Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Nghịch lý ‘Đi tìm định hướng’ !


Bùi Văn Bồng - Nghịch lý ‘Đi tìm định hướng’ !

Written By Trung Lập on Thứ Bảy, ngày 18 tháng 4 năm 2015 | 18.4.15

Mới đây, trong bài có tựa đề “Sau 40 năm, Việt Nam còn mấy phần cộng sản?”, đăng trên ‘BBC tiếng Việt’, tác giả Thanh Doan viết: ‘/Chủ nghĩa tiêu dùng như đang cuốn tất cả mọi người vào cơn kích động mạnh chưa từng có, để rồi bất chợt nhiều người tự hỏi, Việt Nam còn mấy phần Cộng sản? Trong một khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew Research đặt tại Washington DC, có đến tận 95% người Việt được khảo sát đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của thị trường tự do, cao hơn hẳn các quốc gia tư bản như Mỹ hay Hàn Quốc, hoặc thậm chí là Trung Quốc, đất nước có nhiều tương đồng về kinh tế và chính trị.


Điều này minh chứng rằng không còn mấy người Việt Nam còn tin tưởng vào định hướng xã hội chủ nghĩa. Triết học Mác Lê Nin giờ đây không còn được dùng như “kim chỉ nam” cho các nhà hoạch định chính sách. Nếu ai đó còn nhắc đến học thuyết Mác-xít thì có lẽ chỉ là trên những giảng đường thiếu sinh viên, hoặc ngoài quán nước như những câu chuyện cười cợt siêu thực về một thời quá đỗi lãng mạn mà không ai còn muốn kể nữa./’.


Trong “Công cuộc đổi mới” mấy chục năm qua, những thành tựu đạt được còn quá khiêm tốn, sự lỗ lã và thất thoát quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước là nguyên nhân khiến cho kinh tế không phát huy được như khả năng có thể. Đây là điểm khiếm khuyết lớn nhất của cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó chính là điều mà đến nay, Đảng CSVN tác giả khởi xướng của khái niệm này vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể và xác đáng. Tuy vậy khái niệm định hướng XHCN nếu nhìn dưới các góc độ khác nhau thì xuất hiện những ý tưởng mới lạ và rất đáng quan tâm.


Thực chất, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một cơ chế quản lý kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra và triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990 cho đến nay (cái gốc ‘xoay chuyển’ này từ gợi ý, và cũng là sự ‘hướng đạo’ của Trung Quốc tại Hội nghị Thành Đô – 9-1990). Việc áp dụng cơ chế này cũng được ghi vào Hiến pháp Việt Nam mới nhất.


Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử . Thêm vào đó, công tác lý luận ở Việt Nam về hệ thống kinh tế này còn chưa theo kịp thực tiễn. Gần 20 năm theo đuổi chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng các thể chế cho hệ thống này hoạt động vẫn chưa có đầy đủ. Đến hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30 tháng 1 năm 2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tới ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chính phủ Việt Nam mới có nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW.


Tuy nhiên, cái ‘căn nguyên’ để đưa ra những lý thuyết, lý giải, phân tích về ‘Kinh tế thị trường định hướng XHCN’ lại do các chuyên gia kinh tế, các GS.TS giúp việc cho Trung ương đảng, Chính phủ đưa ra sau nhiều soạn thảo và không ít cãi cọ. Có điều, lý thuyết, phân tích, lý giải mà ‘các cụ’ đưa ra lại rơi vào giáo điều, khô cứng, sáo mòn, ít thực tiễn. Cái nền (cơ sở) kiến thức của ‘các cụ trí thức-nhà khoa học, nhà tham mưu’ kinh tế lại chủ yếu học từ Liên Xô những năm 60-70 của thế kỷ trước, lại mang đậm lối quản lý, điều hành kiểu Stalin, nay được vá víu, tô vẽ, nhuộm thêm chút màu sắc ‘kinh tế tư bản phát triển’ cho nên nó trở thành thứ ‘ba rọi’ khó nhận diện, khó tiêu hóa. Sự nhì nhằng, nhập nhẹm không phân rõ đâu là kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, cạnh tranh lành mạnh, đâu là quản lý Nhà nước cứ lộn nhèo.


Hơn nữa, cái gọi là ‘định hướng XHCN’ lại bị quấn chặt, níu kéo bởi sự dính dáng nhiêu khê kiểu bao cấp trước đây, cho nên các thành phần kinh tế không được tự do cạnh tranh lành mạnh. Sự phân biệt đối xử đã thấy rõ nét. Các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, các ‘quả đấm thép’, cái ‘yết hầu’ đeo râu đội mũ, khoác áo ‘quốc doanh’ được ưu tiên, ưu đãi, ưu ái hơn về vốn. Khi lỗ thì có ngay bù lỗ. Rút vốn ngân hàng dễ như rót nước. Còn các thành phần kinh tế khác lại bị ‘phân biệt đối xử’, như con đẻ với con nuôi, con có cha và con ngoài giá thú, rất khổ, trầy trật về vốn, chịu thuế cao, áp đặt nhiều ‘lòi tói’, và nếu không may khi lỗ thì “ráng chịu, không ai cứu”! Đó là “Đuôi to hơn đầu”, sinh ra nghịch lý. Kinh tế thị trường là đầu, bị xem nhẹ. Định hướng XHCN là cái đuôi to phình do được nhiều ưu đãi, cứu trợ của nhà nước về đủ mọi mặt. Thế mà, các nhà chuyên gia kinh tế, Hội động lý luận Trung ương ra sức bợ đỡ khối Kinh tế quốc doanh!

TS. Lê Đăng Doanh bình luận: Đó là nguyên nhân của sự phát triển kinh tế thiếu hiệu quả, đồng thời nó là mầm mống của việc tham nhũng và lợi ích nhóm trong các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó dẫn đến bảng xếp hạng của kinh tế Việt nam đang ở mức thấp trong nhiều năm gần đây. Hiện nay nền kinh tế thị trường của Việt nam đang chịu sự tác động của nhà nước trên mức bình thường và có hàng loạt các cam kết đang gây tranh cãi. Ví dụ như việc nhà nước can thiệp vào hệ thống giá hiệu quả đến đâu, giữ ổn định giá có giữ được không và hiệu quả như thế nào? Hiện nay nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang chịu sự can thiệp quá mức của nhà nước đã gây nhiều tranh cãi. Theo ông Doanh, để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh đúng như khả năng của nó, nhà nước cần phải tôn trọng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chống độc quyền và áp dụng đúng và đủ cơ chế thị trường.


Ấy vậy mà tại Hội thảo mới đây, “đỉnh cao trí tuệ” của Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vẫn gân cổ: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội (!?).


Câu hỏi tại sao sau 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn èo uột như vậy và chủ yếu lấy cơ chế xin-cho làm tôn chỉ hành động, không tăng được năng lực cạnh tranh... phải chăng đã tìm được câu trả lời từ chính sự mập mờ của khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" này?


Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy Chủ nghĩa xã hội kết hợp với yếu tố thị trường còn được gọi là Con đường thứ ba (để phân biệt với hai con đường khác là kinh tế thị trường tự do (hay kinh tế tư bản chủ nghĩa) và kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã rời bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa để chuyển sang nền kinh tế thị trường. Các nước tư bản phát triển như Mĩ, Anh, Pháp và Nhật trong thế kỉ 20 cũng điều chỉnh mô hình kinh tế theo hướng giảm thiểu sự can thiệp của bộ máy nhà nước (mô hình kinh tế hỗn hợp, phương pháp tích hợp đa năng, tổng lực đa chiều).


Trong một bài viết mới đây, tác giả Kami phân tích: Sau khi nhà nước Việt nam tiến hành đổi mới kinh tế chuyển từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường kiểu tư bản. Cái đuôi định hướng XHCN, khi đó hoàn toàn chỉ nhằm mục đích biện minh cho sự vi phạm nguyên tắc kinh tế học của học thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin của Đảng CSVN, đó là công hữu hóa toàn bộ về tư liệu sản xuất. Đồng thời nhằm để chứng tỏ rằng việc đổi mới kinh tế của Đảng CSVN hoàn toàn không bị chệch hướng hay xa rời lý tưởng cộng sản, mà vẫn kiên định với Chủ nghĩa Marx -Lenin.


Kinh tế thị trường định hướng XHCN được áp dụng ở Việt nam tuy đã gần 30 năm, song một cái định nghĩa đúng, đủ và hoàn chỉnh cho khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN thì đến nay hoàn toàn chưa có. Gần đây nhất, ngày 28.2.2015 vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận TƯ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã cho biết Đảng sẽ ra định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều đó cho thấy trong vòng 30 năm qua nền kinh tế Việt nam thực sự là đã được Đảng CSVN dẫn dắt một cách mò mẫm và thiếu cơ sở lý luận khoa học.


Chủ trương khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được thực hiện trong thực tế bằng việc thành lập hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty 90, tổng công ty 91. Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp nhà nước lớn này hoạt động không hiệu quả và/ hoặc thua lỗ triền miên, dẫn tới yêu cầu phải tái cấu trúc và cổ phần hóa các doanh nghiệp này.


Một số vấn đề đang tồn tại cần được nghiên cứu giải quyết:


- Do nhà nước (thông qua các doanh nghiệp nhà nước) nắm quyền chi phối phần lớn tài nguyên (economic resources) của nền kinh tế bao gồm đất đai, khoán sản, tín dụng, ưu đãi chính sách.v.v. nên các chính sách chống tham nhũng, chống lãng phí.v.v. nếu không chặt chẽ sẽ dẫn đến tiêu cực: cán bộ tham nhũng ngày càng tinh vi và hệ thống phải gồng mình tập trung chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, thay vì tập trung toàn lực cho sản xuất.






- Việc quản lý kém hiệu quả các nguồn tài nguyên kinh tế và tham nhũng thất thoát cao trong hệ thống dẫn đến đầu tư nhà nước vào nền kinh tế đạt hiệu quả thấp. Tuy vậy khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới là khu vực hiệu quả kém nhất, nguyên nhân là do các báo cáo lỗ, do việc chuyển giá giữa công ty mẹ với các công ty con diễn ra khá phổ biến trong những năm qua.. (xem chỉ số ICOR). Ví dụ, để có giá trị tăng thêm tương đương với 1 đồng, thì Việt Nam phải đầu tư 5,1 đồng (năm 2008) so với 4,1 đồng của Thái Lan.


Chi phí đầu tư cao dẫn đến một nguy cơ nền kinh tế luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ xảy ra quá tải (overheat) cùng lúc với dễ dàng suy thoái. Để đưa đất nước lên trở thành công nghiệp hóa, Việt Nam phải tốn kém gấp 1,5 lần các quốc gia NIC như Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, mà hệ lụy của sự tốn kém "bất thường" này là mục tiêu công nghiệp hóa sẽ khó đạt được, hoặc cho dù đạt được thì chi phí "bảo trì" cho một nền kinh tế như vậy cũng sẽ cao, dẫn đến hàng hóa do nền công nghiệp của Việt Nam sản xuất ra thường phải bán giá cao mới đủ lợi nhuận, từ đó dẫn đến giảm sức cạnh tranh. Để tăng sức cạnh tranh phải giảm giá hàng hóa, thì chi phí lao động phải bị kiềm chế, vì các loại hàng hóa khác phải theo cơ chế thị trường. Sự kiềm chế chi phí lao động sẽ khiến thị trường lao động bị bóp méo và nguy cơ mất ổn định cao vì lãn công, đình công.


- Sự thành công trong công cuộc chống tham nhũng lãng phí ở khu vực kinh tế Nhà nước, đồng thời tổ chức lại khu vực kinh tế FDI và không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, chỉ chấp nhận đầu tư có chọn lọc đối với khu vực FDI, sẽ quyết định rất lớn đến sự thành công của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.


- Trong những năm đầu áp dụng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã có hiệu quả. Nhưng đến nay đã bộc lộ những bất cập và mâu thuẫn, vì: Nhà nước (NN) quản lý, điều tiết 1 số giá được cho là chiến lược như giá điện, nhiên liệu...do vậy, khi cần thì NN tăng hoặc giảm giá, và như vậy khi cần tiến hành lập, phân tích triển khai 1 dự án sẽ khó khăn khi xác định giá thành sản phẩm vì nó phụ thuộc vào sự điều tiết giá đầu vào của NN, nếu sự điều tiết này là tăng cơ học quá lớn thì làm đảo lộ tất cả các hoạch định, tính toán hiệu quả của 1 dự án, thậm chí làm phá sản. Nhưng nếu NN không điều tiết thì DNNN sẽ bị lỗ (như ngành điện chẳng hạn) và các thành phần kinh tế khác hưởng lợi.
Nhiều người cho là khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn còn rất mập mờ.


Theo luật sư Trương Thanh Đức cần được xác định rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì trong dự thảo Hiến pháp, để tránh trường hợp áp dụng kinh tế kế hoạch hoá tập trung vào kinh tế thị trường.


Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập "định hướng xã hội chủ nghĩa" là phải bảo đảm sự công bằng tương đối về xã hội và chế độ an sinh xã hội phổ cập đối với người dân. Điều này giống với mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội của nước Đức, và khác với nền kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ. Tuy nhiên, có những thực tiễn vừa qua lại đi ngược lại, ví dụ như việc tăng phí bệnh viện và phí học đường đang trở thành gánh nặng cho người nghèo. Hậu quả của việc không xác định mô hình kinh tế và duy trì các mối quan hệ không rõ ràng giữa Nhà nước và thị trường, sẽ biến các doanh nghiệp thành các chủ thể phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào Nhà nước.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phán một câu ‘xanh rờn’: “Đến cuối thế kỷ 21, Việt Nam chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện”.


Dù có ‘nặng gánh' bảo thủ, giáo điều đến mấy, thì thực tế vẫn chuyển đổi được cách cách nhìn nhận. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói về khái niệm định hướng XHCN, rằng: “Kinh tế thị trường là thế nào, định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào - không chung chung nữa. Kinh tế thị trường phải tuân thủ đầy đủ các quy luật của thị trường...Còn 'Định hướng XHCN' là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…” là quan niệm rất đáng chú ý.


Về câu hỏi, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong một buổi nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013, trả lời: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đã thổ lộ tâm tư: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.


Đúng thế, tự đặt ra cái đích (mục tiêu) nhưng nó xa hay gần, hình thù nó ra sao, nó ở đâu ... đều không biết, nay vẫn "kiên trì, kiên định mục tiêu" và mò mẫm…đi tìm!


Bùi Văn Bồng


(Blog Bùi Văn Bồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét