Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016
Hữu Thỉnh , chủ tịch hội nhà văn Việt Nam: sự im lặng xấu hổ đến mức tủi nhục
Hữu Thỉnh , chủ tịch hội nhà văn Việt Nam: sự im lặng xấu hổ đến mức tủi nhục
Đăng bởi Lê Sơn on Monday, December 26, 2016 | 26.12.16
Tại Hội nghị văn học 2016 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 16/12/2016, chủ tịch của tổ chức này là Hữu Thỉnh phát ra một tán thán chưa từng có về số phận của hội đoàn bị nhiều người coi là “ăn bám” này.
Nhà văn - quan chức Hữu Thỉnh. Ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, khó khăn đầu tiên mà ông Thỉnh đưa ra là thông thường mỗi nhiệm kỳ năm năm các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4.8 tỉ đồng. Nhưng năm 2016 Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền là 2.4 tỉ đồng.
Ông Thỉnh than vãn: “…Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào, bởi khi đó Hội Nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa?
Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì Hội Nhà văn sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi. Vì số tiền hội phí thu từ 1,000 người trong Hội Nhà văn mỗi năm chưa được 6 triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!…” .
Đó hẳn là cái lý để những nhà văn – quan chức như ông Hữu Thỉnh hoàn toàn không mặn mà gì với Luật về Hội – một quyền căn bản của công dân nhưng đã bị nhà cầm quyền bỏ xó suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Những năm gần đây, một nghịch lý đã nảy sinh trong bộ máy “mặt trận” của chính quyền, là chính nhiều hội đoàn do nhà nước sinh ra và nâng đỡ đã bị ghẻ lạnh. Nguyên do rất đơn giản: từ thiếu kinh phí đến cạn kiệt kinh phí sinh ra tình trạng thân ai đó lo và có thể dẫn tới sống chết mặc bay.
Những nhà văn – quan chức như ông Hữu Thỉnh sẽ phải làm gì để kiếm tiền nuôi một bộ máy chẳng khác mấy các ban đảng, cùng một đội ngũ nhà văn không nghe – không thấy – không biết trước tình cảnh điêu đứng dân sinh mà gần nhất là vụ cá chết Formosa và thủy điện xả lũ giết dân?
Mới đây, một nhà văn là Phạm Ngọc Tiến đã phải trút ra bức bối qua bài “Sự im lặng xấu hổ đến mức tủi nhục của nhà văn VN”, trong đó ông kể cho độc giả một phần, dù chỉ là một phần, về sự thật của đám đông giới cầm bút văn học:
“…Ngay trên mạng xã hội khi có những bài viết dũng cảm vạch tội Formosa thì cũng có rất ít nhà văn trong số những người sử dụng mạng dám bày tỏ sự đồng tình dù chỉ là một nút bấm like. Điều gì vậy? Biển đảo Tổ quốc bị xâm phạm, có bao nhiêu nhà văn bày tỏ chính kiến của mình?
Mới đây một phóng viên nữ hỏi tôi, tại sao trong những biến cố của đất nước hiếm thấy nhà văn các anh lên tiếng? Có phải nhà văn cần sự lắng đọng của thời gian để nghiền ngẫm mới phát biểu được bằng tác phẩm? Tôi chưa kịp trả lời thì nữ phóng viên cũng là một nhà thơ này kết luận. Ngụy biện thôi, khi anh không dám mở miệng trước lâm nguy dân tộc thì mặc nhiên anh đã đứng ngoài cuộc, đứng ngoài số phận nhân dân. Tháng trước khi đi qua Hà Tĩnh, tôi ghé vào Kỳ Phương là một phường của thị xã Kỳ Anh chịu trực tiếp hậu quả biển nhiễm độc từ thảm họa Formosa. Khi biết tôi là biên kịch của một vài phim chính luận có chút ít sự chú ý, người dân đã hỏi thẳng. Tại sao không làm phim về biển độc. Phải có những bộ phim nói về chúng tôi chứ, đời sống của chúng tôi nếu các anh không nói ra thì ai nói. Chúng tôi cần những phim như vậy. Trong cả hai trường hợp vừa nêu tôi đều im lặng. Một sự im lặng xấu hổ đến mức tủi nhục…”.
Lê Dung
(SBTN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét