Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016
HRW Asia: Việt Nam cần cải tổ luật hình sự hướng tới tôn trọng nhân quyền
HRW Asia: Việt Nam cần cải tổ luật hình sự hướng tới tôn trọng nhân quyền
Đăng bởi Tiểu Nhi on Wednesday, October 19, 2016 | 19.10.16
Quốc hội nên sửa đổi các điều luật vừa được áp dụng để dập tắt tiếng nói của blogger “Mẹ Nấm”
(New York, ngày 18 tháng Mười năm 2016) - Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Quốc Hội Việt Nam nên cải tổ luật hình sự để thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Quốc hội đang cân nhắc Bộ luật hình sự sửa đổi trong kỳ họp dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 tháng Mười đến ngày 22 tháng Mười một năm 2016. Vào tháng Mười, các điều luật đó vừa được áp dụng trong vụ bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh “Mẹ Nấm.”
“Nhiều điều luật liên quan đến an ninh quốc gia trong luật Việt Nam được định danh một cách mơ hồ và thường được áp dụng tùy tiện để trừng phạt những người lên tiếng phê bình, các nhà hoạt động và blogger,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Quốc hội nên nhân cơ hội này loại bỏ các điều luật đã góp phần tạo ra quá nhiều tù nhân chính trị, đồng thời đưa pháp luật Việt Nam vào quỹ đạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.”
Bộ luật hình sự Việt Nam có các tội danh liên quan tới “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, khung hình phạt lên tới tử hình); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc ” (điều 87, khung hình phạt lên tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, khung hình phạt lên tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt lên tới 15 năm tù); và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258, khung hình phạt lên tới 7 năm tù).
Trong tháng Mười một năm 2015, Quốc hội thông qua bộ luật hình sự sửa đổi. Đáng lẽ phải loại bỏ các điều khoản đi ngược lại với các tiêu chuẩn về nhân quyền, các nhà lập pháp Việt Nam lại đưa thêm các nội dung khắc nghiệt hơn, ví dụ như bổ sung thêm một hình phạt mới vào một số điều, cụ thể là, “người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ một đến năm năm.”
“Áp dụng các điều luật mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động và phê phán ôn hòa đã đủ tệ rồi,” ông Adams nói. “Nhưng bỏ tù một người đến năm năm chỉ vì chính quyền có thể tùy tiện kết luận là người đó chuẩn bị phê phán chính quyền thì còn tồi tệ hơn.”
“Mẹ Nấm”
Ví dụ gần đây nhất về việc chính quyền áp dụng một điều luật an ninh quốc gia để trừng phạt những người phê phán ôn hòa là vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại nhà riêng ở Nha Trang vào ngày mồng 10 tháng Mười năm 2016. Cô bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” vì các bài đăng trên blog và trang Facebook của mình.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, viết blog dưới bút danh Mẹ Nấm, theo tên của cô con gái 10 tuổi thường được mẹ gọi là “Nấm,” và gần đây với bút danh Mẹ Nấm Gấu, theo tên của con trai mới lên hai tuổi mà cô gọi là “Gấu.” Với khẩu hiệu, “Nếu bạn im lặng thì ai sẽ nói,” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết về các vấn đề chính trị xã hội trong đó có trưng thu đất đai, công an bạo hành, và tự do ngôn luận. Cô lên tiếng ủng hộ bạn bè bất đồng chính kiến và công khai vận động đòi trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm). Trên hết, cô vận động cho một môi trường xã hội không bị nỗi sợ hãi ám ảnh.
Buổi sáng cùng ngày, trước khi bị bắt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đi cùng với bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Quốc Duy, đến trại giam để cố vào thăm Duy.
Tháng Chín năm 2009, công an đã bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại nhà vào lúc nửa đêm để thẩm vấn về các bài viết trên blog có nội dung phê phán chính sách nhà nước đối với Trung Quốc và các hành động tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ đang còn tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa của phía Trung Quốc. Cô được thả chín ngày sau đó, nhưng tiếp tục bị công an theo dõi gắt gao và gây sức ép buộc cô phải đóng blog.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tham gia nhiều cuộc biểu tình vận động cho nhân quyền và môi trường. Cô liên tục bị công an sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn và bị quản thúc tại gia nhiều lần nhằm ngăn cản cô tham dự các sự kiện quan trọng. Công an tạm giữ cô hai lần trong năm 2014 để ngăn không cho cô bay đi Hà Nội dự cuộc họp tại Đại sứ quán Úc vào tháng Mười và các cuộc gặp tại Đại sứ quán Canada và Na Uy vào tháng Mười một. Tháng Ba năm 2015, công an lại câu lưu cô để ngăn không cho cô đi Hà Nội dự cuộc gặp tại Đại sứ quán Đức. Tháng Bảy năm 2015, cô cho biết bị một số người mặc thường phục hành hung ngay trước mặt công an, trong khi tham gia cuộc biểu tình ngồi để vận động đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận.
Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng công an thông báo trong số các bằng chứng phạm tội của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về hành vi viết blog chống nhà nước có một hồ sơ tên là “Chấm dứt nạn công an giết dân thường.” Hồ sơ này có dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ, do cô và những người khác sưu tầm từ báo chí nhà nước. Công an phát biểu rằng hồ sơ này “mang quan điểm, lập trường rất thù địch đối với lực lượng công an nhân dân. Tập tài liệu này khiến người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng công an nhân dân, gây xâm hại đến mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.” Rất nhiều vụ được tổng hợp trong hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận và công bố, chẳng hạn trường hợp một số người chết đau đớn trong khi bị công an giam giữ như Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Khương, Trịnh Xuân Tùng,Tu Ngọc Thạch và Y Két Bdap. Theo Bộ Công an Việt Nam, được báo chí đưa tin, từ tháng Mười năm 2011 đến tháng Chín năm 2014 có tới 226 vụ tử vong trong các cơ sở tạm giam, giữ.
Công an tuyên bố rằng trong khi khám xét nhà của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, họ tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Trong số các tài liệu này có các biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”; “Khởi tố Formosa”; “No Formosa” (Nói không với Formosa); “Formosa Get Out” (Formosa Cút Đi); và phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa, như “No to Chinese Expansionism” (Nói không với Chủ nghĩa Bành trướng Trung Quốc). Công an nói rằng, ngoài những bài đăng trên blog và Facebook, các “hành vi phạm tội” khác của cô là trả lời phỏng vấn đài CNN và Đài Á Châu Tự do.
Sau khi bắt giữ cô, công an tuyên bố rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ bị tạm giam bốn tháng. Theo luật tố tụng hình sự, đối với các vụ liên quan tới an ninh quốc gia, luật sư biện hộ chỉ được tham gia tố tụng sau khi việc điều tra hoàn tất (điều 58). Thời hạn điều tra có thể kéo dài đến hai năm (điều 119), có nghĩa là người bị buộc tội này có thể bị giam giữ tới hai năm mà không được tiếp xúc với tư vấn pháp lý.
Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần thúc đẩy chính quyền Việt Nam sửa đổi bộ luật hình sự và tố tụng hình sự để đảm bảo rằng tự do ngôn luận ôn hòa dưới mọi hình thức phải được bảo đảm và quyền của các nghi can hình sự được tôn trọng.
“Chính quyền Việt Nam đang sử dụng các tội danh nực cười để dập tắt tiếng nói của ‘Mẹ Nấm,’” ông Adams nói. “Quốc hội cần cải tổ luật hình sự để những người lên tiếng phê phán ôn hòa như cô không bị giam giữ tới hai năm không có luật sư biện hộ, hay trở thành nạn nhân của sự bất công dưới hệ thống pháp luật hình sự hiện tại của Việt Nam.”
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:
https://www.hrw.org/vi/viet-nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét