Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016
Nợ xấu cùng quẫn, Việt Nam phải chấp nhận phá sản ngân hàng
Nợ xấu cùng quẫn, Việt Nam phải chấp nhận phá sản ngân hàng
Đăng bởi Ha Tran on Monday, October 31, 2016 | 31.10.16
Một trong những chủ đề thời sự gây xôn xao nhất trong thời gian đang diễn ra kỳ họp quốc hội cuối năm 2016 là “thí điểm phá sản ngân hàng”.
Nhân vật chính phát ngôn chủ đề trên là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – người trước đây là Trưởng ban kinh tế trung ương và nay được phân công “tái cơ cấu kinh tế”.
Đáng chú ý, vấn đề “thí điểm phá sản ngân hàng” được nêu ra lần này có vẻ dứt khoát hơn hẳn những phát ngôn tương tự được nêu ra vào năm 2014 và 2015.
Mặc dù Luật Phá sản được ban hành vào năm 2014 và có hẳn một chương về phá sản đối với các tổ chức tín dụng, nhưng từ đó đến nay chưa có một ngân hàng thương mại nào được Ngân hàng nhà nước cho phá sản. Ngược lại, 3 trường hợp cộm cán nhất về nợ xấu vượt hẳn vốn điều lệ là Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP) đều được Ngân hàng nhà nước thời thống đốc Nguyễn Văn Bình “giang tay” mua lại với giá 0 đồng, đến nỗi sau này nhiều người đang muốn ‘hồi tố” về động cơ thật sự của ông Bình khi không để cho 3 ngân hàng đó phá sản, mà lại muốn dùng tiền ngân sách để “xử lý”.
Tiền ngân sách lại không phải cái kho vô hạn. Không thể khác, lý do chính mà ông Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào hoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này đã lên đến ít nhất 550 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Chẳng hạn như Ngân hàng HD Bank là loại nhỏ, hay Ngân hàng Agribank thuộc loại lớn. Sau gần 3 năm hình thành nhưng hầu như không giải quyết được vấn đề gì về nợ xấu, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đành thúc thủ kêu trời. Hàng loạt biện pháp xử lý nợ xấu lại được nêu ra, nhưng tất cả đều chỉ mang tính lý thuyết. Tỷ lệ nợ xấu thực ở một số ngân hàng nhỏ, cũng là những ngân hàng mà vào thời gian từ năm 2007 đến năm 2011 đã cho vay bạt mạng với lãi suất cắt cổ cùng hàng loạt vụ án ngân hàng, đang cực kỳ xấu, có nơi tỷ lệ nợ xấu chiếm đến hơn phân nửa tổng nợ cho vay.
Trong khi đó, ngân sách lại khốn quẫn và chẳng còn khoản kết dư nào để trút ra mua nợ xấu. Nếu có, chỉ có thể là một khoản nhỏ để dành để cứu những ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ sẽ phải tự xoay sở. Đó là lý do mà việc “tái cơ cấu ngân hàng” sẽ có thể trở nên mạnh mẽ bất ngờ trong thời gian tới. Nếu trước đây đã từng có kế hoạch kéo giảm số lượng ngân hàng thương mại từ trên 30 tổ chức xuống còn khoảng 15 tổ chức, thì tới đây nhiều khả năng chính phủ sẽ phải làm điều này mà không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, đến lúc này mọi việc đã không còn đơn giản như kế hoạch đặt ra. Không còn tiền kết dư của ngân sách, câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?
Không thể nói đến “quyết tâm chính trị” như một khẩu hiệu duy ý chí và cực kỳ chẳng ăn nhập gì với thực tế. Có lẽ Ngân hàng nhà nước và cả ông Vương Đình Huệ sẽ điên đầu với bài toán hậu phá sản ngân hàng.
Lê Dung
(SBTN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét