Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016
TỔ QUỐC ĂN NĂN
Luân Lê: TỔ QUỐC ĂN NĂN
Luân Lê
TỔ QUỐC ĂN NĂN
Bạn có thể có một cuộc đời êm ấm, nhung lụa, với nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, bạn có những tài khoản ngân hàng nhiều tiền, và bên cạnh bạn lại có vài người thân hay bạn bè của bạn cũng như vậy, nhưng hãy đưa mắt ra xa để nhìn vào cuộc sống rộng lớn ngoài kia, nhìn vào những mảnh đời bão tố lênh đênh chỉ cách vài bước chân hoặc có thể hiển hiện ngay trước cánh cổng hay góc phố nhà bạn đang ở. Tôi nghĩ đó là phần đông của xã hội hôm nay mà họ đang sống trong những tình cảnh đó.
Đó chính là: Nghèo nàn và lạc hậu. Đói kém và thiếu hiểu biết. Vô cảm và vắng tình người. Áp đặt và đầy định kiến ác cảm. Gian trá có thừa nhưng niềm tin lại trống rỗng.
Bạn có thể làm từ thiện để cứu giúp những con người cụ thể, bạn có thể bớt chút khẩu phần để cho những người nghèo đói, bạn có thể trang trải chi phí cho những bệnh nhân vô gia cư hay không có tiền để trả, bạn có thể bố thí chút vật chất cho người khổ hạnh bắt gặp đâu đó, bạn có thể quyên góp cho những chương trình từ thiện nhiều nơi. Nhưng có khi nào bạn nghĩ, thay vì đi giải quyết hậu quả, bạn sẽ tạo nên những cơ hội cho những con người không còn rơi vào cảnh đó nữa không?
Vì thế, tốt hơn tất cả là hãy tạo ra một xã hội mà ở đó con người ta có đủ bệnh viện để được đến điều trị, có thể là miễn phí và với những bác sỹ không bao giờ nghĩ đến phong bì khi gặp bệnh nhân.
Tạo ra xã hội mà người đi học sẽ không phải lo tiền học phí tăng cao, có hộ khẩu thành phố mới vào được trường công, phải lo lắng bị soi xét, đánh giá về hạnh kiểm, về những tấm giấy khen vô bổ cuối năm, về những thành tích hão huyền hay những kỳ thi căng thẳng mệt nhọc, và học sinh luôn được tôn trọng mà sẵn sàng đứng dậy chỉ ra rằng sách hoặc thày cô đang dạy là không đúng.
Tạo ra xã hội mà con người đi ra đường không sợ tai nạn giao thông rình rập, không sợ bị thổi còi, dừng xe và nộp phạt vô cớ, không sợ bị hạch sách, nhũng nhiễu khi đến cửa quyền, kiện tụng.
Tạo ra xã hội mà con người ta không thể và không dám tẩm hoá chất độc hại vào thực phẩm để bán ra thị trường, không thể làm ăn bát nháo, lươn lẹo, lừa lọc hay bất chấp tất cả hậu quả mà chạy theo lợi nhuận, kể cả là tàn phá môi trường, nhân cách con người.
Tạo ra xã hội mà quan chức phải lo lắng cho vận mệnh người dân, phải biết cúi đầu xin lỗi và nhận trách nhiệm, phải từ chức nếu không tròn nghĩa vụ, chứ không có chuyện chửi tục, văng bậy khi dân gọi điện chất vấn hay nhởn nhơ trong thinh lặng rồi qua chuyện là xong.
Tạo ra xã hội mà trẻ em không phải đi biểu tình để đòi biển sạch hay được đến trường, mà nếu có đến trường cũng không phải lo chuyện học thêm, không còn định hướng hay áp đặt tư tưởng giáo điều và lạc hậu, không phải lo cha mẹ bắt ép học hành ngày đêm để được điểm cao hay được thày cô khen ngợi.
Tạo ra xã hội mà những vùng sâu, vùng xa được xây trường học, bệnh viện để cứu người thiết thực chứ không phải những dự án đình chùa, miếu mão hay tượng đài nghìn tỷ chỉ để ngắm nhìn rồi thôi. Tạo ra xã hội mà làm ăn tắc trách khiến người khác cắt chân phải đi tù chứ không còn thứ quy trình ma quái nào được viện dẫn ra mà bao che nữa, hay nếu có làm ăn thất thoát hoặc tham nhũng phải bắt nhốt, thậm chí tử hình chứ không thể chỉ rút kinh nghiệm mà lại lên chức cao hơn như lẽ hiển nhiên cố hữu.
Tạo xã hội mà người dân bức xúc, không đồng thuận với chính phủ thì có thể xuống đường biểu tình theo đúng Hiến pháp và đúng với ý chí cũng như mong muốn thực sự của mình, chứ không phải lo sợ sẽ bị đánh đập, bắt giữ trái pháp luật hay sợ sệt một thứ quyền lực vô hình nào đó bị tuyên truyền ngược lại.
Tạo ra xã hội mà bạn không còn phải thấy những cảnh người ta lê lết ngoài đường ăn xin, thỉnh thoảng lại thấy đăng tin tìm nhà hảo tâm trợ giúp, hay những trẻ em lang thang khắp mọi nẻo đường, ngõ phố kiếm ăn, những cụ già bơ vơ, bị bạc đãi, những đôi vợ chồng đánh chửi nhau như những kẻ thù hằn hay những đứa trẻ bị bạo hành, bỏ xó cuộc đời và tương lai vào những tăm tối.
Tạo ra xã hội mà nếu bạn muốn, bạn có thể thành lập bất kỳ một đảng phái nào để làm chính trị hay kiểm soát nhà nước mà mình đóng tiền thuế hàng ngày để nuôi nó. Tạo ra xã hội mà chỉ cần chạy chọt, xin việc hay quan hệ để kiếm chác, vây cánh sẽ bị trừng trị và xử lý nghiêm minh chứ không phải thành những mảng bám che lấp và làm đảo lộn mọi giá trị trong xã hội nữa. Tạo ra xã hội mà không phải nịnh bợ, xảo ngôn, bán rẻ lương tâm, nhân cách để tiến thân hay trục lợi. Tạo ra xã hội mà ai cũng có thể được bầu cử, được ứng cử với một cơ chế minh bạch, dân chủ mà không bị đấu tố bởi những tư tưởng hủ bại, đểu cáng, bẩn thỉu nữa.
Bạn cũng như tôi, kiếm bao nhiêu tiền cũng được, bao nhiêu vật chất cũng được, vị trí ra sao cũng được, nhưng rồi tôi với bạn đều như nhau, đó là sẽ chết vào một ngày nào đó, và chúng ta chỉ còn khác nhau duy nhất ở mỗi cách sống với cuộc đời chứ không phải như chú Thạch Sùng nhục nhã. Nên đừng bận tâm nấm mộ của mình sẽ được xây cất khang trang trên mảnh đất rộng lớn hoặc sẽ nằm nơi đồng lạnh hoang vắng hay không. Lúc đó không quan trọng nữa, nên đừng cố tranh giành hay phải ấn định nó trở thành một sự ưu ái cho bất kỳ ai. Thân xác mất rồi, cái còn lại là danh và tiếng chứ không phải mộ phần bằng đất, gạch đè lên xương cốt.
Đừng tích luỹ vật chất, bởi nó đồng nghĩa với keo kiệt lòng tốt của mình.
Vì vậy, khi sống, hãy nhìn vào những phần còn lại của cuộc đời, vốn rất rộng lớn và luôn cần sự trợ giúp và chia sẻ, để làm người tốt, có lương tri, chứ đừng vị kỷ hưởng thụ đời mình. Như thế, quả thực là vô nghĩa lắm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét