Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017
Tình hình mới: Cần khẩn trương và bén nhạy!
Bùi Tín - Tình hình mới: Cần khẩn trương và bén nhạy!
Đăng bởi Ha Tran on Saturday, January 7, 2017 | 7.1.17
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, ngày 21/1/16. (Ảnh tư liệu)
Năm 2017 đã đến. Bàn cờ chính trị thế giới đang chuyển động. Quan hệ các nước, ở các khu vực cũng như nội tình nhiều nước thay đổi, có nơi thay đổi rất lớn.
Hoa Kỳ thay đổi nhiều và rõ nhất. Tổng thống tân cử Donald Trump thuộc đảng Công hòa sẽ nhận nhiệm vụ vào ngày 20/1 tới, với cung cách cầm quyền và nhiều chính sách nên sự thay đổi lớn này sẽ gây nhiều biến động khôn lườn trên bàn cờ chính trị toàn cầu.
Ở châu Âu, nước Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu, quan hệ EU với Liên bang Nga căng thẳng sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea và một phần phía Đông Ukraine, cùng lúc Nga can thiệp quân sự sâu vào Syria để ứng cứu cho chính quyền độc đoán al-Assad.
Quan hệ Hoa Kỳ - Nga trở nên căng thẳng cao độ, khi tổng thống Barack Obama quyết định trục xuất 35 cán bộ tình báo Nga do đã can thiệp phi pháp vào cuộc bầu cử tổng hống Hoa Kỳ vừa qua bằng các hành động "tin tặc" quy mô lớn; phía Nga đáp lại bằng đe dọa sẽ trả đũa, tùy theo thái độ của tổng thống mới của Hoa Kỳ, mà họ hy vọng sẽ thay đổi. Phía Hoa Kỳ ngỏ ý định sẽ có hành động trừng phạt thêm nữa.
Với tổng thống mới ở Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ căng thẳng đặc biệt trong một đối đầu gay gắt trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, tài chính, thuế quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, nhập cư, cả về an ninh và quân sự, với lời hứa rõ ràng mang tính răn đe - "Đã đến lúc phải cứng rắn" (Time to get tough) với Trung Quốc - như tên một cuốn sách do chính ông Trump viết. Ông Trump xem Bắc Kinh là kẻ thù toàn diện, nguy hiểm, cấp bách nhất nếu muốn thực hiện khẩu hiệu then chốt của ông là "Hãy làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại".
Trong con mắt của một nhà kinh doanh tỷ phú, khi coi Trung Cộng là đối thủ chính của nền dân chủ toàn cầu, thì các nước dân chủ nên tách nước Nga ra khỏi Trung Quốc, vì dù sao nước Nga cũng đã thu nhỏ chỉ bằng một nửa Liên Xô trước kia (với dân số 146 triệu so với 320 triệu trước kia); và đảng mới của Tổng thống Vladimir Putin - Đảng Nga Thống nhất - là một đảng bé tý, không bằng 1/50 của đảng Cộng sản Liên Xô ngày xưa. Ông Putin tự biết những yếu kém của "chế độ hậu cộng sản" của mình, nhất là kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, lại bị trừng phạt nặng nề, nên không còn nguy hiểm đối với nền dân chủ Hoa Kỳ như xưa. Có thể tổng thống sắp mãn nhiệm và tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã phân công nhau, người dơ gậy, kẻ xoa đầu để con gấu Nga giật mình gầm gừ chút đỉnh rồi đâu lại vào đấy mà thôi. Chế độ Putin chỉ là cái đuôi của cái chế độ Cộng sản đã mất đầu.
Lúc này Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cần phải thất khẩn trương và nhạy bén, tìm hiểu kịp thời mọi chuyển động lớn nhỏ của thời cuộc thế giới, của châu Á, của khu vực, chủ động và uyển chuyển điều chỉnh mọi mối quan hệ và các chính sách đối nội và đối ngoại cho thích hợp, tận dụng mọi thời cơ, tránh trước mọi sự không thuận lợi. Lãnh đạo là phán đoán, dự kiến đúng, hành động sớm.
Có thể gợi ý những nội dung nên điều chỉnh và thực hiện như sau.
Về Trung Quốc, nên công khai với nhân dân, với đảng Cộng sản nội dung của cuộc mật đàm ở Thành Đô, thực hiện trung thực với nhân dân, không làm điều gì cần phải giấu giếm; không làm điều gì sau lưng nhân dân, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc; dứt khoát vứt bỏ phương châm "16 chữ vàng và 4 tốt". Chỉ cần làm những việc này thôi, không khí xã hội sẽ đổi khác và đảng sẽ khôi phục được một phần niềm tin của nhân dân. Cần xem xét lại tất cả các dự án đã dành cho Trung quốc đấu thầu thực hiện - từ trồng rừng, khai thác bô-xít, xây nhà máy sắt thép, xi măng, hóa chất, nhiệt điện, thủy điện đến giao thông cầu đường, buôn bán, xuất nhập khẩu... Kiểm tra mọi công dân Trung Quốc nhập cư, trả về những người nhập cư không giấy tờ hợp lệ.
Trong quan hệ đối ngoại, rất nên chủ động thắt chặt và nâng cao quan hệ hữu nghị toàn diện với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Liên minh châu Âu, cũng như với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar... để tăng thêm bạn, củng cố hòa bình, mở rộng hợp tác các bên đều có lợi.
Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn cả là, để tranh thủ mạnh mẽ chính quyền mới ở Hoa Kỳ, Việt Nam cần chủ động thực thi dân chủ thật sự, thực hiện đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, tự do tôn giáo; trả lại tự do ngay cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm; tôn trọng nhân quyền đầy đủ theo các Hiến chương và văn kiện của Liên Hiệp Quốc; cam kết thực hiện chế độ cai trị theo pháp quyền, theo Hiến pháp và luật pháp, sẵn sàng để cho báo chí quốc tế, các cơ quan nhân quyền quốc tế và của Liên Hiệp Quốc quan sát và điều tra trên đất Việt Nam, tại các phiên tòa công khai và trong các trại giam. Sớm thông qua Luật về lập Hội, về quyền lập công đoàn tự do, về biểu tình... ngay trong nửa đầu của năm 2017. Tất cả những điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thông qua sớm Hiệp định TPP hoặc để thảo luận lại bản TPP mới khi bản TPP cũ chưa được thông qua.
Nói tóm lại, ngay từ những ngày đầu năm 2017, các thành viên chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các nhà bình luận, các nhà báo lề trái và lề phải, các blogger tự do rất nên chung sức, chung lòng, góp ý với nhân dân, với chính quyền, với đảng Cộng sản về những nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung, đổi mới thật sự, nhằm từ bỏ "chủ nghĩa xã hội" ảo tưởng, viển vông, thực hiện trung thực chủ nghĩa tư bản với nền kinh tế thị trường tự do đúng nghĩa, một chủ nghĩa tư bản - pháp quyền văn minh, phổ cập trên toàn thế giới.
Tình hình thế giới dang có những đổi thay cơ bản và nhanh chóng. Chậm chạp, ù lỳ, để mặc cho tình trạng "nước chảy mây trôi", bị động đối phó thì sẽ chỉ chuốc lấy những nguy cơ chồng chất, những thảm họa dai dẳng cho hiện tại và tương lai.
Bén nhạy với thời cuộc, linh hoạt, thông minh sửa đổi, bổ sung mọi chính sách đối nội và đối ngoại là điều cấp bách hiện nay, để chào mừng năm mới 2017, cắm một cột mốc lịch sử cho nhân dân, cho Tổ quốc Việt Nam.
Bùi Tín
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét