Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016
Sự ngộ nhận sai lầm về quần chúng trong giới đấu tranh dân chủ
Sự ngộ nhận sai lầm về quần chúng trong giới đấu tranh dân chủ
Đăng bởi Ha Tran on Sunday, October 16, 2016 | 16.10.16
“…một nỗ lực quan trọng của giới đấu tranh là vận động quần chúng, khi vận động không thành công người ta dễ dàng thỏa mãn với câu trả lời nhận thức dân ta còn kém, và có rất nhiều lý do để củng cố luận điểm đó …”
Cuộc biểu tình ngày 2/10 tại Hà Tĩnh
Tôi từng được nghe, đọc nhiều lần từ sự tuyên truyền của ĐCS đân trí VN còn thấp chưa dân chủ được. Cũng như những câu nói CS còn vững vì nhận được sự ủng hộ đa số của người dân, người ta lý luận, bằng chứng là ĐCS vẫn còn đến ngày nay. Điều đáng nói là những lập luận sai lầm ngụy biện kia có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức về vai trò quần chúng trong cuộc đấu tranh dân chủ của nhiều người đấu tranh.
Những điệp khúc lặp đi lặp lại cuộc cách mạng tháng tám của cộng sản thành công là nhờ đảng cộng sản đã vận động được toàn dân, hay miền bắc thắng lợi vì được người dân ủng hộ. Điều này rất sai với sự thật, nhưng cái lý của kẻ thắng dễ thuyết phục hơn. Người ta tiếp nhận nó không cần suy xét. Trong nhiều cuộc trao đổi tranh luận tôi thấy phần lớn mọi người cho rằng kịch bản thay đổi thể chế chính trị là toàn dân xuống đường, vì vậy một nỗ lực quan trọng của giới đấu tranh là vận động quần chúng, khi vận động không thành công người ta dễ dàng thỏa mãn với câu trả lời nhận thức dân ta còn kém, và có rất nhiều lý do để củng cố luận điểm đó. Không ít trường hợp nạn nhân của sự bất công từ chối sự hỗ trợ từ những người đấu tranh. Nếu nhìn vào hiện thực đó và đặt cái đích lòng dân thì công cuộc vận động này quả là vô vọng.
Ngày mùng 2 tháng 10 vưa qua tôi có cơ hội được trao đổi tranh luận với nhiều người trong đó có TS Từ Huy. Chị Từ Huy cũng cho rằng ông Hồ thắng lợi là vì được lòng dân. Tôi có đọc bài Đối thoại và lòng tin (II) của chị Từ Huy. Đó là bài viết hay, mà tôi chia sẻ hầu hêt các nhận định của tác giả. Chỉ không đồng ý với chi tiết cụm từ người dân được sử dụng với tần xuất hơi cao ví dụ : “Lúc chọn trao trọng trách cho Aung San Suu Kyi, người dân Miến Điện không thể dám chắc rằng bà có thể đưa họ tới thành công. Aung San Suu Kyi chỉ thực hành các hoạt động chính trị sau khi chấp nhận trọng trách mà người dân giao phó cho bà". Không biết hai chữ "người dân" có phải là quán tính văn hóa XHCN không, vì mọi vấn đề dưới thời CS đều được ngụy trang bởi chữ người dân. Thói quen gắn chữ người dân với những chuyện quốc gia. Chị Từ Huy viết như vậy sai về bản chất, thậm trí thắng lợi trong cuộc bầu cử 1990 đạt 58.7% dùng chữ người dân Miến điện tín nhiệm cũng khiên cưỡng. Cần nói rõ Aung San Suu Kyi nhận được sự tín nhiệm của một số nhân sĩ chứ không phải người dân miến điện, kết quả của nó là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ thành lập vào ngày 27 tháng 9 năm 1988.
Trước hết cần xóa bỏ nhận thức về toàn dân, nhất là chúng ta hầu hết đồng ý với mục tiêu dân chủ đa nguyên. Nghiên cứu lịch sử đấu tranh người ta đã rút ra kết luận chỉ cần 3.5 % dân số kiên định xuống đường đấu tranh thì không nhà cầm quyền nào đứng vững.
Trong một STT cô Trang Nhung Nguyễn một người rất tích cực trong việc khai mở kiến thức chính trị đã đặt ra câu hỏi:
Để một nền dân chủ có thể vận hành hiệu quả, các công dân trong nền dân chủ đó cần có những phẩm tính cần thiết gì? Tại sao?
Một câu tương tự như thế đã từng là khẩu hiệu: Để xây dựng xã hội chủ nghĩa cần có con người mới xã hội chủ nghĩa. Tôi có nói đùa đòi hỏi này khác gì thay khán giả cho rạp hát.
Phẩm chất nào của người dân là đủ cho một nền dân chủ? Những phẩm chất người dân Anh Quốc hiện nay có đã đủ chưa? Cuộc bỏ phiếu BREXIT làm thế giới rung động mà chính những người thắng lợi cũng không hài lòng. Vấn đề không còn là phẩm chất của người dân mà là phẩm chất của chính trị gia. Trước những vấn đề quốc gia, các chính tri gia các phe phái, Anh Quốc đã không đủ viễn kiến chính trị để có một dự án khả thi, hoặc có mà không đủ khả năng thuyết phục quần chúng. Họ đã phải sử dụng thủ đoạn chính trị để lấy phiếu là chạy theo quần chúng. Tôi nói thủ đoạn bởi tôi không tin những người chủ trương BREXIT không biết hệ lụy của nó. Ông David Cameron đã giành lại được phiếu bằng bước lùi đồng ý cho cuộc trưng cầu dân ý. Tiếc thay thời gian tại vị ông không đủ sức thuyết phục được quần chúng nguy cơ của BREXIT. Cuộc trưng câu dân ý dân chủ mà ai cũng thất bại. Trong thất bại này không thể đổ lỗi cho quần chúng được. Không thể đòi hỏi mỗi quần chúng như một chính trị gia và ngược lại.
Trở lại vấn đề Việt Nam, phẩm chất quần chúng đã đủ cho cuộc cách mạng dân chủ chưa? Với sự nghiên cứu đánh giá của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, có bốn điều kiện cần và đủ cho cuộc cách mạng dân chủ.
“Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi”. (Trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Đây chính là điều kiện thuộc về phẩm chất của quần chúng. Chúng tôi cho rằng điều kiện này đã có ở Việt Nam. Có nhiều người không đồng ý với chúng tôi, cho rằng chúng tôi quá lạc quan. Họ lấy nỗi thất vọng của họ qua những lần vận động quần chúng làm bằng chứng. Sai lầm của những người đó là họ đòi hỏi quá cao từ quần chúng. Nhìn lại thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử 1990 có thể khẳng định một điều đa số đã chán ghét cái nhà cầm quyền hiện hành. Đảng của bà Aung San Suu Kyi chưa nắm quyền nên chưa có gì chứng minh là nó tốt hơn. Đơn giản đảng Liên Minh Quốc gia vì dân chủ là một lựa chọn khác cái thực tại mà đa số đã chán ghét. Chúng ta có thể yên tâm nếu như có một cuộc bầu cử tương tự ở VN kể cả đảng viên DCS nhiều người sẽ khước từ bỏ phiếu cho đảng của mình.
Lịch sử chúng ta biết đến những châm ngôn: Một là con nuôi cá, hai là má nuôi con, ba là con nuôi má, hay cái cột đèn nó có chân nó cũng đi. Sự khước từ chế độ tới mức độ sẵn sàng vượt qua cái chết để tìm cái sống. Ngay cả con cưng chế độ cũng tìm đường ra đi. Người dân Việt Nam đã chín muồi từ lâu cho cuộc cách mạng dân chủ.
Thực tế cho thấy thời gian qua các nhà đấu tranh dân chủ đã tập trung vào vấn đề vận động quần chúng. Các cuộc xuống đường rầm rộ trong các cuộc cách mạng đã thành công cho nhiều người cảm giác họ đang đi đúng đường, những cuộc biểu tình của giáo dân Hà Tĩnh gần đây càng củng cố trong họ niềm tin đó. Một trong niềm hy vọng của người đấu tranh, là sự bất công ngày càng tăng, sẽ càng làm cho lực lượng quần chúng phát triển. Việc gây dựng một phong trào, hay một cuộc đấu tranh với một vấn nạn cụ thể, cách hoạt động đó có thể thành công. Nhưng vấn đề ở đây, chặt cây xanh Hà Nội, dàn khoan 981, Formosa v.v. là những vấn đề rất khác nhau, tổng hợp chúng lại thành một mục tiêu chung không dễ và là điều chỉ một tổ chức mới làm được, không thể vận động như từ trước tới nay nếu chúng ta muốn thành công. Một điều phải nhìn nhận là cho tới nay đã chỉ có người Công giáo tổ chức được những cuộc biểu tình lớn và liên tục. Đó là vì họ có tổ chức
Cuộc chuyển hóa từ độc tài đến dân chủ là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng nào cũng bắt đầu từ một nhóm nhỏ, tinh anh đủ năng lực để đưa ra giải pháp tập thể, đáp ứng nhu cầu của quần chúng. Vấn đề cần đặt ra không phải là phẩm chất nào của quần chúng nhân dân, mà là phẩm chất nào cần có của những người đấu tranh? Cần khẩn cấp thay đổi phẩm chất người đấu tranh.
Đỗ Xuân Cang
(Thông Luận)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét