Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Kiến nghị QH 'bãi nhiệm' ông Võ Kim Cự


Kiến nghị QH 'bãi nhiệm' ông Võ Kim Cự

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 28 tháng 7 năm 2016 | 28.7.16


Một nhóm hoạt động vì môi trường tại Hà Nội gửi thư kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư tỉnh Hà Tĩnh.






Bản kiến nghị của nhóm Green Trees có đoạn viết:" Chúng tôi nhận thấy ông Võ Kim Cự với những sai phạm của mình không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và không thể làm đại biểu Quốc hội – người đại diện cho nhân dân.


Green Trees là tổ chức trước đây có tên là Nhóm Vì một Hà Nội Xanh, từng vận động bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nội.


Một số đại diện của nhóm ký tên gửi kiến nghị có nhà báo/nhà hoạt động Phạm Thị Đoan Trang, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, ông Trịnh Anh Tuấn.


Nhóm này gửi bản kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 vào ngày 27/7.


Ông Trịnh Anh Tuấn nói với BBC Tiếng Việt:


"Với tư cách công dân của chúng tôi, chúng tôi thực hiện các quyền hiến định của mình trên tư cách những người quan tâm đến tình hình xã hội, và quan tâm đến vụ việc Formosa xả thải vừa qua," ông Tuấn giải thích cho đơn kiến nghị mà mình có ký tên.


“Dù rằng chúng tôi được biết vừa qua ông Cự vừa được bầu vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhưng chúng tôi hi vọng rằng với vai trò và trách nhiệm của những người như bà Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và những người trong Ủy ban thường vụ, Quốc hội sẽ xem xét việc bãi nhiệm ông Cự,” ông Tuấn cho biết.


“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Ở đó không thể chứa chấp những người có hành vi vi phạm pháp luật một cách rõ ràng. Theo quan điểm của riêng chúng tôi thì ông là người không có đầy đủ sự tín nhiệm của người dân để giữ cương vị là đại biểu Quốc hội."


Thuê đất 70 năm


Trong những ngày qua, ông Võ Kim Cự bị báo chí tại Việt Nam chất vấn nhiều vấn đề, trong đó có việc cho phép công ty Formosa Hà Tĩnh thuê đất với thời hạn 70 năm, trong thời gian ông Cự là Phó chủ tịch Hà Tĩnh. Báo Tuổi Trẻ tường thuật ông Cự ‘ký văn bản số 858 gửi tập đoàn Formosa nêu rõ thời hạn cho thuê đất là 70 năm’.


Ông Võ Kim Cự trong trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ nói: “Tôi khẳng định tôi làm đúng, khi thẩm định dự án đều có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh… sau đó báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý để Hà Tĩnh được cấp phép”.


Sáng ngày 28/7, thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cũng bất ngờ phản pháo về điều mà họ nói là"nội dung thanh tra chính phủ nêu thiếu khách quan" trong vụ Formosa.


Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn nói với báo Tiền Phong trước khi cấp phép đầu tư cho Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 1125 xin ý kiến của 11 bộ, ngành liên quan. Trong văn bản này đã nêu rõ thời hạn đầu tư được tính 70 năm và thời gian cho thuê đất. “Tất cả 11 bộ, ngành đều có ý kiến góp ý và không bộ, ngành nào có ý kiến phản đối về thời hạn đầu tư," ý kiến của ông Huấn được Tiền Phong tường thuật.


Thảm họa cá chết xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung được chính phủ Việt Nam kết luận do chất thải từ công ty Formosa Hà Tĩnh xả ra biển


Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận xét với BBC rằng các câu trả lời của ông Võ Kim Cự là “không thật sự thỏa đáng”.


“Có thể ông Cự nói đúng là không ngờ được [hậu quả vụ xả thải] nhưng chuyện ông không ngờ được hậu họa không có nghĩa là ông được miễn trách nhiệm. Còn trên thực tế ông Võ Kim Cự đã từng là Trưởng ban điều hành khu công nghiệp thì ông cũng phải hiểu rõ. Thứ hai là ở cương vị của ông ông cũng phải tìm hiểu cho kỹ trước khi có quyết định đưa Formosa vào Hà Tĩnh,”cựu đại biểu Thuyết nhận định.


“Ông đưa lý do là không ngờ được ra, thứ hai là ông cũng đùn trách nhiệm cho người khác. Nhưng có những cái thanh tra chính phủ đã nói là không đúng rồi, ví dụ như là ông nói việc ông cho Formosa thuê đất tới 70 năm là đã có ý kiến của cả tám bộ, thì ý kiến đó đã bị thanh tra nhà nước bác bỏ rồi.


"Trách nhiệm cho Formosa thuê đất 70 năm trước hết là trách nhiệm của địa phương, mà khi đó là ông cự là người phụ trách. Sau này khi thanh tra chính phủ phát hiện ra yêu cầu xử lý, thì lúc đó Hà Tĩnh mới có công văn gửi Thủ tướng, thì thủ tướng chính phủ lúc đó mới căn cứ vào luật đầu tư tại thời điểm ấy mà quyết định đồng ý cho Formosa thuê đất 70 năm.”


'Đổ vấy cho tập thể'


Khi BBC hỏi về việc bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Minh Thuyết nói ông nghĩ trách nhiệm trong vụ Formosa “không phải là của mình ông Cự”.


“Nếu bây giờ dứt một mình ông Cự ra xử lý thì chỉ là một người thôi. Phải có một sự điều tra đánh giá tương đối toàn diện về tất cả tổ chức, cá nhân trong cái vụ việc mà đưa công ty Formosa vào Việt Nam với những ưu ái quá đáng, với sự lơi lỏng trong đánh giá tác động môi trường, với lơi lỏng trong giám sát môi trường và các sai phạm khác, khi đó mình mới có thể xem xét toàn diện.


"Đến lúc đó, nếu ông Võ Kim Cự có những trách nhiệm không thể thoái thác, không thể chối cãi thì lúc này mình đặt vấn đề xem xét tư cách đại biểu của ông vẫn kịp,” cựu đại biểu Thuyết nêu ra quan ngại của ông về việc xử lý này.


Có cùng suy nghĩ, ông Trịnh Anh Tuấn nói: “Trong một thể chế như ở Việt Nam, việc lôi một cá nhân ra buộc họ phải chịu trách nhiệm đã rất khó. Huống chi là lôi cả một tập thể mà tập thể này có vai trò và quyền lực rất lớn như vậy.


Biểu tình đã xảy ra ở nhiều nơi tại Việt Nam về việc đòi làm rõ trách nhiệm thảm họa môi trường


“Chúng tôi kỳ vọng ông Cự nếu bị xử lý thì sau này trở đi thì những người có nắm giữ những quyền và con dấu thì họ không thể có cách nào để miễn trừ trách nhiệm để đổ vấy cho tập thể được.


"Họ phải chịu trách nhiệm với chữ ký và con dấu của họ. Những chỉ đạo miệng hay ý kiến miệng sẽ không thể phổ biến như bây giờ. Các quan chức sẽ phải chịu trách nhiệm với con dấu và chữ ký của họ.”


Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết thời gian để xử lý một kiến nghị bãi nhiệm “không có quy định trong thời gian bao nhiêu nhưng thông thường việc trả lời kiến nghị người dân phải trong vòng một tháng”.


(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét