Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017
Cường quốc thơ và cường quốc nhậu
Cường quốc thơ và cường quốc nhậu
1/04/2017 Admin Vande
Share To:
Uyển Ca
Tôi không nghĩ là tôi sẽ làm thơ. Nhưng đã vậy, năm đầu tiên ngồi trên ghế giảng đường đại học. Nó không như tôi nghĩ, không có những buổi tranh luận, không có những ý tưởng theo lối ngẫm nghĩ, được hỗ trợ và công bố, không có những băng ghế theo kiểu tam cấp như một giảng đường đại học trong ý tưởng. Có lẽ do cơ sở vật chất của trường còn thiếu?! Nghiệt nỗi, mười năm sau, lúc tôi đã ra trường được hơn 5 năm, quay trở lại, vẫn vậy, những chiếc bàn được dùng ở các trường tiểu học và những nhóm sinh viên được lập nên để làm một bài tập về nhà, hoặc là một buổi thuyết trình nào đó. Hội trường với những băng ghế dài như trong thánh đường (mà đây là một thánh đường thật, bị trưng thu như rất nhiều thánh đường khác để biến thành trường đại học kể từ sau 1975) nhưng thiếu những chiếc bàn, được dùng trong mục đích học tập “tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” cho những sinh viên vừa nhập học, hoặc họa hoằng là những buổi đón tân sinh viên, những buổi văn nghệ, hoặc đại loại thế.
Năm đầu tiên, cô gái từ quê lên thành phố như tôi quên hẳn việc học vốn gò bó của mình, nhét một cây bút và một quyển vở, những bài thơ đầu tay của tôi ra đời như thế. Chẳng để làm gì, chỉ là lâu lâu đọc cho đám bạn cùng phòng nghe, hoặc một vài ba đứa cũng có sở thích làm thơ trong một lớp học của trường kinh tế cho nhau xem, cũng chẳng bình luận gì, mà cũng chẳng biết gì để bình luận. Cũng có thể vì thế mà hiện tại, lâu lâu cũng tự mình làm thơ, đương nhiên, tôi làm để tôi đọc, buộc ông xã ngồi nghe, và chỉ dừng ở đó, có thể!
Chuyện văn nghệ đối với tôi như một bong bóng xà phòng mà nếu lỡ có chút dính dự, hình như tôi cũng không thể tham gia vào. Bởi có vẻ như chuyện gì cũng làm thơ được, và hình như câu “Ở Việt Nam, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, Việt Nam là một cường quốc thơ” nghe cũng hợp lý.
Thế rồi không biết từ khi nào, có lẽ là khoảng 5 năm trở lại đây, khi các trang Yahoo Mesenger, Yahoo blog, có vẻ yếu thế trước facebook tại Việt Nam. Nhiều tin tức được truyền đi, nhiều fanpage được lập ra, những nhóm, hội ... kiểu chém gió, vui buồn không có lý do, hội những người thích cười... Hay chuyên môn hơn chút có hội những người thích này thích nọ hoặc hội anh em, hội quý bà mua sắm, hội săn đồ cổ... nổi bật nhất là trang cá nhân của nhiều người.
Nhiều bài văn, bài thơ, những bài bình luận, hoặc các tác phẩm mới, mới được dịch, các công trình vừa được vinh danh... Gần như khoảng cách không gian và thời gian không còn là vấn đề đối với không gian mạng.
Nhưng cũng từ đó, có rất nhiều cuộc gặp mặt hơn, tôi chỉ xin nêu cảm nghĩ của mình xung quanh một nhóm người, nhóm tác giả mà nhiều anh em quen gọi nhau hoặc mọi người xung quanh cũng gọi họ là: “văn nghệ”.
Ở quy mô nhỏ, hoặc có tính chất nhà nước hiện tại, người ta có hội nhà thơ, nhà văn cấp huyện, tỉnh đến trung ương. Nhưng thực tế, những hội này “phong phú” hơn nhiều với những hội từ cấp xã, hoặc phường, hoặc cùng sở thích nơi sinh sống của nhiều người.
Quy mô hơn, có thể, xét theo kiểu dám làm, dám nghĩ hay những tác phẩm không bị kiểm soát từ suy nghĩ cho đến cách làm, cách viết, người ta chú ý đến những tác gia, tác giả ở phía “bên kia”, thường được gọi là “lề trái.”
Không xét đến yếu tố tác phẩm, hành văn, ở đây chỉ xét đến yếu tố hội ngộ hay gặp gỡ của anh em văn nghệ.
Nghe dễ thương làm sao khi người ta vẫn thường rỉ tai nhau: ‘kệ, anh em văn nghệ mà, hoặc chơi theo cách văn nghệ mà”... tức là chơi dễ thương, không vì lợi nhuận, hoặc đôi khi là “free”.
Tuy có nhiều điểm khác nhau giữa những người gọi nhau là “anh em văn nghệ” từ văn nghệ nhà nước cho đến văn nghệ tự do nhưng có một điểm chung mà tôi nghĩ khó tách riêng ra được đó là anh em văn nghệ thì thỉnh thoảng gặp gỡ, tâm tình, trao đổi và hiển nhiên, hai địa điểm được chọn chủ yếu đó là: quán cà phê và quán nhậu.
Sẽ khó nói là không chủ quan nếu tôi dám nói rằng anh em văn nghệ gặp nhau 40% ở quán cà phê và 60% ở quán nhậu, nhưng có vẻ là thế, nếu chưa nói, ngày xưa người ta bảo “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ngày nay, cà phê chỉ là màn dạo hoặc dùng trong trường hợp không có thời gian nhiều, nếu không thì ly bia, dĩa đậu phụng mới là “đầu câu chuyện.”
Tôi có người bạn từng than phiền về nỗi buồn hoặc bực dọc mỗi khi bạn bè của chồng cô ấy xuất hiện. Không phải vì cô không quý họ mà vì lẽ cô không được nghe nhiều hoặc nói cho con mình nghe được nhiều những câu như: “ Hey em, đây là anh.., bạn anh”, “hey em, đây là chị... nhà thơ hoặc nhà văn, bạn anh! Hoặc giả: “ Này con, đây là cô, chú, bác... bạn ba!” Và sau đó là những lời chào, một vài ấn tượng đối với con trẻ của mỗi người để nó ghi nhớ, à đây là bạn ba, bạn mẹ, chú ấy, cô ấy, bác ấy...
Rõ ràng là yếu tố thời gian, mỗi người đều quá bận bịu với công việc và cuộc sống, kế hoạch của mình, họ không có thời gian lo cho gia đình nhiều huống gì tạo ấn tượng với một đứa trẻ, hay cho nó một kỷ niệm, một lời khuyên hay một kiểu quan tâm ấm áp.
Nhiều trẻ hỏi vui mừng, a bạn ba hả ba, ừ, bác A, chú B, cô C hả ba, những người mà chúng đoán qua các cuộc điện thoại vô tình chúng nghe được. Họa hoằng lắm, sẽ có những cuộc gặp mà tụi nhỏ được dẫn theo để biết bạn ba, mẹ là ai, hoặc họ đến nhà nhau vào mỗi dịp lễ, tết và hình ảnh về người đó được trẻ con ghi nhớ bằng cách như vậy.
Nhưng. Mọi chuyện được mang ra bàn cà phê để mổ xẻ và đương nhiên, chừng đó chưa đủ, phải là quán nhậu. Nói về nhậu, nhìn vào có thể nhận biết được ngay 3 nhóm, hoặc giả là quan chức xã hội đỏ với kiểu nhố nhăn, dị hợm, bạo tay cho các em hoặc ăn chặn của các giới. Hoặc giả là xã hội đen với những hình xăm, những khuôn mặt tạo vẻ và lê lê những câu như “ ĐM, chết tiệt...”. Và nhóm thứ ba, những anh em văn nghệ, với những cuốn thơ, cuốn sách mang tặng kề kề trên bàn, hoặc một cây ghi ta cùng ê a từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối hoặc từ chiều, tối đến tận sáng mai.
Còn nhiều nhóm khác nữa như anh em, bạn bè hoặc người cùng cơ quan, cùng là công nhân, cũng tổ chức gặp mặt, nhậu, lân la tới bến để tâm tình...
Tôi từng nghĩ sao nhiều anh, nhiều ông, nhiều chị, nhiều bà phê phán về nhậu, dùng ngòi bút vạch trần cái tệ hại của nhậu, nhưng họ không hề bứt thoát khỏi nó. Có lẽ cũng khó trách bởi ở cái cường quốc thơ này, hiển nhiên không thể không là cường quốc nhậu.
Tình cờ, tôi đọc “Người Trung Quốc xấu lậu” của tác giả Bách Dương do dịch giả Nữ Lang Trung dịch, tự dưng, thấy người Việt cũng không khác mấy. Thử hỏi ai trong số các vị ngồi trên bàn nhậu dám đứng lên tố cáo một băng xã hội đen hoặc đụng chạm đến nhóm này? Quyền lợi, tương lai của quý vị, gia đình quý vị, con cái của quý vị đang bị bóp nghẹt từng ngày, thử hỏi bao nhiêu người đứng lên tố cáo các quan chức, hoặc phanh phui trách nhiệm của xã hội đỏ. Xin thưa không mấy người, bởi lẽ những người làm vậy hoặc là chết một mình hoặc vài người vạ lây bởi mã tấu của côn đồ. Hoặc đang ngồi tù với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước hoặc một cái cớ nào tương tự vậy trong nhà tù của xã hội đỏ. Chắc khó để có những người trong chúng ta, đang ngồi trong bàn nhậu này.
Cũng có người chán nản, nhưng không dám lên tiếng, bởi lẽ vòng quay hiện tại của các mối quan hệ là nhậu, anh không nhậu tức anh đang cố kéo mình ra khỏi quỹ đạo đó, anh sẽ bị loại bỏ.
Vấn đề phì đại “văn hóa nhậu” và khi nhậu say, người ta dễ dãi trong việc mang ai đó ra để phê phán, bình luận, mổ xẻ, tùng xèo, thậm chí ăn thịt nhau qua lời nói, sự khinh suất... có vẻ như không hiếm. Có hiếm chăng là có một lời nói xây dựng hay hợp tác nào đó trên bàn nhậu. Và điều này thì lại rất hiếm. Phải chăng người Việt có thói quen phê phán, mổ xẻ và tùng xẻo hơn là xây dựng, hợp tác và hỗ trợ?! Và đến khi nào đất nước này thoát cảnh đi ba bước có thể gặp quán nhậu, bảy bước gặp quán cà phê nhưng đi cả chục cây số chưa gặp được nhà sách và muốn có một nhà sách không bán toàn sách tuyên truyền và sách giáo khoa thì phải đi vài chục cây số?! Đây là vấn đề không đơn giản một chút nào! Không hề!
Uyển Ca
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét