Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Nên hiểu về phi chính trị hóa lực lượng vũ trang thế nào cho đúng?


Kami - Nên hiểu về phi chính trị hóa lực lượng vũ trang thế nào cho đúng?

Đăng bởi Lê Sơn on Saturday, December 31, 2016 | 31.12.16



Truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 23 tháng 10 năm 2016, tại sự kiện trao huân chương hạng nhất cho Học Viện Chính Trị (Bộ Quốc Phòng), Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, lại một lần nữa, nhấn mạnh: "Quân đội Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân, không chấp nhận tư tưởng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang." . Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quân đội cần có sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, nếu xa rời sự lãnh đạo của đảng, quân đội sẽ mất phương hướng chính trị trong xây dựng và chiến đấu, sẽ phân rã về tư tưởng và tổ chức.






Lâu nay khái niệm phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, được một số người quan tâm đến chính trị đặt ra và thảo luận rất nhiều, mà theo họ "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" ở Việt Nam, có nghĩa là Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay không có nghĩa vụ phải trung thành với đảng cầm quyền - Đảng CSVN. Điều mà những người này họ nghĩ rằng, nếu như đấu tranh đạt được cái giải pháp "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang", thì đồng nghĩa với việc triệt tiêu quyền lãnh đạo của đảng CSVN đối với lực lượng vũ trang. Theo họ việc đó đồng nghĩa với việc đảng cầm quyền duy nhất sẽ mất chỗ dựa về mặt quyền lực. Có lẽ, cả 2 phía những người phản biện và các lãnh đạo của Đảng CSVN, những người có quyền lợi trực tiếp trong việc nắm quyền lực nhà nước để lãnh đạo Nhà nước và Xã hội cùng có suy nghĩ giống nhau, nên họ cũng vội vã lên tiếng phản bác.


Một vài năm gần đây, vấn đề phi chính trị hóa lực lượng vũ trang đã được đặt ra và gây nên nhiều tranh cãi, không ít người cho rằng việc để quân đội trung thành với đảng CSVN thì có nghĩa là quân đội đã bị chính trị hóa, mà theo họ quân đội chỉ có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ đối với Tổ quốc và nhân dân. Chứ dứt khoát không phải trung thành với bất kỳ đảng phái nào.


Cách suy nghĩ này theo cá nhân tôi mới chỉ đúng một nửa và sai một nửa. Vậy cần phải hiểu thế nào cho đúng?


Trước hết chúng ta cần phải hiểu khái niệm chính trị là gì? Theo định nghĩa, chính trị là các vấn đề xoay quanh và liên quan đến việc giành và giữ quyền lực nhà nước.


Vấn đề thứ hai là, quân đội nói riêng hay các lực lượng vũ trang (cảnh sát, an ninh, dân quân tự vệ...) nói chung có trách nhiệm và nghĩa vụ gì trong một nhà nước? Theo định nghĩa chung thì "Lực lượng vũ trang là lực lượng chiến đấu của một nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội."


Qua những vấn đề vừa nêu trên sẽ thấy, cái khái niệm "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" là thứ tư duy phản khoa học và là những đòi hỏi vô lý. Bởi những lý do sau:


Trong Khoa học Chính trị, Hiến pháp là một văn bản luật cơ bản có vị trí cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của quốc gia và Hiến pháp là văn bản để thiết lập và trao những quyền lực cần thiết cho các cơ quan công quyền của một tổ chức nhà nước.


Chính vì vậy, ở các quốc gia pháp trị về mặt pháp lý luôn luôn có một hệ thống thiết chế để bảo vệ Hiến pháp, với nhiệm vụ áp dụng và giải thích Hiến pháp trong khi có các tranh chấp liên qua. Đó chính là Tòa án Hiến pháp. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp luôn là quyết định cao nhất, song trong điều kiện bất bình thường, một khi vai trò của Hiến pháp có nguy cơ bị đe dọa hoặc bị vô hiệu hóa thì lực lượng vũ trang, cụ thể là lực lượng quân đội sẽ giữ vai trò cao hơn Tòa án Hiến pháp. Lực lượng này sẽ có các hành động trong việc bảo vệ quyết định trong việc bảo vệ Hiến pháp để thiết lập lại trật tự. Nếu cần thiết, lực lượng quân đội có thể tuyên bố xóa bỏ Hiến pháp với lý do nhằm thiết lập lại trật tự mà ta thường quen với hai chữ Đảo chính.


Nói như thế để thấy, nhiệm vụ cao nhất của quân đội là trung thành và bảo vệ Hiến pháp, và trong việc bảo vệ Hiến pháp thì việc phải bảo vệ tổ quốc và nhân dân là chuyện đương nhiên vì tất cả Hiến pháp của các quốc gia luôn khẳng định điều đó.


Có một sự hiểu nhầm đáng tiếc từ lâu nay của không ít người, khi nghĩ rằng trong một xã hội đa nguyên chính trị, thì các chính đảng sẽ có các đường lối khác nhau do đó quân đội không được trung thành với bất kỳ chính đảng nào. Từ đó họ suy ra quân đội phải phi chính trị. Đây là một cách suy nghĩ không đúng.


Nên hiểu, các chính đảng ở các quốc gia theo thể chế chính trị tự do, đa nguyên chính trị, dẫu có các xu hướng, đường lối khác nhau, nhưng tất cả các xu hướng, đường lối kể cả về chính trị nếu có khác nhau ấy phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp của quốc gia đó đã quy định. Mỗi Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng phải có một mô hình và chế độ chính trị cụ thể của đất nước mình, do vậy quân đội sẽ có trọng trách bảo vệ những cái đó, mà không thể phi chính trị hóa.


Đây cũng là lời giải thích để đập lại cái quan điểm sai trái lâu nay khi cho rằng có đa đảng sẽ dẫn tới xáo trộn chính trị.


Vì họ tưởng rằng, trong một xã hội dân chủ đa nguyên, bỗng nhiên có một chính đảng cầm quyền đang nắm với một đa số ghế trong quốc hội nổi hứng, thông qua quốc hội bổ xung một điều tương tự như điều 4 Hiến pháp của CSVN. Tự cho họ cái quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội (độc đảng). Xin khẳng định, đó là điều không bao giờ có thể xảy ra, vì như vậy là hành động vi phạm hiến pháp. Trong trường hợp này, nếu Tòa án Hiến pháp không giải quyết được thông qua quyết định giải tán đảng cầm quyền theo luật pháp, thì lực lượng quân đội sẽ tiến hành đảo chính để thiết lập lại trật tự. Nghĩa là quân đội luôn luôn và chỉ trung thành duy nhất với Hiến pháp quốc gia chứ không trung thành với bất kỳ chính đảng nào. Điều đó không có nghĩa là quân đội phi chính trị.


Trở lại vấn đề người ta tranh cãi xung quanh vấn đề "Quân đội NDVN phải trung thành với ai?". Ở Việt Nam thì, theo Hiến pháp Việt nam 1992 Sửa đổi năm 2013, Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế".


Thực ra, việc các nhà lập pháp ở Việt Nam họ ghi thêm sự trung thành của quân đội đối với Đảng CSVN là điều thừa và không cần thiết, vì đương nhiên nghĩa vụ của quân đội là phải trung thành với Hiến pháp quốc gia. Mà Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam đã quy định rõ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Chính vì thế, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang ở Việt Nam hiện nay là đương nhiên phải bảo vệ đảng CSVN. Đây là điều không phải bàn cãi.


Việc Quân đội có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ Hiến pháp cũng là điều được coi là bất di bất dịch đối với mọi quốc gia trên thế giới. Song như ở Việt Nam hiện nay, khi việc điều hành và quản trị đất nước không căn cứ và dựa trên cơ sở của luật pháp, thì với quy định của Hiến pháp hiện nay ở Việt Nam có thể tạo ra một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm. Nếu như trong trường hợp ban lãnh đạo Đảng CSVN và chính quyền của họ, bạc nhược, rắp tâm bán nước làm tay sai cho ngoại bang, thì đồng nghĩa với việc quân đội NDVN cũng buông súng để bỏ mặc chủ quyền của tổ quốc. Khi đó trách nhiệm và lương tâm của những người lính sẽ buộc phải vượt lên trên hiến pháp, để bảo về quyền lợi tối thượng của quốc gia và dân tộc Việt Nam.


Đảng chính trị chỉ là một tập hợp của những người có cùng xu hướng, cùng quan điểm chính trị song quan điểm của một nhóm người này không đại diện cho ý chí của toàn dân trong một quốc gia. Chính vì thế việc Hiến pháp Sửa đổi năm 2013 ở Việt Nam, đã khẳng định Quân đội phải trung thành với Đảng là điều bất hợp lý, phi lý và cái đó hoàn toàn xuất phát từ sự trục lợi cố ý của Đảng CSVN - đảng cầm quyền đại diện cho một nhóm người trong thể chế chính trị độc đảng toàn trị. Đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội tự do và dân chủ.

Tóm lại, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, theo định nghĩa Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Trong xã hội dân chủ, Hiến pháp là văn bản do chính quyền tạo ra, nhưng nhất thiết phải nhận được sự đồng tình của người dân, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Một chính quyền không được xây dựng trên cơ sở một bản Hiến pháp quốc gia được đa số người dân đồng thuận là một chính quyền không có tính chính danh. Hiến pháp phải là nền tảng chung nhất để thiết lập một nhà nước, bởi Hiến pháp có trước chính quyền.


Chính vì thế, vấn đề cần phải giải quyết ở Việt Nam hiện nay là, đòi hỏi thực thi nghiêm chỉnh những điều đã khẳng định trong hiến pháp và pháp luật, đó là quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Trên cơ sở đó để đòi hỏi buộc đảng CSVN phải xây dựng một thể chế chính trị dân chủ, ở đó chủ thể lập hiến sẽ thuộc về nhân dân.


Ngày 26 tháng 12 năm 2017


© Kami

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét