Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

CHÍNH TRỊ VÀ TƯ CÁCH CÔNG DÂN


GS. Mạc Văn Trang: CHÍNH TRỊ VÀ TƯ CÁCH CÔNG DÂN




CHÍNH TRỊ VÀ TƯ CÁCH CÔNG DÂN

Mạc Văn Trang
15-10-2016

Ông bạn GS hẳn hoi, bắt tay mình rồi thì thầm ở góc hành lang:

– Ông viết chính trị làm gì cho nó đau đầu…

– Sao ông biết tôi viết chính trị?

– Con tôi nó in mấy bài ông viết trên mạng, đưa cho tôi xem. Nó lại còn xui tôi viết bài như ông, đưa nó đăng cho…

– Ông bảo sao?

– Tôi nói thật, chính trị ở cái xứ này nó bạc lắm, đểu lắm, không biết đâu mà lường. Tôi không dại mà dính vào. Mình còn sức thì tập trung cho chuyên môn, làm mấy cuốn sách lưu lại cho hậu thế là hay…

– Tất nhiên chuyên môn là hay rồi. Tôi vẫn dành 95% làm chuyên môn đấy chứ, còn 5% khi có nhu cầu bầy tỏ ý kiến gì thì viết, trước hết giải tỏa cho mình, sau nữa là góp ý với chính quyền và chia sẽ cùng bà con…Góp mãi, gửi đi, nó chẳng trả lời, giờ có FB thì công khai bầy tỏ ra. Đó là thái độ bình thường của mỗi công dân, chứ có gì đâu? Thế những bài chuyên môn của ông, như: “Quán triệt tinh thần Nghị quyết… trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, không phải chính trị à?

– Ờ…À… đó cũng là chính trị, nhưng chính trị trong chuyên môn. Tôi muốn nói chính trị là ông viết phê phán đụng chạm đến chính quyền… Mó dái ngựa làm chó gì cơ chứ!

Mình chỉ cười, cám ơn lời khuyên chân thành của ông bạn. Cũng mong các bạn chớ bình luận xúc phạm ông bạn già đáng kính của tôi, mặc dù ông cũng như TS Đoàn Hương “không có thì giờ chơi FB” và chắc ông cũng chả thèm đọc thông tin trên mạng “lề trái”.

Nhân chuyện này tôi chỉ muốn nói một điều tại sao dân ta lại sợ chính trị như sợ ma quỷ?

Chính trị, nói nôm na là dân phải CHỌN RA những người thay mặt mình QUẢN LÝ XÃ HỘI và dân phải GIÁM SÁT những lời họ nói, những việc họ làm. Họ làm hay, lợi cho dân thì khen, tín nhiệm làm tiếp; họ làm dở thì phê bình để làm tốt hơn; họ không tiến bộ được thì chọn người khác thay. Mọi điều chính quyền này nói, mọi việc chính quyền này làm liên quan đến mỗi người dân, đến toàn xã hội, đến những di sản của tổ tiên để lại, đến đất nước hôm nay và tương lai dân tộc… đều là chính trị hết.

Rừng bị tàn phá, lũ trôi dân; các sông hồ bị ô nhiễm, biển bị đầu độc, hàng triệu ngư dân mất nghề, thiếu đói; cưỡng chế ruộng đất, dân đi khiếu kiện khắp nơi; ăn gì, uống gì cũng sợ nhiễm độc; ra đường phải bịt mồm, thở cũng nhiễm không khí độc hại; nguồn nước bẩn và ống nước vỡ liên tục gây thiếu nước dùng; giao thông tắc nghẽn, mưa xuống là đường phố ngập úng; văn hóa, giáo dục, y tế xuống cấp; trộm cướp đe dọa an toàn, an ninh… Tất cả những hiện trạng đó là do đường lối chính sách và năng lực quản lý của chính quyền. Đó là chính trị đấy.

Như vậy chính trị liên quan đến tất cả mọi người, từ cái bào thai trong bụng mẹ có an lành hay nhiễm độc vì mẹ sống trong mỗi trường ô nhiễm, đến nấm mồ người đã chết có yên ổn hay bị san ủi, giải tỏa… Thế mà lại bàng quan, hay sợ không dám nghĩ, không dám nói, không dám hành động đụng chạm đến những vấn đề trên thì có còn có TƯ CÁCH CÔNG DÂN nữa không?

Hôm rồi mấy ông già ngồi với nhau, bảo, nay mai cháu chắt mình nó hỏi:

Khi Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, ông bà có phản đối không? Ai cho làm Bô-xít Tây Nguyên, ai rước Formosa về Việt Nam ông bà có biết không? Formosa gây ra thảm họa môi trường biển, lúc đó ông bà đã làm gì? Sao lại làm cái đường sắt trên cao quái gở thế kia? Tại sao lại để ta phụ thuộc vào Tàu thế này? Tại sao nợ nần đầm đìa như vậy, lại đi xây những trụ sở hoành tráng và những tượng đài khùng thế kia? Tại sao để nước ta tụt hậu so với xung quanh thế này? Tại sao những kẻ bất tài, tham lam làm hại dân, hai nước, mà ông bà cứ cứ nhẫn nhục để họ cai trị mãi? Vân vân… Lúc đó ông bà nói gì hay cúi đầu câm lặng? Tư cách công dân của ông bà để đâu?

Nhìn ra thế giới, thấy ở Hy Lạp, hai bé trai 5-6 tuổi đã dám gặp Chủ tịch Quốc hội chất vấn: Tại sao các bác định bán một hòn đảo đi trả nợ? Tổ quốc không phải để bán! Ở Anh, một bé gái 5 tuổi, đã biết phê phán bà Thủ tướng không có chính sách đối xử tử tế với người nhập cư, “bà có nhiều tiền, bà không làm gì. Tôi ghét bà”… Ở Mỹ, sau cuộc tranh luận của 2 ứng viên Tổng thống ông Trump và bà Hillary Clinton, truyền hình trực tiếp cho dân theo dõi, đánh giá, PV Trường Sơn của VTV1 thường trú ở Mỹ, đã phỏng vấn một bé trai 6-7 tuổi, em trả lời: Em không thích ông Trum. Em muốn bà Hillary Clinton làm Tổng thống. Hơn nữa bà ấy có chồng từng làm Tổng thống, ông ấy biết nhiều cái hay ho, sẽ mách cho bà ấy…

Đấy, ở các nước tư bản, trẻ con đã có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và thể hiện rõ ràng, đàng hoàng thái độ chính trị của mình. Còn ở ta, chế độ “Dân chủ gấp vạn lần, chế độ tư bản” (câu của bà cựu Phó CT Doan), mà các trí thức, GS bạc đầu vẫn cố tình hay giả vờ “vô chính trị”, hoặc có bầy tỏ thái độ chính trị cũng ấp úng, run rẩy, là sao?

Quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp. Khi công dân không biết, không đòi hỏi thực hiện, “trước những bất công không dám kêu đòi”, thì đừng trách chính quyền cai trị tồi tệ, mà hãy tự trách mình.

Người Cu ba có khẩu hiệu “Tự do hay là chết”! Ta có khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”! Độc lập, tự do cho dân tộc và cho mỗi công dân. Khi mình chưa giác ngộ quyền công dân, không xác lập rõ tư cách công dân, thì thực ra cũng chưa đáng, chưa biết hưởng quyền tự do, dân chủ!

Dân ta đã từng có bao nhiêu tấm gương coi nhân quyền, nhân phẩm, tư cách công dân còn cao hơn cả sự tù đày và cái chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét