Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017
Cách sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt người vi phạm nhân quyền ở VN
Cách sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt người vi phạm nhân quyền ở VN
ĐOÀN NHÃ AN
Từ ngày 23/12/2016, Hoa Kỳ có quyền không cấp visa nhập cảnh, hủy bỏ visa đã cấp, đóng băng tài sản cũng như không cho phép chuyển nhượng tài sản ở Mỹ của bất kỳ người nào vi phạm quyền con người nghiêm trọng ở bất kỳ đâu trên thế giới, kể cả Việt Nam.
Bất kỳ người nào, nghĩa là bao gồm cả quan chức, nhân viên công lực, lãnh đạo và nhân viên các doanh nghiệp lẫn thường dân khác.
Trước tháng 12/2016, biện pháp chế tài này chỉ dùng riêng cho công dân Nga. Hiện nay, Hoa Kỳ mở rộng phạm vi áp dụng đối với công dân của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), tổng thống Mỹ được quyền chế tài công dân nước ngoài như đã nêu ở trên, khi có đủ chứng cứ từ các ủy ban đặc biệt của Quốc hội hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của những người đó.
Bài viết này sẽ giải thích rõ nguồn gốc của đạo luật này và cách sử dụng nó để bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Sergei Magnitsky là ai và vì sao nước Mỹ lại có một đạo luật mang tên anh?
Sergei Magnitsky là một luật sư người Nga sinh năm 1972. Anh đã bị chính quyền Putin bắt và tống giam không qua xét xử gần một năm trời từ tháng 11 năm 2008, sau khi anh điều tra được một vụ đại án tham nhũng và lừa đảo thuế liên quan đến các cảnh sát Nga và nhiều quan chức lãnh đạo của chính phủ.
Trong tù, Magnitsky đã không được phép gặp người thân và ngay cả khi có dấu hiệu bị các bệnh sỏi mật và viêm tuyến tuỵ, anh cũng không điều trị. Cảnh sát Nga bị cáo buộc là đã đánh đập, tra tấn và bỏ mặc anh cho đến chết tại nhà giam Butyrka, Moscow.
Ngày 16/11/2009, tức 8 ngày trước khi hết hạn giam giữ để điều tra theo luật, Sergei Magnitsky qua đời khi chỉ mới 37 tuổi.
Mộ Sergei Magnitsky. Ảnh: AP.
Ông Bill Browder là chủ của công ty đầu tư Hermitage Capital Management, là nơi Magnitsky từng làm việc và cũng là cơ quan đã cùng anh điều tra vụ án tham nhũng nói trên. Browder đã ra sức tìm kiếm công lý cho anh trong vô vọng tại Nga hơn 2 năm.
Khi thấy những kẻ gây ra cái chết cho Magnitsky không thể bị pháp luật Nga chế tài, ông Browder đã mang câu chuyện của anh đến Quốc hội Hoa Kỳ.
Dân biểu Jim McGovern bang Massachusetts và Thượng nghị sỹ Ben Cardin cùng thuộc đảng Dân chủ đã lắng nghe câu chuyện của Magnitsky, và họ bắt đầu chiến dịch vận động cho việc ban hành và thông qua Đạo luật Chịu trách nhiệm trước nền Pháp trị – Sergei Magnitsky (Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act), hay còn gọi là Đạo luật Magnitsky (Magnitsky Act) vào năm 2012.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ từ chối cấp visa vào Mỹ và sẽ đóng băng tài sản của bất kỳ công dân Nga nào có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
Sau khi Đạo luật Magnitsky được ban hành đối với các công dân Nga, Hoa Kỳ đã đóng băng tài khoản ngân hàng của khoảng 34 quan chức Nga từ năm 2012 – 2014, cũng như cấm những người này nhập cảnh. (1)
Trong số đó, có những nhân viên công quyền có liên quan trực tiếp đến cái chết của Sergei Magnitsky, chẳng hạn như Phó Công tố viên Victor Grin và nhân viên điều tra Adrei Strizhov của Nga.
Hơn thế, biện pháp chế tài này đã được tiếp tục áp dụng với những quan chức Nga trong các vụ sai phạm khác, mà tiêu biểu là trường hợp vụ án oan của nhà hoạt động nổi tiếng người Chechnya, Ruslan Kutayev.
Hoa Kỳ đã đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh Thứ trưởng Bộ Nội vụ Apti Alaudinov và Chánh văn phòng của chính phủ Cộng hòa Chechnya, Magomed Dadov vào năm 2014 sau khi chính phủ Chechnya đã bắt giữ, đánh đập Kutayev và kết án oan cho ông. (2)
Quy trình thực hiện
Hiện nay, quy trình để tổng thống Hoa Kỳ ban hành lệnh chế tài dựa trên Đạo luật Magnitsky toàn cầu có thể hiểu tóm tắt như sau:
1. Các ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ, ví dụ như Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos (The Tom Lantos Commission on Human Rights) hay Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor – DRL) thuộc Bộ Ngoại giao đều có thể thành lập danh sách “đen” nêu tên và hành vi của những kẻ làm ra những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có thể bao gồm các hành vi giết người mà không bị xét xử (extrajudicial killing), đánh đập, tra tấn và những hành vi khác, nhằm đối phó với những người muốn vạch trần tham ô, các sai phạm của chính phủ hay để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và tự do.
2. Cục DRL sẽ là cơ quan có quyền thẩm định, và sau đó trình danh sách “đen” cho tổng thống.
3. Sau khi tiếp nhận danh sách này cùng lời đề nghị phải đưa ra biện pháp chế tài từ Quốc Hội, tổng thống có thể xem xét thêm các thông tin liên quan từ các phía, bao gồm cả các chính quyền nước ngoài (foreign governments) lẫn các tổ chức xã hội dân sự làm việc về lĩnh vực nhân quyền (human rights organizations).
4. Nếu các bằng chứng cho thấy các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền đã xảy ra và những người trên danh sách quả thực là những người phải chịu trách nhiệm, tổng thống sẽ ban hành lệnh chế tài như một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu các cơ qua chính phủ có liên quan (ví dụ như Sở Di trú, Bộ Tài chính) thực hiện các lệnh cấm đối với các cá nhân bị nêu tên. (3)
Hoa Kỳ có sử dụng nhân quyền làm lá bài chính trị?
Khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài dựa trên Đạo luật Magnitsky đối với công dân Nga, điện Kremlin gọi đó là một chiêu trò chính trị. Nhưng liệu lời tuyên bố đó có xác đáng hay không?
Trước hết, vì những đàm phán chính trị, chính quyền Obama không hề hồ hởi khi phải thực hiện yêu cầu chế tài quan chức Nga.
Thế nhưng, trước hết là vì Đạo luật Magnitsky đã được hầu hết tất cả các dân biểu Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua. Và khi các bằng chứng về vi phạm nhân quyền của các quan chức Nga trong vụ án Sergei Magnitsky là không thể chối cãi, Tổng thống Obama bắt buộc phải ban hành sắc lệnh chế tài đối với những cá nhân đó.
Vì Đạo luật Magnitsky trước đây và cả Đạo luật Magnitsky toàn cầu hiện nay đều chỉ chế tài những cá nhân vi phạm quyền con người của người khác, ví dụ như tham gia đàn áp người biểu tình, đánh đập dân oan, công an đánh chết người (như trường hợp anh Magnitsky), v.v. – chứ không phải là biện pháp chế tài cả một quốc gia như lệnh cấm vận (embargo).
Do đó, lý do chính trị không được những người ủng hộ Đạo luật Magnitsky xem là thuyết phục.
Theo những người ủng hộ, Đạo luật Magnitsky là một thông điệp mà nước Mỹ và người dân Mỹ muốn gửi đến thế giới. Đó là họ không muốn những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có thể đến Mỹ và dùng Hoa Kỳ để cất giấu tài sản.
Ngoài ra, Đạo luật Magnitsky còn có được sự ủng hộ của người dân ở chính quốc gia bị chế tài. Khi đạo luật này được thông qua năm 2012, một cuộc khảo sát ở Nga cho thấy có đến 39% người dân tại đây ủng hộ điều đó. (4)
Đạo luật Magnitsky toàn cầu có giúp bảo vệ được quyền con người tại Việt Nam?
Trước hết, có những dân biểu Quốc Hội, như Thượng nghị sỹ John McCain hay Dân biểu Zoe Lofgren, và nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luôn tích cực theo dõi tình hình nhân quyền các nơi rất chặt chẽ, đặc biệt ở một số nước có thể chế toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn.
Đối với tình hình tại Việt Nam, trước khi từ nhiệm ngày 20/1/2017, trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski (người phụ trách Cục DRL dưới thời Obama) vẫn thường xuyên sử dụng mạng Twitter để đưa tin về phiên xử phúc thẩm Anh Ba Sàm và trợ lý vào cuối tháng 9/2016 và kêu gọi trả tự do cho họ. Ông Malinowski cũng lên tiếng trước những vụ bắt giữ người hoạt động như khi blogger Mẹ Nấm bị bắt vì điều 88 BLHS vào tháng 10/2016 hay khi Việt Nam tuyên án các ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng tháng 12/2016. (5)
Cựu trợ lý Ngoại trưởng HK Tom Malinowski (ngoài cùng bên trái), gặp gỡ bloggers Tạ Phong Tần và Điếu Cày tháng 10/2015. Ảnh: @Malinowski-Twitter / hr4vn.wordpress.com.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã từng lên tiếng quan ngại về những vi phạm quyền con người từ chính phủ Việt Nam. (6)
Tất cả những điều này đều có thể dùng làm một phần bằng chứng từ phía Cục DRL, và trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Cục DRL có thể sử dụng khi lập danh sách đề cử những cá nhân cần bị chế tài. (7)
Ngoài ra, thông tin về những nhân vật nằm trong danh sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng còn được tham khảo từ các tổ chức hoạt động về nhân quyền uy tín trong cũng như ngoài nước Mỹ.
Vì vậy, những nạn nhân của việc vi phạm quyền con người ở Việt Nam có thể thu thập bằng chứng sai phạm của từng cá nhân, sau đó chuyển giao cho các tổ chức này.
Họ cũng có thể thông qua các cá nhân hay tổ chức ở Mỹ để gửi thông tin trực tiếp đến các vị dân biểu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những công việc này đòi hỏi việc thu thập dữ liệu phải được làm một cách có bài bản và khoa học.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) cho rằng Đạo luật Magnitsky toàn cầu không thể thay thế công lý cho các nạn nhân. (8)
Mặc dù vậy, CPJ cũng đồng ý là khi các nhân viên công an, cảnh sát, hay an ninh biết rõ rằng chính bản thân họ sẽ phải nhận lãnh hậu quả khi muốn nhập cảnh Hoa Kỳ hay sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ để chứa chấp tài sản của mình, thì họ sẽ không còn dám ra tay đánh đập và đàn áp người dân trong nước nữa.
Và như thế, tuy chưa phải là công lý, Đạo luật Magnitsky toàn cầu có thể là vũ khí, mà cũng là lá chắn bảo vệ quyền con người khi luật pháp quốc gia không thể làm điều đó. -/-
Tài liệu tham khảo:
(1). Background Briefing on Implementation of the Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act(2). U.S. adds four more Russians to human rights sanctions list(3). The Global Magnitsky Human Rights Accountability Act: Sanctions Tool for Promoting U.S. Human Rights Agenda(4). What the Magnitsky Act Means(5). Tài khoản Twitter của Cục DRL Hoa Kỳ(6). Statement by U.S. Ambassador to Vietnam Ted Osius(7). Điều 3 và Điều 4 của Đạo Luật Magnitsky toàn cầu(8). Global Magnitsky Act could be powerful weapon against impunity in journalist murders
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét