Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Việt Nam trên bờ vực sụp đổ


Việt Nam trên bờ vực sụp đổ

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, January 17, 2017 | 17.1.17


Ảnh minh họa. Photo courtesy DCV
Việt Nam đang ở trong một trạng thái hiểm nghèo chưa từng có, và đây có lẽ là một trong những lần hiếm hoi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ từ kinh tế lan sang chính trị.

Sự bi đát của tình trạng Việt Nam trên bề mặt thể hiện ở chỗ ngân sách gần như kiệt quệ. Lần đầu tiên trong lịch sử các khoản chi cho Tết đã bị cắt giảm hết mức, từ các chi phí trang trí cho đến tiền dành để bắn pháo hoa.

Không những ngân sách cạn kiệt mà lượng dự trữ ngoại hối cũng suy kiệt theo. Trước hết hãy nói về dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước cho các báo là tăng và ở khoảng 40 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, không ai tin đây là con số trung thực, mà dự đoán dự trữ ngoại hối hiện nay chỉ trong khoảng 20 tỉ đô la. Tại sao lại như vậy?

Dòng ngoại hối chuyển vào Việt Nam phụ thuộc vào sáu kênh chính: FDI, viện trợ, kiều hối, bán dầu mỏ, xuất khẩu, và tài chính chuyển vào. Tuy vậy, cả năm kênh đầu trong năm qua đều giảm nghiêm trọng và xu hướng là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.

Thứ nhất, FDI giảm vì số phận của TPP coi như chấm dứt khi tổng thống mới của Mỹ là Donald Trump đã tuyên bố dẹp TPP. Không có TPP, các đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chuyển sang các quốc gia khác vì Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh khi chi phí lao động và các chi phí khác tăng cao trong khi năng suất lao động không thay đổi mấy.

Thứ hai, Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách nước nghèo nên không còn nhận viện trợ mấy nữa.

Thứ ba, kiều hối về Việt Nam đã giảm so với trước. Kiều bào gửi tiền về Việt Nam có hai mục đích chính là giúp người thân và đầu tư. Với tình trạng kinh tế Việt Nam có quá nhiều rủi ro hiện nay từ nguy cơ phá giá tiền Đồng đến nền kinh tế có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhiều người không còn muốn đầu tư ở Việt Nam nữa. Một nguyên nhân khác là nhiều người ở Mỹ đặt niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ dưới triều đại Donald Trump nên họ cảm thấy an toàn hơn khi giữ tiền và đầu tư ở Mỹ. Bằng chứng là các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng liên tục khoảng 8% kể từ ngày Donald Trump đắc cử tổng thống.

Thứ tư, nguồn thu từ dầu mỏ cũng không còn nữa. Mức giá dầu thế giới nằm trong ngưỡng 50 đô la một thùng chỉ đủ bù vào chi phí khai thác dầu ngoài khơi của Việt Nam. Chính vì lí do đó mà liên doanh khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Nga Vietsovpetro đã thông qua phương án cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số mỏ dầu. Giá dầu được dự đoán sẽ nằm trong ngưỡng 50 đô la Mỹ một thùng trong năm tới và do đó khó có khả năng đóng góp lớn vào nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam.

Thứ năm, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các hàng nông sản và thủy hải sản. Tuy vậy, biển ô nhiễm ở miền Trung coi như đặt dấu chấm hết cho ngành xuất khẩu thủy sản nước mặn Việt Nam. Cho dù các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam được đánh bắt từ vùng khác, có thể không bị ô nhiễm, nhưng khó mà thuyết phục được người tiêu dùng và do đó những công ty nhập khẩu sẽ trước hết từ chối các đơn hàng thủy sản của Việt Nam.

Và cuối cùng, nguồn thu từ tài chính chuyển vào có được thông qua việc bán các tài sản trong nước cho các tổ chức nước ngoài và vay mượn. Tuy vậy, ngay cả việc bán hết khoảng 10 công ty lớn nhất Việt Nam mà nhà nước đang nắm giữ cũng chỉ đem lại một khoản tiền 7 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số 12 tỉ đô la mà nhà nước phải trả nợ năm 2016. Vì vậy mà để trả nợ nước ngoài và cân bằng chi tiêu, dù muốn dù không chính phủ sẽ phải vay mượn tiền từ dự trữ ngoại hối. Các kế hoạch vay tiền để trả nợ đã bị hủy bỏ vì Việt Nam khó mà vay được ngoại tệ trên thị trường tài chính vào lúc này, và thậm chí vay được thì mức phí cũng phải trên 10%/năm, khi so với mức hơn 7% năm khi Việt Nam vay qua Credit Suisse cho Vinashin năm 2007.

Các dẫn chứng trên cho thấy rằng nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam đang sụt giảm nhanh chóng và khó có thể hồi phục trong khoảng thời gian vài năm trước mặt. Nếu so với các năm trước, khi mà giá dầu ở mức hơn 100 đô la Mỹ/thùng, kiều hối dồi dào, và Việt Nam chưa phải trả nợ nước ngoài nhiều, ngoại hối chuyển về Việt Nam chỉ đủ tròm trèm cân bằng chi tiêu dành cho nhập khẩu. Giờ đây khi tất cả các nguồn đóng góp ngoại tệ đều giảm sút, dự trữ ngoại hối Việt Nam tất phải vơi đi.

Với mức dự trữ ngoại hối được báo cáo vào cuối năm 2015 ở mức khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, sự thâm hụt ngoại hối của năm 2016 khiến cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay chỉ ở trong khoảng 20 tỉ đô la.

Trong năm nay, 2017, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với mức trả nợ hơn 10 tỉ đô la như năm ngoái, và khi mà mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam dưới 20 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính bất cứ lúc nào, khi mà thị trường đòi rút ngoại tệ gây áp lực phá giá tiền Đồng.

Chính vì nỗi sợ đó mà nhà nước đang ráo riết tìm các phương kế để tăng dự trữ ngoại hối. Họ đang làm bằng cách nào?

Cách đầu tiên là họ đang tìm cách bán hết các công ty mà nhà nước đang nắm giữ. Nhưng không dễ để tìm đối tác bán các công ty ở thời điểm này khi mà nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa.

Cách thứ hai là họ đang ráo riết vận động dư luận để tổ chức Tết Ta sang ngày 1/1 hàng năm, ăn Tết Ta chung với Tết Tây, nhờ đó mà kiều bào về Việt Nam ăn Tết nhiều hơn và giúp tăng nguồn ngoại tệ.

Cách thứ ba là họ đang tìm cách bán tất cả những thứ có được khác để thu ngoại tệ, từ các quặng mỏ cho tới đất đai.

Và cách thứ tư là lân la với Trung Quốc để cầu cứu xin vay mượn viện trợ. Đó cũng là lý do mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn một phái đoàn hùng hậu sang cầu cứu với Bắc Kinh.

Sự suy kiệt ngân sách nhà nước bắt nguồn từ sự khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ vài năm trước nay có thêm sự sụp đổ của kinh tế miền Trung bắt nguồn từ thảm họa biển chết bởi Formosa. Sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo theo nguồn thu ngân sách cạn kiệt. Để làm tăng ngân sách, nhà nước một mặt giảm chi tiêu, mặt khác đang cố gắng tạo ra các nguồn thu mới bằng cách tăng thuế. Mức tăng thuế môi trường đánh vào xăng là một ví dụ.

Tuy vậy, việc tăng giá xăng sẽ kéo theo sự tăng mạnh của lạm phát, vốn đã cao do nạn in tiền quá nhiều để chi tiêu của chính phủ. Sự tăng mạnh của lạm phát đến lượt nó sẽ kéo theo các bất ổn vĩ mô và khiến nền kinh tế nhanh chóng mất kiểm soát và sụp đổ.

Ngược lại, nếu chính phủ không nhanh chóng kiếm một nguồn thu ngân sách bổ sung, họ sẽ phải đối mặt với một ngân sách trống rỗng không đủ trang trải cho các hoạt động của bộ máy chính phủ và phải đối diện với sự phá sản.

Cả hai mặt trận, ngân sách chính phủ và dự trữ ngoại hối, chính phủ đang đối mặt với một tình thế hết sức hiểm nghèo và nền kinh tế có thể sụp đổ nhanh chóng trong những tháng ngày tới. Có lẽ đối diện với nỗi lo sợ đó mà ông tổng bí thư vội vã đem một phái đoàn sang diện kiến Bắc Kinh và ký kết một lúc 15 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực đặng mong Trung Quốc giúp đỡ trong những thời khắc điêu linh của đất nước?

Nguyễn Huy Vũ

(Vấn Đề)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét