Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Những mảnh ghép Việt Nam


Trịnh Hữu Long - Những mảnh ghép Việt Nam

Đăng bởi Lê Sơn on Tuesday, January 17, 2017 | 17.1.17



Cho đến năm 27 tuổi, đối với tôi Việt Nam vẫn chỉ có một lá cờ đỏ sao vàng. Khi biểu tình chống Trung Quốc suốt cả mùa hè năm 2011, tôi vẫn mang lá cờ đó, coi nó như thứ tượng trưng cho lòng yêu nước và khát khao tự do của mình. Tôi đã định nghĩa lá cờ đó theo cách riêng của mình mà không cần ai phải gán cho nó bất kỳ lớp nghĩa nào khác.



Biểu tình chống Tàu trước LSQ Trung Quốc tại Hamburg (16/7/2011). Nguồn: Goccomay’s Blog

Ngày rời Việt Nam đi học, tôi vẫn mang lá cờ đã từng theo tôi suốt những ngày biểu tình căng thẳng đó cùng với chiếc áo No-U. Tôi không thấy có gì mâu thuẫn giữa việc giương cờ đỏ, mặc áo No-U, biểu tình chống Trung Quốc và đòi hỏi tự do cho đất nước mình.


Rồi trong suốt 4 năm rong ruổi ở nhiều nơi trên thế giới, tôi lại có nhiều trải nghiệm đặc biệt khác: tôi gặp được những mảnh Việt Nam khác. Những mảnh đó, rất khác với cái mảnh tôi đã sống suốt 27 năm đầu đời.


Đó là cái mảnh Việt Nam của những thuyền nhân đã chết trên biển sau năm 1975, trong hành trình trốn chạy khỏi những người cộng sản. Trên Biển Đông của chúng ta ngày hôm nay không chỉ có xác của 64 chiến sĩ hải quân đã chết dưới họng súng Trung Quốc ở đảo Gạc Ma năm 1988, khi đang cố bảo vệ một lá cờ đỏ. Ngày nay, nếu đến thăm trại tị nạn cũ ở Bataan, Philippines, bạn sẽ thấy một tượng đài cờ vàng ở đó. Năm này qua năm khác, vẫn có những người tị nạn cũ trở về đứng trước lá cờ đó, xì xụp khấn vái.


Tôi có dịp đi Úc hồi năm 2014, đứng trước lá cờ vàng hai lần để chào cờ và cử hành quốc ca của Việt Nam Cộng hoà, trong hai cuộc nói chuyện với cộng đồng người Việt ở Melbourne và Sydney. Đó là lúc tâm hồn tôi tràn ngập một cảm giác rất lạ: cái cảm giác rõ ràng về một mảnh ghép khác của cái đất nước mà chúng ta tôn thờ. Tôi không thuộc bài quốc ca VNCH, tôi chỉ đứng đó, trang nghiêm như một cách tôn trọng một cộng đồng và nhìn những người xung quanh: họ đang hát một bài quốc ca bằng tiếng Việt, hùng tráng và đầy cảm xúc như bất kỳ ai khác đứng chào lá cờ đỏ.


Tôi lại có dịp sang Canada và Mỹ, nơi phần đông bà con đều tôn thờ lá cờ vàng. Tại toà soạn báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt lớn nhất ở Mỹ, tại nhà của một chị bạn tôi rất quý mến, tại một buổi tiệc gây quỹ để phát triển các tổ chức xã hội dân sự, tất cả đều có một lá cờ vàng.


Một điều bất ngờ thú vị đến với tôi khi sang Đông Âu và phát hiện ra một lá cờ vàng nho nhỏ ở góc phòng của một người bạn trẻ, mặc dù ba đời gia đình bạn này đều ở miền Bắc và chẳng dính dáng gì tới VNCH. Hỏi ra mới biết, cậu ấy mang lá cờ này về như một cách để hiểu thêm về Việt Nam.


Họ đang từng ngày gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ở nơi đất khách, đi nói những chuyện xảy ra ở Việt Nam, đi tìm cách giúp những người Việt Nam ở trong nước. Chẳng nói thì thôi, cứ nói thì toàn ra những chuyện ăn cơm nhà, vác tù và. Ai cũng một lòng mong mỏi một tương lai tốt hơn cho đất nước.


Tôi không thấy có mâu thuẫn gì giữa việc giương cao lá cờ vàng và đòi hỏi tự do, độc lập dân tộc cho Việt Nam.


Rồi tôi lại sang Ba Lan, hoà mình vào dòng người Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc. Đó là cuộc biểu tình mà ban tổ chức không chủ trương mang bất kỳ lá cờ nào. Họ để cho người biểu tình tự chọn lấy lá cờ mà họ muốn mang. Thế là cuộc biểu tình đó rợp trời cờ EU và cờ đỏ (dĩ nhiên vì bà con Ba Lan đều từ miền Bắc đi ra), ban tổ chức chỉ có nhiệm vụ tổ chức, không can thiệp vào chuyện cờ quạt. Xong xuôi công việc, câu chuyện họ nói tới cũng chỉ loanh quanh dân chủ, tự do, nhân quyền.


Tôi cũng không thấy mâu thuẫn gì giữa việc chẳng mang lá cờ nào và việc tranh đấu cho chủ quyền và tự do cho Việt Nam.

Sáng nay, giữa mùa đông Đài Loan lạnh chẳng khác gì mùa đông Hà Nội, tôi giở một tờ báo của người Việt ở đây ra đọc. Những hàng tin tiếng Việt chạy đủ thứ tin tức trong và ngoài nước. Rồi tôi bất ngờ khi phát hiện ra ở đầu mỗi trang báo đều có một lá cờ đỏ và hình ảnh lăng Hồ Chí Minh. Đó là khi tôi cảm thấy rõ ràng về một mảnh ghép khác của Việt Nam mà tôi chưa từng được biết: những người lao động Việt Nam di cư, những cô dâu Đài Loan vẫn đang cố giữ lấy tiếng Việt ở một nơi nói toàn tiếng Tàu.


Đất nước chúng ta rộng lớn và có nhiều mảnh ghép mà chúng ta không hề biết tới. Chỉ có mở rộng tâm hồn và trí óc của mình ra mới mong biết và hiểu được. Một cộng đồng, một quốc gia được hình thành nên và tồn tại được nhờ những người muốn chung sống và hợp tác với nhau, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Thiếu điều đó, một cộng đồng, quốc gia sẽ tự tan rã.


Trịnh Hữu Long


(DCV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét