Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Nhân quyền VN, Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu và sự ‘nổi dậy’ của Vietnam Caucus


Phạm Chí Dũng - Nhân quyền VN, Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu và sự ‘nổi dậy’ của Vietnam Caucus

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, January 3, 2017 | 3.1.17



Điều gì phải đến đã đến. Quá nhiều lời cảnh báo về khả năng chế tài nhân quyền đối với chế độ chính trị ở Việt Nam đã được giới lập pháp Hoa Kỳ liên tục phát ra suốt từ năm 2014 đến nay, nhưng hầu như chẳng ăn thua gì với đối tượng mà có người phải ví với một đứa trẻ hư chỉ hở ra là ăn vạ. Cuối cùng thì Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu đã được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành.



Tổng thống Barack Obama ký ban hành Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu
Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu

Sau một thời gian dài do dự vì điều được cho là thái độ mềm mỏng hơi thái quá của chính quyền Obama đối với vấn đề nhân quyền quốc tế, ngày 8/12/2016, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua một dự luật nhân quyền - Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu. Dự luật này - do hai Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện - được thông qua chưa tới một tuần sau khi một dự luật tương tự do hai Dân biểu Chris Smith và Jim McGovern đệ trình tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo đến 2/3.

Vào đúng dịp lễ Giáng sinh năm 2016, hai dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đã được Tổng thống Obama đặt bút ký ban hành.

Theo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, những quan chức vi phạm nhân quyền sẽ bị chế tài theo hai cách. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên.

Tại rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, giấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam lại rất phổ biến. Những giới chức tham nhũng mà trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Vậy quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào khi Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu ra đời?

Theo phân tích của giới chuyên gia về nhân quyền, quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức liên hệ đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể bỏ qua.

Vietnam Caucus ‘nổi dậy’

Lẽ ra, giới lãnh đạo Việt Nam đã phải rút ra một bài học nào đấy từ năm 2014, khi có đến 2/3 giới lập pháp ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Hoa Kỳ quyết định cài đặt điều kiện tự do tôn giáo vào Quyền đàm phán nhanh (TPA) - một cơ chế cho phép Tổng thống Mỹ được quyết định các nội dung đàm phán về Hiệp định TPP với các quốc gia mà không cần thông qua Quốc hội.

Nhưng đã chẳng có bất kỳ sự thay đổi nào từ phía Việt Nam. Thậm chí sau ba năm có vẻ “ít bắt”, đến năm 2016, công an Việt Nam còn bắt người bất đồng chính kiến nhiều hơn hẳn giai đoạn 2013 - 2015.

Đến năm 2015, một Thượng nghị sĩ Mỹ là Ed Royce đã phải đệ trình ra Quốc hội dự luật về chế tài nhân quyền Việt Nam. Theo dự luật này, vấn đề chính yếu không chỉ là hạn chế những khoản tín dụng và viện trợ có tính cách ưu đãi từ phương Tây, mà cả thực hiện những biện pháp chế tài đối với những trường hợp quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Cũng trong năm 2015 và lan sang năm 2016, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đòi Hoa Kỳ phải đưa Việt Nam trở lại Danh sách CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). Nếu Việt Nam đã được Mỹ nhấc khỏi Danh sách này vào năm 2006, thì nay lại đang khá gần với triển vọng “tái hòa nhập” CPC. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm, sẽ càng dễ sa chân sụp đổ.

Với giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu là tin vui nhất trong năm 2016 và có lẽ trong vài ba năm gần đây, thậm chí còn vui hơn cả việc Tổng thống Obama đến Việt Nam nhưng có đến 6/15 khách mời của Tổng thống đã bị công an Việt Nam thẳng tay chặn không cho đến gặp ông.

Đã đến thời mà những tố cáo về việc quan chức vi phạm nhân quyền sẽ không bị rơi vào quên lãng. Với các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, họ có thể dùng những thông tin về các tổ chức tôn giáo, xã hội dân sự và người dân bị chính quyền đàn áp để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Đây chính là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài. Những thông tin này sẽ được chuyển cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

Theo luật mới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mà cụ thể là Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động (DRL), sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một bản danh sách bao gồm tên các quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt Nam. Nếu bị đưa vào danh sách này, hàng loạt quan chức Việt Nam sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản cố định, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của họ, kể cả của thân nhân của họ, sẽ bị phong tỏa vô điều kiện.

Nhóm Vietnam Caucus đã “nổi dậy”, dù trước đó vẫn không ngủ vùi.

Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Tình hình đang chuyển biến thuận lợi hơn hẳn cho Vietnam Caucus. Cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ không chỉ mang về chiến thắng cho người của đảng Cộng hòa mà còn tạo ra thế chiếm lĩnh lưỡng viện của đảng này. Nhờ thế vai trò của Nhóm Vietnam Caucus - vốn thường gắn với đảng Cộng hòa - có thể sẽ nổi bật.

Khi đó, những dự luật vừa kể sẽ có nhiều khả năng được thông qua. Đặc biệt, nếu Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được thông qua, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với tay tới.

Xin mời quý độc giả xem Video : Ai đứng sau nhóm lợi ích báo chí chống lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?



Sự thật là chưa cần Tân Tổng thống Trump chấp nhiệm chính thức vào ngày 20/1/2017, Nhóm Vietnam Caucus đã cất lên tiếng nói vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Obama. Có lẽ đây là một tín hiệu đặc biệt, báo trước cho giới lãnh đạo Việt Nam về giai đoạn “làm mình làm mẩy” đã qua hẳn, nhường chỗ cho một thời kỳ mà tù nhân lương tâm ở Việt Nam không thể bị xem là món hàng để mặc cả cho những lợi ích kinh tế và quốc phòng của chế độ.

Sau Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, một khả năng có thể diễn ra là nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải ngẫm lại xem họ đang ở khúc ngoặt lịch sử nào. Công an Việt Nam cũng bởi thế sẽ không còn dễ dàng nhận được “chỉ đạo từ trên” cho việc bắt người bất đồng chính kiến hay hành hạ những người hoạt động cho nhân quyền bằng đấm đá và mắm tôm.

Phạm Chí Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét