Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thế giới lên án Việt Nam bỏ tù Mẹ Nấm và yêu cầu trả tự do cho cô


VNTB- Thế giới lên án Việt Nam bỏ tù Mẹ Nấm và yêu cầu trả tự do cho cô
Reply
democracy, news, Thế giới lên án Việt Nam bỏ tù Mẹ Nấm và yêu cầu trả tự do cho cô,VNTB, Vũ Quốc Ngữ
2.7.17
Vũ Quốc Ngữ



(VNTB) - Nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài đã lên án chính quyền Việt Nam về việc đã kết án người hoạt động nhân quyền, môi trường và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án nặng nề 10 năm tù giam, và yêu cầu Hà Nội trả tự do cho cô ngay lập tức và không điều kiện.







Trong cùng ngày sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng Mẹ Nấm có tội theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp quốc (LHQ), trong một tuyên bố từ Geneva đã nói rằng phiên tòa này không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và dường như nhằm mục đích đe dọa các nhà hoạt động môi trường.


Các chuyên gia U.N, bao gồm các báo cáo viên đặc biệt về quyền con người liên quan đến môi trường, tự do ngôn luận và biểu đạt, tình trạng về các nhà bảo vệ nhân quyền, chất thải nguy hại và giam giữ độc đoán, nói "Đây chỉ là một phiên xét xử ngắn nhằm đe doạ các nhà hoạt động môi trường khác". "Phiên xét xử không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và bị cáo đã bị từ chối quyền cơ bản đối với thủ tục hợp pháp."


Các chuyên gia cho rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng nhắm đến giới blogger và những người tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa để ngăn chặn phản ứng của dân chúng về môi trường và dân sự.


Các chuyên gia cho biết, Quỳnh "không làm gì hơn ngoài việc thúc đẩy nhân quyền thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiễm.”


Tháng trước, Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Độc đoán phát hiện ra rằng việc giam giữ Quỳnh là độc đoán và kêu gọi trả tự do cho cô.


Một ngày sau vụ xét xử, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam ra thông điệp nói rằng việc kết án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là “mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, trong đó quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt được ghi nhận là những quyền cơ bản, không thể thiếu được đối với phẩm giá và sự mãn nguyện cá nhân của mọi người, cũng như Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam.”


Việc luật sư của cô chỉ được phép gặp cô vài ngày trước đây để chuẩn bị bào chữa cho cô đã đặt ra một câu hỏi về quyền đối với quy trình bào chữa thỏa đáng mà mỗi người Việt Nam được hưởng theo quy định pháp luật, Đại sứ Bruno Angelet nói trong thông điệp được đưa lên trang web của phái đoàn EU tại Việt Nam.


Ông cũng nói rằng việc chính quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của nhiều đại sứ quán của nhiều nước thành viên EU quan sát phiên tòa đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử.


Liên minh châu Âu kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và tổ chức 28 nước thành viên này “sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như hợp tác với các cơ quan thẩm quyền nhằm hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây.”


Chỉ vài giờ sau khi phiên tòa kết thúc, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cô Heather Nauert nói rằng Chính phủ Mỹ rất quan ngại về tình hình ở Việt Nam và việc kết án đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo một cáo buộc mơ hồ.


Nhắc lại việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Đệ nhất phu nhân Melanie Trump trao giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng Ba, người phát ngôn nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức, và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm một cách tự do và hòa bình mà không sợ bị trả thù.


Việt Nam có một số bước tích cực trong việc cải thiện quyền con người trong vài năm qua, tuy nhiên, xu hướng gia tăng bắt bớ và kết án những người biểu tình ôn hòa từ đầu năm 2016 là điều đáng lo ngại, cô Heather Nauert nói. Tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đạt được kết quả tốt nhất theo tiềm năng, cô nói thêm.


Hôm 30/6, Đặc ủy Nhân quyền Bärbel Kofler của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức ra tuyên bố về vụ xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà nói “Tôi thấy bàng hoàng trước việc nhà hoạt động, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam. Bản án vì động cơ chính trị rõ ràng này đã đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Mức án nặng còn cho thấy sự bất hợp lý và thiếu cân nhắc đối với quyền căn bản về tự do biểu đạt và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo.”


Việc các cơ quan chức năng trừng phạt những nỗ lực vì quyền tự do dân sự, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng nói trên cũng như trong các trường hợp blogger khác bằng việc đàn áp, bắt bớ và giam giữ là một dấu hiệu đáng báo động – đặc biệt là khi quan sát các nỗ lực cải cách trong lĩnh vực hành chính, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố, bởi nếu không có các nỗ lực dân sự và sự tăng cường minh bạch thì mục tiêu hiện đại hóa đất nước một cách bền vững sẽ không thể đạt được, bà Bärbel Kofler nói trong bản tuyên bố được đăng tải trên trang Facebook của Đại Sứ quán Đức tại Việt Nam.


Thật đáng buồn là “Chính phủ Việt Nam không tận dụng tiềm năng của các công dân tận tâm cho việc thúc đẩy sự phát triển đất nước,” bà Bärbel Kofler nói, và thêm rằng bà hi vọng tòa phúc thẩm sẽ tuyên vô tội và trả tự do cho Mẹ Nấm.


Front Line Defenders, một tổ chức nhân quyền ở Dublin (Ireland) cũng ra tuyên bố lên án việc kết án Mẹ Nấm, và tổ chức này tin rằng việc kết án với một bản án nặng nề là sự trả thù cho những công việc ôn hòa và hợp pháp nhằm cổ súy nhân quyền của cô. Front Line Defenders kêu gọi chính quyền Việt Nam xóa bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho Mẹ Nấm ngay lập tức.


Tổ chức này cũng nêu một số dữ kiện về phiên tòa được cho là công khai, như việc mẹ của bị cáo, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan không được vào phòng xử án mà chỉ được quan sát ở phòng bên cạnh thông qua màn hình hay việc Việt Nam từ chối không cho đại diện ngoại giao của nhiều nước trong đó có EU, Hoa Kỳ, Đức và phóng viên nước ngoài được quan sát phiên xét xử với lý do an ninh và kỹ thuật. Tổ chức này có nhắc đến việc bảy người hoạt động đã bị bắt giữ khi tiến gần khu vực tòa án và nhiều nhà hoạt động ở Nha Trang và Sài Gòn bị quản thúc trong ngày diễn ra phiên xét xử.


Trong ngày 28/6, trước phiên xét xử Mẹ Nấm một ngày, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders) đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Việt Nam trả tự do cho cô. Cùng ngày, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) và Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) cũng ra thông cáo riêng rẽ, kêu gọi Việt Nam xóa bỏ mọi cáo buộc chống lại Mẹ Nấm và trả tự do cho cô.



Nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam và hải ngoại đã cùng nhau ký tên vào tuyên bố chung phản đối phiên tòa, phản đối mức án mà chính quyền Việt Nam dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét