Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017
Một cậu bé khóc
Một cậu bé khóc
Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, July 30, 2017 | 30.7.17
Tối qua (28/7) ở phố Đinh Tiên Hoàng, phố đi bộ Bờ Hồ, có một cậu bé khóc…
Chuyện ấy quá bình thường. Một cậu bé có thể khóc vì điều gì đó trên phố chẳng hạn như là ngã đau, bị mắng, đánh rơi tiền, bị trêu chọc…
Và khi tôi kể rằng cậu bé bị quát mắng bởi một công an đường phố thì cũng không có gì lạ lắm, nói nhẹ nhiều khi bị nhầm thành mắng. Mình người lớn thấy công an vẫy lại cũng thảng thốt lo lắng huống hồ một đứa trẻ.
Nhưng sự việc không hẳn như vậy. Tôi muốn mọi người hình dung ra tiếng khóc tức tưởi của cậu bé lớp 9 khi bị công an quát nạt, hỏi giấy phép biểu diễn… Hàng tuần, cậu bé vẫn cùng bố lên đây, đứng trên phố đi bộ kéo vĩ cầm cho mọi người nghe. Nhiều người đã quen hình ảnh dễ thương của cậu với cây vĩ cầm và tiếng đàn réo rắt. Một cậu bé rất ngoan, đã đi nhiều nước trên thế giới cùng bố mẹ và cũng đã đem cây vĩ cầm của mình réo rắt trên nhiều đường phố nước ngoài. Hôm qua, cậu bé bị sững ở ngay chốn thân quen nhất.
Cậu kéo đàn trước hết vì nghệ thuật và cậu nhận những đồng tiền người qua đường cho bởi một lý do rất tuyệt vời mà bố mẹ cậu, những trí thức đúng nghĩa, đã động viên con nhận, không phải vì tiền mà vì muốn con hiểu thế nào là kiếm tiền một cách lương thiện, để con hiểu giá trị đồng tiền, hiểu những vất vả của một người trong hoàn cảnh phải kiếm tiền ngoài phố...
Tôi biết bố mẹ cậu bé. Tối qua, sau khi cậu bé kéo vĩ cầm phải khóc, mẹ của cậu đã viết thế này trên trang cá nhân: “Con trai tôi, một đứa trẻ 15 tuổi, một đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện, đứng kéo đàn ở Bờ Hồ có làm gì ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự đường phố, có lừa đảo, cướp giật, gây mất trật tự đô thị hay không mà công an quát nạt dọa giẫm cháu. Họ yêu cầu con tôi phải có giấy phép biểu diễn! Tôi đang khóc khi đánh những dòng này và là một người không ngại bất cứ tình huống nào trong cuộc sống lại đang cảm thấy bất lực trước tình huống xảy ra với con mình...".
Biểu diễn âm nhạc ngoài đường có thể phải xin phép nên tôi có thể hiểu nguyên do hành động quá cứng nhắc của anh công an. Cuối tuần trước, ở Anh, hai bố con một bé gái 5 tuổi đặt một quầy nước chanh nhỏ gần nhà, bán cho người tham dự lễ hội Lovebox ở phía đông London, như một bài học về kỹ năng cho đứa trẻ hơn là vì lợi nhuận. Nhưng cảnh sát London cũng đã xông tới bàn nước chanh của họ, thông báo đóng cửa và phạt tiền vì "kinh doanh không giấy phép". Cô bé đó òa khóc vì cảm thấy mình "đã làm chuyện xấu". Các nhà chức trách ở London sau đó hủy bỏ quyết định phạt tiền và liên lạc với gia đình để xin lỗi.
Tôi hoàn toàn đồng ý với mẹ cậu bé vĩ cầm khi chị cho rằng, các anh công an "hoàn toàn có thể gặp bố mẹ cháu, hỏi han và hướng dẫn chúng tôi nếu hoạt động đó cần phải xin phép. Các anh hãy nói từ tốn, văn minh với một đứa trẻ để cháu hiểu rằng mang âm nhạc xuống đường phố ở đây, ở quốc gia này là sai, là bị cấm hoặc cần phải xin phép vì cháu đang không có hành vi nguy hiểm cho cộng động đề phải to tiếng”.
Thái độ cứng nhắc, có phần nặng nề như thế rồi có lợi ích gì hay chỉ gieo rắc vào lòng một cậu bé trong sáng nỗi ấm ức khó thay đổi được?
Tuần này, không phải riêng vụ chậm cấp giấy chứng tử đình đám ở phường Văn Miếu mới là vụ hành dân duy nhất. Để những đứa trẻ lớn lên ở đất nước này hiểu rằng sống lương thiện là việc khó, chính là lỗi ở những người có chút công quyền nhưng thiếu văn minh trong cách hành xử.
Phạm Thanh Hà
(Vnexpress)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét