Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Ai là người nghèo?


Ai là người nghèo?

Đăng bởi Tiểu Nhi on Wednesday, January 4, 2017 | 4.1.17



Tôi mới xem đâu đó clip ngắn mấy bé trai miền núi chơi xe đua bằng gỗ trượt dốc. Lẽ ra đó là một clip rất thú vị, đáng yêu, sinh động về cuộc sống nếu không có lời bình của người đăng clip: trong cái nghèo, những đứa trẻ miền núi đua xe gỗ.






Tôi chán quá! Nếu ở đây có ai đó nghèo thì chính là người đưa lời bình đó, và thật tiếc cũng rất nhiều người nghèo kiểu như vậy. Người ta luôn nhìn thế giới xung quan qua nhãn quan của họ, và sự thiển cận, áp đặt đó tạo rất nhiều hệ luỵ.


Điều gì chứng minh một cái xe đồ chơi bằng nhựa ở thành phố thì tốt hơn một chiếc xe đồ chơi gỗ miền núi? Trong khi mục đích cuối cùng là niềm vui của những đứa trẻ và gia đình của chúng? Ai biết chắc những đứa trẻ sống trong những căn hộ vài tỷ Hà Nội đi xe đồ chơi nhựa vui hơn, giàu hơn đứa trẻ miền núi chở bạn cười giòn giã trên chiếc xe gỗ?


Nhãn quan hẹp nên người ta chỉ nhìn thấy cái “nghèo” cái “lạc hậu” cái “đáng thương”… của những đứa trẻ nông thôn trong bộ quần áo lấm lem; mà không nhìn ra sự giàu có của chúng. Chúng có một không gian rộng rãi, trong lành, xanh mát, những tình bạn hồn nhiên trong vắt chưa nhuốm những đua chen. Thế giới của chúng rộng mở và phong phú với chim hót trên cành, hoa nở bên suối và những trò chơi mộc mạc dân dã nhưng đầy ắp tiếng cười; những thứ ngày một khan hiếm ở thành phố.


Những ngày này mức ô nhiễm không khí của Hà Nội ở mức nguy hiểm cho tất cả mọi người, thì những đứa trẻ mà bạn thấy đáng thương đang tận hưởng không gian trong lành mát rượi.


Bạn nhìn thấy chúng lấm lem đáng thương, thì họ thấy bạn ngột ngạt trong biển người còn đáng thương hơn. Chính sự thiếu nhạy cảm về con người, thiếu sự tinh tế trong cảm nhận thiên nhiên, cái đẹp, hệ giá trị… đã dẫn đến những phán đoán sai, tư duy sai và hành động sai; sau đó là hệ luỵ.


Tôi yêu biết mấy thị trấn miền núi quê tôi. Những ngôi nhà sàn âm thầm trong các thung lũng hay các chân núi. Tôi yêu những đứa trẻ hồn nhiên mắt đen láy đuổi chăn thả dê trên đồng. Tôi yêu sự đơn giản chất phác của con người ở đây, yêu những chiếc xe máy được dựng chơ vơ ở cửa rừng cả ngày đợi chủ, ko cần ai trông. Ở đây không có biệt thự hay siêu xe, nhưng cuộc sống êm đềm mỏng nhẹ giống làn khói lãng đãng từ những ngôi nhà bên sườn núi. Đấy chính là sự giàu có, là vẻ đẹp đáng để nhìn ra, để nâng niu quý trọng, tự hào.


Tôi thầm cảm ơn vì quê tôi không có gì quá đặc biệt, chỉ tưởng tượng ra cảnh các đại gia tiểu gia rầm rập kéo lên với đủ thứ xanh đỏ phù phiếm, dòng khách du lịch tứ xứ giày xéo sự lãng đãng ở đây, tôi đã rùng mình.


Tôi thầm cảm ơn vì ở đây không có tiềm năng khoáng sản hay kinh tế, và các con cá mập không kéo về phá nát nơi này, biến những làn khói bên sườn núi thành những đám bụi kim loại, những dòng sông con suối bị cày nát.


Tôi thầm cảm ơn nơi đây thiên nhiên ưu đãi bình yên, nghĩ cảnh một trận lũ ập tới, những bàn tay chới với trên nóc nhà đã đáng sợ, nhưng cảnh những đoàn xe mỳ tôm và quần áo cũ rầm rập kéo đến, và những con người giàu có đẹp đẽ thoắt trở thành ăn mày.


Tôi thầm cảm ơn chưa có nhà thông thái nào dưới xuôi lên chỉ ra sự lạc hậu cổ hủ của người dân bản xứ, để hăng hái “thông não” cho họ, vùi dập bản sắc của họ và cuối cùng là ở chễm chệ trên mảnh đất cha ông của họ.


Một điều rất đơn giản: người miền núi sống rải rác, xưa mỗi nhà một quả đồi mảnh vườn, họ hiền hoà thanh bình với thiên nhiên và với nhau. Nhịp sống cũng từ từ thong thả. Dưới xuôi đất chật người đông, vì nửa mét đất có thể giết nhau; bon chen từ trong phòng đỡ đẻ đến chỗ học mẫu giáo và bon chen đến hết đời… Họ mang tư duy đó lên miền núi “dạy khôn” cho người bản địa, mà ko biết làm thế là giết chết bản tính của họ, con người họ và cộng đồng họ.


Đã có bao nhiêu thôn bản bị “Kinh hoá” xô bồ hoá, giành giật hoá bằng những cách “dạy khôn” như vậy. Đừng luôn mang con mắt “quy đổi tiền” của mình áp vào mọi tình huống, vì có nhiều giá trị không có tiền nào quy đổi được.


Thiếu nhạy cảm, thiếu tinh tế, nghèo tầm nhìn và thấu hiểu sẽ dẫn đến hệ luỵ vì thế. Không nhìn ra được giá trị của người khác, bạn sẽ ko biết tôn trọng họ; không nhìn ra vẻ đẹp cuộc sống, bạn sẽ làm tâm hồn mình chết và hành xử sai khiến vẻ đẹp đó cũng chết theo; nếu chỉ nhìn mọi thứ với nhãn quan nghèo nàn, thế giới của bạn sẽ chết yểu.


Hoàng Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét