Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Những ông quan coi trời bằng vung


Những ông quan coi trời bằng vung




Văn Quang

Không phải chỉ có ở “nông thôn mới” hay “nông thôn cũ” mới có những quan nhỏ, quan lớn coi dân như rác, coi trời bằng vung, mà ở ngay những thành phố lớn hầu như các quan đều như thế cả. Bây giờ ở VN cũng nhiều bà ra làm quan.
Làm thư ký quèn cũng khệnh khạng vẻ nhà quan. Tôi cố tránh những việc phải ra tới “cửa quan” nhưng không được, thí dụ như mỗi tháng phải ra phường lãnh tiền già, mỗi tháng được 380 ngàn đồng VN, cũng ăn được năm tô phở. Cái thân già phải lết ra Ủy Ban Nhân Dân Phường lãnh tiền. Vừa ra đã thấy chừng vài chục ông bà già lưng còng, tóc bạc đứng ngồi lố nhố ngoài hàng hiên, thiếu ghế ngồi nên nhiều cụ phải đứng từ ngoài vào trong phòng làm việc của Ủy Ban. Nhân viên văn phòng này hầu hết là các bà các cô. Có những cô nói nhanh như điện khiến nhiều cụ già miền Nam trố mắt nhìn, đứng lặng thinh, nhấp nhỏm chờ đến lượt gọi tên, không dám hỏi câu nào. Có khi chờ đến hơn hai tiếng mới được lãnh tiền. Có cụ mệt quá để sổ lãnh tiền đó, chiều hay mai mới ra, lại đợi nữa. Lãnh được 380 ngàn ra về là “thoát nợ trần”.

Đây là chuyện nhỏ ở thành phố lớn như Sài Gòn chưa nói đến các nơi xa, còn lắm chuyện “quan làm vua” nữa. Nhìn vào “báo cáo thành tích một năm qua” có rất nhiều “cái tốt”, nhưng “đâu đó vẫn có những biểu hiện xấu”. Lại có đến hàng trăm hàng ngàn “cái xấu cần chấn chỉnh”. Chuyện không lạ với hàng loạt báo cáo tương tự như nhau. Thôi thì tạm bỏ qua những “hồ sơ” khổng lồ đó, xin nói đến chuyện gần đây nhất xảy ra từ chục năm trước rồi, bây giờ báo nhà nước mới khui ra trong cuối tháng 12 năm 2016 này.

Ông quan địa chính coi trời bằng vung

Cách đây mười năm, báo chí VN đã có loạt bài vạch mặt tiêu cực trong quản lý đất đai tại quận Bình Tân (Quận Bình Thạnh), liên quan đến hàng loạt sai phạm có hệ thống của ông Nguyễn Văn Cương, cán bộ địa chính thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh (nay là Quận Bình Tân). Ông Nguyễn Văn Cương chỉ là một cán bộ địa chính nhỏ, nhưng chuyện gì cũng dám làm.

Hơn 20 năm làm “vua” địa chính của một vùng đất rộng lớn, ông Cương đã “hô biến” hàng trăm nghìn mét vuông đất rơi vào tay các đại gia, đầu nậu, để phân lô bán nền với số nhà xây lậu không đếm xuể; hàng loạt khu đất công bị “xà xẻo” biến thành đất tư; nhiều vụ tranh chấp mà phần thắng nghiêng về phía “biết điều” bất kể đúng hay sai. Sự tự tung tự tác của “vua” địa chính suốt thời gian dài 20 năm, mà cấp trên của ông không hề hay biết, hay có biết nhưng đã có phần rồi nên cứ làm ngơ, mặc cho đàn em tung hoành, càng nhiều vụ càng tốt được chia phần nhiều hơn. Các cơ quan thanh tra ở đâu? Các quan tỉnh “vi hành” xuống địa phương làm gì? Quan địa chính đưa đi thanh tra đất đai ở quán nhậu, quán có nhiều “em bé” cho các quan say khướt quên đường về. Đó là kiểu tiếp đón phái đoàn từ trên xuống như thành cái mẫu ở VN rồi. Mặc cho sự thiệt hại nặng nề cho tài nguyên quốc gia, mà còn làm nhiều vụ tranh chấp đất đai kéo dài, để lâu ngày rối như mớ bòng bong, người còn kẻ chết, coi như không có đoạn kết.

Tôi xin dẫn chứng sơ lược vụ khiếu kiện hơn hai hécta đất suốt gần 30 năm của gia đình cụ Mai Thị Hoàng là một bằng chứng. Vụ kiện kéo dài suốt 30 năm, nhưng đá đi đá lại suốt một thời gian dài, nơi nào cũng phê “kiểm tra, kết luận và kiến nghị biện pháp giải quyết lên thủ tướng chính phủ”. Văn Phòng Chính Phủ (VPCP) cũng “chuyển đơn khiếu nại của gia đình cụ Hoàng đến Tổng Cục Địa Chính (TCĐC), đề nghị có biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật, thông báo kết quả cho VPCP báo cáo thủ tướng chính phủ, và đề nghị Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) kiểm tra, xem xét đơn khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.”




Cụ Mai Thị Hoàng bên chồng hồ sơ khiếu tố lúc còn sống.

Ôm theo nỗi oan ức xuống mồ!


Ông lớn này xuống, ông lớn khác lên, một đống hồ sơ chuyển tới chuyển lui, chuyển qua chuyển lại, phê đưa lên trên, đưa xuống dưới, kết luận nó vẫn nằm yên như đang ngủ. Môt đống hồ sơ nặng cả tạ, tôi không thể tường trình hết được, xin kể đến những việc từ chính gia đình cụ Mai Thị Hoàng kể lại.

Một ngày cuối năm 2016 vừa qua, ông Thạch là con trai cụ Hoàng nói với báo chí, giọng nghẹn ngào: “Theo chỉ đạo của thủ tướng chính phủ tại VB số 6975/VPCP-V.I, thời gian để Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) báo cáo thủ tướng chính phủ, chậm nhất đến cuối năm 2013. Mẹ tôi mòn mỏi chờ đợi đến hết quý 1 năm 2014 vẫn chưa nhận được kết quả từ Bộ TNMT. Tuổi cao sức yếu, bà cụ đã ra đi, ôm theo nỗi oan ức xuống mồ! Tôi lại tiếp tục hành trình của mẹ còn dang dở”.


- Hết đời mẹ đến đời con phải đi kiện, hết Bộ này qua Cục kia mà ông vua địa chính vẫn nhởn nhơ bình chân như vại, tiếp tục “phù phép” biến đất của người khác thành đất của mình, khiến người dân không còn mảnh đất cắm dùi.



Một dãy nhà trên khu đất 20,640 m2 của gia đình ông Thạch.

Mọi sự rắc rối, phức tạp dẫn đến tranh chấp dai dẳng đều do ông Cương mà ra. Anh Thạch nói: “Sau nhiều năm tranh chấp, khu đất của nhà tôi đã mọc lên hàng chục căn nhà, trong đó có cả nhà của ông Cương, tất cả đều xây trái phép, nhưng phần lớn đã được cấp giấy chủ quyền (?!).”

- Ai cấp giấy chủ quyền? Người đó phải là ông cán bộ địa chính ký giấy xác nhận thì mới được cấp sổ chủ quyền. Ông cấp chủ quyền đất của người khác thành đất của mình luôn cho tiện việc sổ sách!

Người chết vẫn xây nhà

Ông Thạch trình bày tiếp, “Cả 20,640 m2 đất dưới bàn tay “phù phép” của ông Cương, gia đình tôi không còn một cục cắm dùi! Ngay cả khu mộ gia tộc hơn 1,000 m2, hiện còn mồ mả của ông bà nội tôi, “vua” địa chính cũng “hô biến” thành nghĩa địa vô chủ, vỏn vẹn 124 m2, phần còn lại được phân thành 11 nền nhà!”

Kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà (sổ hồng) của các hộ dân (gia đình dân) nằm trên khu đất, tất cả đều không có giấy tờ gốc chứng minh tính hợp pháp. Nhiều bộ hồ sơ được kê khai sai sự thật đến mức khó tin, như gia đình bà Bùi Thị Cần (SN 1949 ngụ Khiếu Năng Tĩnh, KP5, phường An Lạc A). Bà Cần kê khai năm 1999, có căn nhà cấp 4 với 354 m2 do vợ chồng bà “tự xây dựng năm 1960” khi mới 11 tuổi (?!).

Những chuyện “kỳ lạ” như thế không phải là ít. Nhưng chuyện “ký bí” nhất là trường hợp của ông Hoàng Ngọc Giá (SN 1957, ở Khiếu Năng Tĩnh, KP5) khai căn nhà đúc do ông tự xây từ năm 1960 khi mới 3 tuổi; còn vợ ông là bà Trần Thị Kim Phụng (SN 1962) lúc đó chưa chào đời!...

Đúng là một phép lạ, chưa đẻ mà đã biết xây nhà! Chỉ có ông địa chính mới ban cho phép lạ này, ông mới là “vua địa chính” mà quyền năng như ông Trời, thủ đoạn cao tay hơn cả phù thủy đời xưa.

Nhưng khi làm việc với Đoàn Công Tác Bộ TNMT, ông Cương chối phăng, cho rằng mình không biết, không nghe, cũng không thấy nên không chịu trách nhiệm (?!).”

Nhưng trên thực tế, khu đất thừa kế của nhà bà Hoàng mẹ ông Thạch hiện có hai căn nhà trên khu đất 20,640 m2 là một bằng chứng không thể chối cãi. Đáng căm phẫn hơn khi ông Cương kê khai gian dối đất của “cha mẹ cho” và “một phần mua giấy tay”! Vậy mà chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Nguyễn Văn Hạnh vẫn vô tư ký xác nhận vào tháng Năm năm 2000.




Người tù oan 43 năm Trần Văn Thêm đòi bồi thường hơn 12 tỷ đồng.




Ông Trần Văn Chiến ngồi tù oan hơn 16 năm.




Ông Nguyễn Thanh Chấn, 10 năm ngồi tù oan, tan nát cả gia đình.

Cả một lũ quan quyền địa phương toa rập bao che cho nhau ăn cướp tài sản ruộng vườn của người dân.

Đến bây giờ lại thành lập đoàn kiểm tra lại báo cáo chính phủ

Thạch cho biết, trong bốn lần làm việc với Đoàn Thanh Tra Bộ TNMT do ông Nguyễn Tiến Sỹ làm trưởng đoàn, ông đã trình bày toàn bộ vụ việc, cũng như đưa ra từng nội dung tố cáo cụ thể, kèm theo tài liệu chứng cứ. Nghiêm trọng nhất là việc ông Cương cùng nhiều cán bộ liên quan đã “phù phép” tờ bản đồ địa chính và sơ đồ phân nền giả, để “xẻ thịt” khu đất, mà “vua” địa chính cũng được chia phần.

- Ông Nguyễn Văn Yên - phó chánh thanh tra Bộ TNMT, cho biết: Theo chỉ đạo của thủ tướng chính phủ, lần này, Bộ TNMT đã thành lập đoàn thanh tra kiên quyết làm rõ, không bao che, nếu có dấu hiệu sai phạm hình sự sẽ kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật. Hiện công tác thanh tra đã hoàn tất, Đoàn Thanh tra sau khi làm việc với UBND TPHCM sẽ có báo cáo lãnh đạo Bộ TNMT.

- Không biết lần này sau khi đã hoàn tất thanh tra, rồi làm việc với UBND TP HCM đến bao giờ xong, rồi lại báo cáo với lãnh đạo Bộ Tài Nguyên Môi Trường, đến bao giờ có kết luận đây. Và tất nhiên theo chỉ thị phải báo cáo với thủ tướng chính phủ. Công việc gấy tờ cù cưa như thợ cưa thợ xẻ, gia đình ông Thạch vẫn còn chờ. Có khi nào ông Thạch qua đời rồi lại đến con ông thạch phải thay bố đi tố cáo không? Thế là đủ ba đời nhà cụ Hoàng làm đơn tố cáo một anh cán bộ địa chính còm ở làng mà vẫn không xong.

Chuyện này cũng giống chuyện ở Nha Trang. Ngày 27 tháng 12, khi tòa phúc thẩm vừa tuyên án, bà Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương bị UBND phường Phước Long, TP Nha Trang, cưỡng chế “công trình che tấm bạt” ở chợ Phước Thái), khóc thét ngay tại tòa án, vì cho rằng mình bị xử oan.

Đúng là ở VN thời này chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Bao che cho nhau để xử oan cho dân như một thứ bệnh dịch đã lan truyền trong máu các ông vua ở làng rồi. Người bị tù oan rất nhiều, tôi chỉ kể vài vụ án oan nổi tiếng nhất VN:

Trong lịch sử tư pháp Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai khiến người dân đều lo sợ “bao giờ đến lượt mình vào tù đây” hết dám tin vào cái gì gọi là công lý ở VN.

- Ông Nguyễn Thanh Chấn – 10 năm ngồi tù, tan nát cả gia đình.

- Anh Nguyễn Minh Hùng hai lần bị tuyên án tử hình dù không buôn bán ma túy.

- Đánh rơi đồng hồ, bị án oan tù chung thân. Anh Bùi Minh Hải, ở tỉnh Đồng Nai, chỉ vì vô tình đánh rơi chiếc đồng hồ ở gần nơi xảy ra vụ giết người, mà bị tình nghi là thủ phạm bị bỏa tù oan.

- Anh Trần Văn Chiến ở tù oan 16 năm 3 tháng không phạm tội giết người.

- Án oan “vườn điều” khiến cả chín người trong gia đình vợ của ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giữ.


Ngoài ra còn phải đền bù cho những người bị tù oan, như người tù oan 43 năm Trần Văn Thêm đòi bồi thường hơn 12 tỷ đồng. Như thế số tiền phải đền bù cho người bị tù oan sẽ là bao nhiêu tỉ? Ai trả? Lại lấy tiền đóng thuế của dân trả chứ tiền đâu. Người dân còng lưng gánh cho các quan làm sai. Làm sao không khổ!

Dân còn khổ dài dài vì những ông quan làm vua này còn chễm chệ ngồi trên những chiếc ghế chạm trổ rồng trổ phượng, hét ra lửa mửa ra khói, làm những dân sợ như sợ đám quỷ dữ. Đúng là đám quỷ dữ đang hoành hành dữ dội làm thịt người dân VN.

Văn Quang
Sài Gòn - Đầu tháng 1, 2017
Nguồn: Theo Khai Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét