Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017
Huyền thoại về lối sống người Hà Nội
Huyền thoại về lối sống người Hà Nội
Đăng bởi Elvis Ất on Saturday, July 15, 2017 | 15.7.17
Là người sinh ra tại Hà Nội và yêu Hà Nội, chuyến đi, nói đúng hơn là vẻ đẹp của người và cảnh Kuala Lumpur, không lòng tự tôn dân tộc của tôi bị tổn thương nghiêm trọng.
Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.
Nỗi buồn ở Kuala Lumpur
Chuyến công tác của tôi tới Kuala Lumpur đầu tiên vào năm 2006 gieo vào lòng tôi một nỗi buồn sâu thẳm. Là người sinh ra tại Hà Nội và yêu Hà Nội, chuyến đi, nói đúng hơn là vẻ đẹp của người và cảnh Kuala Lumpur, không lòng tự tôn dân tộc của tôi bị tổn thương nghiêm trọng. Nói nặng lời, đối với tôi, đó là một sự sỉ nhục âm thầm.
Giống như rất nhiều người dân Hà Nội hoặc ngạo mạn vô lối hoặc tăm tối u mê, tôi không thể ngờ được vẻ đẹp ấy. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, đã gặp đủ mọi loại người. Tôi biết Hà Nội còn xấu xí, bẩn thỉu và lộn xộn, tôi biết rằng người Hà Nội thô tục hơn nhiều so với người Mỹ, người Âu hay người Nhật.
Nhưng tôi, cũng như rất nhiều người khác vẫn tự ru ngủ với cái huyền thoại về nét thanh lịch của người Hà Nội qua câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Tự ru ngủ mặc dù không rõ từ bao giờ và tại sao Tràng An lại được cho là Hà Nội chứ không phải là một địa danh Trung Quốc. Người Hà Nội hay đổ cho dân nhà quê nhập cư cái tội bất lịch sự, nhưng chắc không ít người từng được những bà chủ cửa hàng “Hà Nội gốc” trong khu vực phố cổ chửi té tát vào mặt vì xem hàng mà không mua, bị họ gọi chồng con ra đe dọa hành hung vì nhỡ đỗ xe ngoài đường trước cửa hàng.
Cá nhân tôi không ít lần chưng hửng khi định hỏi đường, nhưng vừa cất tiếng: "Chào bác, cho cháu hỏi...", người được hỏi đã quay mắt đi nơi khác và nói chuyện uốn tóc hay đi tập gym với bạn bè.
Không chỉ tự ru ngủ, chúng ta còn hợm hĩnh. Ừ, Hà Nội kém Paris, Tokyo, hay New York thì đương nhiên rồi nhưng so với Kuala Lumpur thì dứt khoát là không. Malaysia bất quá chỉ hơn Việt Nam đôi chút về kinh tế. Kuala Lumpur chắc chỉ hơn Hà Nội đôi chút về cơ sở hạ tầng, còn người dân thì chắc cũng như nhau, nếu không nói là còn kém chúng ta. Thế nhưng chuyến đi đã cho tôi một bài học nhớ đời.
Trước hết là đất nước Malaysia. Tôi không thấy có sự khác biệt đáng kể nào giữa Malaysia với Pháp, Anh hay Hoa Kỳ. Tôi đi ngang dọc đất nước từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, rồi Hà Lan, rồi Anh, rồi Nhật này. Những xa lộ nườm nượp xe hơi không hề có giao cắt đồng mức. Những tòa nhà chọc trời ẩn sau tán lá xanh.
Rồi các trường đại học. Những giảng đường sạch sẽ bất kỳ trái tim sinh viên nào cũng phải run run xúc động. Tôi thầm so với những trường đại học nhếch nhác của chúng ta - nơi chỉ tòa nhà điều hành và mấy phòng làm việc là khang trang, còn các phòng học sơ sài và thư viện - bộ óc của trường đại học - nghèo nàn với mấy cuốn giáo trình cũ nát và thường đóng cửa sớm trước 4 giờ chiều để thủ thư kịp về đón con.
Nhưng lối sống của người Malaysia còn khiến tôi khâm phục hơn. Không hề có một ngôi nhà cơi nới hay xóm liều nào ở Kuala Lumpur. Không có một chiếc xe hơi nào vượt ẩu trên đường phố Kuala Lumpur. Không có người Mã Lai nào đái bậy hay vứt rác bên đường.
Ngồi trong xe, người bạn tôi, một công dân Malaysia gốc Trung Quốc, vô tình nhắc lại rằng năm 1957, khi Malaysia giành được độc lập, Kuala Lumpur không phải là một thành phố phát triển của Đông Nam Á. Anh nói rằng trong danh sách 4 thành phố phát triển nhất Đông Nam Á khi đó có Sài Gòn.
Ẩn dụ của chiếc đàn Gumboltz
Nhưng lối sống của người dân Kuala Lumpur có gì khác với lối sống của người dân Paris, hay dân New York? Có lẽ chẳng có gì khác, ngoài việc họ nói thứ tiếng khác, ăn các món ăn khác và có vài thứ đồ dùng hay trang phục khác - những thứ vừa không quan trọng lắm đối với lối sống vừa ngày càng bị xóa nhòa trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa. Vậy người dân Kuala Lumpur có lối sống riêng hay không?
Câu hỏi khiến tôi nhớ đến một truyện ngắn rất thâm thúy của nhà văn Thụy Sĩ Otto Steiger. Quý ông nọ vào khách sạn, ngỏ ý muốn thuê phòng có két sắt để cất một cây đàn vĩ cầm. "Đây là chiếc Gumboltz" cuối cùng. Chủ khách sạn nói rằng không có két sắt to như vậy. "Rất tiếc, tôi đành phải tìm nơi khác. Tôi định ở chừng hai tháng".
Nghe vậy, giám đốc khách sạn vội vào thành phố thuê két sắt, còn ông khách và cây vĩ cầm lập tức trở nên nổi tiếng. Để được thưởng thức âm thanh của cây đàn Gumboltz, người ta tổ chức một bữa tiệc, mời ông khách và đề nghị mượn cây đàn để vị nhạc sĩ của thị trấn biểu diễn. "Cây đàn tốt lắm, nhưng âm thanh cũng không có gì đặc biệt" - ông nhạc sĩ nói.
"Dĩ nhiên - ông khách đáp - đây có phải đàn Xtrađivari đâu. Vấn đề là ở chỗ đàn Gumboltz chính cống không có điểm gì đặc biệt. Đó chính là đặc tính quý giá nhất của nó. Nếu như loại đàn này có một đặc điểm khác biệt nào đó thì người Ý đã làm giả được hàng trăm chiếc từ lâu rồi. Nhưng đàn Gumboltz thì không làm giả được".
Tôi nghĩ lối sống của các thành phố lớn cũng giống như cây đàn Gumboltz của Steiger. Vì thành phố là nơi hội tụ mọi xu hướng, mọi trào lưu, lối sống của dân cư thành phố phải là sự thể hiện những khế ước chung nhất của đời sống cộng đồng. Mặc dù các điều kiện khí hậu, văn hóa, tôn giáo có thể khiến lối sống của dân cư các thành phố trên thế giới khác nhau ít nhiều, lối sống lý tưởng của một thành phố phải là những nét chung chứ không phải là nét riêng.
Mặc dù chúng ta cần gìn giữ và quảng bá những nét độc đáo về văn hóa của các thành phố, nhưng điều quan trọng nhất trong lối sống của các đô thị lớn nói chung, của Hà Nội nói riêng, phải là không được có lối sống riêng.
Lối sống và những nhà quản lý
Lối sống của người Hà Nội đang bị xuống cấp nghiêm trọng, điều đó chẳng còn gì phải bàn cãi. Bản chất của sự xuống cấp đó không phải là ta đang đánh mất cái riêng trong lối sống của người Hà Nội xưa, mà là sự xa rời lối sống chung của các thành phố lớn. Ngày nay, lối sống của người Hà Nội có nhiều nét độc đáo nhất thế giới.
Chẳng hạn, chẳng có nơi nào người ta vứt rác, vứt xác chuột chết ra đường vô tư như chúng ta. Chẳng nơi nào người ta chửi nhau ngoài đường nhiều như chúng ta. Chẳng nơi nào người ta đục phá chung cư và chiếm đất công - kể cả đất trường học, chùa chiền, mồ mả hay công viên - một cách ngang nhiên như chúng ta. Danh sách này có thể kéo dài hàng chục trang báo.
Nhưng nguyên nhân ở đâu ra? Tôi xin trả lời ngay, đó là do lỗi của chính quyền. Lối sống, cũng như các thành tố khác của văn hóa, hình thành và gắn liền với một cộng đồng người. Tất cả các thành viên của cộng đồng, thông qua những hoạt động sống của mình, đều tham gia vào việc tạo nên lối sống. Tuy nhiên, các thành viên không có vai trò như nhau trong quá trình ấy.
Những thành viên có nhiều quyền lực hơn sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến lối sống. Nói cách khác, lối sống của Hà Nội phản ánh tình trạng quản lý thiển cận, manh mún, mang nặng tính tiểu nông hiện nay.
Để lý giải tình trạng ấy, tôi muốn nhắc lại luận điểm của nhà giáo dục học Marxist người Brazil Paulo Freire. Theo ông, tâm lý thông thường của những người bị trị khi đứng lên chống lại kẻ thống trị là được thay thế họ để thống trị, và như thế vẫn chỉ là nô lệ. Những hình thức thể hiện của tâm lý này có thể thấy khắp nơi.
Khi người nông dân bán đất ở ngoại thành trong cơn sốt đô thị hóa, họ thường dùng tiền mua sắm những đồ đạc giống đồ đạc của dân thành phố, xây những ngôi nhà hình ống giống nhà của người dân thành phố, mặc dù trên diện tích đất rộng rãi của mình, họ có thể chọn những kiểu nhà đẹp hơn và phù hợp hơn. Một ví dụ khác là người nông dân đi xe đạp thường thích đi vào dải đường dành cho xe cơ giới - lý do tâm lý sâu xa là muốn gia nhập vào tầng lớp trên.
Trong lĩnh vực chính trị, những người nông dân khi lật đổ kẻ thống trị và trở thành lãnh đạo thường vẫn mang đặc tính nông dân của mình vào việc quản lý. Hơn thế nữa, họ thường có xu hướng nhanh chóng bắt chước lối hưởng thụ đặc quyền của những kẻ từng thống trị mình. Một nhà lãnh đạo như vậy vẫn chưa thoát khỏi tâm lý của kẻ bị trị.
Một nhà cách mạng chân chính, theo Paulo Freire, phải hướng tới tự do chứ không phải quyền thống trị: khi quản lý, anh hay chị ta cần phải quản lý bằng những nguyên lý phổ quát chứ không phải dựa trên thói quen hay ý thích của mình.
Trở lại đề tài của chúng ta. Trước khi tự hào về lối sống thanh lịch của mình, Hà Nội và các thành phố của chúng ta cần phải được quản lý, lãnh đạo bằng những nguyên lý phổ quát, người dân Hà Nội và các thành phố Việt Nam cần phải sống như người dân của những thành phố văn minh khác.
Nhưng chính khi đó cũng là lúc chúng ta có thể tự hào về lối sống Hà Nội. Lối sống mà mọi người đều thấy mình trong đó - lối sống làm cho người Hà Nội, dù nói giọng Hà Nội, dù ăn phở Hà Nội hay gảy đàn bầu, vẫn gần gũi với tất cả mọi người trên thế giới.
Ngô Tự Lập
(An Ninh Thế Giới)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét