng cái chính quyền VNCH ấy nó phản dân hại nước chạy theo Mĩ nên cũng chả ra gì. Tôi tò mò hỏi anh ấy là anh đi đến nhận định cái chính quyền phản dân hại nước và tay sai đó từ đâu, thì anh ta cười nói: dạ, cháu chỉ đọc sách báo thôi ạ. À, câu này giải thích tại sao em ấy là fan của tư tưởng cụ Hồ.


Cuộc trò chuyện càng lúc càng hào hứng, nhưng rồi cũng đến lúc chia tay. Xe trờ đến khách sạn, cuộc trò chuyện phải tạm chấm dứt. Tôi đưa tiền cho anh ấy và dặn làm chẵn, coi như một cách tặng thêm cho anh ta hai chục ngàn để nuôi vợ con (hay bồ bịch). Anh ta thối tiền đàng hoàng, và thấy tôi kín đáo đếm tiền, anh ta nói đùa: bác cẩn thận coi chừng bọn Hà Nội ăn cướp tiền đó nhé. Tôi cười lớn, vỗ vai anh ta, rồi nói lời tạm biệt, chúc anh ta nhiều may mắn trong một cái nghề khác thích hợp hơn với trí thông minh và tính hóm hỉnh của anh.

GS Nguyễn Văn Tuấn
27-06-2015

(FB. GS Nguyễn Văn Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét