Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016
Dưới sắc màu rực rỡ
Ls Lê Luân - Dưới sắc màu rực rỡ
Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, December 25, 2016 | 25.12.16
Chúng ta là nơi cửa ngõ của không chỉ Đông Nam Á mà còn cả châu Á và thế giới trong giao thương vì được ưu đãi địa thế ở một vị trí đặc biệt thuận lợi so với nhiều các quốc gia khác.
Chúng ta là nơi giao thoa của các nền văn hoá, đây là một nhận xét của một giáo sư người Pháp sau nhiều năm nghiên cứu về con người và đất nước Việt Nam, đã nói như vậy. Nhưng đây cũng là điều gây ra sự hạn chế và tạo ra sự bất ổn trong việc du nhập văn hoá từ các nguồn khác nhau.
Chúng ta bị ảnh hưởng và trói buộc bơi tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc quá nặng nề và kéo dài theo chiều dài lịch sử kể cả cho đến ngày nay, và cũng vì thứ này mà chúng ta cứ chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi nước láng giềng từ tập tục, luật pháp, việc học và thi cử, việc cai trị triều chính, tiếp đến là Đạo Lão (của Lão Tử),...rồi chúng ta lại du nhập Đạo Phật của Ấn Độ, và giờ là đến Công Giáo của Thiên Chúa Giáo, bên cạnh đó cũng có một số ít người theo Đạo Hồi của Trung Đông (ở Hà Nội có một nhà thờ hồi giáo của những người theo đạo này).
Không chỉ về tôn giáo, chúng ta tiếp nhận cả những dịp lễ như Valatine (14.02), Noel (24.12), Halloween (31.10),...những ngày lễ văn hoá điển hình của phương Tây. Chúng ta du nhập khá nhanh và cũng dễ dàng tiếp nhận chúng trong tâm thức và trở thành thói quen trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dường như cái khó khăn và dễ bị từ chối nhất đó chính là nền tảng chính trị và dân quyền của người Tây phương, sự tiến bộ và sinh hoạt chính trị của họ thì gần như bị phủ nhận và bài bác, trong khi đó những nét văn hoá cộng đồng thì lại quá dễ dàng được cho phép chấp nhận để người dân coi đó là sự cởi mở của một xã hội và trong đó có sự quản lý của chính quyền.
Nhưng chúng ta rất dè xẻn và e ngại chuyện nhân quyền, đến nay mới phê chuẩn khoảng 182 tiêu chí về nhân quyền trên tổng số 227 các tiêu chí được khuyến nghị (của UPR). Chúng ta không cho học rộng rãi về các khái niệm dân quyền, nhân quyền, không phổ biến tới người dân của mình những giá trị đó, có khi còn làm nó bị hiểu nhầm (như quyền biểu tình, lập hội, hoặc lên tiếng để đòi hỏi quyền lợi rất dễ bị coi là chống đối nhà nước).
Trong khi đó những tấm gương của những nhân cách lớn vì sự văn minh và tiến bộ của không chỉ quốc gia mà còn có ảnh hưởng trên thế giới như luật sư Nelson Mandela (Nam Phi), mục sư tiến sỹ Martin Luther King (Hoa Kỳ), luật sư Mahatma Gandhi (Ấn Độ), bà Aung San Suu Kyi (Myanmar), thì gần như không bao giờ được đem truyền thụ vào trong các trường học, được tiếp nhận và phổ biến rộng rãi tới mọi người dân về tinh thần yêu nước, về lòng dũng cảm, về tình yêu thương đồng loại, về sự kiên cường và tinh thần bất khuất trước các bất công và phản đối sự độc tài của chính quyền với hình tượng những tấm lòng cao cả, vì con người, xã hội và sự tươi đẹp của đất nước mình, bằng cách đấu trong bằng tri thức và tinh thần bất bạo động trong hoà bình. Mà ngược lại, lại khắc hoạ và tuyên truyền cho những hình tượng anh hùng, kể cả thiếu niên, có khả năng giết được nhiều người.
Và chúng ta nói về Mao Trạch Đông, Stalin và Lenin, rồi Đặng Tiểu Bình rất nhiều và thường xuyên, nhưng dưới cái nhìn thiên lệch khi chỉ tô đậm những dòng gạch chân về công mà làm mờ đi tội trạng ghê gớm của những kẻ này, mà thế giới họ đã đánh giá khách quan theo con mắt của những nhà nghiên cứu và xét trong những hoàn cảnh lịch sử.
Và nghịch lý là, chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm những ngày lễ của Tây phương, và vào những ngày có tính chất giao thời hay gợi nhớ thì lại hồ hởi bắn pháo hoa tưng bừng và ngập bầu trời để cho người dân thấy sự an bình, sự thịnh vượng nào đó đang hiển hiện trên quốc gia này, trong ít phút vang nổ trên đầu.
Trong khi, những gia đình hay trẻ em vùng cao, vùng lũ hay vùng hạn hán, đang khốn khổ vì nghèo đói và thiếu trường lớp. Những thành thị thì kẹt xe ngày ráo, ngập lụt ngày mưa lớn, ô nhiễm, sự phân hoá giáo dục, giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Vẫn còn những mảnh đời, mà thực ra rất nhiều con người còn đang sống trong cảnh nghèo khó, bơ vơ, cơ cực, không được học hành, không được chữa trị, không được phổ biến và bảo vệ bởi luật pháp, không được ngắm pháo hoa chỉ là trong tưởng tượng hoặc chỉ qua màn hình chiếc tivi đen trắng xem nhờ hàng xóm.
Những đứa trẻ, vẫn còn phải đối mặt với nạn mù chữ, bạo hành, lạm dụng tình dục, đói ăn và bị ngược đãi.
Vậy nhưng, người ta ít quan tâm đến chúng - những thế hệ tương lai của đất nước - mà thường chỉ xây dựng nên những gì đẹp đẽ để thoả mãn nhu cầu trước mắt như tạo ra một bức vẽ để người ta quên đi những sự thật đang hiển hiện trên mặt đất, trong mái nhà đơn sơ và dưới bầu trời ô nhiễm, còn bên ngoài biển đảo thì kẻ bành trướng cướp bóc trắng trợn.
Để tạm quên đi những bất ổn của đời sống xã hội, họ cho con người ta nhìn lên những bông hoa thất sắc nở rực ít phút trên bầu trời đêm tối đen như mực.
Làm gì có giáng sinh nào cho những đứa trẻ đêm nay. Ở nhiều vùng quê trên mảnh đất nghiệt ngã này.
Khi đói nghèo vẫn vây quanh, tham nhũng vẫn hoành hành và xã hội còn đầy rẫy những bất công, thì tượng đài hay pháo hoa chỉ là phù phiếm và chất chồng thêm những nỗi đau mà thôi.
Ls Lê Luân
(FB Lê Luân)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét