Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Cái gốc của vấn nạn Dân oan


Kami - Cái gốc của vấn nạn Dân oan

Written By Trung Lập on Chủ Nhật, ngày 19 tháng 4 năm 2015 | 19.4.15

Ngày 14/04/2015 tại Thạnh Hoá (Long An), gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương do không đồng ý giao đất để tiến hành công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa cho chính quyền, khi đoàn cưỡng chế tiến hành thực hiện thì đã có một số người trong gia đình đã chống đối, cho nổ bình hơi hàn và tạt axit đậm đặc làm nhiều công an trọng thương.


Nguyên nhân dẫn tới việc người dân dùng bạo lực để chống lại đoàn cưỡng chế cũng vì gia đình họ không được chính quyền đền bù khu đất vốn của họ đang định cư bị giải tỏa một cách thỏa đáng và công bằng. Theo gia đình nạn nhân cho biết, chính quyền chỉ đền bù 300 ngàn đồng/1m2, trong khi đó bán cho họ đất định cư ở ngay bên cạnh với giá 25 triệu đồng/1m2 tức là cao gấp gần 80 lần giá đền bù. Và cuối cùng một bi kịch đã xảy ra đối với cả những nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế, với hàng chục người bị thương do bị bỏng axit và 07 thành viên gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương đã bị bắt giữ và sẽ bị truy tố


Sự việc này làm người ta liên tưởng tới các vụ án Đoàn Văn Vương ở Hải phòng, người đã dùng vũ khí tự tạo và bình gaz để chống trả lực lượng cưỡng chế từng làm rúng động dư luận cách đây mấy năm. Hay trường hợp của ông Đặng Ngọc Viết, một người dân oan ở Thái Bình, trong lúc tuyệt vọng đã cầm súng đến trụ sở cơ quan quản lý đất đai nã súng vào 5 cán bộ rồi tự sát v.v.... Điều đó cho thấy vấn đề những người dân bị mất đất, mất nhà, mất nơi làm ăn sinh sống... và bị dồn vào đường cùng và cuối cùng họ đã buộc phải lựa chọn sử dụng vũ khí để đáp trả nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế đất đai của gia đình họ trong tâm trạng tuyệt vọng đang là một vấn đề nổi cộm trong xã hội cần phải được các cấp, các ngành xem xét và tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để.


Trước hết cần phải thừa nhận, vấn đề dân oan là sản phẩm đặc thù của xã hội Việt nam, đây là một vấn nạn nhức nhối và dai dẳng của xã hội Việt nam trong suốt gần 30 năm đổi mới và cho đến hôm nay vẫn chưa thấy lối thoát. Vấn nạn này xuất hiện kể từ khi nhà nước tiến hành việc đổi mới kinh tế, để chuyển nền kinh tế từ hình thái kế hoạch hóa kiểu XHCN theo mô hình cộng sản, sang nền kinh tế thị trường xuất hiện từ năm 1986. Kể từ đó, khi một bộ phận cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp đã cấu kết với các thương nhân, núp dưới danh nghĩa đầu tư các công trình phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi và sử dụng một số lượng đất đai rất lớn của nhà nước vào mục đích kinh doanh của mình. Thông qua việc chạy chọt các thủ tục và các hợp đồng ăn chia giữa các cán bộ có thẩm quyền, đất do nhà nước được cấp cho tư nhân với giá đền bù rẻ như cho, kể cả đối với đất đai của người dân đang canh tác hoặc sử dụng thì bị thu hồi và đền bù cho chủ đất với giá rẻ như bèo, cụ thể là đền bù cho chủ đất một phần rồi phân lô bán nền với giá cao hơn gấp cả trăm lần.


Hậu quả của việc thu hồi đất này đã đẩy vô số những người dân hiền lành ra đường để nhập vào đội ngũ dân oan khiếu kiện, vì trong tay họ lúc đó chỉ có một chút tiền đền bù do nhà nước chi trả, trong lúc mọi tư liệu sản xuất để duy trì cuộc sống của họ đã không còn. Trong trường hợp người dân không đồng tình vì giá cả đền bù quá rẻ mạt, họ không có cơ hội để kiếm sống thì chính quyền lấy danh nghĩa các công trình quan trọng của nhà nước để dùng lực lượng công an, thậm chí kể cả quân đội dùng bạo lực để tham gia cưỡng chế. Như ở khu đô thị Ecopark - Hưng yên hay Giáo xứ Cồn Dầu - Đà nẵng là những dẫn chứng điển hình. Và đối với những người không chấp nhận sự bất công đã cầm vũ khí đứng lên chống trả lực lượng cưỡng chế thì oan nghiệt lại ập lên gia đình họ. Lúc đó họ không chỉ mất nhà mất đất, mà bản thân họ và những người trong gia đình sẽ rơi vào vòng lao lý, tù tội.


Đây cũng là lý do giải thích vì sao hầu hết các đại gia ở Việt nam hiện nay đều giàu và phất lên từ kinh doanh đất đai và bất động sản. Điểm mặt các doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam bây giờ, sẽ thấy các doanh nghiệp này hầu hết liên quan rất ít đến các ngành công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu liên quan đến đất đai. Sự giàu lên một cách chóng mặt của các đại gia chủ yếu là nhờ vào xin cấp đất của nhà nước để kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân sâu xa và là cái gốc của vấn đề dân oan cũng bởi chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số ít người giàu lên nhanh chóng nhờ đất và trong khi đó thì có hàng nghìn, hàng vạn người đã bị đẩy ra đường để trở thành những người dân oan.


Vấn đề là ở chỗ, nếu mỗi người dân Việt Nam đều có quyền sở hữu chính danh trên mảnh đất của mình - sở hữu cá nhân, thì lúc đó nhà nước sẽ không thể áp dụng thủ tục thu hồi đất đai hay tổ chức cưỡng chế để thu hồi, mà phải tiến hành thủ tục trưng mua đối với chủ sở hữu. Song với thủ tục trưng mua, sẽ mang lại sự công bằng hơn cho người dân mất đất, nhưng lúc ấy sẽ khó khăn hơn cho người muốn có đất là các đại gia. Đây là lý do vì sao ở các quốc gia khác trên thế giới chúng ta không thấy hiện tượng có một lực lượng đông đảo những người dân bị mất đất, mất nhà, mất cửa... bị đẩy ra đường và tập trung khiếu nại trên đường phố các thành phố lớn như ở Việt nam.


Điều bất hợp lý của chế độ sở hữu toàn dân mà ai cũng thấy là, người dân vinh hạnh được nhà nước coi là chủ nhân của đất đai, tài nguyên và vùng trời..., song trên thực tế cho thấy người dân hoàn toàn không có quyền định đoạt về những cái đó. Nghĩa là người dân thực sự chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Vậy câu hỏi đặt ra là “ai là chủ sở hữu toàn dân”? Theo tất cả các văn bản luật hiện hành thì “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân”. Nhưng một câu hỏi đặt ra tiếp theo là "vậy thì ai là Nhà nước". Theo quy định thì Nhà nước là một bộ máy và hệ thống tổ chức bao gồm nhiều thiết chế và cơ quan khác nhau, từ ông Thủ tướng cho đến ông Chủ tịch xã. Thậm chí một ông các bộ quèn của ủy ban xã cũng có thể nhân danh là người nhà nước. Do không làm rõ quyền đại diện, nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng khá phổ biến, đó là các cán bộ cấp xã cấu kết với nhau cũng có quyền bán đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Trong khi những người dân, vốn được cho là chủ nhân của đất đai, vùng biển, vùng trời thì chẳng hề mảy may có chút quyền hành gì.


Chính vì thế, theo chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh đã nhận định rằng : "Toàn dân không phải là một pháp nhân, cho nên cần phải cụ thể hóa người chủ sở hữu thật có tư cách pháp nhân là ai, có trách nhiệm giải trình như thế nào, ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu ấy? Cần phải tiến tới xác định đa dạng hóa hình thức sở hữu về đất đai. Loại nào là sở hữu toàn dân? Loại đất mà người nông dân đã cày cấy bao nhiêu đời nay thì phải thừa nhận quyền sở hữu của họ chứ! Nếu không rõ ràng, dễ dẫn đến lạm dụng cái sở hữu toàn dân ấy để thu hồi đất, ăn chênh lệch giá, là điều hết sức nguy hiểm."


Vấn đề sở hữu toàn dân thực sự là một rào cản, đồng thời là nguồn gốc của vấn đề dân oan. Những tồn tại và sự bất cập của loại hình sở hữu này thì ai ai cũng biết và chắc chắn những người lãnh đạo quốc gia đều biết. Song vì loại hình sở hữu mập mờ này vẫn có giá trị trong việc đánh lừa người dân, rằng sở hữu toàn dân là đặc trưng cho xã hội cộng sản, mọi tư liệu sản xuất đều thuộc về sở hữu toàn dân. Nhưng vấn đề cơ bản nhất là loại hình sở hữu này đã giúp cho các quan chức ở các cấp giàu lên nhanh chóng thông qua việc cấp đất cho các ông chủ tư nhân dưới chiêu bài các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.


Tuy vậy. một vài người giàu lên vì những dự án liên quan đến đất thì cũng có hàng nghìn, hàng vạn người mất đất mất nhà, mất cửa. Với giá cả và các chính sách đền bù như hiện nay thì sẽ còn vô số những dân oan xuất hiện và trong số đó sẽ còn không ít người quá uất ức sẽ chống người thi hành công vụ, sẽ dẫn đến việc gây thương tích nghiêm trọng cho nhân viên nhà nước và bản thân họ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và có thể kết thúc trong vòng tù tội. Đã đến lúc, câu hỏi về giải pháp công bằng cho người dân trong các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội cần phải có câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà nước. Vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân cần phải được xem xét hủy bỏ, để thay bằng các chủ sở hữu thực sự và phải là một thực thể pháp lý cụ thể. Khi đó, việc nhà nước thu hồi đất của dân để tiến hành các dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ phải thông qua thủ tục trưng mua theo giá cả mà cả hai phía đều có thể chấp nhận được. Chỉ có như thế thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề dân oan khiếu kiện như hiện nay.


Ngày 19 tháng 04 năm 2015


© Kami


(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét