Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Mượn tiền ngoại quốc, đừng ăn mặn để con cháu khát nước!


Mượn tiền ngoại quốc, đừng ăn mặn để con cháu khát nước!


XUÂN DƯƠNG


(GDVN) - Chúng ta, thế hệ người Việt ngày hôm nay không thể ăn mặn để con cháu sau này khát nước, không hiểu điều đó chỉ có thể là những kẻ thù của tương lai.
Cho đến bây giờ vẫn có người ngây thơ khi nhắc đến từ “viện trợ”, vẫn có người hỏi “viện trợ” ấy có phải trả không?



Cầu Nhật Tân (Hà Nội) một trong những công trình vay ODA để làm. Ảnh từ Báo cáo tiến độ cầu Nhật Tân.


Người viết đã từng đề xuất ý kiến không dùng từ "viện trợ" mà dùng cụm từ "vay ưu đãi" hoặc "vay lãi suất thấp". Đã gọi là vay thì đương nhiên phải trả, làm ăn kinh tế thì ngoài trả gốc còn phải trả lãi, người dân phương tây luôn tâm niệm câu nói "không có bữa trưa nào là miễn phí".

Tâm lý “viện trợ” đã hằn sâu vào nhiều tầng lớp người Việt, thiếu cái gì, không có cái gì cũng "đề nghị cấp trên", "đề nghị trung ương”… Hễ bão lũ, thiên tai là kêu thiếu, kêu đói là Chính phủ phải cấp gạo, cấp tiền, là "lá rách ít đùm lá rách nhiều"...

Vốn ngân sách trung ương cấp đương nhiên là miễn phí, xin được càng nhiều càng ít mà mấy ai nghĩ đến khái niệm phải hoàn trả?. Không ít nơi đã xảy ra chuyện xin được nhiều thì chia được nhiều phần, người nghèo được và người chia cũng được. Tâm lý trông chờ viện trợ lâu ngày hình thành nên một phong cách làm việc khá phổ biến ở một số cán bộ gọi nôm na là "văn hóa đi xin”.

Xã xin huyện, huyện xin tỉnh, tỉnh xin trung ương, vậy trung ương "xin" ai? Trong điều kiện khó khăn hiện tại Nhà nước không thể đi xin nên chỉ còn cách vay nước ngoài mà hình thức ODA (Official Development Assistance - vốn hỗ trợ phát triển chính thức) được xem là tốt nhất. Với thời gian cho vay dài, có khi tới 30 năm, có thể thấy ngay ngày hôm nay chúng ta đi vay thì con cháu sau này phải trả.

Nếu không ăn nên làm ra mà ăn lẹm vào tiền vay thì sự phá sản mà thế hệ tương lai phải chịu là điều hiển nhiên. Hy Lạp là một bài học cay đắng cho cách thức vay và tiêu tiền của các chính phủ nước này trước đây.

Vậy ODA có phải là phương thuốc thần kỳ giúp mọi quốc gia phát triển?

Ngày 2/9/2008, bbc.co.uk có bài viết liên quan đến việc Phát xít Nhật gây ra cái chết của hàng triệu người Việt Nam năm 1945. Trả lời câu hỏi "vì sao Việt Nam hiện chưa yêu cầu Nhật Bản xin lỗi chính thức?",

GS. Đinh Xuân Lâm nói “Việt Nam chưa đặt vấn đề đó bao giờ và chúng tôi thấy rằng cũng không cần thiết. Chúng tôi thấy Nhật Bản hiện nay vẫn quan hệ tốt với Việt Nam thông qua đầu tư và bằng những công việc trao đổi khoa học, kỹ thuật, trao đổi sinh viên, văn hoá. Chúng tôi thấy đó là thể hiện thiện ý của Nhật Bản. Qua đó, thấy rằng Nhật Bản đã nhận thức được lịch sử trong thời gian vừa qua".

Khi phóng viên người Việt hỏi một quan chức Nhật Bản về trách nhiệm của Nhật trong nạn đói 1945 ở Việt Nam, vị quan chức này tránh trả lời trực tiếp câu hỏi mà nói đại ý "Nhật là nước viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam hiện nay".

Nhật trở thành nước đứng đầu trong việc cấp vốn ODA cho Việt Nam bởi vì “Nhật Bản đã nhận thức được lịch sử”. Hàng nghìn hecta rừng bị trụi lá vì chất độc da cam, hàng vạn trẻ em mang dị tật vì di chứng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng khiến chính phủ Mỹ phải cấp những khoản viện trợ nhỏ giọt cho chương trình tẩy rửa chất độc ở Việt Nam.

Thế hệ cha ông đã phải trả giá bằng mạng sống để ngày nay chúng ta có được những khoản ODA tái thiết đất nước. Vậy thế hệ ngày nay có thể hy sinh cuộc sống để cho con cháu mai sau không phải trông chờ vào ODA mà là cho nước khác vay ODA?

Nếu căn cứ vào ý kiến của ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam thì câu trả lời là không.

Hãy nghe phát biểu của ông Mutsuya Mori: "Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát". [1]

Câu nói của một người Nhật "Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng" đã động đến lòng tự trọng của mọi người dân Việt, còn những người làm giàu từ tham nhũng liên quan đến ODA, liệu họ có còn chút tự trọng nào để mà xấu hổ với con cháu, dòng tộc, với thế hệ mai sau?

Hỏi chuyện một lãnh đạo phòng cấp huyện về ODA, câu trả lời là "em không làm về mảng kinh tế nên không rành về ODA". Phải chăng ODA không phải là việc của người dân, kể cả cán bộ cấp huyện mà chỉ liên quan đến một số ít người có trách nhiệm ở những cấp cao hơn như cấp tỉnh, cấp bộ?

Tại sao đất nước cứ phải phụ thuộc vào ODA khi mà lượng vàng dự trữ trong dân khoảng 1.000 tấn, tương đương 45 tỷ USD. [2] Nên nhớ đây là số liệu do Hội đồng vàng thế giới thống kê và được một số nhà chuyên môn đánh giá là khá sát với thực tế.

Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia năm 2011, khoảng 17% vốn đầu tư được dùng để mua vàng dự trữ. [2] Một số vốn khổng lồ nằm im lìm không sinh lãi trong khi chúng ta cứ háo hức ODA, tại sao lại như vậy?

Trả lời câu hỏi này không khó, có hai nguyên nhân dễ nhận thấy:

Thứ nhất, người dân không mặn mà với các kênh huy động vốn của nhà nước, Vietnamnet.vn ngày 22/3/2015 chạy tít: "Đầu tư căn hộ, thu về mớ rau: Thua đau một đời”. Không phải chỉ là tiền tiết kiệm mà trái phiếu, công trái cũng có tình trạng mất giá trị tương tự, vậy nên tâm lý người dân là cất vàng trong nhà, tội gì đầu tư vào kênh nhà nước!

Người dân túng thì đi vay, vay mà không trả được thì nói khó với người ta là xin, người độ lượng không ai chấp nhặt, nhưng nói theo dân gian "ngậm miệng ăn tiền” thì không được.

Nếu Nhà nước vay và trả một cách sòng phẳng cho dân thì đâu đến nỗi người dân phải bị “thua đau một đời”! Điều cần nói là trước thực tế đó, cả Ngân hàng lẫn Bộ Tài chính có bao giờ có câu trả lời thỏa đáng cho dân.

Thứ hai, ODA giống như chùm khế ngọt cho một số người "trèo hái cả ngày". Riêng với ODA từ Nhật Bản, đã có ba dự án xuất hiện tham nhũng từ phía quan chức Việt Nam bị phanh phui (dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Đại lộ Đông - Tây TP Hồ Chí Minh và vụ bê bối tại PMU 18). Câu hỏi tất yếu mà dẫu có ngây thơ mấy cũng phải đặt ra “liệu đó đã phải là tất cả"?

Sự cảnh báo của người Nhật về vấn nạn tham nhũng ODA trong hàng ngũ quan chức Việt Nam, mới chỉ là giọt nước tràn ly, mà giọt nước thì làm sao có thể làm ướt những "lá khoai, đầu vịt”! Nói thế bởi vì mức án mà Huỳnh Ngọc Sĩ (đại lộ Đông-Tây), phải nhận là 20 năm tù, còn Bùi Tiến Dũng (PMU18) chỉ bị 7 năm tù (cho tội tham nhũng)!

Quốc hội đang bàn thảo về sửa đổi Luật hình sự, một số ý kiến đề nghị bỏ án tử hình với 07 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Như vậy các tội danh "tham ô tài sản" và "nhận hối lộ” không đề xuất bỏ án tử hình.

Một bài báo nước ngoài viết: "Một lãnh đạo của JTC từng khai với cơ quan công tố Tokyo rằng đã hối lộ một quan chức Việt Nam 66 triệu Yên (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ Yên ở Việt Nam". [3]

Một người Nhật công nhận “đã hối lộ một quan chức Việt Nam" nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam không nghĩ như người Nhật. Bằng chứng là các bị can trong vụ JTC đã bị khởi tố với các tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" chứ không có "một quan chức" nào bị khởi tố với tội "nhận hối lộ"?

Thay đổi tội danh tức là thay đổi khung hình phạt, khoản 4 điều 279 Luật Hình sự quy định khung hình phạt cao nhất với tội "nhận hối lộ" là tử hình trong khi hai tộ danh nêu trên, điều 285 tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù còn điều 281 tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hình phạt cao nhất là 30 năm tù.

Phải chăng chính vì cách hiểu của cơ quan tố tụng Việt Nam khác với Nhật Bản nên người đứng đầu Jica mới phải “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng"?

Để bảo vệ quốc thể, sứ thần Giang Văn Minh đã hy sinh mạng sống của mình, còn những kẻ khiến cho người đứng đầu JICA Nhật Bản phải “thiết tha mong …” có phải đang bán rẻ quốc thể? Đã có kẻ nào trong số đó bị trả giá bằng mạng sống của mình?

Việc đề xuất bỏ án tử hình với 07 tội danh cho thấy bản chất nhân đạo của Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Những người hiểu biết, không có bất cứ ai muốn người khác phải bị án tử hình, nhưng bất kỳ người dân nào cũng đòi hỏi pháp luật phải được thực thi một cách công bằng, đúng người, đúng tội.

Pháp luật phải vì 90 triệu người dân chứ không thể vì một người hay một thiểu số. Pháp luật cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể trái với những chuẩn mực mà thế giới thừa nhận.

Điều tha thiết mong mỏi của ông Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản phải chăng không chỉ là lời cảnh tỉnh với những ai đó đang coi ODA như là một "chùm khế ngọt" mà còn là lời nhắn với các cơ quan tố tụng Việt Nam, rằng người Nhật đã xác định có “một quan chức” người Việt nhận hối lộ tới 16 tỷ, gấp hơn 50 lần mức 300 triệu được quy định trong khoản 4 điều 279 Luật Hình sự.

Chúng ta, thế hệ người Việt ngày hôm nay không thể ăn mặn để con cháu sau này khát nước, không hiểu điều đó chỉ có thể là những kẻ thù của tương lai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét