Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017
Mẹ của Đinh Nguyên Kha vận động tại Úc trước đối thoại nhân quyền
Mẹ của Đinh Nguyên Kha vận động tại Úc trước đối thoại nhân quyền
Reply
democracy, news
22.7.17
VOA
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (thứ ba, từ trái) trước văn phòng của dân biểu Milton Dick ở thành phố Brisbane, Úc. (Ảnh: Facebook Nguyen Thi Kim Lien)
Mẹ của một tù nhân lương tâm Việt Nam đang ở Úc để vận động các giới chức chính phủ và dân biểu nước này tăng áp lực để Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Hôm 18/7, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, đã đến gặp dân biểu Milton Dick, thành viên đảng Lao động Úc tại thành phố Brisbane. Vào cuối tuần này, bà sẽ gặp dân biểu Chris Hayes tại thành phố Sydney. Ông Hayes là thành viên đảng Lao động, đại diện cho tiểu bang New South Wales.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ Úc, bà Kim Liên cho biết:
“Tôi gặp hai dân biểu Úc: Chris Hayes và Milton Dick. Hai ông này rất ủng hộ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.”
Trước đó bà Liên đã gặp bà Elaine Pearson, Giám đốc của Tổ chức Human Rights Watch tại Úc và tiến sĩ Lachlan Strahan, Trợ lý thứ nhất, Bộ phận Chính sách đa phương thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc ở thủ đô Canberra.
Bà Kim Liên cho biết bà là người duy nhất từ Việt Nam sang Úc để trao đổi với Bộ Ngoại giao Úc về vấn đề nhân quyền kỳ này, bởi vì nhiều người khác cũng được mời nhưng bị chính quyền Việt chặn nên không thể xuất cảnh:
“Gặp Bộ Ngoại giao Úc nói chuyện về nhân quyền và tù nhân lương tâm. Họ chuẩn bị cho tháng 8 tới đây, chính phủ Úc sẽ đối thoại với chính phủ Việt Nam. Rất nhiều người được mời, nhưng họ bị chặn, chỉ có mình tôi là đi thoát.”
Theo bà Liên, Bộ Ngoại Úc muốn tìm hiểu các trường hợp vi phạm nhân quyền trong nước trước khi tiến hành cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc- Việt Nam lần thứ 14, dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Canberra vào tháng Tám năm nay.
Bà Kim Liên chia sẻ những nội dung bà trao đổi trong chuyến đi này:
“Nội dung tôi thảo luận là những vấn đề trong nước: Việt Nam càng ngày càng bắt bớ nhiều người, tù nhân lương tâm được ra tù rồi nhưng có thể bị bắt trở lại, các vấn đề nhân quyền, dân oan mất đất bị đàn áp dữ dội, tù nhân đã ra tù nhưng bị quản chế, sách nhiễu, triệt đường sinh sống.”
Bà Anna Nguyễn đại diện cho VOICE, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có chi nhánh tại Úc, hỗ trợ cho chuyến đi của bà Kim Liên cho VOA biết về vai trò của VOICE trong nỗ lực vận động cho nhân quyền tại Việt Nam:
“Mục đích của chúng tôi là giúp cho chính phủ và các dân biểu Úc hiểu rõ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, về các tù nhân lương tâm, cụ thể là trường hợp Đinh Nguyên Kha. VOICE cùng các tổ chức xã hội dân sự khác được Bộ Ngoại giao Úc mời để trao đổi thông tin, để họ đưa ra một thông điệp quốc tế mạnh mẽ về vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam.”
Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Úc, Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt Nam là một phần quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam, cho phép thảo luận về các vấn đề nhân quyền quan trọng được quan tâm trong một bầu không khí xây dựng, thẳng thắn và cởi mở.
Theo bà Anna Nguyễn, nhân dịp này VOICE đã đưa ra một số đề xuất với Tiến sĩ Strahan và các nhân viên của ông tại Bộ Ngoại giao để giúp mở rộng hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và gửi một thông điệp quốc tế mạnh mẽ đến chính phủ Việt Nam.
Dịp này bà Kim Liên nêu ý tưởng về việc xây dựng một mạng lưới cho phụ huynh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Bà Liên cho biết bà cũng có dịp gặp gỡ cộng đồng người gốc Việt sinh sống tại các thành phố lớn của Úc như Sydney, Melbourne và Brisbane.
Con trai của bà là Đinh Nguyên Kha, người đang phải chịu án tổng cộng 6 năm tại nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tội danh phát tờ rơi “có nội dung chỉ trích chính phủ Việt Nam”.
Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Long An, Kha bị tuyên án 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Sau đó trong phiên phúc thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù và ba năm quản chế. Ngoài ra, Kha còn chịu thêm án 2 năm tù về “tội cố ý gây thương tích.”
Một người con khác của bà Kim Liên là Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Tháng 1 năm 2014, bà Kim Liên cùng các gia đình tù lương tâm khác đã gặp các giới chức và dân biểu tại Hoa Kỳ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét