VNTB - Tiền lệ tố tụng Đinh La Thăng?
Reply
Đinh La Thăng, news, opposite, PVC, tố tụng hình sự, Trần Thành, VNTB
29.12.17
Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng và mắc xích 'PVC'
Trần Thành (VNTB) 12 ngày có kết luận điều tra. Chỉ 6 ngày là hoàn tất cáo trạng truy tố. Và hơn 10 ngày sau đó (đã bao gồm luôn ngày nghỉ Tết Dương lịch) đã mở phiên tòa xét xử. Đây là những kỷ lục trong lịch sử tố tụng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời gian nhanh nhất và luật sư được tham gia sớm nhất
Sáng 27-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8-1-2018.
Ngày 26-12, Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), truy tố bị can Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong cùng vụ án.
Ngày 8-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 20-12-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm.
Ngày 21-12, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất và chuyển kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sang Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 22 bị can.
Trong đó, ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái, 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản.
Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ, ông Đinh La Thăng đã bị cáo buộc cùng 1 hành vi ở 2 vụ án đều liên quan đến PVC và PVN.
Không chỉ vậy, trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, dường như đây là trường hợp đầu tiên mà luật sư được cấp phép cho vào dự hỏi cung chỉ sau 6 ngày đương sự bị khởi tố và bắt giam. Theo đó, ngày 12-12-2017, đơn yêu cầu luật sư của gia đình ông Đinh La Thăng đã được chuyển tới tay luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM). Luật sư Hoài đã liên hệ ngay với cơ quan điều tra của Bộ Công an để làm thủ tục đăng ký tham gia vụ án.
Luật sư Phan Trung Hoài nhìn nhận: “Cơ quan điều tra đã tạo thuận lợi tối đa cho tôi trong việc đăng ký tham gia bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Chỉ trong vòng hai ngày tôi đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa trong khi theo luật là ba ngày cơ quan điều tra mới trả lời về việc có cấp hay không cấp. Theo tôi đánh giá đây là vụ việc phức tạp nhưng cơ quan điều tra đã tạo điều kiện hết sức để cá nhân tôi có thể bảo vệ tốt nhất cho ông Đinh La Thăng”.
Mặc dù ở Việt Nam hiện nay trong các từ ngữ pháp lý không có các cụm từ “Tù nhân chính trị” hay “Phạm nhân chính trị”, “chính trị phạm”, song dễ dàng thấy rằng án về kinh tế dễ được chấp nhận vai trò của luật sư hơn án liên quan đến chính trị.
Trong vụ ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cùng lúc với các cựu tù chính trị khác gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà báo tự do Trương Minh Đức vào hôm 30-7-2017, với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam, trong cùng vụ với cựu tù chính trị Nguyễn Văn Đài, cho đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa cho phép luật sư tham gia dự cung.
Cho đến nay ở Việt Nam không quy định thời gian tối thiểu để kết thúc điều tra, và cũng không ràng buộc trong thời gian ít nhất là bao nhiêu ngày được ra cáo trạng. Do đó những mốc thời gian tố tụng được cho là “thần tốc” như nêu ở trên là… không có gì sai phạm. Sở dĩ công luận ngạc nhiên và dư luận nghi ngại vì lấu nay trong các vụ án hình sự, chưa có vụ án nào tiến hành nhanh đến như vậy.
Đơn cử một vụ án gần đây được giới luật sư đánh giá là dễ dàng kết thúc điều tra, song vẫn tiếp tục kéo dài đầy khó hiểu. Đó là vụ cựu luật sư Nguyễn Văn Đài bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, và bắt tạm giam từ hôm 16-12-2015 cho đến nay vẫn chưa có bản kết luận điều tra.
Vụ án bác sĩ Hồ Hải là một ví dụ khác. Chiều ngày 02-11-2016, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP.HCM phát thông báo là họ đã phối hợp với Công an Quận Thủ Đức bắt giam bác sĩ Hồ Văn Hải, với cáo buộc “tán phát thông tin, tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet”.
Cho đến nay, bác sĩ Hồ Hải vẫn ở tù, chưa có kết luận điều tra.
Có một nhân vật phạm tội cũng bỏ trốn ra nước ngoài, tuy nhiên kể từ khi bị bắt đến khi ra tòa phải mất thời gian đến 2 năm để hoàn tất các khâu cuối cùng, tính từ lúc nhân vật chính Giang Kim Đạt tra tay vào còng vào ngày 7-7-2015. Vụ án xảy ra năm 2010 tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), là một mảng trong tổng thể vụ án Vinashin.
Đây được coi là “phát súng” đột phá trong việc thu hồi tài sản, bởi tính đến thời điểm này vụ án có số tiền tham nhũng thu được lớn nhất từ trước đến nay; trong đó Giang Kim Đạt bị cáo buộc tội tham ô 255 tỷ đồng (Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham ô là 14 tỷ đồng). Đây là vụ án mà người trực tiếp chỉ đạo cuộc truy bắt chính là nguyên Bộ trưởng Trần Đại Quang.
Xử “tội cũ” ở luật mới sẽ như thế nào?
Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 sẽ hết hiệu lực; đồng thời, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi năm 2017 sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ không còn.
Như vậy, “tiền lệ tố tụng Đinh La Thăng” khác đang đợi chờ đợi ở phiên tòa hình sự sơ thẩm dự kiến khai mạc hôm 8-1-2018, là những cáo buộc hành vi phạm tội ở cáo trạng vốn chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự 1999 sẽ được xử ra sao ở phiên tòa 8-1-2018, khi phải xét xử căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017.
Tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự mới (năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) về “hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian” quy định như sau:
“3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Xử theo Luật Hình sự 2017 hay 1999
Quy định trên là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hình sự nói chung. Đó là nguyên tắc áp dụng tình tiết CÓ LỢI cho bị can, bị cáo - khi có sự thay đổi về pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 20-6-2017, Quốc Hội ban hành Nghị quyết số: 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, về việc áp dụng BLHS năm 2015, quy định như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau: a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Hiểu một cách đơn giản, là nếu một người có hành vi có dấu hiệu phạm tội theo luật cũ, nhưng nay theo luật mới thì hành vi đó không còn bị xem là hành vi phạm tội nữa, thì điều luật mới sẽ được áp dụng cho người đó.
Chính kịch hay hài kịch (sẽ có bi kịch nếu xảy ra chuyện luật sư tố giác thân chủ theo Điều 19.3 Bộ luật Hình sự) ở phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, là câu hỏi đang được chờ đợi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét