Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016
VN: Một nền giáo dục suy đồi
VN: Một nền giáo dục suy đồi
Đăng bởi Trung Lập on Chủ Nhật, ngày 17 tháng 7 năm 2016 | 17.7.16
Nền giáo dục của chúng ta không với nhiệm vụ tạo ra những con người khai phá và kiến tạo, mà để đào tạo ra những người với hai mục đích, hoặc làm quan chức, hoặc chỉ để kiếm tiền.
Họ không được giáo dục là phải biết lên tiếng trước những bất công trong cuộc sống, họ không được giáo dục để tồn tại tư duy khác biệt, họ không được giáo dục lòng yêu nước, tình yêu quê hương, tổ quốc là thiêng liêng và cao cả nhất, mà họ được tuyên truyền và áp đặt là phải yêu một tổ chức nào đó cũng như phải im lặng trước bất cứ sự xấu xa nào tồn tại trước mắt vì đó không phải trách nhiệm của họ.
Họ được giáo dục để nghe lời và thần phục một cách vô điều kiện mà không phải để trở thành một người với tâm trí cống hiến và trở nên bản lĩnh, hay làm người nhân bản. Họ được tuyên truyền về nỗi sợ hãi trong im lặng, chứ không được dẫn dạy về lòng dũng cảm đúng nghĩa của lòng chính trực. Họ được giáo dục để trở nên vị kỷ chứ không được nhắc nhở và truyền thụ tình yêu thương đồng loại. Họ được giáo dục một phía của lòng tự tôn mang tính tự huyễn mà không được nhìn vào sự thật hoặc những mặt xấu xí của cuộc sống cũng như con người để hoàn thiện.
Họ giáo dục con người ta đạt mục đích lợi ích tư lợi chứ không phải để trau dồi tri thức và kiến tạo cái mới. Họ giáo dục để rồi bố mẹ phải nằm vật vờ ngoài lề đường thâu đêm suốt sáng để nộp hồ sơ cho con vào học ngôi trường nào đó. Số khác khổ sở chạy vạy, vất vả cho chính mình để "xin được một chân" vào giảng dạy ở một ngôi trường mà mình muốn. Thày cô chạy đằng thày cô, học trò lận đận và chạy chọt đằng học trò, bố mẹ thì lo lót cho con cái, thì nghĩa là đã hỏng cả ba lớp người cùng một lúc, cả thế hệ tạo ra mầm mống, thế hệ trồng người và thế hệ làm người kế cận tiếp theo.
Vậy nên, giờ đây mọi cái đều được quy về một loại giá trị lợi ích duy nhất là vật chất để bù lại cho những giá trị họ đã bỏ ra để có được vị trí cho chính họ, thì họ, và kể cả chúng ta cũng đóng vai kẻ đồng loã, tiếp tay cho sự tồn tại của những thứ trị giá tồi bại ấy - lấy đâu ra những giá trị chuẩn mực, đạo đức và tử tế mà dạy cho chúng - những người của thế hệ tương lai?
Thế hệ tương lai sẽ thụ hưởng những giá trị gì từ chúng ta? Chúng ta có thấy xấu hổ vì điều đó không? Nhất là khi đứng trước những đứa trẻ trong sáng dần lớn lên mà được tiêm nhiễm bởi chính chúng ta trong gia đình và bởi va chạm những thứ ấy ngoài xã hội? Chúng ta có xấu hổ với bạn bè quốc tế văn minh không khi để lại di sản cho con cháu là những đứa trẻ hư hỏng, ỷ lại, lười biếng và cả ngu dốt nữa?
Tôi thấy những thế hệ bấp bênh và vô định trước cánh cửa cuộc đời mà xã hội đầy bất trắc, suy đồi này đã tạo ra và bao trùm cũng như đổ ập xuống đầu các em mà vốn luôn trong trạng thái hoàn toàn bị động, một cách đầy khắc nghiệt.
Lê Luân
(FB Luân Lê)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét