Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017
Giặc ngồi ngay sau lưng đấy, đừng ngứa lưng gãi bụng
Giặc ngồi ngay sau lưng đấy, đừng ngứa lưng gãi bụng
Ảnh minh họa trên Báo Thanh tra
Xuân Dương: "Nếu không có những “đại án” về công tác cán bộ;
Nếu vì lý do nào đó vẫn tiếp tục “truyền thống khiển trách” với những lãnh đạo sai phạm “nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng”;
Nếu chỉ tập trung vào các “đại án” kinh tế thì chẳng khác nào “ngứa lưng, gãi bụng”, dù có “gãi” đến chảy máu thì cũng chẳng bao giờ hết “ngứa”.
Những kẻ thoái hóa, biến chất chui sâu, trèo cao vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội bị kỷ luật thời gian vừa qua thực chất đang phá hoại đất nước, đang làm đất nước nghèo đi, đang tạo điều kiện cho ngoại bang nhòm ngó bờ cõi.
Họ chính là những kẻ bán nước, hại dân chứ không đơn thuần chỉ là “thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đánh rắn phải đánh dập đầu, chống giặc nội xâm trước hết phải tiêu diệt nội gián, bài học Mỵ Châu - Trọng Thủy chưa bao giờ hết tính thời sự."
Một phần tư thế kỷ trước, ngày 14/11/1992 Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 44-QĐ/TW về "việc quản lý cán bộ".
Quyết định này quy định “Cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quản lý cán bộ là Ban Tổ chức Trung ương”.
Mười năm trước, ngày 4/7/2007 Bộ Chính trị ban hành Quyết định 68-QĐ/TW về “Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử”.
Đối với cán bộ diện Trung ương quản lý, điều 7 Quy chế này có một số điểm quan trọng:
- Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thẩm định nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định của mình.
- Ban Tổ chức Trung ương gửi xin ý kiến thẩm định của Ban cán sự đảng Chính phủ (đối với nhân sự bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử giữ chức vụ:
Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chức vụ tương đương, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đại sứ Việt Nam tại các nước, nhân sự phong, thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang…).
Ngày 26/9/2007, văn bản số 09-HD/BTCTW về “Hướng dẫn thực hiện quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử” một lần nữa khẳng định:
“Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm tham gia, hướng dẫn và kiểm tra quá trình chuẩn bị nhân sự nói chung và việc tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự nói riêng”.
Tại Quy định số 90-QĐ/TW ban hành ngày 4/8/2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, có 20 chức danh từ cấp tỉnh, bộ, ngành, đoàn thể trở lên được liệt kê trong quy định này.
Điểm khác giữa Quy định 90-QĐ/TW so với Quyết định 68-QĐ/TW là chức vụ chính quyền từ Thứ trưởng trở xuống, Phó chủ tịch tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh,… không thuộc diện Trung ương quản lý.
Mất khá nhiều thời gian tìm hiểu như thế để thấy, mấy chục năm qua, những diễn biến quan trọng nhất về công tác cán bộ trung, cao cấp đều nằm dưới sự quản lý, chỉ đạo, giám sát của Ban Tổ chức Trung ương.
Nhân sự cấp thấp hơn bị điều chỉnh bởi một số quy định của Bộ Nội vụ.
Chính vì thế không có gì lạ khi người dân được nghe ý kiến thẳng thắn của một đảng viên lão thành - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương - khi ông cho rằng:
“Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị tổ chức cán bộ trong việc bổ nhiệm cán bộ vi phạm vào các vị trí lãnh đạo cấp cao.
Ông Đinh La Thăng thuộc cấp Bộ Chính trị quản lý, nhưng việc quy hoạch cán bộ là do Ban Tổ chức Trung ương”. [1]
Không khó để thấy một số Bí thư Tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương), Bộ trưởng vừa bị kỷ luật đều (hoặc đã) là Ủy viên Trung ương, nghĩa là những người do Ban Tổ chức Trung ương “chịu trách nhiệm tham gia, hướng dẫn và kiểm tra quá trình chuẩn bị nhân sự”.
Những văn bản quy định của Bộ Chính trị, của Trung ương là rất đầy đủ và chặt chẽ, vậy vì sao lại xuất hiện tình trạng:
“Qua xem xét, xử lý một số vụ việc, tôi thấy có đồng chí lãnh đạo trơ trẽn.
Nhiều khi họp, tôi cũng phát biểu tại sao lại có bí thư làm như thế, không thấy ngượng hay sao?” - trích phát biểu của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Thị Bích Ngà tại Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng” vừa diễn ra hôm 18/12.
Có lẽ cần phải nói ngay thế này, nếu quy trình giới thiệu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giám sát cán bộ được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn loại lãnh đạo “trơ trẽn không biết ngượng” không thể tồn tại.
Vì thế nói đúng ra chỉ có loại “trơ trẽn … đúng quy trình” mới tồn tại dai dẳng suốt hàng chục năm mà cả hệ thống chính trị dẫu tốn nhiều công sức vẫn chưa tiêu diệt được.
Từ câu hỏi tại sao của bà Nguyễn Thị Bích Ngà, một khi có “bí thư làm như thế” - tức là “trơ trẽn không biết ngượng” - chỉ có thể tìm câu trả lời từ những người mang “quy trình” đi Nam về Bắc, những người lúc nào cũng có hàng tá quy trình trong túi sẵn sàng tung ra để biện minh giúp cho một bộ phận các đồng chí “không biết ngượng không phải là không biết ngượng, ngượng rụng, ngượng rơi, ngượng biến mất rồi” (phỏng ý bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật).
Sở dĩ phải nói điều này bởi vì ý kiến của bà Nguyễn Thị Bích Ngà hình như vẫn còn e ngại, vẫn nể nang, né tránh cơ quan trung ương mà tập trung vào địa phương.
Tháng 10/2015, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Nam về vụ bổ nhiệm con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh làm Giám đốc sở khi người này mới 30 tuổi.
Kết luận được công bố sau đó là việc bổ nhiệm con trai ông Lê Phước Thanh là đúng trình tự, thủ tục, phù hợp chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, và cũng tuân theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức trung ương về công tác nhân sự cấp ủy.
Tương tự vụ việc tại Quảng Nam là vụ sở có 46 người thì 44 người là lãnh đạo tại Hải Dương.
Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận:
“Cơ sở pháp lý để thực hiện việc này cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng thực hiện theo quy định.
Các công chức được bổ nhiệm cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định”. [2]
Không thể không hỏi các vị Thanh tra thế nào là “cơ bản phù hợp” và “cơ bản đáp ứng” khi chỉ nhìn vào từng cá nhân mà không quan tâm đến tổng thể.
Vấn đề là ở chỗ cả sở chỉ có 2 người không phải là lãnh đạo đúng hay không đúng theo quy định hiện hành chứ không phải là “cơ bản đúng”.
Vụ việc ở Hải Dương, kết luận của cơ quan chức năng địa phương là hai vị lãnh đạo sở đã “gây ra bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh”.
Tại hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI đã thi hành kỷ luật về Đảng bằng hình thức khiển trách đối với hai ông Lưu Văn Bản(nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) và ông Phạm Văn Tỏ (Giám đốc Sở Nội vụ).
Sau “khiển trách”, ông Tỏ vẫn là Giám đốc sở, ông Bản vẫn là Bí thư Thị ủy.
Trong vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, hai Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ông Nguyễn Duy Thăng, bà Trần Thị Hà) cũng bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”.
Về vụ việc liên quan đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận phủ định kết luận của đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ thì người dân có quyền nghi ngờ rằng:
Không chỉ có người “trơ trẽn không biết ngượng” ở địa phương mà chắc chắn còn có người “trơ trẽn đúng quy trình” khi về địa phương kiểm tra.
Nói “trơ trẽn đúng quy trình” bởi hàng trăm bài báo, hàng loạt ý kiến của mọi tầng lớp cư dân đã chỉ rõ mọi khía cạnh vụ việc nhưng cuối cùng ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ dẫn đầu đoàn kiểm tra vẫn tỉnh bơ công bố, rằng mọi việc đều “đúng quy trình”.
Người có trách nhiệm với dân, với nước, có ý thức bảo vệ uy tín của Đảng, có lòng tự trọng chính bản thân mình không ai xử sự như vậy?
Được biết ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ - đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo Vụ Công chức Viên chức rà soát, báo cáo lại Bộ trưởng về vụ việc trước ngày 21/12.
Bộ trưởng sẽ chỉ đạo xem xét, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và công bố rộng rãi về kết quả xử lý.
Dư luận sợ rằng cứ theo “truyền thống khiển trách” thì vụ “Giám đốc sở 30 tuổi” ở Quảng Nam sẽ dẫn đến kết quả là “tập thể, cá nhân có liên quan” - những người hợp thức hóa sai phạm của lãnh đạo Quảng Nam - cũng vẫn sẽ là bị “khiển trách”.
Giả sử nếu Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định “khiển trách” vị Thứ trưởng dẫn đầu đoàn kiểm tra (vụ Quảng Nam) thì nghĩa là 3 trên 5 Thứ trưởng Bộ này bị kỷ luật.
Một khi hàng ngũ Thứ trưởng bị kỷ luật đã “quá bán” thì lấy gì bảo đảm rằng đội ngũ lãnh đạo cấp thấp hơn không “quá bán”, đến lúc đó có nên thay thế cụm từ “một bộ phận không nhỏ” thành “một bộ phận quá bán”?
Dân gian có hai câu mắng khá nặng nề là “đồ trơ trẽn” và “đồ mặt trơ, trán bóng”.
Nếu có ai đó vừa “trơ trẽn” lại vừa “trán bóng” thì liệu có nên để người ta tiếp tục “mặt trơ” trước công luận?
Có nên để họ biến pháp luật thành những “đường cong mềm mại” chứ không chỉ những đoạn phố “cong mềm mại” như từng xảy ra ngay tại Thủ đô?
Sau mấy chục năm chống tham nhũng, bộ máy của cơ quan tham mưu nhân sự cho Đảng đang có những thay đổi tích cực, nhưng tham mưu cho Chính phủ thì hình như “vẫn chạy tốt”!
Liệu đã đến lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần quan tâm đến nhân sự tại chính cơ quan này, xem đó là một trong những việc cần làm ngay?
Xin nhắc lại ý kiến từng được đề cập, đưa các đại án về kinh tế ra xét xử mới chỉ là xử lý phần ngọn.
Xử lý phần gốc phải là những “đại án” về giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ trong đó trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan tổ chức, nội vụ.
Mốc thời gian nên lấy là hai nhiệm kỳ nghĩa là khoảng 10 năm tính từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007.
Nếu không có những “đại án” về công tác cán bộ;
Nếu vì lý do nào đó vẫn tiếp tục “truyền thống khiển trách” với những lãnh đạo sai phạm “nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng”;
Nếu chỉ tập trung vào các “đại án” kinh tế thì chẳng khác nào “ngứa lưng, gãi bụng”, dù có “gãi” đến chảy máu thì cũng chẳng bao giờ hết “ngứa”.
Những kẻ thoái hóa, biến chất chui sâu, trèo cao vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội bị kỷ luật thời gian vừa qua không chỉ làm mất uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của dân với thể chế chính trị mà thực chất họ đang phá hoại đất nước, đang làm đất nước nghèo đi, đang tạo điều kiện cho ngoại bang nhòm ngó bờ cõi.
Họ chính là những kẻ bán nước, hại dân chứ không đơn thuần chỉ là “thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đánh rắn phải đánh dập đầu, chống giặc nội xâm trước hết phải tiêu diệt nội gián, bài học Mỵ Châu - Trọng Thủy chưa bao giờ hết tính thời sự.
Giặc ngồi ngay sau lưng ta vậy có nên tiếp tục “gãi” ở bụng?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Toi-tin-rang-ai-dung-sau-giup-do-ong-Dinh-La-Thang-se-phai-duoc-lam-ro-post182248.gd
[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/so-co-44-46-lanh-dao-bo-nhiem-dung-quy-dinh-toi-ban-khoan-353080.html#inner-article
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giac-ngoi-ngay-sau-lung-day-dung-ngua-lung-gai-bung-post182356.gd
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét