Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016
Văn hóa quan chức cán bộ
Nguyễn Thông - Văn hóa quan chức cán bộ
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 25 tháng 7 năm 2016 | 25.7.16
Trong xã hội ta lâu nay, những người được dân lựa chọn hoặc được cấp trên tuyển dụng, cất nhắc vào bộ máy lãnh đạo đều được gọi bằng cái tên chung là cán bộ. Từ trung ương xuống đến địa phương đều là cán bộ. Có cán bộ lãnh đạo cao cấp, có cán bộ cấp phường xã. Về đội ngũ này, dân chúng và dư luận thường gói gọn trong hai chữ “quan chức”.
Ngày xưa, nhất là dưới thời phong kiến, việc lựa chọn “cán bộ” cho triều đình, cho bộ máy nhà nước quân chủ rất khắt khe. Tạm gác bên lề chuyện cha truyền con nối mà triều đại nào cũng thực hiện, thì việc chọn người ngoài đều thông qua sự tuyển dụng, xem xét đầy đủ về các mặt: tài năng, trình độ học thức, đạo đức nhân cách, tức là đủ cả nhân nghĩa lễ trí tín. “Cán bộ” ấy, xét theo tinh thần Nho giáo, mang phẩm chất của người quân tử. Đã là quân tử thì luôn phải gương mẫu, trau dồi, sáng như gương, nhất cử nhất động, từng lời nói, từng hành vi đều phải ý tứ bởi còn “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Đó là nhân cách của người quân tử.
Thực tế cho thấy, những triều đại nào có nhiều “cán bộ - quân tử” dù lớn dù nhỏ giúp rập, phò tá thì đời thái bình thịnh trị, thế nước vững vàng; còn thời nào bộ máy lãnh đạo bị chi phối điều hành bởi đám quan chức “cán bộ - tiểu nhân” nhũng nhiễu, hư hỏng, thoái hóa thì xã hội loạn lạc, dân chúng khổ sở, vận nước mong manh.
Nói gì thì nói, về nguyên tắc, cán bộ quan chức là bộ phận tinh hoa của xã hội. Bộ máy cầm quyền, lãnh đạo có uy tín hay không, được dân kính trọng nể phục hay không là do những người này. Tiếc rằng, thời nay, có quá nhiều cán bộ, quan chức không tự biết giá trị ngôi vị của mình nên ngày càng tầm thường, xấu xí trong mắt dân. Hành vi của họ đâu phải chỉ đơn giản là đánh mất hình ảnh cá nhân mà nguy hại hơn, làm cho dân chúng nghi ngờ bản chất đội ngũ cán bộ, mất lòng tin vào bộ máy lãnh đạo, vào thể chế mà những “cán bộ - tiểu nhân” đang là đại diện.
Không nhắc ra đây chuyện đại sự quốc gia đang làm khổ não cả xã hội là tình trạng quan chức tham nhũng, gây bè kéo cánh thành ‘nhóm lợi ích”, hoặc nhiều vấn đề nóng liên quan đến cán bộ, tôi chỉ xin nêu ra vấn đề tư cách, nhân cách của họ trong đời thường.
Dư luận đang xôn xao vụ anh cán bộ UBND huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh, mà sao dạo này Hà Tĩnh được mùa tai tiếng thế) thản nhiên… bú tượng thiếu nữ tại khu du lịch ở Lâm Đồng giữa ban ngày ban mặt. Một việc mà ngay cả người dân bình thường, ít học cũng e ngại, không dám làm. Đành rằng con người ta “nhân vô thập toàn”, có những lúc nông nổi, thiếu suy nghĩ, có những ham muốn riêng tư vô tình bột phát, nhưng “vô tư” đến mức ấy thì quả là khó chấp nhận. Phông văn hóa quá mỏng. Nhân cách không bình thường. Nhân cách quan chức cán bộ lại càng không bình thường. Người có tư cách, kể cả lúc đùa cợt nhất, cũng không mấy ai làm thế. Một việc không thể làm, vậy mà vẫn diễn ra. Bảo rằng do say rượu thiếu tỉnh táo, chả nhẽ cứ đổ cho rượu là xong bởi rượu đâu biết cãi. Hay là cán bộ cho rằng mình là… cán bộ nên có quyền thực hiện tất cả mọi điều. Có điều luật nào cấm… bú tượng đâu. Vâng, pháp luật không cấm, nhưng đạo đức, nhân cách không cho phép. Tuyệt đối cấm.
Chả hiếm gì chuyện cán bộ quan chức thời nay cư xử lỗ mãng, nói tục văng mạng (mày tao với dân, chửi thề), hành vi cộc cằn thô lỗ khi làm việc với dân. Đã không biết gương mẫu, lại thiếu tu dưỡng rèn luyện, lại ảo tưởng về vai vế xã hội của mình, nhiều quan chức đã chủ động biến mình thành hình ảnh rất xấu, rất phản cảm về người cán bộ. Dân chúng, dư luận chỉ mong nếu họ còn muốn công tác, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân thì hãy mau tu tỉnh, ngồi cho chính ngôi, xây dựng nhân cách cán bộ cho đàng hoàng. Có thế thì dân mới tin, mới yêu, mới phục.
Nguyễn Thông
(Blog Nguyễn Thông)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét