Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016
Sẽ chấm dứt bao cấp các hội đoàn nhà nước?
VNTB- Sẽ chấm dứt bao cấp các hội đoàn nhà nước?
Reply
news
18.7.
Ngày 7/7/2016 đã diễn ra một cuộc hội thảo đáng chú ý liên quan đến “dự thảo Luật về hội đã được Chính phủ trình lên Quốc hội”, do Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.
Cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: hcma4.vn
VUSTA cũng thường được xem là một trong những tổ chức hội đoàn nhà nước chi xài ngân sách nhiều. Từ năm 2015, tổ chức này đươc Chính phủ chính thức giao cho nhiệm vụ tổ chức “diễn đàn phản biện”, nhưng cho tới nay vẫn hầu như chưa làm được gì.
Trong khi đó, báo chí nhà nước tỏ ra bức bối hơn hẳn với tình trạng các tổ chức hội đoàn “chỉ có ăn không có làm”. Báo Tuổi Trẻ rút tít: “Bầu sữa ngân sách” nuôi các hội đoàn đến bao giờ?”. Theo tờ báo này, Việt Nam đang có trên 52,000 hội đoàn, rất nhiều đang sống hoàn toàn bằng xin “bầu sữa ngân sách” hoặc sống một phần bằng tiền ngân sách.
Trong bối cảnh “ngân sách cực kỳ khó khăn” và bắt đầu xuất hiện những tin tức ngoài lề về việc đảng đã phải sử dụng đến “quỹ đen” (có thể là quỹ dự phòng), một triển vọng rất kém sán lạn là nhiều tổ chức hội đoàn nhà nước sẽ bị cắt giảm mạnh kinh phí hàng năm.
Trong cuộc hội thảo của VUSTA, một luồng đánh giá bất lợi của giới chuyên gia đã dành cho hội đoàn nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật về hội lần này đã không quy định về cơ chế, tiêu chí, điều kiện thành lập, phân bổ kinh phí, giám sát hoạt động của các hội đoàn đang được Nhà nước đảm bảo kinh phí.
Ông Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Chính sách pháp luật còn khẳng định hoàn toàn có thể xây dựng quy định mà qua đó có thể giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ bao cấp với hội. Theo ông này, ngay cả hội do đảng, nhà nước thành lập thì nguyên tắc kinh phí gắn liền với nhiệm vụ được giao sẽ giúp hạn chế lập hội và xin kinh phí tràn lan, giảm khả năng lãng phí, tham nhũng, hành chính hóa các hội...
Ở Việt Nam gần đây đã xuất hiện nhiều chỉ trích đối với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội lớn - còn có cách ví von như “cánh tay nối dài của đảng” - bao gồm các nhân tố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị - xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích.
Không phải “chỉ có” 14,000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị - xã hội như một số báo đài đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1.7% GDP của cả nước, tức tương đương hơn 71,000 tỷ đồng.
Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối: đã đến lúc các tổ chức chính trị - xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam - còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lê Dung / SBTN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét