Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Quảng Nam: Nơi hội tụ đầy đủ mặt trái của thể chế Việt Nam

Nhà khách tỉnh 167 tỉ đồng để "phát triển kinh tế"và bà con nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khóc vì mưa lũ bất thường làm hỏng vụ dưa hấu

VNTB - Quảng Nam: Nơi hội tụ đầy đủ mặt trái của thể chế Việt Nam


VNTB: Quảng Nam - mảnh đất nghèo nằm trên khu vực miền Trung đầy gió bão nay trở thành địa danh được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông báo chí.



Bằng cách nào đó, nơi đây trở thành nơi hội tụ đầy đủ những mặt trái của thể chế. Từ câu chuyện 1.250 con gà hỗ trợ người nghèo ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam “lạc” vào nhà cán bộ UBND xã Quế An đến 16 con nhóm giống cấp cho người nghèo (trị giá hơn 130 triệu) “chạy lạc” vào nhà quan xã Quế Long, huyện Quế Sơn.

Từ câu chuyện tượng đài bà mẹ VNAH (411 tỉ), nhà khách tỉnh (165 tỉ) đến bảo tàng tỉnh (hơn 67 tỉ) nhằm chào mừng ngày “giải phóng tỉnh”.

Mới đây nhất, câu chuyện nhiều trường THPT trên địa bàn Quảng Nam vừa xây xong, mới đưa vào học một học kỳ đã bị mưa thấm dột. Đặc biệt nhất có là ngôi trường chuyên của tỉnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ - Quảng Nam) trị giá 120 tỉ đồng nhưng sau đó cũng thi nhau thấm dột và meo mốc phòng học, nhiều cửa phòng thì cong queo, không đóng lại được.

Cần nhấn mạnh, đến nay Quảng Nam cơ bản là một tỉnh nghèo, bởi đến cuối năm 2014 toàn tỉnh còn 47.943 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 12,10%) hộ cận nghèo còn 9,5%, vì thế nên vào cuối tháng 3/2015, Trung Ương đã xuất cấp (không thu tiền) 1.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm hỗ trợ cứu đói cho nhân dân tỉnh Quảng Nam trong thời gian giáp hạt năm 2015.

Quảng Nam cũng được nhắc đến về tình trạng con ông cháu cha (COCC) khi gần đây, theo báo Đất Việt phản ánh cho biết, ông Lê Phước Hoài Bảo, người mới được 30 tuổi đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh. Con đường tiến chức của ông khá trôi chảy, khi từ chức vụ Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông được điều chuyển nhận công tác UBND huyện Thăng Bình vào tháng 2, một tháng sau, qua kỳ họp bất thường, ông được bầu lên chức Phó chủ tịch UBND Huyện. Và giờ đây làPhó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam.
Có lẽ không ai dám nghi ngờ năng lực của ông Lê Phước Hoài Bảo, nếu như ông không phải là con trai đầu của ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông Lê Phước Thanh, trước đó cũng là người biện hộ cho việc xây dựng nhà khách tỉnh là không xa xỉ bằng quan điểm lạ đời: “Nhà khách là… động lực để thúc đẩy kinh tế cho TP Tam Kỳ và phía nam của tỉnh Quảng Nam”.

Rõ ràng, Quảng Nam đến nay vẫn nghèo chính là từ nhân tai chứ không phải thiên tai. Dưa hấu mất giá do thiên tai còn được nhân dân hai đầu chia sẻ cứu trợ, chứ nhân tai từ những kẻ làm quan tại Quảng Nam thì làm thế nào để san sẻ?


Như vậy, ngoài niềm tự hào với quá khứ “anh hùng, bất khuất”, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, là nơi chào đời của nhiều nhà duy tân thời kỳ cận đại Việt Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi… thì có lẽ, người Quảng Nam sẽ thêm một niềm “tự hào” mới, đó là tỉnh nghèo nhất nhưng ăn chơi xa xỉ nhất, nơi có những câu chuyện gia cầm lạc vào nhà quan kỳ thú nhất, nơi có công trình to đẹp bự nhất, và nơi có những vị quan “yêu thương dân” nhất thông qua việc vẽ dự án để tham ô.

Nói đúng hơn, Quảng Nam "tự hào" là trở thành một điển hình phản ánh đúng bản chất thể chế chính trị, xã hội ngày hôm nay….



Nhà khách tỉnh 167 tỉ đồng để "phát triển kinh tế"và bà con nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khóc vì mưa lũ bất thường làm hỏng vụ dưa hấu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét