Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Vì sao ‘thị trường cờ bạc’ bật tăng dữ dội?


VNTB- Vì sao ‘thị trường cờ bạc’ bật tăng dữ dội?
Reply
news, opposite, Thiền Lâm, Vì sao ‘thị trường cờ bạc’ bật tăng dữ dội?, VNTB
17.12.17


Ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, thị trường chứng khoán chỉ là một thị trường cờ bạc, trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế. Ảnh: VTC

Thiền Lâm
Cali Today
Việt Nam – Cali Today News – Việt Nam đang trở nên “hấp dẫn nhất thế giới” khi “chỉ số đo sức khỏe nền kinh tế” – nhưng lại bị rất nhiều người dân xem là một thị tường cờ bạc – bật tăng dữ dội kể từ tháng 11/2017.
Lẽ dĩ nhiên, chính phủ “kiến tạo” của Thủ tướng Phúc và những cận thần ham hố thành tích tăng trưởng có thể trông mong vào hiện tượng chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên gần 1.000 điểm vào đầu tháng 12 cùng năm, nhưng thậm chí vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, có chuyên gia còn dự báo thị trường này có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.
Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình của VN-Index, ai cũng phải công nhận đó là một người đàn bà hấp dẫn, thậm chí hấp dẫn nhất thế giới, bởi nó đã mang lại hình ảnh thăng hoa dữ dội cho thị trường chứng khoán Việt Nam thuộc loại ghê gớm nhất trên thế giới vào năm 2017.
Nhưng nếu “nhìn xuyên qua quần áo” của người đàn bà trên, người ta sẽ thấy gì? Có thật người đàn bà đó là đặc trưng cho sắc đẹp của cả nền kinh tế Việt Nam như các kênh báo đảng và kênh báo chính phủ thường lôi cả sự trần trụi ra để khoe mẽ?
Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt nam từ hàng chục năm qua – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã cho rằng không phải bây giờ mà suốt từ năm 2007, VN-Index hoàn toàn không phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh nội địa mà nó dựa vào cổ phiếu của một nhóm gồm vài ba công ty rất lớn. Do đó, VN-Index hiện nay chưa đủ phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Vậy vì sao không phản ánh nội lực kinh tế mà VN-Index vẫn “lên” quá dễ dàng?
“Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế” – ông Đinh Thế Hiển lý giải.
Đáng chú ý, quan điểm của ông Đinh Thế Hiển không phải là cá biệt trong giới chuyên gia tài chính và chứng khoán ở Việt Nam. Từ trước đến nay và đặc biệt càng về sau này, bất chấp lối tuyên giáo một chiều và cưỡng ép về “thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế”, ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, thị trường chứng khoán Việt Nam khác hẳn với các thị trường chứng khoán trên thế giới, bởi chứng khoán Việt Nam chỉ là một thị trường cờ bạc với tính minh bạch quá thấp cùng vô số chiêu trò thủ đoạn đầu cơ và làm giá, một thị trường mà “tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến từ túi kẻ này sang túi kẻ khác”, trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế.
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp – đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.
Nhưng “xanh vỏ đỏ lòng” là câu chuyện của những năm trước khi đám “tay to” (giới đại gia thao túng thị trường cờ bạc này) duy trì thế giằng co của VN-Index nhằm một hoặc cho những mục đích ẩn giấu nào đó, trong đó đương nhiên phải kể đến mục đích “làm đẹp chỉ số chứng khoán’ và do đó làm đẹp bộ mặt kinh tế quốc gia theo ý chỉ của giới chóp bu Việt Nam.
Còn bây giờ, VN-Index đang có dấu hiệu tăng thực sự, không chỉ các cổ phiếu vốn hóa lớn mà cả loại midcap (cổ phiếu vốn hóa vừa) và penny (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) đều tăng theo. Kể từ tháng 11 đến nay, một số cổ phiếu đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi – một mức sinh lợi mà chỉ đồn gtie62ngia3 Bicoin hay ma túy mới có được.

Chứng khoán không thể tăng nếu không có tiền. Tiền bơm vào càng mạnh, chứng khoán càng bay cao. Tiền từ đâu ra?
Tiền từ đâu ra?
Trong đợt tăng trưởng gấp hơn hai lần từ tháng 11/2006 đến tháng 3/2007, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã được kích hoạt chủ yếu bởi một gói kích thích từ chính phủ.
Vào đợt “phục hồi” cũng hơn hai lần từ đáy vào năm 2009, VN-Index cũng dựa vào gói hỗ trợ 143.000 tỷ đồng của chính phủ – một khối lượng tiền rất lớn khi đó mà đã tuôn chảy vào không chỉ thị trường chứng khoán mà còn khiến thị trường bất động sản, khiến mặt bằng giá nhà đất ở Sài Gòn và Hà Nội đội lên gấp 2-3 lần. Nhưng từ đó đến nay, chính phủ vẫn không thể đưa ra bất kỳ giải trình thuyết phục nào cho Quốc hội và bàn dân thiên hạ về “hiệu quả gói hỗ trợ”, về việc tại sao gói hỗ trợ này lại chủ yếu chui vào hai thị trường chứng khoán và bất động sản mà không phải phục vụ cho khu vực sản xuất và kinh doanh.
Còn 2017 đã không có gói kích thích nào. Nhưng thay vào đó, từ giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc đã “chỉ đạo quyết liệt” về việc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra lưu thông, nâng cao mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017 lên từ 19 đến 21% – một động thái rất dễ được hiểu là “tăng tín dụng tức tăng GDP và tăng thành tích”. Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng phải tung vào thị trường tín dụng và tài chính một con số khổng lồ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong bối cảnh ngân hàng thừa mứa tiền đồng.
Ở Việt Nam, đã từ lâu ngân hàng lại chính là “tay to” của thị trường chứng khoán, để bất cứ khi nào ngân hàng câu kết với giới đại gia các ngành khác thì VN-Index mới có thể “thăng hoa” – tương tự chỉ số GDP bay cao đến 7,46% của Thủ tướng Phúc.
Nhưng hậu quả của chuyện “bay cao” trên là lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức thủ tướng vào giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận xã hội và giới chuyên gia cùng Quốc hội bật lên mối nghi ngờ nặng nề về những kết quả “thành tích điều hành kinh tế” do ông báo cáo trong kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.
Còn giờ đây, hãy thản nhiên mà nhìn VN-Index “thăng hoa” cùng mặt bằng giá cổ phiếu bỗng nhiên đội lên gấp đôi, gấp ba, tô hồng cho thành tích “tăng trưởng kinh tế” và “điều hành thắng lợi” của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một làn sóng vay mượn ngân hàng trên diện rộng để mua cổ phiếu đang dần sôi sục trong giới đầu tư nhỏ lẻ và những người chẳng hề biết trò đầu cơ làm giá là gì. Rồi cũng như quy luật lên đỉnh – suy tàn của năm 2007 và 2009, nhiều khả năng đến năm 2018 chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ khựng lại rồi lao dốc, bỏ lại một đám nhà đầu tư côi cút với nhiều món vay nợ ngân hàng không thể trả được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét