Nhận xét về báo cáo của Chính phủ về thảm hoạ cá chết
Reply news
29.7.16
Danlambao - Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi báo cáo về vụ cá chết cho Quốc hội cho biết sẽ công bố đánh giá toàn bộ thiệt hại vào tháng 8. Điều này có nghĩa là chính phủ đã nhận bồi thường thiệt hại 500 triệu USD từ Formoma trong khi chưa nắm rõ mức độ thiệt hại của thảm hoạ môi trường.
Về lý do chậm trễ trong việc đưa ra kết luận thảm hoạ về môi trường, báo cáo lý giải rằng chậm trễ là do quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, bản báo cáo hoàn toàn không đề cập gì đến việc các quan chức lãnh đạo các Bộ ban ngành của chính phủ đã liên tục công bố sai trái về nguyên nhân cá chết (tảo nở hoa, thuỷ triều đỏ); những công bố này không những đã lừa dối người dân mà còn chạy tội cho Formosa trong khi - theo báo cáo - chính phủ "đấu tranh" với Formosa.
Kết quả của cuộc "đấu tranh" giữa một bên là chính phủ của một quốc gia, một bên chỉ là một công ty nước ngoài dẫn đến kết luận là Formosa thừa nhận vi phạm 53 sai phạm hành chính. Đây chỉ là những vi phạm "hành chính", hoàn toàn không có đề cập gì đến việc có hay không có những nỗ lực điều tra xem Formosa có những vi phạm hình sự hay không.
Báo cáo cũng không giải thích được vì sao Formosa chỉ trong giai đoạn chạy thử nghiệm mà có thể dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt - một hiện tượng mà bình thường một nhà máy thép đi vào hoạt động nếu có làm tổn hại môi trường cũng phải đến nhiều năm người ta mới khám phá ra hệ luỵ của nó.
Chính vì vậy mà báo cáo hoàn toàn không đả động gì đến số lượng và loại hoá chất độc hại mà Formosa đã thải ra trong mấy ngày. Đây mới là dữ kiện quan trọng nhất mà người dân muốn biết.
Về thiệt hại, bản báo cáo cho biết có khoảng 115 tấn cá chết không tính số chìm dưới đáy. 450 ha rạn san hộ bị tác động trực tiếp với 40-60% bị phá huỷ. 18.000 tàu thuyền với 41.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 4.000 tàu đang phải nằm bờ; trên 1.600 lồng nuôi cá bị chết; 10 ha cua, 5,7 ha tôm bị chết; 19.500 người buôn bán hải sản bị ảnh hưởng thu nhập. Báo cáo cũng nói đến thiệt hại về kỹ nghệ du lịch nhưng chỉ nói đến 4 tỉnh miền Trung trong đó lượng khách huỷ bỏ tour là 50%, Hà Tĩnh giảm khách xuống còn 10-20%.
Báo cáo này cũng hoàn toàn không đề cập đến nguyên nhân vì sao sau khi hiện tượng cá chết được phát hiện trên biển thì lại có hiện tượng cá chết trên nhiều sông hồ trải dài khắp 3 miền đất nước:
- 04.05.2016, sông Bưởi, Thanh Hoá;
- 05.05.2016, sông La Ngà, Đồng Nai;
- 05.05.2016, sông Lạch Bạng, Thanh Hoá;
- 09.05.2016, đảo Phú Quý, Bình Thuận;
- 15.05.2016, sông Bưởi tại Thanh Hoá;
- 17.05.2016, sông Hinh, Phú Yên;
- 17.05.2016, kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Sài Gòn;
- 08.06.2016, hồ Hoàng Cầu, Hà Nội;
- 10.06.2016, sông Thương, Bắc Giang;
- 13.06.2016, khu vực biển ở xã Xuân Phương (Sông Cầu), Phú Yên;
Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT, chính phủ lại sẽ công bố những thiệt hại một lần nữa vào đầu tháng 8 sau khi điều tra, đánh giá toàn diện.
Báo cáo này cũng đã cho biết "Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự cố gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân. Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Sự cố để lại hệ quả bất an trong xã hội, người dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản..." (1)
Trong khi chính báo cáo của phía chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận những bức xúc, bất an, giảm lòng tin của người dân như vậy thì:
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: "...sự cố hải sản chết bất thường ở một số tỉnh ven biển miền Trung; sự chống phá quyết liệt của các lực lượng thù địch... đã gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử..." (2)
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn gán ghép những công dân Việt Nam bày tỏ những bức xúc, bất an này là "thế lực thù địch":
Về việc truy xét trách nhiệm báo cáo cũng cho biết là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệmđối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong một thảm hoạ lớn lao như thế, với những tuyên bố và hành vi cố tình lừa bịp người dân trong cả tháng đầu sau khi cá chết, với nhiều chỉ dấu làm "sai quy trình" trầm trọng của cán bộ... chính phủ dự trù chỉ "kiểm điểm" và "làm rõ trách nhiệm"với những "thiếu sót"!?
Thêm về phần "thiếu sót" báo cáo thừa nhận "Chính phủ đánh giá thời gian quaViệt Nam đã quá coi trọng thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn. Trên thực tế có những sự cố môi trường đã xảy ra rất khó khắc phục hoặc không thể khắc phục nên Nhà nước cần thay đổi quan điểm trong vấn đề đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường."
Tuy nhiên chủ từ được dùng cho việc thừa nhận này không những không chính xác mà là một lối chạy trốn trách nhiệm xảo trá. Ở đây, kẻ chịu trách nhiệm lớn nhất là Chính phủ lại là người đánh giá và kẻ thiếu sót lại là "Việt Nam".
Báo cáo không nêu rõ sẽ "kiểm điểm" và "làm rõ trách nhiệm" của đối tượng... Việt Nam này ra sao. Trước mắt thì người ta thấy Võ Kim Cự đang được đưa ra làm con dê tế thần cho chủ trương "chọn thép thay vì chọn cá" trước đây của đảng.
29.07.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét