Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016
Xử phúc thẩm đại án ngàn tỷ Agribank
Xử phúc thẩm đại án ngàn tỷ Agribank
Ngày 16/12, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra từ 16/12 đến 25/12 và được mở theo kháng cáo của 17 bị cáo.
BBC tóm tắt lại chi tiết chính và diễn biến của vụ đại án này.
Theo cáo trạng, 2.400 tỷ thất thoát
18 bị cáo thuộc Agribank, Hải quan và doanh nghiệp
Nhiều thương vụ khống được dựng lên để vay tiền
Cán bộ Agribank nâng quyền phán quyết cho vay và cho vay không thẩm định hồ sơ
Cán bộ Hải quan giúp lập tờ khai hải quan khống
Án sơ thẩm từ 30 tháng đến 30 năm tù giam cho các bị cáo
Năm bị can người nước ngoài được cho là đã trốn khỏi Việt Nam
Bản chất vụ án
Tháng 10/2015, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng đối với 18 cá nhân, gồm 13 cán bộ ngân hàng Agribank, 4 cán bộ hải quan và 1 giám đốc doanh nghiệp. Họ đã gây thất thoát hơn 2.400 tỷ đồng cho ngân hàng Agribank.
Theo VietnamNet, từ 2007 đến tháng 9/2012, công ty cổ phần Enzo Việt (sau này đổi thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) do một số thương nhân người nước ngoài làm chủ đã hợp tác với Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống để vay tiền của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Các hồ sơ vay vốn để mua máy móc, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang đều được tạo lập khống để vay tiền.
Các cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với công ty liên doanh Lifepro Việt Nam. Họ cho công ty này vay mà không thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay.
Các cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây đã cho thông quan số hàng hóa của công ty Lifepro, gây thất thoát tiền thuế nhập khẩu cho nhà nước Việt Nam. Họ đã giúp các bị can người nước ngoài lập các bộ tờ khai hải quan không trung thực để lừa dối Agribank Nam Hà Nội giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Năm người nước ngoài bị quy kết đã chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng trong thương vụ này. Họ được cho là đã trốn khỏi Việt Nam.
Bản án sơ thẩm
Tháng 1/2016, với các tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử đã tuyên án các bị cáo như sau:
Ông Phạm Thanh Tân, 60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Agribank, bị tuyên án 22 năm tù giam.
Bà Phạm Thị Bích Lương, 47 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, chịu mức án 30 năm tù giam và phải bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng.
Bà Chử Thị Kim Hiền, 57 tuổi, nguyên Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội, chịu mức án 30 năm tù giam và phải bồi thường 400 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Hiếu, 41 tuổi, Chủ tịch HĐQT công ty CP Lifepro Việt Nam và Vietmade, chịu mức án 15 năm tù giam.
Hoàng Anh Tuấn, 53 tuổi, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị Agribank, nhận 6 năm tù giam.
Tám bị cáo nguyên cán bộ Agribank nhận từ 2 đến 16 năm tù giam.
Bốn bị cáo cán bộ chi cục hải quan Hà Tây cùng nhận 30 tháng tù giam.
Phiên phúc thẩm
Theo VN Express, trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này, ông Tân, bà Lương và 15 bị cáo xin kháng cáo. Riêng ông Lê Minh Hiếu đã xin rút kháng cáo.
Ông Đỗ Tiến Long có đơn xin xét xử vắng mặt do đang phải điều trị ở bệnh viện. Ông Long được cho là bị ung thư và đã liệt nửa người.
VietNamNet đưa tin, luật sư Nguyễn Văn Chiến, một trong ba người bào chữa cho bà Lương, nói bà Lương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì không đồng ý với tội danh mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo.
Báo này cũng đưa tin có hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Viên xử phúc thẩm sẽ kết thúc ngày 25/12.
Sáu đại án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng
Vụ xử Agribank là một trong số "sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017" được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đề cập trong bài phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo chống tham nhũng hồi đầu tháng Mười.
Năm vụ án còn lại là các vụ án liên quan đến:
- Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam
- Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh
- Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin
- Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tp.HCM
- Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương
(BBC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét