Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016
PCA – Formosa – Falun Gong & Hơn Thế nữa
Nguyễn Quang Dy: PCA – Formosa – Falun Gong & Hơn Thế nữa
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2016 | 15.7.16
Lời bình của Kỳ Duyên: Tác giả Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho Blog KD/KD bài viết phân tích sâu sắc với cái nhìn toàn cục về TQ thông qua một loạt sự kiện trong và ngoài nước từ Phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA), thảm họa Formosa đến Pháp Luân Công. Để hình dung một TQ với sức mạnh tàn bạo nhưng cũng có không ít tử huyệt.
.Cảm ơn anh Nguyễn Quang Dy
Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: PCA
Lúc này, chỉ có hai câu chuyện làm người ta quan tâm nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) và thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nó làm người ta tốn nhiều thời gian vì đọc không xuể thông tin (như lạc vào rừng rậm Amazon). Cả hai câu chuyện này đều liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc. Còn câu chuyện thứ ba cũng liên quan đến Trung Quốc là tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công (Falun Gong).
PCA & cái bẫy Biển Đông
Ngày 12/7 đã đến và trôi qua, nhưng dư chấn về phán quyết của PCA vẫn còn nóng hổi. Tuy phán quyết của PCA không có giá trị cưỡng chế đối với Trung Quốc, nhưng nó như một cái tát pháp lý và truyền thông làm Bắc Kinh đau điếng, mà không làm gì được. Bắc Kinh chỉ có thể bịt được miệng người dân trong nước bằng kiểm duyệt, nhưng không thể bịt được thông tin Internet và truyền thông trực tuyến. Tập Cận Bình đã mất bao công sức để củng cố và thao túng quyền lực tuyệt đối như một vị “hoàng đế đỏ” (không khác gì Mao), nhưng cái tát của PCA làm ông ta mất mặt với quốc tế và quốc dân. Đó là “sự sỉ nhục quốc gia” (national humiliation) như Bill Hayton mô tả (National Interest, 12/7/2016).
Phán quyết của PCA bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc vì “không có cơ sở pháp lý” và khẳng định Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” tại với Biển Đông. Theo Bill Hayton, đoạn 270 trong Phán quyết nói rõ nhất, “Tòa Trọng tài không tìm thấy một dấu hiệu nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã quy định hay kiểm soát việc đánh cá ở Biển Đông…” Điều đó có nghĩa Việt Nam có thể kiện đòi lại những đảo tại Trường Sa và Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cướp (như quyền hồi tố).
Tuy trước mắt, phán quyết của PCA bị một hạn chế lớn là không thay đổi được nguyên trạng do Trung Quốc áp đăt như “việc đã rồi”, nhưng đây là một bước ngoăt lịch sử có ý nghĩa chiến lược đối với tương lai Biển Đông. Nó làm thay đổi cơ bản quan hệ quốc tế của Trung Quốc không những đối với các nước láng giềng, mà còn đối với Mỹ và các cường quốc khác, để thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải. Phán quyết của PCA là cơ sở công pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông (không còn như trước nữa).
Lãnh đạo Trung Quốc thường hay nhắc người khác rằng “Trung Quốc là một nước lớn” (như sợ người khác không biết họ là nước lớn). Đó là một ám ảnh về tâm thức (inferiority complex) làm cho họ ngạo mạn và thích bắt nạt người khác, với một thái độ bề trên, nhưng lại lo mất thể diện. Phán quyết của PCA đã làm lãnh đạo Trung Quốc mất mặt, không những đối với quốc tế, mà còn đối với trong nước, dù họ ra sức bưng bít thông tin. Tập Cận Bình muốn người dân Trung Quốc thần phục ông ta như một vị “hoàng đế đỏ” đầy quyền uy hoặc “Xi Dada” đầy mị dân. Khi hoàng đế bị PCA làm mất mặt thì tất nhiên phải nổi giận lôi đình và tỏ ra cứng rắn để thị uy, không chỉ với quốc tế mà còn với quốc nội (quan trọng hơn).
Vì vậy, không ngạc nhiên khi Tập Cận Bình chỉ thị cho quân đội “sẵn sàng chiến đấu” và nâng mức báo động lên cấp 1 và cấp 2. Nhưng chiến đấu với ai? Có lẽ đây là một phản ứng tất nhiên theo chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanchip) và trò chơi “cờ vây” để hù dọa thiên hạ, và bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn. Có lẽ Trung Quốc biết thừa rằng Mỹ tăng cường lực lượng tại Biển Đông và tiến hành tập trận chung để răn đe, nhưng Nhà Trắng không muốn đối đầu với Trung Quốc. Quân sự hóa và tập trận tại Biển Đông là một trò chơi của các nước lớn để thử gân nhau, và đối phó với các vấn đề nội bộ (là chính).
Biển Đông là ván bài lớn của Tập Cận Bình, để củng cố quyền lực độc tôn (bên trong) và triển khai chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” đầy tham vọng (bên ngoài) nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” của ông ta. Nhưng quan trọng hơn là Tập Cận Bình muốn dùng mục tiêu đối ngoại này để phục vụ mục tiêu đối nội, là duy trì nguyên trạng chế độ. Vì vậy, phải kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của dân chúng (để “rửa mối hận lịch sử”) nhằm thuyết phục dân chúng ủng hộ ông ta, trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế và chính trị. Ông ta thậm chí sẵn sàng bắt chước Mao, để thuyết phục dân chúng nghe theo. Tập trung Quyền lực tuyệt đối (và bằng mọi giá) là ưu tiên số một của Tập Cận Bình. Vì vậy, PCA làm bộc lộ lỗ hổng quyền lực của Tập Cận Bình, không như “hoàng đế” mong muốn.
Biển Đông là cái bẫy và con dao hai lưỡi đối với Tập Cận Bình. Phán quyết của PCA đe dọa lật tẩy Tập Cận Bình, vì lâu nay ông ta nói dối người dân Trung Quốc là có chính nghĩa, được quốc tế ủng hộ. Tại sao Bắc Kinh phải nói dối là có 60 nước ủng hộ Trung Quốc, trong khi chỉ có 8 nước (chủ yếu là mấy nước nhỏ tận Châu Phi) lên tiếng ủng hộ? Tại sao Bắc Kinh lo ngại về phán quyết của PCA, mặc dù lớn tiếng tuyên bố bất chấp? Tuy Trung Quốc ráo riết xây đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông, công khai thách thức Mỹ, họ không muốn đối đầu với Mỹ (mà chỉ muốn ăn chia kiểu nước lớn). Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” và trò chơi “cờ vây” để gậm dần Biển Đông bằng “lát cắt salami” theo “đường chín đoạn”, coi Biển Đông như cái ao riêng, đang bị Mỹ và PCA lật tẩy và ngăn chặn.
Biển Đông như cái thùng không đáy khổng lồ để Trung Quốc phung phí tiền của xây “Vạn lý Trường thành trên cát”. Nếu ý đồ độc chiếm Biển Đông bằng “đường chín đoạn” thất bại, thì đây có thể là nơi chôn vùi “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Biển Đông có thể làm trung Quốc kiệt quệ về tài chính. Riêng dàn khoan HD981 khi cắm tại Biển Đông phải chi mất hơn một triệu USD/ngày, trong hơn hai tháng (5-7/2014) đã mất gần 70 triệu USD. Việc bồi đắp và xây cất các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo rất tốn kém. Việc duy trì hoạt động quân sự còn tốn kém hơn. Chạy đua vũ trang là một trò chơi tốn kém và nguy hiểm, nhất là khi kinh tế suy thoái và dự trữ ngoại tệ bị chảy ra ngoài với tốc độ hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Một trong những lý do làm Liên Xô sụp đổ là vì chạy đua vũ trang với Mỹ.
Trung Quốc ráo riết phân hóa ASEAN (chia để trị), bằng củ cà rốt (dùng tiền để mua chuộc) và cái gậy (dùng sức mạnh để bắt nạt và ức hiếp), nên đã dồn Việt Nam vào ngõ cụt, buộc phải xích lại gần Mỹ để thoát hiểm. Thái độ nước lớn đầy ngạo mạn của Trung Quốc cũng phản tác dụng đối với một số nước ASEAN khác (như Miến Điện, Indonesia, Singapore và Malaysia, v.v). Tuy ASEAN bị phân hóa, nhưng Trung Quốc cũng bị cô lập. Phán quyết của PCA tuy không có giá trị cưỡng chế, nhưng có giá trị phân hóa thái độ các nước đối với Trung Quốc (kể cả các nước trong khối NATO) làm Trung quốc càng bị cô lập và mất mặt.
Một mặt trận bao vây và kiềm chế Trung quốc trong khuôn khổ một cơ chế an ninh tập thể mới đang hình thành tại Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, với vai trò đứng đầu là Mỹ và Nhật, để đối trọng lại với thách thức của Trung Quốc, theo hướng “xoay trục” (hay “tái cân bằng”). Cuộc tập trận chung gần đây gồm ba cường quốc Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ (“Tam cường”) là một bước tiến theo hướng đó. Nếu Úc quyết định tham gia tập trận chung trong khuôn khổ an ninh tập thể mới này, thì cơ chế an ninh đó sẽ trở thành “Tứ Cường”.
Dù có thái độ cứng rắn và hung hăng đến đâu, khó có khả năng Trung quốc sẽ liều lĩnh gây ra sự cố để làm hỏng hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 9/2016. Nhưng trong tương lai gần, cũng khó có khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách mềm mỏng hơn theo hướng chấp nhận những tiêu chí của luật quốc tế. Theo Bill Hayton, Trung Quốc như một chiếc tàu chở dầu khổng lồ chạy chậm, không dễ đổi hướng, nhưng có dấu hiệu mũi tầu đang quay dần về phía luật quốc tế. Trong khi chờ đợi, các nước không nên có hành động khiêu khích hoặc sỉ nhục Trung Quốc. Đô đốc Dennis Blair (nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương) cũng cho rằng có những phe phái trong nội bộ Trung Quốc không muốn hung hăng và có dấu hiệu muốn hòa hoãn, tuy vẫn phải tuyên bố cứng rắn.
Formosa & hệ quả không định trước
Nếu sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông là cú sốc đối với Hà Nội và là bước ngoặt lớn thứ nhất đối với Quan hệ Trung-Việt, xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ, thì sự kiện Formosa (và bàn tay nhà thầu Trung Quốc phía sau) gây ra thảm họa môi trường tại Vũng Áng và các tỉnh miền Trung là bước ngoặt lớn thứ hai, buộc người Việt Nam phải “thoát Trung” (như một hệ quả không định trước).
Hầu hết các nhà khoa học và giới nghiên cứu (trong và ngoài nước) đều cho rằng dự án Formosa “lợi bất cập hại”, và là một “tử huyệt” của Việt Nam. Nó không những gây ra một thảm họa môi trường lớn, mà còn có thể gây ra một thảm họa lớn về an ninh quốc phòng. Nó đang làm cho kinh tế suy thoái nhanh hơn, và làm cho chính trị phân hóa mạnh hơn, trong khi lỗ hổng về an ninh và quốc phòng ngày càng lớn và nguy hiểm hơn.
Nếu nhìn lại, Formosa có mấy đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, dự án Formosa tại Vũng Áng bao gồm nhà máy thép (China Steel là chính) và cảng Sơn Dương (chưa biết ai là chính!) có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà cả về chiến lược. Phải chăng vì “nhạy cảm” nên ít người nói đến ý nghĩa chiến lược của Sơn Dương và Đèo Ngang trong “dự án kép” này. Chẳng lẽ các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự lại phớt lờ, trong khi quan hệ Viêt-Trung đầy bất ổn và Biển Đông như thùng thuốc súng? Vì vậy, không ngạc nhiên khi Đại tướng Đỗ Bá Tỵ (nguyên tổng tham mưu trưởng, nay là phó chủ tịch Quốc hội) phát biểu tại Quốc hội (11/7/2016), “vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài…không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng an ninh…”
Thứ hai, dự án Formosa tại Vũng Áng có hai ông chủ lớn liên kết chặt chẽ để chống lưng cho nhau (như “cặp bài trùng”) là Formosa và MCC (tổng thầu Trung Quốc) là tập đoàn nhà nước có thế lực mạnh, được Đảng & Chính phủ TQ chống lưng (và chỉ đạo?);
Thứ ba, Formosa là tập đoàn Đài Loan có lý lịch bất hảo, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều nơi (Đài Loan, Campuchia, và Mỹ…) nên đã được một tổ chức quốc tế tặng giải “hành tinh đen”. Trong khi Formosa bị người Đài Loan và một số nước khác tẩy chay, thì một số người Việt Nam lại ưu ái rước về (một cách bất minh).
Thứ tư, không có ai ngu xuẩn đầu tư quá lớn (10 tỷ USD cho giai đoạn đầu) vào một dự án thép khủng (7,5 triệu tấn thép/năm cho giai đoạn đầu) đúng lúc thị trường thép suy thoái (giá đã giảm 200%), nếu họ không đánh đổi lại bằng những lợi ích khác to lớn hơn để bù lại (như ưu đãi về giá đất, thuế và thời gian thuê (70 năm), về cơ hội giảm chi phí bằng công nghệ thấp và hệ thống xử lý chất thải dưới chuẩn, và những lợi ích chiến lược “khó nói”!
Thứ năm, có lẽ vì thế mà Formosa đã được một số lãnh đạo Việt Nam (đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh) chống lưng và “bảo kê” như lợi ích nhóm (hoặc thế giới ngầm). Thế lực này rất mạnh, nên những ý kiến phản biện của các nhà khoa học và quan chức có hiểu biết đều bị vô hiệu hóa (giống như trường hợp hai dự án khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên).
Phải làm rõ nguyên nhân và bối cảnh như trên, thì mới có thể lý giải và hiểu được tại sao lại xảy ra thảm họa môi trường (và khủng hoảng xã hội) như vừa qua. Tại sao phải mất gần ba tháng Chính phủ Việt Nam mới “điều tra” xong và công bố nguyên nhân và thủ phạm (mà ai cũng đã biết), và chủ đầu tư (Formosa) mới chịu thú nhận, nhưng lại đổ lỗi cho nhà thầu, với lý do bị mất điện 5 ngày (đến trẻ con cũng khó chấp nhận được). Nhưng dù sao, trong bối cảnh “nhạy cảm”, đó là một cố gắng lớn của Chính phủ Việt Nam.
So với tội ác hủy diệt người dân Trung Quốc theo Pháp Luân Công thì tội ác hủy diệt môi trường sống của ngư dân Việt Nam cũng đều là diệt chủng. Liệu Formosa hoặc nhà thầu vô tình hay cố ý? Có nhiều lý do để các nhà khoa học nghi ngờ. Nhà máy thép Formosa Vũng Áng mới “vận hành chạy thử” (commissionning) thì tại sao lại có quá nhiều dung dịch Cynide và Phenol như vậy? Liệu có khả năng sau mấy vụ nổ lớn ở Thiên Tân (năm 2015), Trung Quốc đã thuê Formosa tìm cách tiêu hủy dùm những hóa chất độc của các nhà máy hóa chất Trung Quốc, và Formosa đã đưa nó sang Vũng Áng để xả ra biển? Sự cố mất điện 5 ngày tại bộ phận xử lý chất thải là một điều vô lý đáng ngờ. Phải chăng việc này có “lợi ích kép” là vừa tẩu tán được một số hóa chất độc hại cho Trung Quốc, vừa hủy diệt môi trường biển để ngư dân Việt Nam hết đường sinh sống, buộc phải bỏ ngỏ Biển Đông cho Trung Quốc.
Ông Hà Ngọc Chiến (chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội) nhận xét, “Đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh…Sau khi nhà đầu tư được cấp phép thì các yêu sách cũng được đáp ứng rất nhanh và cuối cùng hậu quả thảm họa cũng đến rất nhanh…”. Theo ông Chiến, “Formosa Hà Tĩnh là con ngựa thành Troy của Trung Quốc, được phép hoạt động siêu tốc…nên con ngựa Formosa mới thản nhiên thải ra các thứ hóa chất siêu độc…”
Tiếp theo thảm họa môi trường biển tại Vũng Áng và 4 tỉnh miền Trung, là một loạt sự cố môi trường bí ẩn làm cá chết hàng loạt tại nhiều sông hồ ở Việt Nam như sông Bưởi và Lạch Bang (Thanh Hóa), sông La Ngà (Đồng Nai), sông Hinh (Phú Yên), sông Thương (Bắc Giang), đảo Phú Quý (Bình thuận), kênh Nhiêu Lộc (Sài Gòn), hồ Hoàng Cầu (Hà Nội). Đây là một hiện tượng khác thường do con người gây ra chứ không phải do thiên nhiên. Trong khi sông MeKong bị bức tử bởi các đập thủy điện của TQ trên thượng nguồn, gây ra hạn hán tại đồng bằng Nam Bộ, thì người ta còn định làm các dự án thủy điện trên sông Hồng (mà chắc các nhà thầu TQ sẽ nhảy vào), có thể gây ra thảm họa môi trường tại Bắc Bộ.
Trong bối cảnh đó, việc khắc phục thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra hầu như là vô vọng, vì những lý do mà chắc ai cũng biết:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam thỏa thuận nhận 500 ngàn USD của Formosa để “phạt cho tồn tại” với lý do “khoan hồng” và “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, vì Formosa đã hứa “bằng cả trái tim”. Không phải Chính phủ Việt Nam dễ tin lời họ (vì cả hai đều có lý do nói dối) mà chẳng qua đây là một chiến thuật quen thuộc để hai bên hợp thức hóa nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường, để cùng trục lợi. Có người nói Viêt Nam là “cổ đông không góp vốn”. Phải chăng Chính phủ VN đã chấp nhận “chọn thép bỏ cá” (từ bỏ chủ quyền), nên bây giờ “há miệng mắc quai”, cho nên “đâm lao phải theo lao”?
Thứ hai, dự án Formosa tại Vũng Áng có 15 nhà thầu Trung Quốc, với hơn 4.000 công nhân Trung Quốc mà đa số “làm chui”, không đăng ký, không biết nguồn gốc, chính quyền và “cơ quan chức năng” bất lực nên lờ đi vì không quản lý nổi. Thật trớ trêu là trước đây (1979-1980), Việt Nam đã có chủ trương cực đoan là trục xuất tất cả Hoa Kiều (gọi là “nạn kiều”) vì lý do an ninh (sợ “đội quân thứ năm”). Mao đã từng nói với Lê Duẩn là ông ta sẽ chỉ huy 50 triệu bần nông Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Nay họ làm thật.
Thứ ba, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (11/7/2016) Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà thừa nhận việc xả thải chất độc ra biển của Formosa là do các nhà thầu Trung Quốc, “việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải hầu hầu hết đều là nhà thầu của Trung quốc”. Trong khi cả nhà máy có điện, chỉ có hệ thống kiểm soát và thanh lọc những hóa chất độc hại trong nước thải là mất điện. Rõ ràng việc xả thải hóa chất độc hại ra biển là có chủ ý. Một dự án thép đầu tư hơn 10 tỷ USD mà giải thích bộ phận thanh lọc hóa chất độc hại bị mất điện trong “một số ngày” là điều vô lý. Một nhà khoa học môi trường (tiến sỹ Tô Văn Trường) nói, “Tôi vẫn thiên về nguyên nhân thủ phạm là do Formosa cố ý (đặc biệt là lỗi nhà thầu phụ Trung Quốc) chứ không phải là sự cố. Đừng quên Formosa đã bị tai tiếng rất nhiều vì tội hủy hoại môi trường…”
Ông Hà Ngọc Chiến cũng khẳng định, “Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục”. Nhưng làm rõ như thế nào, và khắc phục như thế nào, nếu đây là một “liên minh ma quỷ” giữa chủ đầu tư (Đài Loan) với nhà thầu chính (Trung Quốc) và các nhà thầu phụ (Trung quốc/Việt Nam) được các quan tham địa phương (Hà Tĩnh) bảo kê, trên cơ sở lợi ích bất minh.
Như để minh họa, chiều 11/7/2016, một đoàn kiểm tra liên nghành (gồm phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm Môi trường, thanh tra Sở TN-MT, Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật Môi trường, Công an Thị xã Kỳ Anh) đã bắt quả tang một đoàn xe tải của Formosa chở chất thải công nghiệp đến chôn lấp trộm tại một trang trại bí ẩn của giám đốc Công ty Môi trường tại Kỳ Anh (ông Lê Quang Hà), tại đầu nguồn sông Trí, gần một đập tràn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân địa phương. Hàng ngàn M3 rác thải công nghiệp đã chôn tại đây. Một cán bộ công tác tại Formosa Hà Tĩnh thừa nhận, “đây là chất thải kim loại nặng, được lắng đọng sau quá trình xử lý nước thải…”. Chắc đây không phải lần đầu hay lần cuối.
Như vậy thì làm sao người dân Việt Nam có thể tin được lời hứa (với cả trái tim) của ông chủ tịch Formosa trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam? Đó là trái tim gì? Làm sao người dân có thể làm theo lời khuyên của ông Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà là phải khoan hồng Formosa, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”!
Bóng ma Pháp Luân Công
Ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ thành một cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, có ngân sách quân sự chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng việc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công, làm gần hai triệu người Trung Quốc chết oan, và chủ trương mổ lấy nội tạng của họ đã trở thành một “tử huyệt” của chế độ. Trong khi vẫn chưa thoát khỏi bóng ma Cách mạng Văn hóa, thì bóng ma Pháp Luân Công đang nổi lên đòi nợ máu.
Ngày 20/6/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã công bố kết luận điều tra. Theo báo cáo của WOIPFG, ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh của chế độ “nhổ tận rễ” môn tu luyện Pháp Luân Công bằng cách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”. Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng. Ngày 24/6/2016, phát ngôn viên của WOIPFG là Uông Chí Viễn cho biết Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là Trương Cao Lệ đã xác nhận con số bị giết nói trên là hoàn toàn đáng tin. Theo WOIPFG, Trương Cao Lệ không phủ nhận mà còn nói, “Phải ngăn cản truy cứu việc này trong cuộc họp Bộ Chính trị…”
Theo một báo cáo của ba nhà nghiên cứu David Kilgour (cựu quốc vụ khanh và nghĩ sỹ quốc hội Canada), David Matas (luật sư nhân quyền Canada), và Ethan Gutmann (nhà văn Mỹ) đã được cập nhật và công bố (ngày 23/6/2016) với nhan đề “Cập nhật vụ Tàn sát và Thu hoạch Đẫm máu” (An Update to Bloody Harvest and the Slaughter), hơn 1,5 triệu người đã bị chế độ Trung Quốc giết để “thu hoạch” lấy nội tạng một cách hệ thống suốt 15 năm qua, trong đó hầu hết là những người theo Pháp Luân Công bị bắt giam.
Ngày 16/3/2016, Hạ Viện Mỹ đã thông qua “Nghị quyết 343” bày tỏ lo ngại về những báo cáo đáng tin cậy cho rằng nhà nước Trung Quốc đã bảo kê việc “thu hoạch” cưỡng bức lấy nội tạng những tù nhân lương tâm người Trung Quốc mà hầu hết là những học viên Pháp Luân Công và những nhóm thiểu số hay tôn giáo. Tội ác này đã được triển khai một cách âm thầm từ năm 2000 tại hàng trăm bệnh viện và các cơ sở cấy ghép của Trung quốc. Các bác sỹ trong cuộc cho biết nguồn cung cấp nội tạng là một “bí mật quốc gia”.
Kẻ cầm đầu chủ mưu đàn áp Pháp Luân Công một cách “cực kỳ ghê tởm” như tội ác diệt chủng của phát xít Đức là cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân. Những kẻ khác cùng phe với Giang Trạch Dân đã đi đầu thực hiện chủ trương này là Bạc Hy Lai (cựu Bí thư Trùng Khánh) và Chu Vĩnh Khang (trưởng ban Chính pháp). Theo cựu nhà báo Trung Quốc Khương Duy Bình, thì Giang Trạch Dân đã nói với Bạc Hy Lai, “anh phải cho thấy sự bền bỉ của mình trong việc xử lý Pháp Luân Công…nó sẽ là tương lai chính trị của anh”. Một kẻ đầu sỏ khác cũng bị “ngã ngựa” cùng với Bạc Hy Lai và Chu Vính Khang là Lý Đông Sinh (cựu Bộ trưởng Công an) là người phụ trách “Phòng 610” một tổ chức bí ẩn được thành lập ngày 10/6/1999 (ngoài vòng pháp luật) để giám sát việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Nay lý do lớn nhất để Tập Cận Bình hạ bệ Giang Trạch Dân là tội ác kinh khủng đối với học viên Pháp Luân Công. Nhưng nếu truy cứu đến cùng thì vấn đề Pháp Luân Công trở thành con dao hai lưỡi như một tử huyệt đối với chế độ. Sau khi đã xử lý những con hổ dữ như Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang (đã liên kết với Giang trạch Đân định lật đổ Tập Cận Bình, nhưng bị bại lộ do Vương Lập Quân chạy vào Tổng Lãnh sự Quán Mỹ) nên Tập Cận Bình không thể không xử lý siêu hổ Giang Trạch Dân (có tin đã bị bắt ngày 10/6/2016).
Trong số 712 bệnh viện hàng đầu được xác định là trung tâm mổ ghép nội tạng, thì bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân là một điển hình. Năm 2006, họ đã xây dựng thêm một tòa nhà 17 tầng với 500 giường dành riêng cho bệnh nhân ghép nội tạng. Trong mấy năm qua, nhiều người tưởng rằng quy mô “thu hoạch” nội tạng của học viên Pháp Luân Công đã giảm đi đáng kể, nhưng các tác giả của các báo cáo điều tra nói trên phát hiện thấy không phải như vậy. Gutmann nhận xét, “chúng ta đang nhìn thấy một bánh đà khổng lồ mà họ dường như không thể dừng được. Tôi không tin đằng sau đó chỉ là vấn đề lợi nhuận, mà còn là vấn đề ý thức hệ, giết người hàng loạt để che đậy một tội ác khủng khiếp mà cách duy nhất để che đậy là tiếp tục sát hại những người biết về nó”. Nói cách khác là “giết người diệt khẩu”.
Lời cuối: Gã khổng lồ có nhiều tử huyệt
Sự hưng thịnh và suy tàn của một quốc gia có quy luật và thường khó tránh. Trung Quốc cũng vậy, nhưng có đặc thù riêng. Sau giải phóng (1949) chủ trương “Đại Nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa” đã đẩy Trung quốc xuống vực thẳm, với mấy chục triệu người chết oan. Đó là một thảm họa do hệ quả của chủ nghĩa Mao cực đoan. Nhưng điều đáng lo là chủ nghĩa Mao vẫn chưa chết, và bóng ma Cách mạng Văn hóa vẫn còn sống.
Cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn để trấn áp phong trào đòi cải cách và dân chủ đã để lại một vết đen trong lịch sử Trung Quốc, đến nay vẫn chưa được bạch hóa và giải oan. Những nạn nhân của Thiên An Môn gồm hàng vạn sinh viên và người dân Trung Quốc, cùng với các nhân vật chủ trương cải cách như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Oan hồn của Thiên An Môn cùng với oan hồn của Pháp Luân Công đang đòi nợ máu, tạo thành một tử huyệt của chế độ. Giải oan cũng chết mà không giải oan cũng chết.
Trung Quốc là gã khổng lồ có nhiều tử huyệt. Sau ba thập kỷ trỗi dậy thành công về kinh tế một cách ngoạn mục, Trung quốc đang có dấu hiệu suy tàn, có thể dẫn đến khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị. Những bất ổn như đồng tiền mất giá và chứng khoán lao dốc, xuất khẩu đình đốn và suy thoái kinh tế, nguy cơ bong bóng bất động sản và nợ công chồng chất, dòng người và dòng tiền tiếp tục chạy ra nước ngoài, trong khi chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” làm phân hóa sâu sắc nội bộ. Thay đổi cũng chết, mà không thay đổi cũng chết.
Tác giả: Nguyễn Quang Dy 14/7/2016
(Blog Kỳ Duyên)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét