Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Thủ tướng Phúc có dám thu hồi giấy phép của Hưng Thịnh Formosa?


VNTB- Thủ tướng Phúc có dám thu hồi giấy phép của Hưng Thịnh Formosa?
Reply
opposite, Thủ tướng Phúc có dám thu hồi giấy phép của Hưng Thịnh Formosa?, Trần Thành, VNTB
14.7.16
Trần Thành


(VNTB) - “Khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Thủ tướng chính phủ sẽ quyết định ngừng một phần, hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư, trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.



Tháng Tư cá chết: Tổng bí thư Trọng "thăm và kiểm tra" Formosa.


Làn sóng người dân yêu cầu đóng cửa Formosa Hà Tĩnh (công ty Hưng Thịnh Formosa) là hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống luật pháp liên quan đều đã có thể thu hồi giấy phép đã cấp cho công ty Hưng Thịnh Formosa, và mọi thiệt hại phát sinh từ chuyện gây ô nhiễm, Formosa phải tiếp tục gánh chịu kể cả sau khi không còn hoạt động tại Việt Nam.


Luật Đầu tư, Điều 47: Thủ tướng có quyền thu hồi giấy phép đầu tư
Theo đó, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Thủ tướng chính phủ sẽ quyết định ngừng một phần, hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư, trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. (Điều 47.3, Luật Đầu tư năm 2014)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có thể yêu cầu Thủ tướng rút giấy phép đầu tư của Hưng Thịnh Formosa với lý do “khắc phục vi phạm môi trường”, quy định tại Điều 47.2.b, Luật Đầu tư 2014.
“Vụ việc Formosa bước đầu giải quyết tốt nhưng vẫn còn tiềm ẩn sâu xa nhiều vấn đề lâu dài trong đó có vấn đề Quốc phòng - An ninh”. Đó là nhận định của đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) tại phiên họp sáng ngày 11-7, của Ủy ban Thường vụ QH.
“Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng - an ninh”, ông Đỗ Bá Tỵ nhận định.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ QH sáng 11-7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc. “Formosa có 6 nhà thầu nước ngoài, liên quan việc chuyển giao công nghệ, lắp đặt thiết bị, cho đến vận hành hệ thống nước thải. Các nhà thầu này hầu hết là của Trung Quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính. Trong đó liên quan đến cả những quá trình như thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, kể cả những vấn đề qua thử nghiệm chúng ta phát hiện sự cố liên quan đến việc triển khai hệ thống xử lý chưa đúng quy chuẩn, quy định của pháp luật, của cơ quan quản lý”.
Vẫn theo bộ trưởng Hà, “trong 53 hành vi đó thì đặc biệt có một hành vi là tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (có nghĩa là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải). Đây là việc họ tự ý điều chỉnh, tuy nhiên việc thay đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường vừa rồi. Hiện nay, Formosa đang trong quá trình chạy thử. Phải nói rằng nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất đó là lò luyện cốc. Tại đấy nguồn nước thải ra được xử lý tại trạm sinh hóa. Cho đến nay mới chạy ¼ công suất”.


Có thể tịch thu tài sản của Formosa Hà Tĩnh?
Tình huống pháp lý này đã được PGS.TS. Trần Việt Dũng, cố vấn pháp lý Victory LLC (tổ chức mạng lưới các hãng luật cộng sự tại các thành phố lớn của Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Phan Thiết, Nha Trang và Đà Nẵng; văn phòng tại số 04 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM) đặt ra.
Theo phân tích của PGS.TS. Trần Việt Dũng, trong đầu tư quốc tế, truất hữu (expropriation) được hiểu là việc nhà nước tước quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) dưới các hình thức khác nhau như trực tiếp tịch thu tài sản - “truất hữu trực tiếp” hoặc thông qua các quy định pháp luật hoặc các biện pháp hành chính (ví dụ như phạt tiền, tăng thuế, buộc tái đầu tư...) gián tiếp làm NĐTNN bị mất một phần hoặc toàn bộ tài sản và/hoặc lợi ích kinh tế của dự án đầu tư - “truất hữu gián tiếp”.
Về lý thuyết, nguyên tắc chủ quyền quốc gia cho phép nhà nước được toàn quyền quản lý và định đoạt các tài sản, tài nguyên trên lãnh thổ của mình và không bị ai xét xử. Trên thực tế, để thu hút vốn đầu nước ngoài, các nước thường phải ký kết các điều ước quốc tế về bảo hộ đầu tư trong đó cam kết không tiến hành quốc hữu hóa, truất hữu tài sản của NĐTNN và sẽ phải bồi thường nếu biện pháp truất hữu bị coi là bất hợp pháp theo quy định của luật quốc tế, cũng như chấp nhận từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp.
“Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chúng ta đã ký kết hơn 60 hiệp định đầu tư song phương (BIT). Đây là cơ sở để các NĐTNN có thể trực tiếp kiện Nhà nước Việt Nam ra cơ quan tài phán quốc tế (thông thường là trọng tài) để bảo vệ các quyền lợi kinh tế mà họ cho là bị mất mát do các biện pháp của Nhà nước.
Nói cách khác, bất kỳ biện pháp hành chính hay pháp lý nào của Nhà nước Việt Nam cho dù là phù hợp với quy định của luật quốc gia, nhưng không phù hợp với các điều kiện do BIT quy định vẫn sẽ có thể bị NĐTNN thách thức theo thủ tục pháp lý quốc tế”. PGS.TS. Trần Việt Dũng nói, và cho rằng khi xem xét vấn đề này, cần nhận thức rằng luật quốc tế không hoàn toàn “cấm” nhà nước thực hiện truất hữu tài sản của NĐTNN.
Biện pháp truất hữu (cho dù là gián tiếp hay trực tiếp) sẽ được coi là hợp pháp khi đảm bảo được bốn yếu tố sau: (a) nhằm phục vụ lợi ích công cộng; (b) được thực hiện một cách không phân biệt đối xử; (c) được thực hiện theo thủ tục luật định; (d) có thực hiện bồi thường cho đối tượng bị truất hữu tài sản.
Những yếu tố này sẽ quyết định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế. Ở đây, ngoài việc chứng minh mục đích của quy định pháp luật hoặc biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước là hướng tới lợi ích công cộng, tức là bảo vệ môi trường (có những bằng chứng khoa học chính xác và đầy đủ), vấn đề bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư và quy trình thủ tục áp dụng theo luật định là hai điều kiện mang tính định lượng phải được bảo đảm.

Với yếu tố cuối cùng, mặc dù, về nguyên tắc nhà nước được mong chờ sẽ phải thực hiện bồi thường đối với truất hữu, luật quốc tế cũng chấp nhận nhà nước không phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại kinh tế là hậu quả của “quy định ngay tình” thuộc thẩm quyền giám sát đặc biệt của nhà nước (như bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, các tài nguyên có thể bị cạn kiệt...). Vấn đề này được cổ súy trong luật quốc tế về bảo vệ môi trường. Luật môi trường quốc tế trong hơn hai thập niên trở lại đây đã hình thành nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả hết” - tức là ai gây ra ô nhiễm môi trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu toàn bộ các chi phí để bảo vệ và khôi phục môi trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét