Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Lại bàn về Phong trào và Cách mạng Dân chủ ở Việt Nam


Kami - Lại bàn về Phong trào và Cách mạng Dân chủ ở Việt Nam

Đăng bởi Tiểu Nhi on Tuesday, July 11, 2017 | 11.7.17



Có thể một ly nước đang nửa vơi có thể biến thành đầy, chứ một cái ly đã úp ngược thì xin đừng bàn đến chuyện hy vọng trong cái cốc ấy sẽ có đầy nước ngay. Phong trào dân chủ ở Việt Nam cả trong và ngoài nước đang ở trong tình trạng như vậy, xin đừng vội bàn đến chuyện cách mạng dân chủ.




Anh bạn tôi người gốc Việt qua Hong kong chơi nhân 20 năm đảo quốc này được trở về với "đất mẹ", tiện đường anh dự định ghé Trung Quốc để có dịp so sánh giữa 2 chế độ. Theo kế hoạch, anh cho biết sẽ ở Hongkong một tuần và ở Trung Quốc 3 tuần. Có nghĩa là đầu tháng sau ông ấy mới trở về.


Đầu giờ chiều nay tôi đang ngái ngủ, bỗng nghe tiếng gõ cửa, tôi bèn lò dò ra mở cửa và lập tức dụi mắt để xem mình có mê ngủ hay không? Không, khi ấy tôi còn cố hít sâu thêm một lần nữa để định thần, vì anh bạn tôi đang đứng lù lù trước mặt. Buộc tôi phải thốt lên: "Tưởng anh đang ở Trung Quốc kia chứ?". Anh bạn tôi bước vào nhà, quảng cái ba lô xuống đất và chửi: "Đ...mẹ nó, no English, no gmail, no face book, no RFA... nên phải bỏ chạy thôi. Tụi chó đẻ thiệt.".

Khi kể ra chuyện này, tôi không có ý khoe chuyện (nhỏ) anh bạn tôi đi du lịch nước ngoài, mà cũng không phải để thấy ở một cường quốc có hơn 1,4 tỷ dân với việc kiểm soát thông tin chặt chẽ như thế mà vẫn giữ tốc độ phát triển kinh tế đáng khâm phục. Mà muốn nói nơi ấy - nơi họ bịt kín các thông tin từ thế giới bên ngoài vẫn có các cá nhân như ông Lưu Hiểu Ba, một trí thức lớn, một nhà hoạt động nhân quyền tên tuổi, đã từng được nhận giải Nobel Hòa bình.

Các quốc gia quanh chúng ta mấy năm gần đây, ngoài ông Lưu Hiểu Ba ở Trung Quốc thì còn bà Aung San suu Kyi cũng được nhận giải Nobel Hòa bình. Bà Aung San suu Kyi đã thành công trong việc thúc đẩy chính quyền quân sự Myanmar cải tổ chính trị và trở thành một vị lãnh đạo nhà nước hàng đầu trong một chính phủ dân sự.

Chuyện đấu tranh chính trị vì sự đòi hỏi dân chủ ở Việt Nam lâu nay nằm ngoài suy nghĩ của tôi, nói cách khác là tôi ít quan tâm đến. Với lý do là làm gì có đâu mà quan tâm. Có chăng chỉ là một dúm cá nhân chống đối rời rạc, uể oải và lười biếng. Đa phần họ đã và đang "hoạt động" theo cách khua chiêng gõ mõ cho thiên hạ biết để không ngoài mục đích kiếm tiền tài tợ từ nước ngoài. Số ít còn lại ngoài số vừa kể thì vẫn chưa hiểu chính trị là gì, chưa biết rằng chính trị là các vấn đề xoay quanh việc giành hay giữ quyền lực Nhà nước. Ngây thơ hơn số đông vẫn ở cùng với vợ, con và gia đình của họ nhưng họ nhầm tưởng họ đang muốn giành quyền lực nhà nước. Công an Việt Nam họ không bắt ví lý do đó.

Nghĩa là những người còn ở Việt Nam còn đang nhởn nhơ bên ngoài hiện nay không thuộc loại đối tượng hoạt động chính trị, hoặc ít nguy hiểm hay cũng là chim mồi - cánh tay nối dài của an ninh. Còn đối tượng nguy hiểm, là hiểm họa tiềm ẩn đối với chế độ hiện nay ở Việt Nam thì còn đang nằm trong tù.

Nhưng tại sao lại đặt vấn đề này ra vào lúc này?

Trước hết, tình hình quốc tế và chính trị Việt Nam gần đây có những diễn biến tích cực song chứa đựng nhiều tiểm ẩn cho một cuộc xung đột khu vực và có thể lan rộng. Có người đã nhắc đến chiến tranh thế giới lần thứ 3, một khi tình hình an ninh trên bán đảo Triều tiên không kiểm soát nổi. Nhất là khi phát biểu tại tòa Bạch ốc ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "đã hết kiên nhẫn" với Triều Tiên và ngay sau đó nười ta đã thấy xuất hiện nhiều động thái cứng rắn hơn của Hoa kỳ, Nhật bản và Hàn Quốc đối với Bình Nhưỡng.

Trên Biển Đông, đặc biệt là trong mối quan hệ Việt - Trung đang ở tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Không chỉ là việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiến hành liên tiếp 2 chuyến thăm cấp cao tới Nhật và Mỹ hay các cuộc tiếp xúc với các chính khách hàng đầu tại hội nghị G20 trong mấy ngày vừa qua. Đáng kể nhất là việc Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trưởng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc bất ngờ rút ngắn chuyến thăm dự kiến hai ngày (18-19/6/2017). Đồng thời hủy bỏ chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần 4 tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam ngay sau đó.

Lịch sử cận đại đã cho thấy, yếu tố biến động của thế giới trong các cuộc xung đột trên diện rộng có tác động lớn đến chính trị ở các quốc gia, do sự chia cực của các bên. Sau thế chiến thứ 2, bàn cờ chính trị quốc tế có các biến động lớn và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đó. Theo cuốn "Một cơn gió bụi" của học giả Trân Trọng kim cho biết, trước tháng 8/1945 Việt Minh đã có đủ cơ sở tới cấp huyện mà nòng cốt là đảng viên đảng cộng sản. Nói thế để thấy Cộng sản Việt nam cướp được chính quyền cũng không phải là chuyện ăn may, điều đó đúng với yếu tố quan trọng của mọi cuộc cách mạng là "tổ chức, tổ chức và tổ chức". Những cái đó ở Việt nam trong lúc này hầu như là vắng bóng.

Gần đây nhà báo Phạm Chí Dũng trong bài viết "Như Quỳnh sẽ không phải ở tù hết 10 năm" có viết rằng, "Vào giờ phút này, ở vào tình thế 5 mối nguy mất nước “Trẻ không kính già, Trò không trọng thầy, Tham nhũng tràn lan, Binh kiêu tướng thoái, Sĩ phu ngoảnh mặt với thời cuộc” mà cổ nhân Lê Quý Đôn đã đúc kết, 10 hay 20 hoặc cả 30 năm tù cũng chỉ là những con số. Những con số ấy có thể đột ngột rút ngắn tuổi thọ của chúng một cách đáng kể theo đà sóng lừng dồn đến sóng thần của biển cả dân tộc."

Tôi không có ý nói ông Phạm Chí Dũng viết không đúng, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rất có thể (nếu chọn giải pháp đi tỵ nạn) không ngồi tù đủ 10 năm? Nếu như quan hệ Việt Mỹ nồng ấm hơn lúc này thì biết đâu, bằng giờ sang năm Mẹ của Nấm sẽ đi định cư nếu bằng lòng đánh đổi. Có thể là cách viết hơi "bốc" của nhà báo Phạm Chí Dũng, nên bạn đọc dễ hiểu nhầm rằng Mẹ Nấm sẽ ra tù sớm hơn 10 năm, vì "theo đà sóng lừng dồn đến sóng thần của biển cả dân tộc." - nghĩa là có sự thay đổi lớn về chính trị (!?).

Ông Phạm Chí Dũng có lẽ chỉ là nhà báo và không phải nhà hoạt động chính trị, vì nếu ông Dũng là một nhà đối lập thực thụ mở một Hội và tờ báo online không phép mà tồn tại được đến hôm nay thì kể cũng lạ. (!?) Vì thế nhận định hay đánh giá có thể sai của nhà báo Phạm Chí Dũng có thể lý giải được.

Tuy nhiên, trên trang Dân Làm Báo gần đây có đăng bài viết có tựa đề "Đã đến lúc Cách Mạng Dân Chủ xảy ra" của TS. Lê Minh Nguyên, một chính trị gia đang định cư tại Hoa Kỳ có phân tích và nhận định cho rằng: "Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ. Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hóa chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham...".

Theo đánh giá của cá nhân tôi, nhận định trên là hoàn toàn thiếu cơ sở nếu không nói là hoang tưởng.

Tại sao lại nói như vậy?

Trước hết, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có thể là phần tử nguy hiểm trong mắt của nhà cầm quyền Việt nam hiện nay, với bản án sơ thẩm 10 năm cho thấy điều đó. Song tên tuổi của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì có rất ít người ở Việt Nam biết đến, kể cả thành phần trí thức rất nhiều người họ đâu có biết Mẹ Nấm là ai? Hơn nữa nếu so sánh bà Aung San suu Kyi với Mẹ Nấm thì quá khập khiễng. Sở dĩ tôi lấy bà Aung San suu Kyi ra để so sánh, vì muốn so sánh phong trào đấu tranh dân chủ của Myanmar trước đây và ở Việt Nam hiện nay để thấy được "đường về nhà của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam còn rất... rất xa".

Như chúng ta đã biết, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ - NLD là một tổ chức chính trị lớn ở Myanmar hoạt động bất hợp pháp trước đây, mà bà Aung San suu Kyi một người có đầy đủ yếu tố làm lãnh tụ là người dẫn dắt. Các thành viên của NLD là trí thức hay sinh viên bị truy nã họ trốn sang Thái Lan trong các trại tỵ nạn. Các thành viên của LND có quá thừa nhiệt huyết để sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của họ, vì tương lai của quốc gia Myanmar, không chỉ thế các thành viên này có một sự đoàn kết, thống nhất vô biên. Đa số trong số họ đã từ chối được hưởng quy chết của UNHCR để đi dịnh cư ở quốc gia thứ 3, và họ chọn con đường ở lại để tiếp tục đấu tranh thông qua các việc làm cụ thể như làm vận động quốc tế, yểm trợ trong nước, tiến hành công tác tuyên truyền như phát báo in, sau này là báo online, tổ chức đài phát thanh ngoài biên giới hướng về Myanmar v.v... Để thấy đất nước Myanmar có ngày hôm nay là nhờ phong trào đấu tranh dân chủ ở đó với những con người như vậy.

Chất lượng các nhà hoạt động ở Việt Nam hiện nay, thiếu kiến thức chính trị ở mức chuyên nghiệp, thậm chí đa phần là những người thiếu hẳn các kiến thức chính trị cơ bản tối thiểu phải có. Ví dụ như chưa tập hợp được lực lượng cho mình, đã bày đặt chuyện cờ đỏ, cờ vàng v.v... là một ví dụ. Song nguy hiểm hơn, chủ yếu là các thành phần hoạt động lấy tiếng, lấy tiền và vụ lợi, có người lấy danh hoạt động dân chủ để kiếm cớ để được đi tỵ nạn nước ngoài.

Quan trọng hơn là sự vô tổ chức toàn tập, đúng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Chỉ cần xem số lượng các trang website lề trái (không kể các trang website Việt ngữ của các tổ chức truyền thông quốc tế) có lượng truy cập bình quân vài trăm ngàn views/ ngày là rất hiếm, thì sẽ thấy sự èo uột của phong trào dân chủ hiện nay.

Trước đây khoảng 5-10 năm, hiện tượng thường xuyên có các tuyên bố kiểu như: Cộng sản sắp sụp đổ, với các mốc thời gian: 3 tháng nữa; 6 tháng nữa; 1 năm nữa; 2 năm... và cuối cùng là chủ nhân của các tuyên bố trên mất hút. Vì người ta nói "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" hay "Trăm nghe không bằng một thấy", nếu như ai đó đứng xa đất nước hàng ngàn, hàng vạn dặm để đánh giá, phân tích hay bình luận thì sự đánh giá sẽ thiếu chính xác, nhất là khi nếu ta chủ quan. Thêm nữa, nếu chúng ta lại chỉ theo dõi tin tức một chiều, hay viết theo cảm tính để thỏa lòng thỏa dạ một nhóm đối tượng không phải là số đông thì rất có thể các đánh giá sai lầm.

Trường hợp bình luận của TS Lê Minh Nguyên đã dẫn như trên là một ví dụ. Vì có thể một ly nước đang nửa vơi có thể biến thành đầy, chứ một cái ly đã úp ngược thì xin đừng bàn đến chuyện hy vọng trong cái cốc ấy sẽ có đầy nước ngay. Phong trào dân chủ ở Việt Nam cả trong và ngoài nước đang ở trong tình trạng như vậy, xin đừng vội bàn đến chuyện cách mạng dân chủ.

"Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", vì thế mỗi cá nhân hãy bắt đầu bằng sự biết hy sinh cho lý tưởng của mình, các tổ chức cần được hình thành với việc tổ chức có bài bản theo hướng các tổ chức XHDS. Cần trẻ hóa thành phần trụ cột, đào thải mấy ông già cũ kỹ ngay lập tức, vì nhận thức của họ đã quá trì trệ, đến nay họ vẫn sử dụng tư duy đấu tranh của thế kỷ 20 thì khó có thể để cho họ tồn tại. Quan trọng hơn là tất cả phải nhận thức được rằng "Cách mạng là sự nghiệp của quân chúng", điều đó được thể hiện qua - trong mỗi lời nói cũng như hành động của mình.

Đêm ngày 11 tháng 07 năm 2017

© Kami

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét