Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Câu chuyện dạy và học võ ở Việt Nam


Câu chuyện dạy và học võ ở Việt Nam
Reply
news, society
22.7.17

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam - RFA
2017-07-21

Trẻ em theo học các lớp võ cổ truyền ngày một nhiều

Citizen


Tinh thần thượng võ, con nhà võ, ứng xử theo phong cách nhà võ… Tất cả những khái niệm này đều ám chỉ nghĩa cử cao đẹp của con người, muốn nói đến nguyên tắc giúp kẻ yếu thế hơn mình và không luồn cúi, hạ mình trước cường quyền. Cho con em đi học võ cũng đồng nghĩa với việc tôi luyện đạo đức, tính nhẫn nại và lòng yêu thương cho con em mình. Hiện tại, sau câu chuyện thách đấu của võ sĩ Pierre Francois Flores với các võ sĩ Việt Nam. Một lần nữa, câu chuyện đạo đức và hành xử con nhà võ lại dấy lên, bắt nguồn từ câu chuyện này.

Số lượng võ sư và chuẩn võ sư tăng đột biến
Võ sư Huỳnh Tiến Lập, Chưởng môn Ngũ Phụng Sơn, một trong năm võ đường cứu nguy miền Trung trong thời gian võ đài còn thịnh hành tại Việt Nam, chia sẻ:
“Hiện tại cách quản lý các võ đường tại Việt Nam là theo nguyên tắc phải phụ thuộc vào Liên Đoàn Võ thuật Việt Nam, bên dưới là Tỉnh hội, mọi vấn đề đều tùy thuộc vào đây. Ở các võ đường, người ta hoạt động theo võ phái , dưới sự dẫn dắt của các Chưởng Môn và Trưởng tràng và hội đồng môn phái, hội đồng kĩ thuật... Có một điều đáng buồn là hiện nay, có số xứng đáng vị trí võ sư tại Việt Nam nếu tính cho kĩ thì chừng 20 người thôi chứ không nhiều đâu. Nhưng cái danh võ sư thì tại Việt Nam hiện nay lên đến con số hàng ngàn người và chuẩn võ sư thì cả chục ngàn chứ không ít. Về trình độ võ học cũng như đạo đức nhà võ của các võ sư đại trà và các chuẩn võ võ sư cũng có lắm vấn đề để bàn... Khó nói lắm!...Các võ sĩ bây giờ chất lượng cũng kém lắm!”.
Có một điều đáng buồn là hiện nay, có số xứng đáng vị trí võ sư tại Việt Nam nếu tính cho kĩ thì chừng 20 người thôi chứ không nhiều đâu. - Võ sư Huỳnh Tiến Lập
Võ sư Huỳnh Tiến Lập chia sẻ thêm là ông thực sự trăn trở về danh xưng võ sư cũng như cái điều gọi là chuẩn võ sư trong hiện tại. Bởi một mặt, trình độ võ thuật của các võ sư hiện tại đều có vấn đề, họ chỉ cần học những bài quyền phổ biến trên toàn quốc, học một số thế công phá theo yêu cầu của Liên Đoàn Võ thuật và nộp đơn xin thi lấy bằng võ sư, chuẩn võ sư hoặc huấn luyện viên.
Điều này dẫn đến tình trạng có rất nhiều võ sư, chuẩn võ sư có đầy đủ trình độ võ thuật về mặt lý thuyết và biểu diễn nhưng lại không có thực lực chiến đấu. Trong khi đó, võ thuật là một loại hình nghệ thuật, một bộ môn mà ở đó, yếu tố cứu người phải cao hơn yếu tố đánh người. Muốn cứu người, trước tiên phải có khả năng đáp trả, tự vệ trước những kẻ muốn tấn công, lấy mạnh hiếp yếu. Và muốn có khả năng này, không còn cách nào khác là phải trau dồi, tập luyện, phải kinh qua thực chiến để rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ võ thuật.
Rất tiếc, hiện tại khả năng cứu người của giới võ sư tại Việt Nam rất hiếm và thấp. Bởi ngoài yếu tố bảo vệ người yếu thế hơn mình, trình độ khoa học võ thuật cũng cần phải trau dồi thì các võ sư mới có thể cứu người. Từ việc nghiên cứu huyệt đạo, nghiên cứu về y học và cơ địa, nhân thể học, cho đến đạo đức học, triết học. Một võ sư chân chính phải am tường tất cả các môn này. Nhưng ai chưa trang bị đủ các môn này thì khó có thể gọi là võ sư và cũng khó có thể cứu người được.
Võ sư Huỳnh Tiến Lập tỏ ra không hài lòng với trường hợp gần đây, các võ sĩ như Flores, Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh đã thách đấu và quay video clip tung lên mạng một cách vô tư, không suy nghĩ. Bởi theo võ sư Lập, việc tung ra đòn đánh cũng giống như một cú nhấp chuột Enter cho cả một qúa trình dài lập trình trước đó trên máy tính, không thể enter khi lập trình chưa hoàn thiện cũng như không thể enter cho những con virus xâm nhập vào máy tính. Chính vì vậy, trước khi có trận đấu, các võ sư phải suy nghĩ thật kĩ không phải cho việc thắng – thua hay sức mạnh của cá nhân hay võ đường, môn phái. Mà là phải suy nghĩ thật kĩ cho hiệu ứng xã hội, đạo đức xã hội, đặc biệt là đạo đức của thế hệ trẻ.
Đạo đức nhà võ thời kinh tế thị trường
Cựu võ sĩ Nguyễn Văn Hưng, người từng tham chiến rất nhiều trận đài ở miền Nam Việt Nam những năm thập niên 1970 và 1980, chia sẻ:
“Nói về võ thuật, cái đức phải đứng đầu, sau đó là kĩ năng tôi luyện. Thời bây giờ, nhìn chung đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng quá, mà trong đó đạo đức nhà võ thì cũng rối rắm. Trường hợp như võ sư tuyên bố mình phát ra điện rồi sau đó bị thách đấu lại rút lời. Mà đáng sợ là cái chiêu ông võ sư này nói chỉ là một chiêu trong truyện của Kim Dung. Bây giờ người ta hay bị đồng tiền chi phối nảy sinh ra những con người không có lòng tự trọng, tạo ra những cái hư ảo, vỏ bọc chiêu trò như lấy năng lượng không gian để đánh như truyền điện vậy, đó là một điển hình xuống cấp, không có lòng tự trọng, tạo ra sự chú ý để thu hút người tới học, để lấy tiền... Đó, đạo đức xuống cấp nặng rồi!”.
Ông Hưng chia sẻ thêm, sở dĩ ông phải giải nghệ với võ đài bởi ông không còn thích hợp với cái thời võ thuật và cơm áo gạo tiền kết hôn với nhau. Và có vẻ như cơm áo gạo tiền đã đóng vai một bà vợ vừa đỏm dáng lại vừa ưa hiếp chồng. Điều này khiến cho sự đoan chính và lòng tự trọng của ông chồng nhanh chóng tiêu tan. Từ chỗ hãnh tiến, kiêu mạn và thanh liêm, ông chồng võ thuật trở nên quờ quạng trước bà vợ cơm áo gạo tiền.
Chuyện một võ đường thu hút võ sinh bằng những chiêu thức PR rẻ tiền không còn là chuyện lạ lẫm, hiếm hoi trong giới võ thuật hiện nay. Về chuyện tu luyện các chiêu thức chỉ có trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung để thực hành trong xã hội hiện đại là chuyện không thể có thật, thậm chí đó là một loại ảo giác nhà võ. Và để thu hút võ sinh bằng các chiêu thức đầy tính hoang đường mà không có thực chứng là điều tối kị trong đạo đức nhà võ. Nhưng một số Chưởng môn đã vấp phải điều này.
Ông Hưng tỏ ra lo lắng khi đạo đức xã hội đang ngày càng xuống thấp, bạo lực xã hội gia tăng, và dù nhìn theo góc độ nào thì các võ đường trên khắp đất nước này vẫn đóng vai trò không nhỏ trong việc cân bằng đạo đức xã hội và điều tiết bạo lực. Bởi không học thì thôi, một khi đã được học võ, các võ sinh phải được dạy thật kĩ bài học về đạo đức, về danh dự làm người và về sức nặng của tiếng nói cá nhân, của uy tín. Nhưng thử hỏi một khi có một Chưởng môn nào đó đã vì đồng tiền bát gạo, đã tạo ra một ảo giác võ thuật bằng sự gian dối của họ để thu hút võ sinh thì liệu các môn sinh của họ có đảm bảo được dạy tốt đạo đức, có trở thành võ sĩ đúng nghĩa được hay không?
Ông Hưng nói rằng ông thực sự trăn trở khi đạo đức xã hội đang ngày một thêm xuống cấp mà trong giới võ thuật lại ngày càng xuất hiện thêm những câu chuyện hoàn toàn đi ngược với đạo đức nhà võ, đi ngược với lương tri con người. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét