Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016
Bác sỹ đóng cổ phần mua xe cứu thương cho lũ kền kền rỉa xác?*
Hiệu Minh - Bác sỹ đóng cổ phần mua xe cứu thương cho lũ kền kền rỉa xác?*
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Sáu, ngày 15 tháng 7 năm 2016 | 15.7.16
Ảnh cắt từ clip liên quan đến vụ việc bảo vệ "chặn xe cứu thương" xảy ra ở BV Nhi Trung ương.
Giả sử việc khó tin: các bác sỹ đóng cổ phần mua xe cứu thương là có thật, thì việc bảo vệ bệnh viện ở đâu đó chặn không cho xe ngoài vào đón bệnh nhân đã hấp hối và cuối cùng chết tức tưởi, cũng chẳng làm ai ngạc nhiên.
Đọc truyện cổ của phương tây hay có chi tiết hãi hùng trong bệnh viện. Người bệnh chết, xác thối rữa được lũ kền kền và quạ "giải quyết" hậu quả. Dẫu sao chúng làm việc tốt vì chỉ ăn những xác chết và đó là hành động làm sạch môi trường. Nhưng loại kền kền ăn thịt người đang sống mới đáng lo.
Xung đột lợi ích cũng sinh ra kền kền
Giả sử một bác sỹ chuyên chữa ung thư trong một bệnh viện lớn và có dư dật chút tiền nên đầu tư cùng với vài đồng nghiệp mua một máy chiếu xạ giá nửa triệu đô la nhằm phục vụ bệnh nhân do thiết bị của bệnh viện đã quá tải. Thiết bị đó đặt ở một văn phòng trên phố gần đó hoặc đôi khi ngay trong bệnh viện.
Khi có người lâm bệnh ung thư "gần đất xa trời" và bác sỹ tỷ tê, theo bảo hiểm đợi lâu lắm, làm dịch vụ cho nhanh. Hỏi rằng, bác sỹ kia có khuyên bệnh nhân đi chiếu xạ ở cái máy mà do chính ông ta mua để lại vốn và sau đó là lãi? Chưa kể ông ta kết hợp với cửa hàng thuốc phía ngoài bệnh viện và kê đơn chỉ mua tại đó, nhà thuốc sẽ chi phần trăm lại quả.
Có ca mổ một bệnh nhân mắc bệnh tim. Khi đã phanh ngực bệnh nhân trên bàn mổ với máu me đầm đìa thì vị bác sỹ alo ra cho người nhà đang đợi hung tin. Phải thay van tim, giá van Tầu 50 triệu, van Mỹ 80 triệu, gia đình chọn loại gì? Van tim đó do chính các bác sỹ "đầu tư nội bộ" và giá gốc thì trời biết.
Xung đột lợi ích nhằm vào nỗi đau nhân thế đúng lúc bệnh nhân mê man thì người nhà còn lựa chọn nào khác. Chả lẽ khâu ngực lại và mang xác về?
Nếu tin về các bác sỹ đóng cổ phần mua xe cứu thương là đúng, thì việc bảo vệ bệnh viện chặn không cho xe ngoài vào đón bệnh nhi đã hấp hối và cuối cùng cháu chết tức tưởi, cũng chẳng làm ai ngạc nhiên.
Sự vô cảm bởi xung đột lợi ích sinh ra tiền: không mất tiền thuê mặt bằng, bác sỹ khám, bác sỹ kê đơn theo nhà thuốc, bác sỹ chỉ định máy cần dùng, chỉ định xe cứu thương và đôi khi lệnh tận nhà xác.
Kền kền trong bệnh viện không phải là chuyện trong cổ tích nữa, chúng ăn thịt cả người đang sống.
Giải quyết thế nào?
Xã hội hóa dịch vụ y tế đã bị hiểu nhầm là ai cũng có thể đầu tư mua xe cứu thương như anh thất nghiệp mua cái xe ôm rồi đứng đường đợi khách, dựa trên hạ tầng có sẵn của nhà nước do cơ chế bệnh viện hiện nay, công tư không rõ ràng.
Tư nhân hóa nghĩa là tư nhân đầu tư hoàn toàn, nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý cho tư nhân hoạt động như cấp phép hành nghề, kiểm soát dịch vụ, thực thi chế tài và mục đích cuối cùng là thu thuế. Bác sỹ đã đăng ký làm tư thì không thể làm bệnh viện công trừ phi được thuê cho một ca đặc biệt.
Hệ thống y tế hoàn hảo thì bác sỹ có giấy phép hành nghề được mở phòng mạch tư, tự thuê phòng khám, đầu tư thiết bị, tự khám chữa bệnh, tự chịu trách nhiệm với bảo hiểm và luật pháp, thu nhập được đóng thuế đầy đủ, thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Rất có thể phòng mạch ấy sau vài thập kỷ thành bệnh viện tư nổi tiếng thế giới. Mọi sáng tạo, giải thưởng Nobel từ đó mà ra.
Tại Mỹ có những khu nhà riêng được xây dựng và thiết kế để cho các bác sỹ chuyên môn sâu thuê để hành nghề thường được gọi là Dr. House (nhà của bác sỹ). Nhà đầu tư xây Dr. House phải nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu thuê của bác sỹ trong vùng nếu không muốn bị phá sản.
Bác sỹ thuê mặt bằng trong đó cũng phải rất thận trọng nghiên cứu nhu cầu của bệnh nhân có cần ông ta hay không. Hệ thống đánh giá online do bệnh nhân thực hiện giúp cho biết ai được 5*, ai được 3*.
Giáo dục tư nhân cũng như y tế tư nhân thì giá đắt nhưng tiền nào của ấy. Tại đó không thể có chuyện xung đột lợi ích bởi "nền tảng công" không còn.
Mua thuốc thế nào?
Tôi khám bệnh định kỳ hàng năm, tới bác sỹ gia đình được khuyên phải đi chữa răng, cho một số tên và bệnh nhân tự chọn. Có thể tôi không chọn những bác sỹ đó mà vào mạng tìm một người gần nhà, được nhiều *. Nếu đã quá tải bệnh nhân thì tôi sẽ tìm người kế tiếp.
Hệ thống cửa hàng có bán thuốc như CVS, Walmart, Rite Aid, Walgreens… thường được bác sỹ hỏi bệnh nhân muốn mua ở đâu để họ kê đơn (viết tay và online). Cửa hàng nhận được đơn thuốc sẽ chuẩn bị và khi nào xong sẽ gọi điện để ra lấy thuốc.
Giá thuốc có thể khác nhau chút do giá thuê cửa hàng tại nơi đó nhưng không thể một trời một vực vì người bệnh đủ thông minh để tìm giá thấp nhất cho mình sau khi cộng thêm giá xăng phải đi xa và công bỏ ra.
Bệnh nhân chỉ cần nhìn vào giá thuốc mua tại các cửa hàng, đơn kê của bác sỹ, rồi thấy bệnh thuyên chuyển… họ sẽ đánh giá đâu là dịch vụ họ cần. Cái đơn của bác sỹ cũng là một chứng cứ để kiện bác sỹ nếu làm sai. Ra tòa rồi thì hoặc anh phá sản hoặc anh mất hết.
Dịch vụ xe cứu thương
Bin Laden tấn công nước Mỹ vào ngày 11-9 (viết ngược theo người Mỹ là 9-11). Số 911 chính là số cấp cứu của toàn bộ nước Mỹ. Khi có chuyện chẳng lành người ta quay 911, người nghe máy sẽ hỏi nơi gọi, ai gọi, gọi về việc gì.
Có người chỉ quay được 911 rồi gục xuống. Hệ thống sẽ tự động tìm ra (90%) cuộc gọi đang ở vị trí nào do hệ thống GPS, smartphone hiện nay và do các số phone phải trả tiền đăng ký với dịch vụ 911 với giá vài đô la/tháng. Khó nhất là trong khu nhà cao tầng, biết được ở tầng nào, phòng nào, quả là thách thức.
Hệ thống 911 nối với bên cảnh sát chữa cháy, báo sự cố ở đâu. Nếu ở xa quá và nguy cấp họ có thể gửi máy bay trực thăng cũng thuộc bên 911.
Xe hụ còi mang theo cảnh sát, bác sỹ, xe cấp cứu, kể cả búa, kìm phá khóa, đề phòng người ở trong không mở cửa được. Thậm chí nếu biết rõ số phone đăng ký của người gọi họ còn biết chính xác bác sỹ gia đình của người đó để tiện liên lạc về lịch sử sức khỏe, số bảo hiểm để biết giá, thậm chí biết cả công ty tang lễ mà người này đã đăng ký.
Tất cả dịch vụ này đều phải trả tiền, hoặc do túi cá nhân, hoặc do bảo hiểm, hoặc nghèo quá thì do các nhà hảo tâm thông qua chương trình nhân đạo thanh toán.
Khi xuất viện có thể dùng xe cấp cứu dịch vụ, hoặc đi taxi, hoặc do người nhà đón, hoặc tự đi nếu không liên quan đến thuốc mê phải có trợ giúp của người khác.
Lời kết
Ở Hà Nội, tôi nói chuyện với hai bác sỹ chuyên ngành về tim và ung thư của hai bệnh viện khác nhau ở hai thời điểm khác nhau. Họ đều tâm tư, còn nhiều bác sỹ, y tá đều "lương y kiêm từ mẫu" nhưng đang mong manh đứng trên bờ vực.
Nếu không thay đổi ngành y, dư luận mạng XH hội đừng vơ đũa cả nắm, thì số bước vào bùn sẽ ngày một nhiều hơn. Báo chí và dư luận xã hội cần phải công bằng với những người này.
Muốn cho dịch vụ y tế tốt thì bác sỹ chỉ khám bệnh, y sỹ cấp thuốc, y tá phục vụ, người bảo vệ chỉ trông coi bệnh viện, người lo chạy xe cấp cứu chỉ lo đưa đón và người làm nhà xác chỉ lo dịch vụ cuối cùng cho người chết.
Nói một cách khác, xã hội vận hành tốt nếu mỗi người làm đúng chức năng của mình.
*Tựa đề do TTHN đặt, gốc "Từ vụ chặn xe cứu thương: Làm sao bớt "kền kền" trong bệnh viện?"
Hiệu Minh
(Soha)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét